Khái niệm, ý nghĩa của việc khởi kiện vụ án dân sự
1- Khái niệm về khởi kiện vụ án dân sự
Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14).
Trong các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận thì quyền dân sự có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, công dân được phép xử sự theo một cách nhất định hoặc được yêu cầu người khác thực hiện những hành vi nhất định để thoả mãn lợi ích của mình. Quyền năng này được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của nhà nước. Sử dụng quyền dân sự, cá nhân và các chủ thể khác được thực hiện quyền tự do kinh doanh và các hoạt động hợp pháp khác làm ra của cải, tài sản và các thu nhập hợp pháp khác để đáp ứng tốt hơn các lợi ích vật chất và văn hoá tinh thần ngày càng cao của mỗi người. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền dân sự chính đáng ấy. Vì vậy, theo Bộ Luật dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền này và cho phép cá nhân, các chủ thể khác được chủ động thực hiện biện pháp để tự bảo vệ mình như quy định tại Điều 11. Để bảo hộ cho các quyền dân sự của các chủ thể, Nhà nước đã quy định nhiều biện pháp, các cách bảo vệ khác nhau như bảo vệ bằng các biện pháp hình sự, bảo vệ bằng biện pháp hành chính v.v.. Nhưng đặc biệt hơn, trong số các biện pháp bảo vệ quyền dân sự là biện pháp khởi kiện vụ án dân sự theo trình tự tố tụng dân sự. Thực hiện phương thức này, cá nhân, cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu toà án có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật hoặc phải bồi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm v.v… Như vậy, có thể thấy trong các biện pháp bảo hộ của nhà nước đối với quyền dân sự thì quyền khởi kiện vụ án dân sự là một biện pháp hữu hiệu, quan trọng, có tính khả thi cao.
Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hũặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự (sau đây gọi chung ỉà người khởi kiện) tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (Điều 186). Cơ quan quản lí nhà nước về gia đình, trẻ em và hội liên hiệp phụ nữ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động uỷ quyền theo quy định pháp luật.
Theo đó cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định pháp luật. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 187 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015).
Với các quy định đó, Nhà nước đã chính thức xác nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự của cá nhân, cơ quan hay tổ chức trong việc yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của các chủ thể khác như cơ quan dân số, gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ, công đoàn v.v. trong việc khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Và có thể khẳng định rằng quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền tố tụng quan trọng của các chủ thể. Nó cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án nên việc thực hiện quyền này của các chủ thể được gọi là khởi kiện vụ án dân sự.
Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nộp đơn yêu cầu toà án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác.
2- Ý nghĩa của việc khởi kiện vụ án dân sự
Khởi kiện vụ án dân sự là hành vi đầu tiên của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, là cơ sở pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Không có hoạt động khởi kiện thì cũng không có quá trình tố tụng dân sự cho các giai đoạn tiếp theo. Toà án chỉ thụ lí giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể. Đặc trưng của phương thức khởi kiện là trao cho đương sự quyền tự do hành động cùng với quyền tự định đoạt của các chủ thể khởi kiện làm cơ sở tố tụng.
Theo đó, khởi kiện là phương thức để các chủ thể có thể hành động ngay tức khắc để tự bảo vệ các quyền dân sự của mình tránh nguy cơ xâm phạm xảy ra như khởi kiện để đòi lại tài sản, khởi kiện để yêu cầu chẩm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với thực hiện quyền dân sự hoặc kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Với hành vi khởi kiện kịp thời như vậy, các cơ quan tố tụng sẽ có hành động can thiệp kịp thời, các quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ, thiệt hại sớm được khắc phục, ngăn chặn và chấm dứt hành vi trái pháp luật và sớm khôi phục lại mối quan hệ thiện chí, cởi mở và giao hoà giữa các bên trong đời sống dân sự.
Bằng hoạt động xét xử, toà án góp phần bảo vệ và củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa đồng thời nâng cao hiệu quả xét xử, xác lập chế độ trách nhiệm cao đối với nhân dân và một môi trường pháp lí an toàn mà trong đó các quyền công dân được bảo vệ và củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Khi hoạt động xét xử kết thúc bằng một bản án của toà án thì bản án phải được mọi người tôn trọng, những người có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Có như vậy kỉ cương phép nước mới được tôn trọng và đề cao. Đồng thời thông qua phiên toà công khai và bản án có căn cứ thuyết phục không những có tác dụng tốt đối với bản thân đương sự mà còn có giá trị giáo dục rộng rãi trong xã hội. Với người thật, việc thật được bản án kết luận chính xác, khách quan, nó dễ đi vào lòng người và dễ được nhân dân chấp nhận hơn là việc thuyết giáo suông về pháp luật. Khi nhân dân đã tin tưởng vào pháp luật thì pháp luật là chỗ dựa cho họ đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và chính pháp luật đi vào lòng người như vậy nó trở thành sức mạnh bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng, pháp chế xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và tăng cường.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm