Kỹ năng của Luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm tranh chấp thừa kế

"Ai từ bỏ tự do để đổi lấy an toàn là người không xứng đáng được tự do và cũng không xứng đáng được an toàn".

- Benjamin Franklin, Chính trị gia

Kỹ năng của Luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm tranh chấp thừa kế

Trong vụ án thừa kế, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Để thu thập đầy đủ chứng cứ, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư cần có các kỹ năng thu thập, cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự nói chung và vụ án thừa kế nói riêng.

Luật sư cần xem xét mình bảo vệ quyền lợi cho khách hàng ở vị trí tố tụng nào: nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để từ đó xác định chứng cứ của vụ án cần thu thập, nghĩa vụ chứng minh. Trên cơ sở đó, Luật sư tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ cũng như thực hiện việc cung cấp chứng cứ phù hợp, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG THU THẬP, CUNG CẤP CHỨNG CỨ CHUẨN BỊ THAM GIA PHIÊN TÒA SƠ THẨM CỦA LUẬT SƯ THỪA KẾ

1- Kỹ năng của luật sư thừa kế về thu thập chứng cứ

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng dù ở vị trí tố tụng nào trong các vụ án thừa kế, Luật sư phải xác định được vụ án thừa kế cụ thể mà Luật sư đang tham gia tố tụng là loại tranh chấp gì, đối tượng mà các bên tranh chấp là gì, trong vụ án cần phải chứng minh các vấn đề cụ thể gì. Tùy thuộc vào từng loại tranh chấp thừa kế, đối tượng tranh chấp trong từng vụ án cụ thể mà các vấn đề cần chứng minh trong các vụ án thừa kế không giống nhau. Vì vậy, Luật sư xác định được phạm vi chứng cứ cần thu thập của từng vụ án là khác nhau.

Có những vụ án thừa kế các bên đương sự không tranh chấp về người thừa kế, về di sản thừa kế mà chỉ tranh chấp về thời điểm mở thừa kế. Ví dụ: bên nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với căn cứ thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế đã hết và yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án; có nhùng vụ án thừa kế, các bên chi tranh chấp về một phần di sản thừa kế hoặc chỉ tranh châp về người thừa kế hoặc chỉ tranh chấp liên quan đến vấn đề thâm quyền của Tòa án... 

Nguyên tắc chung, phạm vi thu thập chứng cứ của Luật sư trong tham gia giải quyết vụ án cần tập trung vào các vấn đề cần giải quyết trong vụ án thừa kế, đó là: Người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, tính hợp pháp của di chúc, di tặng và các vấn đề khác trong giải quyết vụ án.

Thu thập chứng cứ chứng minh người để lại di sản thừa kế, người thừa kế: Để xác định chính xác, đầy đủ người để lại di sản thừa kê, người thừa kế đòi hỏi Luật sư phải thu thập chứng cứ chứng minh các vấn đề sau:

- Tổng số người để lại di sản, người thừa kế (theo di chúc, theo pháp luật) trong vụ án?

- Có người thừa kế nào chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người đề lại di sản thừa kế không?

- Tại thời điểm mở thừa kế có người thừa kế nào đã thành thai nhưng thời điểm tranh chấp chưa sinh ra không?

- Có người thừa kế nào chết sau thời điểm mở thừa kế nhưng chết trước khi thụ lý, giải quyết vụ án thừa kế không?

- Có người thừa kế nào là con nuôi thực tế không ?

- Có những người thừa kế nào là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên mà không có khả năng lao động (người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc). Việc thu thập chứng cứ chứng minh vấn đề này chỉ thực hiện đối với trường hợp người để lại di sản lập di chúc không cho những người thừa kế này hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 cùa một suất thừa kế theo luật.

Ví dụ: Ông X có 3 người thừa kế theo pháp luật là bà A (vợ ông X) vù hai người con đều đã thành niên và có khả năng lao động là anh B và chị C. Trước khi chết, ông X lập di chúc định đoạt toàn bộ di sản của ông cho anh B và chị c. Tuy bà A không được ông X cho hưởng di sản, nhưng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bà A là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

- Có người thừa kế nào biệt tích không? Nếu có thì biệt tích từ thời điểm nào, đã có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có hiệu lực pháp luật đối với họ chưa?

- Có người thừa kế nào bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không?

- Có người thừa kế nào từ chối nhận di sản không? Nếu có thì việc từ chối nhận di sản được thực hiện như thế nào?

- Có diện thừa kế là con riêng hoặc bố dượng, mẹ kế không? Giữa họ có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con không?

- Có người thừa kế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, người không quốc tịch không?

- Có người thừa kế nào không được quyền hưởng di sản theo quy định của Bộ luật dân sự không? Luật sư cần đặc biệt chú ý đối với trường hợp trong vụ án thừa kế có người thừa kế giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản để từ đó có kỹ năng thu thập, bổ sung chứng cứ khác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng của mình.

- Có người nào được người để lại di sản thừa kế di tặng không?

Thu thập chứng cứ chứng minh thời điểm mở thừa kế: Thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản thừa kế, người thừa kế, người để lại di sản thừa kế và thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Trong một vụ án thừa kế có thể có một hoặc nhiều thời điểm mở thừa kế. Luật sư thu thập chứng cứ xác định về từng thời điểm mờ thừa kế cụ thể trong vụ án.

Trong thực tiễn giải quyết loại án thừa kế, nhiều vụ án trong đó các bên đương sự tranh chấp về thời điểm mở thừa kế. Có những vụ án rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc xác định thời điểm mở thừa kế. Đặc biệt là đối với những vụ án do giấy khai tử không ghi các thông tin chi tiết nên khó xác định hoặc trường hợp giấy chứng tử ghi rõ thời điểm chết nhưng bị đơn không thừa nhận hoặc trường hợp mỗi bên đương sự khai về thời điểm mở thừa kế khác nhau. Do đó, nếu thu thập chứng cứ không cụ thể, tỉ mỉ sẽ không làm rõ được thời điểm chết dẫn đến việc xác định không chính xác thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp này, Luật sư cần yêu cầu Tòa án triệu tập nhiều người làm chứng tham gia tố tụng, lấy lời khai của họ cũng như thu thập các chứng cứ khác cung cấp cho Tòa án nhằm xác định chính xác thời điểm mở thừa kế. 

Thu thập chứng cứ chứng minh di sản thừa kế: Xác định được di sản thừa kế là một trong những vấn đề cần giải quyết trong vụ án đương sự có yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Luật sư thu thập chứng cứ chứng minh các vấn đề sau: 

- Xác định tổng thể tài sản tranh chấp.

- Xác định di sản thừa kế. Di sản thừa kế cần phải xác định cụ thể, bao gồm: tài sản đang hiện hữu, tài sản hình thành trong tương lai, động sản, bất động sản... Nếu là động sản cần thu thập các chứng cứ xác định rõ chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, những tài sản thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; nếu là bất động sản thì cụ thể như thế nào, đang tọa lạc ở đâu... Trường hợp di sản thừa kế là nhà ở, quyên sử dụng đất, Luật sư cần thu thập các chứng cứ xác định rõ về diện tích, kích thước, đặc điểm, các mặt tiếp giáp...

- Xác định sự biến động của di sản thừa kế từ thời điếm mở thừa kế đến thời điểm tranh chấp. