Khái niệm của hình phạt trong luật hình sự

08/11/2024
Lý Thông
Lý Thông
Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Toà án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó".

Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Toà án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó".

Từ định nghĩa khái niệm trên, có thể rút ra những đặc điểm của hình phạt như sau:

1- Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Hình phạt được Nhà nước sử dụng như là công cụ hữu hiệu trong phòng chống tội phạm để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ người bị kết án có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế quyền tự do, quyền về tài sản, về chính trị thậm chí cả quyền sống. Với pháp nhân thương mại, tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở việc pháp nhân đó bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc trong trường hợp đặc biệt còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, hình phạt cũng để lại hậu quả pháp lý là án tích cho người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

Ở mỗi chế độ khác nhau, nội dung giai cấp, tính chất và mức độ trừng trị của hình phạt áp dụng đối với người đã xâm hại các điều kiện tồn tại của Nhà nước được các nhà nước quy định rất khác nhau. Ví dụ: theo Quốc triều hình luật (Bộ luật chính thống và quan trọng nhất của triều đại nhà Lê nước ta)

thì tính chất trừng trị của hình phạt được quy định trong Bộ luật này rất dã man, hà khắc, mang tính nhục hình, gây đau đớn và hạ thấp phẩm giá danh dự của con người.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Hình phạt được luật hình sự quy định và do tòa án áp dụng

Phần chung của bộ luật hình sự quy định những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến hình phạt như mục đích của hình phạt (Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015), các hình phạt đối với người phạm tội (Điều 32 Bộ luật hình sự), các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 33 Bộ luật hình sự), căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50, Điều 83 Bộ luật hình sự), quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54 Bộ luật hình sự ), quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55, Điều 86 Bộ luật hình sự ), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 56, Điều 87 Bộ luật hình sự ), quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 57 Bộ luạt hình sự ), miễn chấp hành hình phạt (Điều 62 Bộ luật hình sự), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63 Bộ luật hình sự)... Phần các tội phạm của bộ luật hình sự quy định các loại hình phạt và mức hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể.

Các dấu hiệu: tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi; tính trái pháp luật hình sự và tính có lỗi của người phạm tội luôn gắn liền với tính chịu hình phạt. Do vậy, cùng với việc xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm thì cũng đòi hỏi phải quy định trong luật loại và mức hình phạt áp dụng cho người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội đó.

Trong mọi trường hợp không được áp dụng hình phạt đối với những hành vi không được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm và tất nhiên cũng không được áp dụng một loại hình phạt nào đó nếu hình phạt ấy không được quy định trong hệ thống hình phạt hoặc không được quy định trong chế tài của điều luật mà hành vi bị xử phạt thoả mãn. Đây là đòi hỏi của nguyên tắc pháp chế.

Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Đây là những cơ quan có quyền "... nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam..." tuyên một người là có tội và áp dụng hình phạt đối với họ (khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức tòa án nhân dân). Ngoài tòa án, không có cơ quan nào khác có quyền quyết định hình phạt.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

3- Hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Do đó, hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Dựa trên nguyên tắc này có thể khẳng định hình phạt không thể được áp dụng đối với các thành viên trong gia đình cũng như những người thân khác của người phạm tội, thậm chí cả trong trường hợp người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Cũng theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không cho phép việc chấp hành hình phạt thay cho người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội cho dù sự chấp hành thay này là hoàn toàn tự nguyện.

Hình phạt tịch thu tài sản cũng chỉ áp dụng đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người thực hiện hành vi phạm tội mà không được phép tịch thu tài sản thuộc sở hữu của các thành viên khác trong gia đình hay những người thân thích của người phạm tội.

Ngoài các đặc điểm trên, hình phạt còn có nội dung giai cấp. Nội dung này được quy định bởi bản chất giai cấp của Nhà nước. Nhà nước sử dụng hình phạt như là công cụ sắc bén để bảo vệ lợi ích của mình, của xã hội. Như vậy, tùy thuộc vào nhiệm vụ của luật hình sự là nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp nào, bảo vệ các điều kiện tồn tại và phát triển của xã hội nào mà có thể xác định nội dung giai cấp của hình phạt. Dưới chế độ bóc lột, việc quy định hình phạt cũng như áp dụng hình phạt đối với người phạm tội là nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, đàn áp và chống lại các lợi ích của nhân dân lao động. Dưới chế độ xã hội hiện nay, nội dung giai cấp của hình phạt trong luật hình sự Việt Nam được thể hiện như là công cụ để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (Điều 1 Bộ luật hình sự). Với nội dung giai cấp này, hình phạt trong luật hình sự Việt Nam thể hiện bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa - dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái niệm của hình phạt trong luật hình sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái niệm của hình phạt trong luật hình sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm của hình phạt trong luật hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.40887 sec| 968.43 kb