Khái quát chung về công ty trách nhiệm hữu hạn
Nội dung bài viết
1- Công ty trách nhiệm hữu hạn
[a] Sự ra đời của công ty trách nhiệm hữu hạn
Khác với tất cả các loại hình công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn ra đời là sản phẩm của hoạt động lập pháp. Các loại hình công ty khác do các thương gia sáng tạo và lập ra, pháp luật thừa nhận và góp phần hoàn thiện nó. Năm 1892, Luật về Công ty trách nhiệm hữu hạn ở Đức được ban hành, trước đó đã có Luật Công ty cổ phần ban hành năm 1870. Các nhà làm luật cho rằng:
- Mô hình công ty cổ phần không thích hợp với các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Các quy định quá phức tạp trong luật công ty cổ phần không cần thiết cho loại công ty vừa và nhỏ có ít thành viên và thường là họ quen biết nhau.
- Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của công ty đối nhân không thích hợp với tất cả các nhà đầu tư. Biết phân tán rủi ro là một trong các lý do để thành đạt trong kinh doanh. Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại công ty kết hợp được ưu điểm về chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty cổ phần và ưu điểm các thành viên quen biết nhau của công ty đối nhân. Nó khắc phục được nhược điểm về sự phức tạp khi thành lập và quản lý của công ty cổ phần và nhược điểm không phân chia được rủi ro của công ty đối nhân.
Đúng như dự đoán của các nhà làm luật, sau khi có Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn, các nhà đầu tư đã nhiệt tình hưởng ứng. Số lượng các công ty trách nhiệm hữu hạn tăng nhanh và hiện nay nó là một trong những loại hình công ty quan trọng nhất ở Cộng hoà Liên bang Đức. Sau năm 1892, ở hầu hết các nước châu Âu lục địa, Nam Mỹ cũng có Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn. Thực tế ở Việt Nam chứng minh, các nhà đầu tư rất ưa thích thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Từ sau khi có Luật Công ty đến nay, số lượng các công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều hơn hẳn các công ty cổ phần.
[b] Bản chất và chế độ trách nhiệm của công ty trách nhiệm hữu hạn
Bất kỳ ai khi tìm hiểu về công ty trách nhiệm hữu hạn đều có thể đặt câu hỏi, tại sao lại gọi công ty này là công ty trách nhiệm hữu hạn, khi các công ty đối vốn đều có đặc trưng cơ bản là chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty trung gian giữa công ty đối nhân và công ty đối vốn, nó vừa có những tính chất của một công ty đối nhân, là các thành viên quen biết nhau; việc góp vốn dễ dàng, đơn giản, việc thành lập, quản lý công ty đơn giản hơn công ty cổ phần. Do đó, dễ làm người ta nhầm lẫn công ty trách nhiệm hữu hạn với công ty đối nhân và vì vậy, phải phân biệt rõ ràng ngay từ khi đặt tên. Còn khi nói tới công ty cổ phần thì đương nhiên ai cũng hiểu về chế độ trách nhiệm hữu hạn của các cổ đông.
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty đối vốn (tuỳ quan niệm của người nghiên cứu cũng có người xếp công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc loại hình công ty đối nhân), trong đó các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào công ty.
[c] Đặc trưng của công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty trách nhiệm hữu hạn có những đặc trưng cơ bản:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn là một pháp nhân độc lập, tư cách pháp lý này quyết định chế độ trách nhiệm của công ty.
- Thành viên công ty không nhiều và thường là những người quen biết nhau, thông thường pháp luật các quốc gia đều quy định số lượng thành viên tối đa. Pháp luật Việt Nam quy định công ty trách nhiệm hữu hạn tối đa không quá năm mươi thành viên.
- Vốn điều lệ chia thành từng phần, mỗi thành viên có thể góp nhiều, ít khác nhau và bát buộc phải góp đủ khi công ty thành lập, trong điều lệ công ty phải ghi rõ vốn ban đầu. Nếu khi thành lập công ty mà các thành viên chưa góp đủ phần vốn góp thì công ty bị coi là vô hiệu. Công ty phải bảo toàn vốn ban đầu. Nguyên tắc này thể hiện rõ trong quá trình góp vốn, sử dụng vốn và phân chia lợi nhuận. Phần vốn góp không thể hiện dưới hình thức cổ phiếu và rất khó chuyển nhượng ra bên ngoài.
- Trong quá trình hoạt động, không được phép công khai huy động vốn trong công chúng (không được phát hành cổ phiếu).
- Về tổ chức, điều hành ở công ty trách nhiệm hữu hạn đơn giản hơn so với công ty cổ phần; về mặt pháp lý công ty trách nhiệm hữu hạn thường ít chịu sự ràng buộc pháp lý hơn so với công ty cổ phẩn.
Có thể nói, công ty trách nhiệm hữu hạn là mô hình lý tưởng để kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ.
Luật pháp các nước còn thừa nhận công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ. Công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ là hệ quả pháp lý đặc biệt của quá trình phát triển pháp luật về công ty. Các công ty đối vốn vẫn có khả năng tồn tại và phát triển khi toàn bộ tài sản của công ty chuyển vào một thành viên duy nhất và trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ sở hữu. Như vậy, nếu theo định nghĩa truyền thống về công ty thì công ty một chủ không phải là công ty thực sự, bởi lẽ về bản chất nó chính là doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm hữu hạn. vấn đề là tại sao pháp luật các nước lại thừa nhận loại công ty này (Đức, Anh, Hoa Kỳ). Một số nước như: Tây Ban Nha, Italia, các nước Nam Mỹ thì lại không cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ vì cho rằng bản chất của nó là doanh nghiệp cá thể. Trong hệ thống kinh tế thị trường, chế độ trách nhiệm hữu hạn tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh hạn chế được rủi ro bằng cách chia sẻ trách nhiệm cho nhiều người, làm cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào có lợi cho xã hội. Trường hợp ngược lại, nếu phải chịu trách nhiệm vô hạn, họ không dám đầu tư vào những khu vực có khả năng rủi ro lớn và như vậy sẽ không có lợi cho xã hội. Trong thực tế, có công ty trách nhiệm hữu hạn có nhiều thành viên, trong quá trình hoạt động các thành viên chuyển nhượng vốn cho nhau và cuối cùng chỉ còn một thành viên, công ty vẫn hoạt động có hiệu quả, đóng thuế cho Nhà nước, sử dụng nhiều lao động và thành viên đó không muốn kết nạp thêm thành viên mới. Trong trường hợp này lẽ nào lại bắt họ phải giải thể công ty hoặc buộc họ phải chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó họ vẫn muốn giữ tên công ty và thương hiệu công ty đã được khẳng định uy tín trên thị trường. Hơn nữa, trong thực tế đã tồn tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đó chính là các doanh nghiệp nhà nước.
Lịch sử phát triển các công ty thời gian gần đây cho thấy, công ty trách nhiệm hữu hạn một người chiếm vị trí khá quan trọng ở các nước châu Âu. Luật Doanh nghiệp Việt Nam có quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân hoặc một tổ chức lài 1 chủ sở hữu. Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ dựa trên cơ sở hành vi pháp lý đơn phương của một cá nhân hay một pháp nhân. Trong công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ, chủ sở hữu công ty phải chấp nhận một số hạn chế, cũng như chịu sự giám sát ngặt nghèo của pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
2- Các loại hình công ty ở hệ thống pháp luật Anh - Mỹ
Ở hệ thống pháp luật Anh - Mỹ thì việc phân chia các loại hình công ty có một số điểm đáng lưu ý. Các doanh nghiệp gồm các loại sau:
- Xí nghiệp tư (Proprietorship) giống như doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
- Hợp danh (Partnership), bao gồm: hợp danh thông thường (general partnership) và hợp danh hữu hạn (Limited partnership).
- Công ty kín (Close Corporation).
- Công ty mở (Public Corporation).
[a] Công ty hợp danh
Luật Hợp danh thống nhất của Hoa Kỳ định nghĩa: hợp danh là sự liên kết của hai hay nhiều chủ sở hữu nhằm tiến hành kinh doanh thu lợi nhuận. Hợp danh có đặc điểm chủ yếu sau:
- Các thành viên của hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của hợp danh.
- Các thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người quản lý, điều hành các hoạt động của hợp danh. Trong hợp danh không có bộ máy quản lý chuyên biệt.
- Hợp danh không phải là một pháp nhân. Các giao dịch của hợp danh do chính các thành viên của hợp danh tiến hành. Bất cứ hành vi nào của thành viên trong hợp danh nếu được thực hiện nhân danh hợp danh và trong phạm vi hoạt động của hợp danh đều có giá trị ràng buộc đối với hợp danh đó cũng như đối với các thành viên của nó.
- Tư cách pháp lý của hợp danh được xác định chủ yếu bởi thoả thuận hợp danh. Pháp luật Hoa Kỳ không có những đòi hỏi chặt chẽ đối với hợp danh như đối với các loại công ty. Luật Hợp danh chỉ điều chỉnh những gì mà thoả thuận họp danh có thể không đề cập tới.
- Tài sản của hợp danh và bản thân hợp danh là sở hữu chung theo phần của các thành viên. Việc rút lui của một thành viên là điều kiện chấm dứt sự tồn tại của hợp danh.
- Tài sản của hợp danh do các thành viên đóng góp và không được biểu hiện dưới hình thức cổ phiếu và rất khó chuyển nhượng cho người ngoài.
Hợp danh có hai hình thức là hợp danh thông thường và hợp danh hữu hạn. Hợp danh thông thường là hợp danh có đặc điểm như đã đề cập ở trên. Hợp danh hữu hạn là hợp danh trong đó phải có ít nhất hai thành viên thông thường (chịu trách nhiệm vô hạn) và ít nhất một thành viên có trách nhiệm hữu hạn. Như vậy, điểm khác nhau cơ bản giữa hợp danh thông thường và hợp danh hữu hạn chính là sự có mặt của loại thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn, các thành viên có trách nhiệm hữu hạn chỉ góp vốn vào hợp danh nhưng không tham gia hoạt động kinh doanh, quản trị các hoạt động đó. Có thể nhận xét rằng: Hợp danh thông thường theo pháp luật Hoa Kỳ có những điểm giống với loại hình công ty hợp danh theo pháp luật châu Âu lục địa, còn hợp danh hữu hạn thì giống với loại hình công ty hợp vốn đơn giản.
[b] Công ty kín
Công ty kín có những đặc điểm pháp lý sau:
- Về số lượng thành viên thường không nhiều (tuỳ theo luật của từng bang) song thông thường tối đa là 35 thành viên.
- Cồ phần cũng được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu song không được bán ra trên thị trường chứng khoán và cũng không được chuyển nhượng cho người ngoài công ty.
- Các thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty (trách nhiệm hữu hạn). Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là trong những trường hợp nhất định, thành viên của công ty có thể phải chịu trách nhiệm vô hạn. Ví dụ như khi công ty vay vốn, ngân hàng có thể yêu cầu một số thành viên nhất định nào đó đứng ra chịu trách nhiệm vô hạn đối với khoản vay đó. Trong trường hợp này, nếu công ty không trả được nợ thì các thành viên này phải chịu trách nhiệm cá nhân trước ngân hàng đối với khoản nợ đó.
- Ở công ty kín, vấn đề quản trị công ty do các thành viên phân công nhau đảm trách mà không có bộ máy quản trị tập trung, chuyên nghiệp.
Có thể nhận xét rằng, công ty kín theo pháp luật Hoa Kỳ về cơ bản có những thuộc tính giống với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.
[c] Công ty mở
Công ty mở có những đặc trưng chủ yếu sau:
- Tài sản của công ty mở được hình thành từ các cổ phần và được xác định bằng cổ phiếu, cổ phiếu trong công ty dễ chuyển nhượng và được lưu thông trên thị trường như một loại hàng hoá. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa công ty mở và công ty kín trong pháp luật của Hoa Kỳ. Tính dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu của công ty mở đem lại tính năng động về vốn, song vẫn giữ được tính ổn định về tài sản của công ty.
- Trong quá trình hoạt động, công ty có quyền phát hành cổ phiếu ra thị trường để huy động vốn.
- Về chế độ trách nhiệm: công ty chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của mình trong phạm vi tài sản của công ty, các thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình.
Từ những đặc điểm trên, có thể khẳng định công ty mở theo pháp luật Hoa Kỳ về cơ bản giống với công ty cổ phần theo pháp luật châu Âu lục địa.
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái quát chung về công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái quát chung về công ty trách nhiệm hữu hạn có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm