Kỹ năng chuẩn bị thủ tục, đăng ký bào chữa trong giai đoạn điều tra

02/06/2021
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Các quy định về sự tham gia của Luật sư trong giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố đã được quy định chi tiết tại Chương V Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Theo đó, những kỹ năng cụ thể sau đây các Luật sư có thể tham khảo trong quá trình tham gia tổ tụng nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng như kỹ năng chuẩn bị thủ tục, đăng ký bào chữa.

1- Luật sư bào chữa chuẩn bị thủ tục, gửi hồ sơ đăng ký bào chữa

Để khởi đầu cho quá trình tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong vụ án hình sự xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Luật sư cần chủ động chuẩn bị cho khách hàng các thủ tục cần thiết, trong đó bao gồm việc  dự thảo văn bản yêu cầu nhờ Luật sư (do Hợp đồng dịch vụ pháp lý không phải cung cấp cho cơ quan điều tra theo hồ sơ thủ tục đăng ký bào chữa). Để tránh những vướng mắc hoặc yêu cầu không hợp lý của cơ quan điều tra, nên chủ động kèm theo các tài liệu, thông tin, có thể bao gồm chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người yêu cầu nhờ Luật sư, số điện thoại, giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (photo có chứng thực) để chứng minh, giải thích nếu có yêu cầu.

Về thủ tục khi gửi hồ sơ đăng ký, Luật sư cần chuẩn bị giấy giới thiệu hoặc văn bản gửi cơ quan điều tra do người đứng đầu tổ chức hành nghề ký. Kèm theo là các tài liệu sau đây: Nếu trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện thì gồm Thẻ Luật sư kèm theo bản sao Thẻ Luật sư có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội. Không thuộc trường hợp bắt buộc, nhưng Luật sư có thể photo sẵn Chứng chỉ hành nghề hoặc Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề trong trường hợp có yêu cầu. Việc này cốt yếu để phòng ngừa những khả năng gặp khó khăn và Luật sư có thể chủ động xử lý. Việc xuất trình các giấy tờ đối với trường hợp chỉ định người bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng cũng tương tự như vậy.

Nhằm thực hiện thủ tục đăng ký, khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào số đăng ký người bào chữa , gửi ngay văn bản thông báo người bào chữu cho người đăng ký bào chữa , cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản”.

Tuy quy định như vậy, nhưng vấn đề đặt ra là cách thức gửi thủ tục đăng ký bào chữa như thế nào và làm thế nào Luật sư biết được “đường đi” của hồ sơ đã gửi?

Ví dụ 01:

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thường do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an - C03 (hoặc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an - A09) tiến hành điều tra. Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổng hợp nhiều ý kiến phản ánh của các Luật sư gặp rất nhiều khó khăn trong việc gửi và tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa. Cụ thể, hiện nay có tình trạng Luật sư gửi hồ sơ đăng ký người bào chữa. Cụ thể, hiện nay có tình trạng Luật sư gửi hồ sơ đăng ký người bào chữa theo quy định bằng đường bưu điện có xác nhận đã được bỏ vào thùng thư của Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (do cơ quan điều tra không tiếp nhận trực tiếp) nhưng khi liên hệ thì Điều tra viên xác định chưa nhận được hồ sơ đăng ký bào chữa.

Tương tự khi Luật sư gửi hồ sơ đăng ký người bào chữa qua dịch chuyển phát nhanh thì đã bị trả lại với lý do: Cán bộ trực tại cổng trụ sở Bộ Công an không ký nhận, không cho bỏ Công văn, hồ sơ vào hòm thư ở cổng và không có bộ phận tiếp nhận tại địa chỉ này. Các Luật sư phải đến nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký người bào chữa tại Trực ban hình sự Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (địa chỉ tại số 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ) thì mới có cán bộ tiếp nhận và vào số. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xác định thời hạn và trách nhiệm giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa của cơ quan điều tra. Mặt khác để hình dung việc gửi thủ tục có phù hợp không, Luật sư cần tìm hiểu thông tin về tổ chức hệ thống cơ quan điều tra hiện hành, ngay trong Cục C03 hoặc Phòng PC03 cũng có các Phòng hoặc Đội điều tra từng nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tìm hiểu cơ chế phân công Điều tra viền để biết được vụ án hiện đang do bộ phận, cá nhân nào phụ trách. Chẳng hạn, để nhận biết điều đó, Luật sư có thể nhìn thấy trong Quyết định khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can có số quyết định (Quyết định số ... / C03 - P15 ” có nghĩa là vụ án do Phòng 15 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - C03 thụ lý).

Bộ luật Tố tụng hình sự đã rút ngắn thời hạn cấp Thông báo đăng ký bào chữa ngày xuống còn 24 giờ), tuy nhiên trên thực tế, do nhiều nguyên khác nhau, thời hạn này chưa được tôn trọng. Nếu nhận thấy thời hạn đăng ký bào chữa bị xâm phạm, Luật sư có thể làm văn bản gửi Thủ trưởng cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp, hoặc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, để nhờ can thiệp, hỗ trợ giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.

Khoản 6 và 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định văn bản, thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, trừ các trường hợp sau: (a) Người bị buộc tội từ chối hoặc để nghị thay đổi người bào chữa; (b) Người đại diện của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa .Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra thông báo hủy bỏ và thu hồi văn bản thông báo người bào chữa khi thuộc một trong những trường hợp: (a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của BLTTHS năm 2015 và quy định của Luật Luật sư; (b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.

Việc đăng ký bào chữa sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng từ chối khi phát hiện thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy trong một số vụ án, cơ quan điều tra bắt buộc người bào chữa phải làm cam kết mình không thuộc trường hợp không được bào chữa như một thủ tục buộc mới cấp Thông báo đăng ký bào chữa. Do đó, việc xác định các trường hợp không được bào chữa đương nhiên là một trong những vấn đề đầu tiên mà Luật sư khi tiếp nhận yêu cầu phải tự xác định trước khi đăng ký bào chữa. Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người bào chữa thuộc các trường hợp không được bào chữa thì khi đó cơ quan điều tra mới yêu cầu làm rõ hoặc hủy bỏ việc đăng ký bào chữa.

Vậy xác định thế nào là “vi phạm pháp luật ” khi bào chữa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015? Đây là một khái niệm mà nội hàm của nó khá rộng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong quá trình tham gia tố tụng hành vi của người bảo chữa được soi xét nhiều chiều , bị chi phối, điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy khác nhau, từ Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn dưới luật  hoặc Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề ngiệp Luật sư. Đó là chưa kể “vi phạm pháp luật” ở đây còn có thể được hiểu là vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý về mặt hình sự hoặc vi phạm pháp luật chỉ ở mức xử lý về mặt hành chính. Vì thế, nội hàm của khái niệm “vi phạm pháp luật” trong quá trình tham gia tố tụng hình sự của người bào chữa cần được giới hạn trong việc thực thi các nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc vi phạm các điều cấm đối với hoạt động hành nghề Luật sư được quy định tại Điều 9 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Khoản 3 Điều 73 quy định người bào chữa nếu vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật.

Có một tình huống phát sinh là sau khi gửi thủ tục đăng ký bào chữa, Luật sư nhận được văn bản từ cảnh sát điều tra từ chối cấp Thông báo đăng ký bào chữa do người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có đơn từ chối Luật sư. Đây cũng là một thực tế diễn ra nhiều thời gian qua, khiến gia đình khách hàng lo lắng, bản thân Luật sư cũng không hiểu lí do vì sao khách hàng từ chối mình.

Ví dụ 02:

Gia đình bị can mời Luật sư bào chữa cho con mình đang bị tạm giam. Tuy nhiên khi Luật sư gửi thủ tục đăng ký bào chữa thì nhận được văn bản từ chối của cơ quan điều tra kèm đơn của bị can từ chối Luật sư. Để xử lý tình huống này, Luật sư cần chủ động liên hệ cơ quan điều tra, với Điều tra viên đang điều tra vụ án nhằm làm rõ việc khách hàng từ chối Luật sư có căn cứ hoặc bị ép buộc hay không. Căn cứ pháp lý của đề nghị này là khoản 2 Điều 77 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 :“Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối Luật sư bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối". Trong trường hợp khách hàng có căn cứ xác định việc từ chối là tự nguyện, Luật sư cần thông báo lại cho gia đình của khách hàng và chủ động xử lý chấm dứt Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong trường hợp tại giai đoạn điều tra, do tình huống khách hàng từ chối , nhưng sau khi kết thúc điều tra, diễn biến tình hình và có thể nhận thức về vai trò của Luật sư thay đổi , gia đình khách hàng đề xuất Luật sư tiếp tục bào chữa trong giai đoạn truy tố và xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) thì có thể giữ nguyên hiệu lực của Hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

 

2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết: Kỹ năng chuẩn bị thủ tục, đăng ký bào chữa trong giai đoạn điều tra được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Kỹ năng chuẩn bị thủ tục, đăng ký bào chữa trong giai đoạn điều tra có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chuẩn bị thủ tục, đăng ký bào chữa trong giai đoạn điều tra

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.11828 sec| 973.094 kb