Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT)
1- Khái niệm Hợp đồng BT
Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Tiếng Anh là Build-Transfer - viết tắt là BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.
Hình thức này được nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển thực hiện. Ở Việt Nam, hình thức BT đã được triển khai từ khá lâu và thực tế cho thấy, hàng loạt dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm chính của hình thức đầu tư theo Hợp đồng BT
Đặc điểm chính của hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là:
(i) Với hình thức đầu tư theo Hợp đồng BT, nhà đầu tư chỉ xây dựng và chuyển giao đối tượng của hợp đồng cho Nhà nước hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà không được quyền kinh doanh chính những công trình hoặc dịch vụ công đó. Vì vậy, những thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng cũng như các cam kết thực hiện sẽ ít hơn so với hai hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích kinh tế của nhà đầu tư.
(ii) Về thời điểm và phương thức chuyển giao, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư sẽ phải chuyển giao ngay công trình cho Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(iii) Lợi ích mà nhà đầu tư tư nhân được hưởng từ dự án đầu tư theo Hợp đồng BT là lợi ích từ một dự án khác mà Nhà nước đã cam kết dành cho họ và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án đó để thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý. Hay nói cách khác, việc thực hiện dự án đầu tư này cần phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa chính sách đầu tư của Nhà nước, hiệu quả kinh tế, xã hội của những dự án đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư có được lợi nhuận gián tiếp từ chính dự án đầu tư của mình. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản so với hình thức đầu tư theo Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
3- Vai trò của Hợp đồng BT
Đầu tư theo hình thức BT hay các hình thức khác thuộc PPP nói chung thể hiện vai trò rất lớn trong việc mang lại lợi ích cho cả nhà nước và khu vực tư nhân cũng như người dân sử dụng dịch vụ- sản phẩm
Về vai trò của đầu tư theo Hợp đồng BT đối với Nhà nước:
Thứ nhất, tạo điều kiện tốt để Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng: Đi cùng với xây dựng kiến trúc thượng tầng là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo cung ứng công cộng đầy đủ, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc duy trì phương thức đầu tư truyền thống là Nhà nước sử dụng ngân sách, tự thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình công cộng sẽ gây ra sự lãng phí lớn và chắc chắn không hiệu quả, do những lối mòn trong tư duy xây dựng và quản lý, chưa kể những hậu quả nghiêm trọng khác như tham nhũng, nợ công tăng cao…
Thứ hai, phân bổ và quản lý rủi ro tốt hơn cho các bên tham gia ký kết hợp đồng.
Chìa khóa thành công cho các hình thức đầu tư theo mô hình PPP là việc chia sẻ rui nhằm thiết lập cán cân lợi ích cân bằng giữa các bên. Khi tham gia các dự án PPP, Nhà nước sẽ chia sẻ được những rủi ro liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng vốn cho nhà đầu tư tư nhân. Đây chính là một trong những thế mạnh của khu vực tư nhân. Đổi lại, bản thân Nhà nước cũng chia sẻ với Nhà đầu tư tư nhân các rủi ro liên quan đến thể chế, cộng đồng hay bảo lãnh vay vốn.
Thứ ba, tiết kiệm chi phí đầu tư
Với việc kết hợp hai giai đoạn thiết kế và xây dựng trong cùng một hợp đồng, hình thức đầu tư theo Hợp đồng BT cho phép đơn vị thiết kế và đơn vị xây dựng thiết lập mối liên hệ gần gũi và sâu sắc hơn. So với việc ký hợp đồng riêng biệt cho phần thiết kế và xây dựng, sự kết hợp này trước hết giúp cho việc thiết kế có tính sáng tạo cao hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, đồng thời cũng giúp giảm thời gian của quá trình xây dựng, để dịch vụ sớm được đưa vào sử dụng hơn, qua đó cũng giúp tiết giảm chi phí.
Thứ tư, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ cung ứng
Các dự án đầu tư theo Hợp đồng BT phần lớn dựa vào nguồn vốn cũng như kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân, mà bản thân các nhà đầu tư này vốn không hoạt động dựa vào ngân sách, nên họ biết cách quản lý và tận dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh xảy ra tham nhũng, lãng phí. Hơn hết, khi tham gia vào các dự án đầu tư theo Hợp đồng BT, nhà đầu tư tư nhân chịu sự ràng buộc về các cam kết hiệu suất, nên đây chính là động lực để họ thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ của mình, kéo theo chất lượng dịch vụ cung ứng cũng được đảm bảo hơn.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm