Đặc thù của thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam

"Nơi không có quyền lực cộng đồng thì không có pháp luật, nơi không có pháp luật thì không có gì gọi là công bằng".

Oliver Wendell Holmes, 1809 - 1894, bác sỹ, nhà thơ, học giả, người Mỹ

Đặc thù của thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam

Dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp không chỉ là đưa ra ý kiến, mà luật sư còn giúp khách hàng trong rất nhiều công việc liên quan đến pháp luật. Điều đó khiến cho nghề luật sư trở thành một trong những nghề cao quý, được xã hội tôn trọng.

Thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam có đặc thù: các tổ chức hành nghề có quy mô nhỏ nhưng học hỏi được nhiều điểm tiến bộ của thế giới; thiếu luật sư am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế; có sự tham gia của tổ chức luật sư nước ngoài; phạm vi hành nghề luật sư rất rộng, mang lại giá trị lớn cho khách hàng và xã hội; ngoài sự điều tiết của cơ chế thị trường, hành nghề luật sư còn được điều tiết bởi pháp luật và quy tắc đạo đức nghề luật sư, mang tính nhân văn sâu sắc.

Liên hệ

I- SỰ RA ĐỜI CỦA THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM 

Nghề luật sư đã xuất hiện tại Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám, trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Nam Kỳ. Khởi nguồn của nghề luật sư từ việc toàn quyền Pháp ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các Tòa án Pháp vào ngày 26/11/1867. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945. Đây là văn kiện pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam công nhận và quy định hành lang pháp lý của nghề luật sư tại Việt Nam cũng như các điều kiện để công nhận luật sư.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam vào thời điểm đó chỉ mới nhìn nhận nghề luật sư trên phương diện là người giữ vai trò bào chữa cho bị can, bị cáo tại các phiên tòa, mà chưa thật sự ghi nhận vai trò tư vấn các vấn đề về pháp lý của luật sư. Ngoài ra, vào thời điểm đó do chưa có sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường và pháp luật cũng chưa thừa nhận nghề luật sư như là một nghề cung cấp dịch vụ nên thị trường dịch vụ pháp lý chưa hình thành.

Cho đến năm 1987, với sự ra đời của Pháp lệnh Tổ chức luật sư đầu tiên, nghề luật sư và vai trò cung cấp dịch vụ pháp lý với nhiều lĩnh vực: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác (Điều 13), mới chính thức được ghi nhận. Theo Điều 13 Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987, các hình thức giúp đỡ pháp lý của luật sư bao gồm: việc tư vấn pháp luật cho các tổ chức kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân, kể cả các tổ chức kinh tế nước ngoài. Đây là văn bản pháp luật quan trọng đánh dấu sự thừa nhận đầu tiên của pháp luật Việt Nam đối với dịch vụ pháp lý của luật sư, mở đường cho sự ra đời của dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý của luật sư tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, vào thời điểm Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 ra đời, nền kinh tế của Việt Nam chỉ mới ở “ngưỡng cửa” chuẩn bị cho việc mở cửa đất nước, hội nhập kinh tế và các yếu tố kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân chỉ ở mức độ sơ khai, thị trường dịch vụ pháp lý của luật sư chính vì vậy cũng chưa thể hiện rõ nét. Chỉ sau khi nền kinh tế của Việt Nam bước vào quá trình mở cửa cùng với sự thừa nhận của pháp luật Việt Nam đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thành phần kinh tế tư nhân, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn khởi sắc và có bước phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống pháp luật Việt Nam sau đó vài lần được bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đối với nghề luật sư, bao gồm: Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012 để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ luật sư tại Việt Nam.

Theo các văn bản pháp luật ngày, pháp luật việt Nam chính thức quy định hành lang pháp lý để thành lập các tổ chức hành nghề luật sư dưới hình thức văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh (tại Pháp lệnh luật sư năm 2001) và sau đó là thêm hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn (tại Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012). Tất cả những văn bản này đã góp phần làm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest 

II- CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ TẠI VIỆT NAM CÓ QUY MÔ NHỎ

Tại các quốc gia có nền tư pháp lâu đời như Anh. Pháp, Mỹ, Đức... thị trường dịch vụ pháp lý có sự tham gia của nhiều công ty luật (hãng luật) có bề dày lịch sử phát triển, có công ty con và chi nhánh được thành lập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các công ty luật này thường có tuổi đời từ hàng chục năm cho đến hàng trăm năm, với số lượng nhân sự rất lớn, có thể lên đến hàng ngàn luật sư và nhân viên hỗ trợ.

