Điều tra vụ án hình sự - Đặc điểm hoạt động giáo dục
Trong giai đoạn điều tra, điều tra viên cũng đã bắt đầu thực hiện chức năng giáo dục. Tuy nhiên chức năng giáo dục này chỉ được biểu hiện ở một số hướng cơ bản dưới đây:
- Trong khi tiến hành điều tra, mỗi một cử chỉ, hành vi của điều tra viên cần được cân nhắc và mang tính giáo dục nhất định. Có như vậy cuộc hỏi cung mới có kết quả tích cực. Điều tra viên có thể cung cấp các tin tức bổ sung cho người làm chứng, người bị hại, hoặc gợi ý, động viên họ để họ đánh giá, giải thích đúng nội dung sự kiện, cũng như các hiện tượng xoay quanh sự kiện;
- Hoạt động giáo dục của điều tra viên nhằm loại bỏ những tổn thương về tinh thần ở người bị hại và người làm chứng. Bởi vì, hành vi của bị can có thể gây ra cho những người này những trạng thái tâm lý tiêu cực;
- Chức năng giáo dục của điều tra viên thể hiện rõ nét trong hoạt động đấu tranh với bị can buộc họ phải khai báo sự thật, từ bỏ con đường phạm tội, khắc phục các hậu quả đã gây ra...
Hoạt động giáo dục của điều tra viên chủ yếu hướng đến quá trình cảm hóa bị can. Xuất phát từ đặc điểm của giai đoạn điều tra mà điều tra viên xây dựng các phương pháp tác động giáo dục của mình đối với bị can.
Hoạt động giáo dục thực hiện chủ yếu các nhiệm vụ sau:
- Trong giai đoạn điều tra cần phải xây dựng cơ sở cho các hoạt động giáo dục sau này. Sự hình thành cơ sở giáo dục cho các giai đoạn hoạt động tư pháp khác có thể biểu hiện bằng sự thu thập thông tin cần thiết để tổ chức quá trình giáo dục tiếp theo của Toà án và của các tổ chức xã hội khác được giao nhiệm vụ giáo dục người phạm tội. Điều tra viên cũng cần thu thập những thông tin cần thiết về: cá nhân bị can để cung cấp cho các cơ quan sẽ tiếp tục giáo dục họ, đó là những thông tin về phẩm chất cá nhân của bị can, về các thói quen, phẩm chất tiêu cực của nó; môi trường xung quanh tác động đến các phẩm chất tiêu cực của bị can;
- Sự tác động của điều tra viên cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với bị can. Sự tác động này cần nhằm khơi dậy trong bị can cảm xúc về tội lỗi của mình. Sự đối xử công bằng, lịch sự và nhân đạo của điều tra viên sẽ kích thích sự suy nghĩ của bị can về lỗi của mình, sẽ làm cho họ phân tích đúng đắn các sai lầm của mình, vạch ra các phẩm chất tiêu cực mà mình mắc phải, đồng thời suy nghĩ đúng về hình phạt mà Toà án sẽ áp dụng đối với họ;
- Khi phân tích hành vi phạm tội của bị can, điều tra viên cần chú ý thận trọng khi rút ra kết luận về tính chất nghiêm trọng của tội phạm, về nguyên nhân phạm tội, động cơ phạm tội của họ. Điều tra viên phải tạo cho bị can ý thức tự phê phán bản thân. Tức là phải kích thích để họ tự lên án hành vi phạm tội mà họ gây ra, hiểu đúng đắn các nguyên nhân phạm tội và động cơ phạm tội.
Chức năng giáo dục của điều tra viên đối với bị can có thể là sự công khai tranh luận về các tình tiết của vụ án, song cũng có thể bí mật nêu ra các câu hỏi và giải đáp các câu hỏi của nhau. Thông thường là bị can tự đấu tranh với bản thân họ, điều quan trọng là điều tra viên phải nắm bắt được các trạng thái này, để tạo cho “con người chân chính” trong bị can chiến thắng. Để tác động giáo dục đối với bị can, điều tra viên còn có thể thông qua những sự việc, hiện tượng và các nguồn thông tin khác. Bởi vì, nhiều khi sự thuyết phục của điều tra viên lại không đem lại kết quả, song nếu điều tra viên biết sử dụng những sự việc, thông tin có giá trị thuyết phục đối với bị can thì sẽ có những chuyển biến tốt hết sức bất ngờ. Ví dụ nêu tấm gương của người thân để khơi dậy trong bị can niềm tự hào về gia đình để rồi họ mạnh dạn, quyết tâm sửa chữa sai lầm.
Vấn đề kích thích, tác động khơi dậy lòng tự trọng và nguyện vọng tự giáo dục của bị can là một quá trình phức tạp song có thể thực hiện được. Trong bất kỳ quá trình cảm hoá nào, sự giáo dục cũng có hai bước phát triển - quá trình cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thói quen; quá trình tự giáo dục một cách tích cực, sáng tạo sử dụng các tri thức, kinh nghiệm và thói quen mới. Nếu như không có quá trình tự cải tạo thì không thể đạt được mục đích giáo dục. Dưới tác động tích cực của điều tra viên trong bị can dần dần trỗi dậy ý thức mong muốn tự giáo dục. Biểu hiện rõ nét là sự thành khẩn nhìn nhận tội lỗi và nghiêm khắc tự phê phán hành vi của bản thân. Biểu hiện tích cực nhất của lòng mong muốn được tự giáo dục chính là việc bị can trực tiếp trình bày với điều tra viên hoặc với tập thể của họ về nguyện vọng được phấn đấu rèn luyện để trở thành một con người tốt. Ví dụ trường hợp A trộm cắp tài sản thì hướng chủ động là A trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho người bị hại.
Khi điều tra viên khơi dậy được tính tích cực tự giáo dục của bị can thì hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra sẽ nhanh chóng đạt hiệu quả. Mặt khác, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra ở bị cáo đã hình thành trạng thái tâm lý tích cực, sẵn sàng tiếp nhận các tác động giáo dục của toà án và các cơ quan cải tạo phạm nhân.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm