Định giá tài sản: Khái quát chung

"Tôi cho rằng nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý"

- Alexander Hamilton

Định giá tài sản: Khái quát chung

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự là hoạt động có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng hình sự. Việc xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm, thiệt hại là căn cứ trong việc xác định hành vi có phạm tội hay không, cũng như việc áp dụng đúng khung hình phạt đối với hành vi phạm tội hay bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị xâm hại.

Việc xác định giá trị của tài sản phải được tiến hành bởi một hội đồng được thành lập và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Việc xác định giá trị của tài sản phải thực hiện trên yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm mục đích giải quyết vụ án hình sự.

Việc xác định giá trị tài sản đó phải được được biểu hiện bằng hình thái tiền tệ, đặt trong một địa điểm, thời điểm, thời hạn nhất định dựa trên yêu cầu định giá và các căn cứ pháp luật.

Liên hệ

I- KHÁI NIỆM VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Tài sản và quyền sở hữu tài sản là một nội dung quan trọng được quy định trong pháp luật của bất kỳ một quốc gia nào. Trong Bộ luật hình sự của Việt Nam, rất nhiều các tội danh có liên quan đến yếu tố tài sản. Giá trị tài sản trong các tội danh này là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm hoặc xác định khung hình phạt như huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, lừa đảo, trộm cắp, cưỡng đoạt, tham ô, hối lộ...

Việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là điều kiện không thể thiếu trong việc xác định có hay không hành vi phạm tội hoặc thuộc khung khoản nào của điều luật cũng như làm cơ sở để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Có rất nhiều khái niệm cho thấy định giá có thể được hiểu là việc đánh giá giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định.

Rất nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, nhiều hội đồng có thể đưa ra bản kết luận định giá nhưng không phải bản kết luận định giá nào cũng là chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự. Điều này cho thấy kết luận định giá nói chung và kết luận định giá trong tố tụng hình sự được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự có sự khác biệt nhất định.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì nguồn chứng cứ bao gồm: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác. Như vậy, kết luận định giá tài sán là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về chứng cứ: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Do đó, bản kết luận định giá tài sán chỉ được coi là chứng cứ khi nó là kết quả được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ban hành trên cơ sở quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Như vậy, định giá tài sản trong tố tụng hình sự là việc Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sử dụng các cách thức được pháp luật quy định để tiến hành xác định giá trị bằng tiền của tài sản cần định giá nhằm giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

II- NGUYÊN TẮC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Quy định tại Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2019/NĐ-CP) với nội dung: “1. Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá; 2. Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời”.

So với các quy định trước đây thì quy định tại Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP đã theo hướng mở rộng hơn đối với nguyên tắc định giá tài sản: Hội đồng định giá tài sản có thể định giá tài sản tương tự với tài sản cần định giá. Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định cũng giải thích tài sản tương tự là tài sản cùng loại, tương đồng với tài sản cần định giá về một số đặc trưng cơ bản như mục đích sử dụng, công dụng, đặc điểm pháp lý và một số đặc điểm về kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, bao gồm nguyên lý cấu tạo, tính năng kỹ thuật và tính năng sử dụng. Như vậy, khi giải quyết các vụ án hình sự mà không thu được tài sản hoặc tài sản thu giừ đã bị hủy hoại hoặc thay đổi so với ban đầu thì Hội đồng định giá căn cứ vào tài sản tương tự để định giá. Một thay đổi nữa là giá trị tài sản định giá không phải xác định tại “thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm” như trước đây mà là “tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- YÊU CẦU ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Theo Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

Theo đó, văn bản yêu cầu định giá tài sản phải có các nội dung: Tên cơ quan yêu cầu định giá; Họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá; Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá; Tên tài liệu có liên quan (nếu có); Nội dung yêu cầu định giá tài sản; Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Các nội dung trên phải được nêu ra trong văn bản yêu cầu định giá tài sản để làm cơ sở cho Hội đồng định giá có căn cứ định giá tài sản.

IV- QUY TRÌNH ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

So với trước đây thì pháp luật đã thay đổi theo hướng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục định giá tài sản, từ việc thành lập hội đồng định giá cho đến xác định các căn cứ để định giá, khảo sát giá thị trường cũng như các phương pháp định giá và cách thức tiến hành phiên họp định giá nhằm bảo đảm nguyên tắc định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Cụ thể:

[1] Thành lập Hội đồng định giá: Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định thành lập Hội đồng định giá tài sản ở 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Tùy theo điều kiện mà việc thành lập Hội đồng định giá sẽ theo hai hình thức: Hội đồng định giá theo vụ việc và Hội đồng định giá thường xuyên.

Số lượng thành viên Hội đồng định giá: số lượng thành viên của Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với Hội đồng định giá cấp huyện, tối thiểu là 05 người đối với Hội đồng định giá các cấp khác. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá quyết định thành lập Tổ giúp việc Hội đồng.

Nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động của Hội đồng định giá, pháp luật cũng quy định các trường hợp không được tham gia định giá tài sản bao gồm những người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá; Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá; Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

[2] Về khảo sát tài sản cần định giá, khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá: Theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức cho Hội đồng định giá tài sản khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá cũng được thực hiện, nhất là trong trường hợp các tài sản cần định giá có số lượng lớn, phân tán ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc thậm chí bị mất, hư hỏng. Do đó, pháp luật quy định Hội đồng định giá được giao Tổ giúp việc thực hiện công việc trên và đồng thời mở rộng các hình thức khảo sát giá, thu thập thông tin bao gồm các trường hợp sau: Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự; Nghiên cứu giá tài sản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định đã được áp dụng tại địa phương; Tham khảo giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp, giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, các nguồn thông tin khác về giá trị của tài sản cần định giá.

[3] Phiên họp định giá tài sản: Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tài sản trở lên tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá tài sản chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên.

Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của các cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản và bảo đảm quyền của thành viên Hội Đồng là đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, đối với các thành viên vắng mặt tại phiên họp định giá tài sản, trước khi tiến hành phiên họp định giá tài sản, những thành viên vắng mặt này phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá.

Đối với trường hợp định giá tài sản là hàng cấm, biên bản họp định giá tài sản ngoài nhưng nội dung chính, còn phải nêu rõ những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; Thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm.

[4] Về định giá lại tài sản: Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.

Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản cùng cấp với Hội đồng định giá tài sản được thành lập để định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

Định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt: Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá chung quy định tại Nghị định và pháp luật liên quan.

[5] Kết luận định giá tài sản: Kết luận định giá tài sản thực hiện theo các quy định tại Điều 101 và Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, Hội đồng định giá lập kết luận định giá tài sản bằng văn bản.

Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác như: Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản; Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; Họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng; số của văn bản yêu cầu định giá và ngày nhận văn bản yêu cầu định giá; Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản; Tên tài sản cần định giá; Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá; Kết luận về giá của tài sản; Chữ ký của các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp định giá tài sản và dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đông.

Để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá; Hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest.

IV- HỒ SƠ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Hồ sơ định giá tài sản là toàn bộ các tài liệu mà Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự có để làm căn cứ ra Kết luận định giá tài sản, bao gồm cả Kết luận định giá tài sản.

Theo quy định của pháp luật thì Hồ sơ định giá tài sản do Hội đồng định giá lập bao gồm những tài liệu sau: Văn bản yêu cầu định giá tài sản; Quyết định thành lập Hội đồng định giá; Biên bản phiên họp Hội đồng định giá; Kết luận định giá tài sản; Tài liệu do cơ quan có thấm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (đóng dấu giáp lai của cơ quan yêu cấu định giá tài sản); Các tài liệu khác có liên quan đến việc định giá tài sản.

Hội đồng định giá có trách nhiệm lưu trữ các tài liệu trong hồ sơ định giá tài sản này trong thời hạn ít nhất là ba mươi năm, kể từ ngày kết thúc việc định giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy chúng ta thấy, Hồ sơ định giá trên đây là các tài liệu do Hội đồng định giá lập và lưu trữ, khác với các tài liệu liên quan đên định giá mà Hội đồng định giá tài san trong tố tụng hình sự gửi cho cơ quan tiến hành tổ tụng để làm chứng cứ giải quyết vụ án hình sự. Nói một cách khác, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự không phải là tất cà các tài liệu có trong hồ sơ định giá do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự lập.

Theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP thì Biên bản phiên họp Hội đồng định giá và Kết luận định giá tài sản là các tài liệu mà Hội đồng định giá tài sản phải gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu định giá.

Thực tế cho thấy, việc giải quyết vụ án hình sự, dưới góc độ của cơ quan tiến hành tố tụng cùng chỉ cần đến bản kết luận định giá tài sản và biên bản họp Hội đồng định giá tài sản. Ở hai tài liệu này đã phản ánh đầy đủ các nội dung mà cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Điều này thể hiện rõ trong quy định tại Điều 87, Điều 101 và Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về kết luận định giá tài sản quy định: Để làm sảng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá; Hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết.

Do vậy, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự thông thường sẽ là: Văn bản yêu cầu định giá của cơ quan tiến hành tố tụng; Biên bản phiên họp Hội đồng định giá; Kết luận định giá tài sản và văn bản giải thích kết luận định giá (nếu có).

Một vấn đề cần chú ý là tại khoản 4 Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vắn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tỐ tụng dân sự.

Như vậy, trong hồ sơ vụ án hình sự có thể xuất hiện bản kết luận định giá không phải do Hội đông định giá tài sản trong tổ tụng hình sự lập, tài liệu này nhằm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà không phải là chứng cứ để khởi tổ vụ án hay định khung hình phạt.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn: Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (phần tự chọn) - Học viện Tư pháp và các nguồn khác.)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Định giá tài sản: Khái quát chung

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.37849 sec| 1149.031 kb