Hôn nhân - Khái niệm và các đặc trưng cơ bản

13/02/2023
Bùi Quang Long
Bùi Quang Long
Hôn nhân là sự liên kết giữa vợ và chồng trên cơ sở kết hôn; tức là trên cơ sở nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Các nghi lễ mang tính chất tôn giáo và phong tục, tập quán không bị cấm đoán nhưng chỉ có tính chất riêng tư. Để được công nhận hôn nhân hợp pháp, việc đăng kí kết hôn phải tuân theo các quy định của pháp luật.

1- Khái niệm của hôn nhân

Trước hết, hôn nhân là hiện tượng xã hội - là sự liên kết giữa đàn ông và phụ nữ. Sự liên kết này là hành vi mang tính tự nhiên thể hiện bản năng sinh tồn và phát triển của con người trong mọi xã hội. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của nhận thức, tư tưởng, những hành vi xã hội đều phản ánh ý thức xã hội mà trong đó con người chung sống. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt hôn nhân là hiện tượng xã hội, sự liên kết mang tính tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà với quan điểm về hôn nhân, được thể hiện trong hệ thống thể chế, hệ thống giáo lí nhất định nào đó của xã hội.

Mỗi con người trong xã hội luôn đại diện cho một giai cấp nào đó. Tính giai cấp của mỗi người thể hiện trong tư tưởng, ý thức, quan điểm, lập trường chính trị của mình. Vì vậy, trong xã hội có giai cấp, quan điểm về hôn nhân mang tính chất giai cấp. Mặt khác, quan hệ hôn nhân là quan hệ xã hội được xác định bởi các quan hệ sản xuất hiện đang thống trị. Vì thế tính chất hôn nhân có thể thay đổi, phụ thuộc vào cơ sở kinh tế đang thống trị trong xã hội. Hơn nữa ở xã hội nào mà các quan hệ hôn nhân được coi là quan hệ pháp luật thì sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà là hình thức của các quan hệ đó mang ý nghĩa như là một sự kiện pháp lí làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ cho các bên vợ và chồng. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, giai cấp thống trị bằng pháp luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân cho phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mình phục vụ cho lợi ích giai cấp của mình.

Rõ ràng, hôn nhân là một hiện tượng xã hội mang tính chất giai cấp. Ở xã hội nào thì có hình thái hôn nhân đó, và tương ứng với nó là chế độ hôn nhân nhất định. Ví dụ: ở xã hội phong kiến có hôn nhân phong kiến, ở xã hội tư bản có hôn nhân tư sản, ở xã hội xã hội chủ nghĩa có hôn nhân xã hội chủ nghĩa. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hôn nhân là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà được pháp luật thừa nhận nhằm xây dựng gia đình và chung sống với nhau suốt đời. Sự liên kết đó phát sinh và hình thành do việc kêt hôn và được biểu hiện ở một quan hệ xã hội gắn liền với nhân thân, đó là quan hệ vợ chồng.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

2- Các đặc trưng của hôn nhân

Trong xã hội có nhà nước và pháp luật, hôn nhân luôn là đối tượng lập pháp. Ở Việt Nam hiện nay, quan niệm về hôn nhân gắn liền với pháp luật. Nam nữ thực tế chung sống với nhau mà không đăng kí kết hôn, dù họ có sinh con thì cũng không được thừa nhận là quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. Như vậy, có thể hiểu hôn nhân là sự liên kết giữa vợ và chồng trên cơ sở kết hôn; tức là trên cơ sở nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Căn cứ vào những quan điểm của Đảng về xây dựng chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ, bình đẳng, được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 36) và trong các văn bản pháp luật hiện hành về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam, có thể nêu một số đặc trưng của quan hệ hôn nhân như sau:

(i) Hôn nhân là sự liên kết một vợ một chồng giữa một người đàn ông và một người đàn bà (Điều 2, Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Đặc điểm này nói lên sự khác nhau cơ bản giữa hôn nhân trong xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa với hôn nhân đa thê trong xã hội phong kiến.

(ii) Hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện.

Việc xác lập quan hệ hôn nhân là do hai bên nam nữ hoàn toàn tự nguyện quyết định, không ai được ép buộc hoặc cản trở (Điều 2, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Cơ sở tự nguyện trong hôn nhân là tình yêu chân chính giữa nam và nữ, không bị những tính toán về kinh tế chi phối, không bị cưỡng ép hoặc bị cản trở.

(iii) Hôn nhân là sự liên kết bình đẳng giữa một người đàn ông và một người đàn bà (Điều 2, Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Tính hiện thực của sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng gắn liền với tính hiện thực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sự bình đẳng về hình thức pháp lí trong pháp luật Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng đã là một bước phát triển so với hôn nhân bất bình đẳng trong xã hội phong kiến và sự bình đẳng giữa vợ và chồng theo pháp luật tư sản. Mặt khác, chừng nào trong xã hội, các quan hệ hôn nhân còn bị ràng buộc bởi những tính toán về kinh tế, về địa vị giai cấp thì chưa thể có tự do và bình đẳng thực sự.

(iv) Hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm chung sống với nhau suốt đời và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng là điều kiện đảm bảo cho sự liên kết đó hạnh phúc, bền vững. Tính chất bền vững “suốt đời” là đặc trưng của hôn nhân xã hội chủ nghĩa. Khi yêu nhau, vợ chồng đều mong muốn được chung sống, gắn bó bên nhau suốt đời, hạnh phúc và hòa thuận. Tình yêu, sự tôn trọng và tình nghĩa giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng là chất keo gắn kết hai bên nam nữ, là yếu tố quyết định sự tồn tại của hôn nhân. Những thỏa thuận, hay khế ước về tài sản giữa họ với nhau chỉ là những điều kiện bổ sung cho cuộc sống gia đình (vợ chồng, con cái).

(v) Hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

Theo quy định tại các điều từ Điều 3 đến Điều 16 và các điều khoản khác của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn và li hôn được tiến hành theo trình tự pháp luật. Các nghi lễ mang tính chất tôn giáo và phong tục, tập quán không bị cấm đoán nhưng chỉ có tính chất riêng tư. Để được công nhận hôn nhân hợp pháp, việc đăng kí kết hôn phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Như vậy, hôn nhân trong xã hội Việt Nam hiện đại là sự liên kết tự nguyện, bình đẳng, sự liên kết bền vững trên cơ sở yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Sự liên kết đó khồng bị phụ thuộc vào các tính toán vật chất. Hôn nhân trước hết là sự liên kết dựa trên cơ sở tình yêu nam nữ, là sự thỏa thuận của hai người để trở thành vợ, chồng của nhau, về bản chất, sự liên kết đó không phải là họp đồng mà là sự liên kết đặc biệt giữa một người đàn ông và một người đàn bà bởi mục đích xây dựng mối quan hệ nhân thân bền vững, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, sinh đẻ và giáo dục con cái.

Mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình. Điều đó không những có ý nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa pháp lí, ý nghĩa đạo đức. Chính xuất phát từ việc xác định hôn nhân là một sự liên kết như vậy nên pháp luật của Nhà nước ta quy định về hôn nhân, trên cơ sở hôn nhân mới phát sinh những quan hệ pháp luật về nhân thân và về tài sản giữa vợ và chồng.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung những quy định về quyền bình đẳng của vợ chồng trong việc lựa chọn chế độ tài sản chung. Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận".

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng kí kết hôn.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một bước phát triển của tư duy, thực tiễn lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp Việt Nam và xu thế quốc tế, đề cao quyền tự do ý chí, bình đẳng và tự quyết của cá nhân trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Trong quá trình thảo luận góp ý xây dựng dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, có quan điểm cho rằng, chế độ tài sản theo thỏa thuận là không phù hợp với văn hóa và tập quán Việt Nam. Có người đặt vấn đề, với quy định chế độ tài sản theo thỏa thuận, phải chăng chúng ta đã thừa nhận quan điểm coi hôn nhân là một hợp đồng dân sự?

Theo quan điểm của chúng tôi, xét về bản chất, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng là một giao dịch dân sự. Tuy vậy, giao dịch dân sự này phải được lập trước khi kết hôn và chỉ được coi là xác lập kể từ ngày kết hôn. Việc kết hôn dựa trên cơ sở tình yêu nam nữ vẫn là nền tảng của quan hệ hôn nhân. Thỏa thuận về chế độ tài sản sẽ bị vô hiệu nếu nội dung của nó vi phạm quyền, lợi ích của chủ thể thứ ba trong quan hệ cấp dưỡng, quan hệ thừa kế, quyền và lợi ích họp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình. Chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ là một trong những phương án cho sự lựa chọn của các đôi nam nữ xác lập quan hệ tài sản chung khi họ muốn kết hôn, nhằm bảo đảm quyền bình đẳng và tự do của mỗi người trong quan hệ hôn nhân và với người thứ ba.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Hôn nhân - Khái niệm và các đặc trưng cơ bản được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Hôn nhân - Khái niệm và các đặc trưng cơ bản có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Hôn nhân - Khái niệm và các đặc trưng cơ bản

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.19596 sec| 971.078 kb