Gây thương tích 17% bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào
1- Trách nhiệm hình sự là gì?
Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm và là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Trách nhiệm hình sự có những đặc điểm cơ bản sau:
– Trách nhiệm hình sự là “hậu quả pháp lý của việc phạm tội thể hiện ở chỗ người đã gây tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước”.
– Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong PLHS bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện.
– Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định.
– Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu Trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của Trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích.
2- Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện trên cơ sở chủ thể (có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự. Thuộc về truy cứu trách nhiệm hình sự là những hoạt động khởi tố của cơ quan điều tra, truy tố của cơ quan viện kiểm sát, xét xử của cơ quan toà án và có thể cả cưỡng chế thi hành biện pháp của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chỉ được truy cứu trong thời hạn luật định tính từ ngày tội phạm được thực hiện (và kết thúc). Đó là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Luật hình sự Việt Nam quy định thời hạn là 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau thời hạn trên, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu:
1) Người phạm tội không phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 1 năm tù trở lên;
2) Người phạm tội không cố tình trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như không bị truy nã.
Nếu không thỏa mãn các điều kiện kể trên thì thời hiệu sẽ được tính lại từ ngày phạm tội mới hoặc từ ngày ra tự thú hoặc từ ngày bị bắt giữ.
Phù hợp với pháp luật quốc tế, luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, luật hình sự Việt Nam còn quy định không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
3- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn là một khoảng thời gian nhất định có xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Vậy chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người trong khoảng thời gian mà pháp luật cho phép, nếu đã hết khoảng thời gian đó mà không truy cứu đối với người phạm tội thì họ sẽ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trừ các trường hợp đặc biệt tại Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015.
Khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm sẽ được quyết định dựa vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội hay nói ngắn gọn là loại tội phạm. Hiện nay có bốn loại tội phạm nên đi kèm với nó là bốn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng. Cụ thể:
Thứ nhất, năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
Ví dụ: Chị A là người thất nghiệp đang tìm việc làm, biết được điều đó ngày 15/03/2017 anh B có đến dụ dỗ chị A làm mát xa và hứa trả tiền hàng tháng. Nhưng khi chị A làm thì mới biết đó là một ổ mại dâm. Sau nhiều năm làm việc bị bắt nạt, nhiều lần không được trả tiền dịch vụ, ngày 27/06/2019 chị có trình báo việc hoạt động phi pháp của ổ mại dâm kia và hành vi dụ dỗ của anh B đối với mình tại cơ quan công an. Đối với hành vi dụ dỗ mua bán dâm của anh B đối vưới chị A thuộc khoản 1 Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015, đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm. Từ ngày anh B thực hiện hành vi dụ dỗ chị A đến ngày chị A trình báo là 2 năm 3 tháng 12 ngày (< 5 năm) nên có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh A.
Thứ hai, mười năm đối với tội phạm nghiêm trọng
Tội phạm nghiêm trọng được hiểu là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
Ví dụ: Anh A là cảnh sát giao thông. Ngày 20/06/2017, anh A đang làm nhiệm vụ điều khiển hướng đi của các phương tiện giao thông đi trên đường thì thấy anh B lái xe trong tình trạng say rượu, lạng lách đánh võng trên đường. Anh A đã yêu cầu anh B dừng lại. Hai bên xảy ra xô sát, anh A xô mạnh anh B khiến anh B đầu đập xuống đất và tử vong. Hành vi của anh A cấu thành Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (thuộc khoản 1 Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015). Đây là loại tôi phạm nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh A là 10 năm (đến ngày 20/06/2027).
Thứ ba, mười lăm năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Tội phạm rất nghiêm trọng được định nghĩa là Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Ví dụ: Anh A và chị B là một cặp đôi đang yêu nhau. Do ghen tuông nên ngày 16/05/2019 chị A đã yêu cầu chia tay, không đồng ý với yêu cầu này anh A đã ra tay đánh chị B với mong muốn dạy cho một bài học nhưng đến khi đánh xong phát hiện ra chị B đã chết. Hành vi này của anh A đã cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc đây tổn hại đến sức khỏe của người khác (theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015). Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm (16/05/2034).
Thứ tư, hai mươi năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Có thể hiểu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ: Do mâu thuẫn về quyền sử dụng đất nên ngày 13/06/2018 anh A đã mang dao đến nhà anh B chém gia đình anh B làm bốn người tử vong ngay tại chỗ. Hành vi của anh A đã cấu thành Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm (đến ngày 13/06/2038).
4- Gây thương tích 17% thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào
Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”
Theo quy định nêu trên, hành vi cố ý gây thương tích đối với tỷ lệ tổn thương 17% có thể sẽ nhận mức án phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm