Khía cạnh tâm lý trong thi hành án dân sự

15/04/2023
Đoàn Phi
Đoàn Phi
Trong tố tụng dân sự thi hành án có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi vì bản án và quyết định của toà án dân sự, cho dù có nghiêm minh, khách quan, công bằng đến đâu đi nữa, cũng chẳng còn mấy ý nghĩa nếu bản án và quyết định đó không được thi hành hoặc thi hành không nghiêm.

Nhận rõ tầm quan trọng của thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác thi hành án dân sự, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thi hành án, hoàn thiện cơ quan thi hành án về mặt tổ chức... Tuy vậy, công tác thi hành án dân sự trong những năm qua vẫn còn nhiều yếu kém, tỷ lệ bản án được thi hành không cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật, vào tính hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án.

Thi hành án dân sự là một công việc phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh. Để tăng cường hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, cần phải chú ý đến tất cả các khía cạnh của nó, kể cả khía cạnh tâm lý. Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, trong nhiều trường hợp, khó khăn hay thuận lợi của công tác thi hành án nảy sinh từ tâm lý của người được thi hành án, người bị thi hành án và cả từ tâm lý của chấp hành viên.

- Về tâm lý của người phải thi hành án.

Do tâm lý thắng thua còn nặng kết hợp với ý thức chấp hành pháp luật thấp, cho nên người phải thi hành án khó chấp nhận bản án và quyết định của toà án, khó thừa nhận là mình sai, mình xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Họ tìm cách bao biện, đổ lỗi cho Toà án, cho rằng toà án xử sai, Toà án thiên vị bên người được thi hành án. Từ đó, họ chây ì, trốn tránh, cản trở, chống đối, không muốn khắc phục hậu quả mà hành vi của họ đã gây ra. Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thi hành án thì họ đưa đơn kiện cáo khắp nơi, đặc biệt trong trường hợp họ phát hiện sai sót ở chấp hành viên. Mặt khác, họ huy động, lôi kéo tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng, ngăn cản, chống đối quyết liệt. Việc cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này trở nên phức tạp và nếu các cơ quan hữu quan thiếu kiên quyết thì rất khó thành công.

- Về tâm lý của người được thi hành án.

Ngược với tâm lý của người phải thi hành án, tâm lý phổ biến của người được thi hành án là mong muốn bản án được thi hành ngay, quyền lợi của mình được thực thi nhanh chóng. Do tâm lý này, thời gian chờ đợi bản án được thi hành trở thành nỗi chịu đựng của họ. Họ trở nên thiếu kiên nhẫn, khó thông cảm với những khó khăn mà chấp hành viên đụng phải. Lúc đầu họ van xin, sau đó nghi ngờ chấp hành viên bao che cho người phải thi hành án, rồi họ kêu ca, thậm chí lăng mạ chấp hành viên.

- Về tâm lý của chấp hành viên.

Trong những năm gần đây, cùng với luật sư, thẩm phán, chấp hành viên là đối tượng được nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Pháp lệnh thi hành án dân sự quy định chấp hành viên là phải là người “trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định, có sức khoẻ tốt”.

Như vậy, theo quy định hiện hành, chấp hành viên vừa là người có thế chất, đạo đức tốt và có năng lực. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là trên thực tể, công tác thi hành án dân sự diễn ra tốt đẹp, không có điều gì đáng phải kêu ca, phàn nàn. Ngược lại, ở đây vẫn tồn tại không ít vấn đề mà một chấp hành viên có lương tâm nghề nghiệp phải băn khoăn, trăn trở.

Trước hết đó là sự phối hợp thiếu nhịp nhàng của cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan kiểm sát... trong công tác thi hành án dân sự. Thực tế cho thấy, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân với cơ quan thi hành án là rất cần thiết, nhất là trong những trường hợp phải cưỡng chế thi hành án. Pháp lệnh thi hành án quy định rõ trách nhiệm này của các cơ quan nhà nước như chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, đơn vị vũ trang nhân dân... Tuy nhiên, pháp lệnh lại không quy định những chế tài cụ thể, đủ mạnh để ràng buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải có sự phối hợp tích cực với cơ quan thi hành án. Cho nên, ở đâu mà lãnh đạo cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội quan tâm thì ở đó công tác thi hành án dân sự có tiến triển tốt; ở đâu ngược lại thì chấp hành viên chỉ biết chạy đi, chạy lại yêu cầu, đề nghị sự phối hợp...

 

Bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi hành án dân sự thì vị thế, uy tín của cơ quan thi hành án hiện nay cũng là vấn đề làm nhiều chấp hành viên phải suy nghĩ. Theo nhiều chấp hành viên, trước đây, khi cơ quan thi hành án còn nằm trong cơ cấu tổ chức của toà án, ảnh hưởng, uy tín của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên đối với người phải thi hành án dường như lớn hơn, lời nói của chấp hành viên dường như có trọng lượng hơn. Người phải thi hành án, trừ những trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng, luôn có mặt đúng giờ theo giấy triệu tập với thái độ tôn trọng chấp hành viên. Còn hiện nay, thái độ đó của người phải thi hành án càng ngày càng ít gặp. Không ít người phải thi hành án không chịu có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án, còn khi chấp hành viên tìm đến thì họ có những lời nói, hành vi tỏ thái độ thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm chấp hành viên.

Số lượng và chất lượng đội ngũ chấp hành viên cũng là vấn đề được được nói đến không ít. Mặc dù trong những năm gần đây, đội ngũ chấp hành viên không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, song vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Ở nhiều tỉnh, huyện vẫn còn thiếu chấp hành viên. Có những chấp hành viên còn yếu về nghiệp vụ, đặc biệt về kiến thức tâm lý, về kỹ nãng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục người phải thi hành án. Thực tế cho thấy, một chấp hành viên biết giải thích cho người phải thi hành án khi tiếp xúc với họ thì việc thi hành án sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bên cạnh đó, trong lao động nghề của chấp hành viên, tình huống xung đột, va chạm là không thể tránh khỏi, song một số chấp hành viên lại ngại va chạm, lúng túng trong xử lý va chạm, xung đột. Ngoài ra, cũng có chấp hành viên có biểu hiện tiêu cực, làm giảm niềm tin của người được thi hành án cũng như người phải thi hành án vào cơ quan thi hành án.

Một vấn đề nữa là phụ cấp cho chấp hành viên. Trong điều kiện nước ta hiện nay, khi đồng lương của chấp hành viên còn hạn chế, thì phụ cấp công tác càng có ý nghĩa quan trọng. Song hiện nay, phụ cấp của chấp hành viên cũng còn khiêm tốn, chưa có ý nghĩa động viên, khích lệ. Chẳng hạn, nếu triệu tập mà đương sự không tới thì chấp hành viên phải đến gặp đương sự, điều tra, tìm hiểu tình hình, vận động, thuyết phục đương sự, tuy nhiên phụ cấp trong trường hợp này nhiều khi không đủ chi phí xăng, xe cho chấp hành viên. Điều này làm giảm tính tích cực của chấp hành viên trong công tác thi hành án.

Tóm lại, khía cạnh tâm lý là một khía cạnh quan trọng trong công tác thi hành án dân sự, nhưng là khía cạnh không đơn giản. Để tăng cường hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, hoàn thiện bộ máy cơ quan thi hành án dân sự, tăng số lượng chấp hành viên, còn phải trang bị cho chấp hành viên những kiến thức cần thiết về tâm lý con người, tâm lý của người được thi hành án, người phải thi hành án, những kỹ năng nghề nghiệp như: kỹ năng thiết lập tiếp xúc tâm lý, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm trung gian hoà giải, đồng thời phải chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện cho chấp hành viên những phẩm chất tâm lý mà nghề của họ đòi hỏi.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Khía cạnh tâm lý trong thi hành án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16323 sec| 965.836 kb