Tại Việt Nam, xuất phát từ thực tế là các cơ sở pháp lý để thành lập tổ chức hành nghề luật sư chỉ mới xuất hiện từ khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực thi hành, các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam vì vậy cùng có thời gian thành lập và hoạt động chưa dài. Hiện nay, phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam chỉ tồn tại ở quy mô vừa và nhỏ. Cơ cấu tổ chức thông thường của các tổ chức hành nghề luật sư tại việt Nam là văn phòng/công ty thường chỉ có một hoặc một số luật sư thành viên đảm nhiệm việc tìm kiếm khách hàng và phụ trách các vấn đề chuyên môn của vụ việc.

Dưới trưởng văn phòng hoặc luật sư thành viên (có nơi gọi là luật sư cộng sự) là các luật sư hoặc trợ lý trực tiếp thực hiện công việc theo sự phân công của trưởng văn phòng hoặc luật sư thành viên. Có thể nói, quy mô và phạm vi lĩnh vực tư vấn của tổ chức hành nghề luật sư phụ thuộc rất nhiều vào số lượng các luật sư thành viên trong tổ chức. Do phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư không có nhiều luật sư thành viên, nên có quy mô không lớn và phạm vi cung cấp dịch vụ cùng có nhiều hạn chế. Điều này phần nào khiến cho các tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam khó cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xu thế hợp tác cùng phát triển, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều công ty, văn phòng luật có quy mô lớn hơn với số lượng luật sư và nhân viên hỗ trợ lên đến hàng trăm người. Điểm khác biệt so với các tổ chức hành nghề luật sư truyền thống trước đây là các công ty này có sự tập hợp của nhiều luật sư thành viên với chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của các công ty luật này cùng có sự phân tầng và cấp bậc cụ thể hơn. Mỗi luật sư thành viên sẽ quản lý từ 02 đến 03 nhóm luật sư độc lập hoặc nhiều hơn, mỗi nhóm luật sư sẽ do các luật sư cao cấp - là những luật sư có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm phụ trách và lãnh đạo nhóm. Dưới luật sư cao cấp là các luật sư và trợ lý luật sư trực tiếp thực hiện công việc. Với cơ cấu tổ chức phân chia nhiều tầng và xây dựng các nhóm luật sư độc lập như vậy, các công ty luật này có khả năng cùng một lúc hoạt động ở nhiều lĩnh vực, xử lý đồng thời nhiều vụ việc và mở rộng quy mô ở mức độ lớn với số lượng luật sư và nhân viên đông đảo.

Mặc dù số lượng các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn tại Việt Nam còn rất ít, tuy nhiên, theo xu thế phát triển ngày càng sôi động của thị trường và xu thế đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư nhằm thu hút khách hàng, thị trườngndịch vụ pháp lý tại Việt Nam hứa hẹn sẽ cho ra đời ngày càng nhiều tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, đủ sức cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư quốc tế có văn phòng tại Việt Nam.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ VIỆT NAM HỌC HỎI NHANH CÁC ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SƯ CỦA THẾ GIỚI

Mặc dù không có được lợi thế của một nền pháp lý lâu đời như các quốc gia phát triển, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam lại có lợi thế khi ra đời trong bối cảnh đất nước hội nhập và làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đang ào ạt vào Việt Nam sau khi Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới.

Do không bị chi phối bởi nền tảng lâu đời, các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam dễ dàng tiếp nhận và học hỏi nhiều điểm tiến bộ của các hệ thống pháp lý khác nhau trên thế giới để đưa vào áp dụng trong thực hiện quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, qua đó giúp cho việc cung cấp dịch vụ pháp luật cho khách hàng chuyên nghiệp và hiểu quả hơn.

Việc áp dụng có chọn lọc nhiều tư tưởng pháp lý tiến bộ của nước ngoài vào thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam cũng giúp cho các cơ quan nhà nước có cơ sở tham chiếu khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc vận dụng các quy phạm pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo các quy định được ban hành phù hợp với thực tế và hợp tình, hợp lý.

Các điểm tiến bộ của thị trường dịch vụ pháp lý nước ngoài được các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam học hỏi và vận dụng trong thực tế tại Việt Nam rất đa dạng, từ cách thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cung cách ứng xử, giao tiếp, trang phục, cho đến những chi tiết trong công việc tư vấn pháp luật như cách thức, văn phong soạn thảo các tài liệu, văn bản, hợp đồng. Điều này giúp cho thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam rút ngắn được thời gian phát triển, sớm bắt kịp mức độ chuyên nghiệp và hiểu quả khi so sánh với các thị trường dịch vụ pháp lý ở các quốc gia phát triển khác.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest

IV- THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM CÓ SỰ THAM GIA CỦA CÔNG TY LUẬT (HÃNG LUẬT) NƯỚC NGOÀI

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ mở cửa để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong một số ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ pháp lý. Cam kết này của Việt Nam được nội luật hóa và đưa vào thực hiện trên thực tế thông qua Luật luật sư năm 2006. Theo đó, quy định cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư. Kể từ thời điểm đó đến nay, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam đón nhận ngày càng nhiều sự góp mặt của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia có nền tư pháp phát triển.

Sự góp mặt của các tổ chức luật sư nước ngoài đã đem lại luồng gió mới cho thị trường dịch vụ pháp luật tại Việt Nam. Tính chuyên nghiệp, bề dày lịch sử lâu đời và kinh nghiệm cung cấp dịch vụ pháp lý ở phạm vi rộng, lớn là những điểm mạnh của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Với những lợi thế đó, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam.

Điều này tạo nên thách thức không nhỏ cho những tổ chức hành nghề luật sư trong nước, khi mà phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư trong nước chỉ là các tổ chức có quy mô vừa và nhỏ và chưa có bề dày phát triển, chưa nhận được nhiều sự tín nhiệm từ các khách hàng lớn trong nước và khách hàng nước ngoài.

Sự xuất hiện của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài mang đến cho các tổ chức hành nghề luật sư trong nước cơ hội tiếp xúc với cách thức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, hiện đại của quốc tế, tạo ra động lực giúp các tổ chức hành nghề luật sư trong nước không ngừng hoàn thiện và phát triển. Các tổ chức hành nghề luật sư trong nước học hỏi những ưu điểm trong cách thức cung cấp dịch vụ của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và vận dụng sáng tạo vào quá trình hành nghề. Thực tế này giúp cho các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật mang tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp nhưng vẫn phù hợp với điều kiện về chi phí của các cá nhân, tổ chức trong nước.

Bên cạnh dó, sự phát triển về số lượng của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại việt Nam tạo ra cơ hội quý giá cho các luật sư trẻ thử sức bản thân. Khi làm việc tại các tổ chức này, các luật sư trẻ sẽ được rèn luyện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, được trải nghiệm văn hóa, giao tiếp và ứng xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Trải qua quá trình làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, các luật sư Việt Nam có thể tự tin khởi nghiệp riêng hoặc tham gia quản lý các công ty luật danh tiếng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư của Việt Nam. Ngoài ra, các luật sư có năng lực và trình độ còn có cơ hội được học hỏi, nâng cao kỹ năng, kiến thức, cọ xát với môi trường làm việc quốc tế khi được cử đi đào tạo tại chi nhánh của các công ty luật nước ngoài ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

V- THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ CÓ QUY MÔ NHỎ NHƯNG ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ

Dù ở bất kỳ quốc gia nào thì thị trường dịch vụ pháp lý vẫn luôn là một trong những chất xúc tác không thể thiếu giúp cho nền kinh tế hoạt động thông suốt và hiệu quả. Nhận định này đúng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển thần tốc. Cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều doanh nghiệp mới và sự tăng trưởng cả về chất và lượng của các giao dịch trong nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, thị trường dịch vụ pháp lý dần trở thành một trong những thị trường quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù những đóng góp của ngành dịch vụ dịch vụ pháp lýkhông thể hiện cụ thể bằng các con số ấn tượng như những ngành, nghề, lĩnh vực khác của nền kinh tế nhưng vai trò và sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực dịch vụ pháp lý là không thể phủ nhận.

Một thực tế tất yếu là mọi cá nhân, tổ chức muốn triển khai hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ theo dòng các quy định của pháp luật có liên quan, các giao dịch trong nền kinh tế cùng phải được thực hiện trong khuôn khổ hành lang pháp lý do Nhà nước quy định.

Các thương nhân có thể hiểu biết và nắm vững lĩnh vực ngành, nghề chuyên môn mà họ đang hoạt động nhưng để đảm bảo cho qua trình kinh doanh, giao dịch đạt được kết quả tốt thì cần có các ý kiến tư vấn pháp luật từ các luật sư để dự liệu được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra và phương án thích hợp cho doanh nghiệp. Sự cần thiết của thị trường dịch vụ pháp lý càng trở nên rõ nét hơn khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam do đến từ các quốc gia khác nên họ khó có khả năng nắm rõ các quy định pháp luật của Việt Nam.

Với tính chất đặc thù của dịch vụ pháp lý, luật sư có thể được ví như “bác sĩ" đã xử lý những “căn bệnh pháp lý" của các cá nhân, tổ chức, được ví là “kiến trúc sư" để kết nối các quy định pháp luật với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong xã hội. Vai trò của dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý là nhằm giúp cho sự phát triển của nền kinh tế được ổn định và bền vững.

Xu thế phát triển của Việt Nam đối với các ngành dịch vụ pháp lý là ngày càng mở rộng và đề cao vai trò của các dịch vụ pháp lý của luật sư. Bắt đầu từ sự ra đời của Pháp lệnh luật sư năm 2001, sau đó là Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012, các quy định của pháp luật ngày càng tạo ra khung pháp lý rộng hơn, đa dạng hơn cho dịch vụ pháp lý, giúp thị trường dịch vụ pháp lý trở nên sôi động hơn.

Cùng với sự thay đổi về thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam, doanh thu của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam được dự đoán số không ngừng tăng trong những năm tới. Điều này có thể giúp cho thị trường dịch vụ pháp lý trong tương lai không xa, không chỉ là “cánh tay phải” hỗ trợ đắc lực cho những lĩnh vực khác mà còn có thể trở thành một trong những thị trường/lĩnh vực chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam.

Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân

VI- DỊCH VỤ PHÁP LÝ TẠI VIỆT NAM CHỊU SỰ ĐIỀU TIẾT CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG, QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC, ỨNG XỬ NGHỀ LUẬT SƯ

Hoạt động hành nghề của luật sư, hiểu một cách khái quát là việc luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Với bản chất là cung ứng dịch vụ, hoạt động hành nghề luật sư và thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam cùng chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường như các lĩnh vực dịch vụ khác trong nền kinh tế.

1- Dịch vụ pháp lý bị chi phối bởi cơ chế thị trường

Cơ chế thị trường được hiện là tổng thể các yếu tố có liên quan đến thị trường, bao gồm cung, cầu, giá cả cùng các mối quan hệ cơ bản vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh nhằm hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Sự chi phối của cơ chế thị trường đối với hoạt động hành nghề của luật sư và thị trường dịch vụ pháp lý tại việt Nam thể hiện ở những điểm sau:

(i) Mặc dù được xem như là một nghề cao quý. mang tính nhân văn cao cả, nghề luật sư nói chung và dịch vụ pháp lý nói riêng về bàn chất vấn mang tính dịch vụ để phục vụ khách hàng. Trên phương diện là dịch vụ, công việc của luật sư phải thỏa mãn được mong đợi của khách hàng và làm khách hàng hài lòng thì khách hàng mới tiếp tục sử dụng dịch vụ và trả thù lao cho luật sư. Trong bối cảnh số lượng các tổ chức hành nghề luật sư tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng, sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề luật sư nhằm giữ và thu hút khách hàng, chính vì vậy mà càng trở nên mạnh mẽ, sôi động và chuyên nghiệp hơn.

Cách thức cạnh tranh không chỉ dừng lại ở việc đưa ra mức phí dịch vụ hấp dẫn mà các tổ chức hành nghề luật sư còn phải đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng, chẳng hạn như phải giải quyết công việc khách hàng trong thời gian ngắn theo thỏa thuận, làm việc ngoài giờ hành chính, chấp nhận giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp để làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó. các tổ chức (tư vấn phải thường xuyên có các hoạt động chuyên môn và xã hội) nhằm quảng bá và nâng cao thương hiệu, uy tín cho tổ chức và luật sư.

(ii) Dưới tác động của cơ chế thị trường, sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng dẫn đến sự gia tăng về số lượng các luật sư trong những lĩnh vực đó. Trước đây, khi nền kinh tế của Việt Nam chưa phát triển, các luật sư cung cấp dịch vụ thường tập trung nhiều ở các lĩnh vực truyền thống như dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và các giao dịch kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, hiện nay khi nhiều lĩnh vực mới trong nền kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ như tài chính, chứng khoán, thuế, sở hữu trí tuệ, đầu tư... thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam ngày càng chào đón nhiều luật sư mới tham gia trong các lĩnh vực này.

2- Dịch vụ pháp lý bị chi phối bởi các nguyên tắc hành nghề luật sư 

Tuy nhiên, khác với các thị trường dịch vụ khác, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, bên cạnh chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường, còn bị ràng buộc và chi phối bởi các nguyên tắc hành nghề luật sư được quy định tại Luật luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Nguyên nhân xuất phát từ bàn chất của nghề luật sư là một nghề đặc thù so với các ngành, nghề khác với mục tiêu cao cả là để giúp đỡ và bảo vệ mọi người, hướng mọi người đến cải thiện và tuân thủ pháp luật nhằm mục đích xây dựng một xã hội công bằng. Chính bởi sự chi phối của các quy định và quy tắc đạo đức này, thị trường dịch vụ pháp lý hoạt động có một số ràng buộc và hạn chế nhất định, chẳng hạn như:

(i) Trong cơ chế thị trường, giá dịch vụ số phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên "thuận mua vừa bán" để các bên cùng có lợi. Khách hàng có thể thỏa thuận với bên cung cấp dịch vụ về phương thức tính phí và cách thức thanh toán mà khách hàng mong muốn và cảm thấy thỏa đáng nhất. Trên thực tế, rất nhiều khách hàng có thể đề nghị luật sư tính thù lao căn cứ theo kết qua vụ việc, ví dụ như tính trên giá trị giao dịch thành công của khách hàng hoặc chi trả thù lao khi vụ việc thành công theo yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, cách thức tính phí như vậy sẽ không được phép áp dụng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý tại Việt Nam. Bởi lẽ, Luật luật sư chỉ quy định cho phép tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thỏa thuận thù lao theo các cách thức: tính theo giờ làm việc của luật sư. thù lao trọn gói, tính theo phần trăm giá trị hợp đồng hoặc dự án hoặc hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định. Ngoài ra, quy định pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư cùng không cho phép luật sư được cam kết bảo đảm kết quả của vụ việc với mục đích để tính thù lao theo kết quả cam kết.

(ii) Luật sư cũng không được phép cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong trường hợp có xung đột lợi ích giữa khách hàng mới với khách hàng hiện tại của tổ chức hành nghề luật sư hoặc giữa khách hàng và luật sư, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó..?. Theo quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Trong những trường hợp xảy ra xung đột lợi ích như vậy, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phải từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Quy định này là bắt buộc đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư kể cả trong trường hợp khách hàng rất muốn được tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ và chấp nhận khả năng xảy ra xung đột lợi ích. Trên thực tế, tại thị trường dịch vụ pháp lý hiện nay, các tổ chức hành nghề luật sư đều đã dần dần hệ thống hóa dữ liệu về khách hàng và vụ việc mà tổ chức hành nghề luật sư đang cung cấp trên hệ thống mạng máy tính để tra cứu về khả năng xung đột lợi ích của khách hàng trước khi chấp nhận cung cấp dịch vụ pháp lý;

(iii) Do chịu sự tác động của cơ chế thị trường và vì mục đích lợi nhuận, sự cạnh tranh giữa các luật sư, tổ chức hành nghề trong thị trường dịch vụ pháp lý là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với các thị trường dịch vụ khác, cách thức cạnh tranh của các luật sư, tổ chức hành nghề trong thị trường dịch vụ pháp lý có nhiều ràng buộc nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính đúng đắn và giữ gìn đạo đức của nghề luật sư. Một số hạn chế về cạnh tranh mà các luật sư, tổ chức hành nghề trong thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam không được phép làm có thể kể đến như:

- So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác;

- Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp dễ nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiểu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp;

- Trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.

Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

VII- THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ THIẾU LUẬT SƯ TƯ VẤN PHÁP LUẬT GIỎI NGOẠI NGỮ, AM HIỂU PHÁP LUẬT, THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở mức mạnh mẽ chưa từng thấy. Từ sau khi mở cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam và ký kết rất nhiều hiệp định hợp tác thương mại với các quốc gia, khu vực, thế giới và gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với việc đưa ra các cam kết trên bình diện quốc tế, Việt Nam cùng ban hành nhiều quy định pháp luật tiến bộ và áp dụng nhiều chính sách thông thoáng có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển ngoại thương trong nền kinh tế.

Chính các chủ trương, chính sách hiểu quả và kịp thời nêu trên là làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chính phú Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Không chỉ vậy, với sự tích lũy tài chính và kinh nghiệm kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam dần dần chuyển mình trở thành các tập đoàn kinh tế lớn với nhiều hoạt động kinh doanh ở tầm quốc tế.

Cùng với sự hội nhập quốc tế và việc mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài là thách thức về sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế và có trình độ ngoại ngữ để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp không chỉ đối với lĩnh vực thương mại, đầu tư tại Việt Nam mà cả ở các nước khác và trên thế giới.

Hiện nay, nguồn cung đối với lực lượng luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý đáp ứng những yêu cầu như vậy tại Việt Nam vẫn còn thiếu hụt cả về mặt chất và lượng và chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam. Nếu các vấn đề pháp lý chỉ phát sinh tại Việt Nam, các luật sư Việt Nam có thể phần nào đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì đối với các vấn đề pháp lý tại nước ngoài hoặc trên bình diện quốc tế, hầu hết các luật sư Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hiện vẫn chỉ có thể dựa vào dịch vụ pháp lý đến từ các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài để giải quyết. Đây thực sự là một thị trường rất mới mẻ và đầy tiềm năng phát triển đối với các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Việc xây dựng một đội ngũ luật sư vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, giỏi ngoại ngữ, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế. Có đủ khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các cơ quan của Chính phủ, ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước là một trong những mục tiêu hàng đầu được đề ra trong Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020" đã được phê duyệt tại Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên tinh thần của Đề án và nhằm hướng đến mục đích giải quyết vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực hội nhập quốc tế, trong công tác đào tạo hiện nay, nhiêu trường đại học và cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã và đang tiến hành xây dựng các khóa học, chương trình đào tạo chất lượng cao, giảng dạy nhiều môn học bằng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, đồng thời liên kết với các trường đại học nước ngoài đến sinh viên luật có thể tiếp cận và có kiến thức pháp luật tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới.

Chính sách đầu tư vào nguồn nhân lực luật sư hội nhập quốc tế cùng với những giải pháp kịp thời nêu trên được kỳ vọng sẽ góp phần trong việc đảm bảo cho thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam và trong tương lai không xa đáp ứng được nhu cầu về lực lượng luật sư tư vấn pháp luật có chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế.

Xem thêm: Quy trình tư vấn pháp luật

VIII- THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ CÓ NHIỀU HOẠT ĐỘNG MANG TÍNH NHÂN VĂN SÂU SẮC

Thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam là thị trường dịch vụ chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường, hướng đến mục tiêu lợi nhuận; tuy nhiên, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam vấn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ xã hội và những người có hoàn cảnh khó khăn mang tính nhân văn sâu sắc. Các hoạt động này không chỉ xuất phát từ giá trị đạo đức thiêng liêng của nghề luật sư, là nghề bảo vệ các giá trị công bằng, dân chủ và tôn nghiêm pháp luật, mà còn xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái. Lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

Sự ra đời của Luật trợ giúp pháp lý qua các thời kỳ đã tạo nền tảng vững chắc cho giá trị nhân văn của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam. Luật luật sư củng cố quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý (miễn phí) của luật sư. Theo đó, luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý (miễn phí) cho người nghèo và một số đối lượng khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Khi được trợ giúp pháp lý, những người thuộc đối lượng trợ giúp pháp lý sẽ không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác cho luật sư.

Mặc dù vận hành với mục tiêu lợi nhuận, thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam vẫn đảm bảo các giá trị đạo đức thiêng liêng của nghề luật sư và trách nhiệm của luật sư đối với cộng đồng. Đồng thời, hoạt động này còn góp phần tạo sự tin cậy của cộng đồng và xã hội đối với nghề luật sư, thúc đẩy và giúp cho thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam phát triển bền vững, giữ vững được vai trò quan trọng của thị trường dịch vụ pháp lý trong nền kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam.

Xem thêm: Thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Đặc thù của thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.02792 sec| 1206.086 kb