Khái quát chung về vấn đề ly thân

23/10/2024
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Ly thân là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện từ lâu, nhưng có xu hướng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại – nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động tới hôn nhân, khiến vợ chồng không duy trì được hạnh phúc gia đình. Khi mâu thuẫn xảy ra mà không thể hòa giải được, nhiều cặp vợ chồng thường nghĩ đến ly hôn. Tuy nhiên bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được các cặp vợ chồng lựa chọn là ly thân. Vậy thế nào là ly thân? Ly thân khác ly hôn như thế nào?

1- Khái niệm ly thân

Thuật ngữ ly thân hiện chưa có thuật ngữ chính thức trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản liên quan. Vậy nên, hiện nay các khái niệm về ly thân đều xuất phát từ quan điểm cá nhân của các học giả và công trình nghiên cứu.

Theo từ điển luật học: “Ly thân là việc vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và lý do chính đáng khác”.  Theo đó, về nguyên tắc, vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau. Biểu hiện của hành vi sống chung là việc sinh sống trong cùng một ngôi nhà, đăng ký trong cùng một hộ khẩu, diễn ra các sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, trong trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng khác, nghĩa vụ sống chung sẽ không bắt buộc phải thực hiện; thay vào đó, vợ chồng có thể đăng ký tạm trú, thường trú ở những địa điểm khác nhau và không có đời sống sinh hoạt chung. Từ đó, “chấm dứt nghĩa vụ sống chung” là: việc vợ chồng không thực hiện hành vi sinh sống, làm việc và sinh hoạt hàng ngày trên cùng một không gian địa lý nhất định và không có sự tương tác qua lại thường xuyên.

Như vậy, ly thân là tình trạng quan hệ giữa hai chủ thể trong quan hệ hôn nhân, trong đó hai bên thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ sống chung hoặc có sự tách bạch trong đời sống chung khi hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Đặc điểm của ly thân

Các đặc điểm của ly thân dưới góc độ pháp lý được thể hiện như sau:

[a] Ly thân là quyền nhân thân của vợ chồng mà không thể chuyển giao cho người khác

Quyền nhân thân được pháp luật dân sự thừa nhận là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác. Theo đó, trong quan hệ vợ chồng, chỉ họ mới là chủ thể nắm rõ nhất quan hệ hôn nhân của mình đang gặp vấn đề như thế nào và làm sao để giải quyết vấn đề đó. Bởi vậy vợ, chồng là người trực tiếp có yêu cầu ly thân hay không với cơ quan có thẩm quyền.

[b] Ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân

Đây là đặc điểm chung khác biệt giữa ly thân và ly hôn mặc dù cả hai sự kiện pháp lý này đều dẫn đến việc chấm dứt nghĩa vụ sống chung của vợ chồng. Ly thân thường phát sinh từ mâu thuẫn sâu sắc về tình cảm trong mối quan hệ vợ chồng trong quá trình chung sống vợ chồng muốn tạm dừng sinh hoạt chung nhưng chưa đến mức cần phải ly hôn. Sự mâu thuẫn vợ chồng đã ở mức độ khó có thể hàn gắn được trong thời gian ngắn, hơn nữa việc sống chung với nhau đôi khi có tác động xấu đến quá trình hàn gắn khiến vợ chồng quyết định lưa chọn ly thân. Cần nhấn mạnh rằng khi lựa chọn ly thân, ý chí của vợ, chống là chưa muốn chấm dứt hôn nhân. Tuy nhiên trong giai đoạn ly thân, vợ hoặc chồng không có quyền kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác vì họ vẫn người đang có vợ (hoặc có chồng).

[c] Các căn cứ để Tòa án xác định tình trạng ly thân được quy định tương tự như căn cứ ly hôn, ngoại trừ việc vợ, chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích

Tương tự với ly hôn, vợ chồng ly thân khi đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không thể đạt được như hai bên không còn yêu thương nhau, có quan hệ ngoại tình, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau nên họ quyết định ly thân như giải pháp hòa giải tạm thời.

[d] Thủ tục ly thân, yêu cầu chấm dứt ly thân được Tòa án giải quyết theo yêu cầu của vợ, chồng

Khi ly thân, các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản và nghĩa vụ với con cái vẫn phải tiếp tục được thực hiện bởi vợ chồng trong khi nghĩa vụ sống chung không còn nữa vì sự tách bạch về đời sống chung này nên sự giúp đỡ của vợ chồng với nhau đã bị hạn chế trong sinh hoạt thường nhật. Việc chăm sóc con cái, việc quản lý tài sản chung việc phân chia nghĩa vụ tài chính chung như chi trả các chi phí sinh hoạt... cần được ghi nhận trong văn bản hay quyết định của Tòa án về các thỏa thuận chung đã đạt được cũng như giải quyết tranh chấp bởi Tòa án. Ngoài ra, trong quan hệ hôn nhân, vợ chống bình đằng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Chính vì vậy, mỗi bên đều có thể đưa ra yêu cầu ly thân hoặc các bên cùng đưa ra yêu cầu ly thân để giải quyết mâu thuẫn trong thời kỳ hôn nhân.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

3- Ý nghĩa của ly thân

[a] Ý nghĩa của ly thân đối với vợ chồng

Ly thân với biểu hiện là hai bên tạm dừng nghĩa vụ sống chung hoặc sống chung nhưng không còn duy trì sự tương tác thường xuyên với nhau, đây là một cơ hội tốt để cả hai có thể nhìn nhận và suy ngẫm về mối quan hệ của mình. Do xuất phát từ những mâu thuẫn khó có thể giải quyết ngay, vì vậy, khoảng thời gian ly thân sẽ giúp các bên cân bằng lại cuộc sống. Việc hạn chế tương tác sẽ giảm phát sinh những mâu thuẫn cho cả hai trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Với tính chất là một biện pháp tạm thời, sau khoảng thời gian suy nghĩ, cân nhắc về quan hệ hôn nhân, các bên sẽ có thể đưa ra quyết định là đúng đắn nhất; đồng thời, tránh được những mâu thuẫn phát sinh thêm trong thời gian ly thân, không chỉ khiến các bên cảm thấy bớt ức chế, căng thẳng, mà còn khiến mối quan hệ không bị xấu đi.

[b] Ý nghĩa của ly thân đối với con cái

Khi ly thân, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Đối với cha mẹ, con cái là tài sản vô giá. Vì vậy, mặc dù tình cảm, mối quan hệ giữa cha mẹ không được tốt đẹp và đứng trước nguy cơ đổ vỡ, con cái vẫn sẽ luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất của cha mẹ. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha mẹ đều có nghĩa vụ và quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Điều này đảm bảo ngay cả khi ly thân, con cái vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Dù trong trường hợp cha mẹ sống riêng và người con chỉ sinh sống với một bên, người con vẫn có thể nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bên còn lại thông qua quyền, nghĩa vụ thăm nom con của bên còn lại hoặc khoản trợ cấp tài chính.

Ngoài ra, thời kỳ ly thân có thể giúp hạn chế xuất hiện những xung đột, mâu thuẫn, đặc biệt là bạo lực gia đình. Việc để con cái chứng kiến nạn bạo hành có thể gây ra ảnh hưởng rất lớn về tâm lý cũng như quá trình hình thành nhân cách của chúng. Rất nhiều nghiên cứu từ những vụ việc ly hôn đã chỉ ra, bạo lực gia đình giữa bố mẹ đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, đến sự phát triển bình thường về thể chất lẫn nhân cách của trẻ. Việc tiếp tục chung sống trong một mái nhà khi bố mẹ đang tồn tại nhiều xích mích là không tốt cho trẻ. Vì vậy, việc ly thân sẽ hạn chế được tần suất diễn ra những trận cãi vã và bạo lực gia đình trước sự chứng kiến của con cái. Điều này phần nào đảm bảo con cái sẽ có sự phát triển ổn định về thể chất cũng như tinh thần.

[c] Ý nghĩa của ly thân đối với xã hội

Xã hội nhìn nhận ly thân là một giải pháp cho những xung đột trong cuộc sống gia đình. Trên thực tế, những xung đột của cuộc sống hôn nhân phần nào được giải quyết khi hai người xác lập quan hệ ly thân. Như đã đề cập ở trên, sự tách biệt rõ ràng về đời sống có thể tác động đến tần suất xuất hiện của tình trạng bạo lực gia đình. Đây không chỉ là một dấu hiệu tốt với người trong cuộc mà còn đối với cả xã hội. Trước hết, sự an toàn của các cá nhân trong quan hệ ly thân, phần lớn là phụ nữ sẽ được đảm bảo. Từ đó giúp sức khỏe, tinh thần của người vợ được đảm bảo, cải thiện. Điều này có ý nghĩa lớn lao đối với công tác đấu tranh xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình mà Nhà nước và cộng đồng đang nỗ lực thực hiện.

Cùng với đó, việc hạn chế hoặc làm giảm những xung đột, căng thẳng trong thời kì hôn nhân sẽ thay đổi cái nhìn của xã hội về ly thân. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng ly thân là một bước đệm của ly hôn, càng làm hạnh phúc gia đình tan vỡ nhanh chóng hơn. Nhưng thực tế, ly thân vẫn luôn tạo cơ hội để hai vợ chồng có cơ hội để đoàn tụ, để bảo vệ bản thân vợ chồng cũng như con cái và giảm thiểu các xung đột ảnh hưởng đến người xung quanh. Những người xung quanh sẽ dần cảm nhận được mặt tích cực của ly thân bởi những cuộc cãi vã hay tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm.

Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân

4- Phân biệt giữa ly thân và ly hôn

Trên thực tế, ly thân thường bị nhầm lẫn và bị coi là ly hôn. Mặc dù có một số đặc điểm giống nhau, nhưng về cơ bản, ly thân và ly hôn vẫn có những đặc điểm riêng biệt.

[a] Cơ sở pháp lý của ly thân và ly hôn

Đối với ly hôn, hiện nay, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về chế định ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại Chương IV. Chế định này được quy định khá rõ ràng và chi tiết về các trình tự, thủ tục của quá trình ly hôn như quyền yêu cầu ly hôn, quá trình hòa giải tiền tổ tụng, phân định quyền và nghĩa vụ các bên, hệ quả của ly hôn... Sự quy định chặt chẽ như vậy xuất phát từ việc ly thân có ảnh hưởng lớn đến đời sống của vợ chồng, đến gia đình nội ngoại, đến con cái nhằm bảo đảm trật tự xã hội ổn định.

Đối với ly thân, hiện nay, vấn đề ly thân chưa được luật hóa mà chỉ là nghiên cứu của các học giả. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, do truyền thống văn hóa có mâu thuẫn thì vợ chồng thường "đóng cửa bảo nhau", hai bên họ hàng trao đổi nội bộ để tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn quan niệm trong khoảng thời gian ly thân, vợ chồng sống riêng hoặc sống chung nhưng không có sự tương tác qua lại có thể dẫn đến tình cảm ngày càng phai nhật rồi dần dần dẫn đến ly hôn. Nói cách khác, ly thân vẫn thường bị định kiến là bước đệm dẫn tới ly hôn. Do đó, ở Việt Nam hiện nay, ly thân vẫn là các quan điểm, công trình nghiên cứu khoa học, chưa được thể chế hóa.

[b] Bản chất của ly thân là biện pháp tạm thời, còn ly hôn là chấm dứt hoàn toàn

Ly thân có ý nghĩa như là một biện pháp tạm thời đề vợ chồng có thể suy ngẫm, nhìn nhận lại về cuộc hôn nhân sau khi đã có nhiều mâu thuẫn. Thời gian ly thân phụ thuộc vào thỏa thuận của vợ chồng. Do đó, ly thân có thể dừng lại và vợ chồng có thể quay lại chung sống nếu có thỏa thuận. Như vậy, tình trạng ly thân không tồn tại mãi mãi, mà có thể thay đổi theo cách giải quyết của người trong cuộc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sau giai đoạn ly thân sẽ đến ly hôn, điều này thực tế đã xảy ra. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Tòa án coi ly thân là một căn cứ của việc mâu thuẫn đã không thể giải quyết, dung hòa được. Như vậy, ly thân chỉ là một biện pháp tạm thời, vợ chồng có thể quyết định chẩm dứt ly thân để đoàn tụ với nhau hoặc tiến đến ly hôn.

Ngược lại với ly thân, ly hôn có tính chất là một biện pháp "cứng", giải quyết hoàn toàn các mâu thuẫn giữa vợ chồng thông qua bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa và được bảo đảm thực hiện. Do đó, khi đã có bản án ly hôn hoặc quyết định ly hôn, hai bên sẽ không còn ràng buộc về mặt pháp lý, trừ một số nghĩa vụ luật định. Ly hôn cũng không thể chấm dứt theo thỏa thuận của vợ chồng. Do đó, ly hôn sẽ không thể thay đổi theo hướng cải thiện như ly thân, nếu vợ chồng muốn đoàn tụ, quay về với nhau thì chỉ có thể tiến hành kết hôn lần nữa.

[c] Nghĩa vụ của vợ chồng khi ly thân và ly hôn

Ở Việt Nam, khi pháp luật chưa thừa nhận ly thân, các cặp vợ chồng dù đã sống ly thân nhưng về mặt pháp lý vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Do đó, khi ly thân, hai bên vẫn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng. Chẳng hạn như trong giai đoạn ly thân, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ chung thủy với nhau và không được phép kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người thứ ba.

Bên cạnh những quyền, nghĩa vụ được duy trì, một số vấn đề như tài sản chung có thể được phân chia trong thời kì hôn nhân theo Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Điều này khá phổ biến ở các quốc gia thừa nhận ly thân như Pháp, Anh. Ví dụ như ở Pháp, tài sản chung trong thời kì ly thân sẽ có sự tách riêng và phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên còn lại nếu rơi vào tinh trạng túng thiếu (trích luật).

Đối với ly hôn, hầu hết các quyền và nghĩa vụ vợ chồng sẽ chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Lúc đó, tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được phân chia theo thoa thuận hoặc do Tòa án giải quyết. Các quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng sẽ chấm đứt hoàn toàn, trừ trường hợp về quyền lưu cư của vợ, chồng khi ly hôn quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Như vậy, khi ly hôn vợ và chồng sẽ có quyền kết hôn với người khác và được pháp luật thừa nhận.

Xem thêm: Dịch vụ trợ lý pháp lý thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái quát chung về vấn đề ly thân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái quát chung về vấn đề ly thân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát chung về vấn đề ly thân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16662 sec| 1008.344 kb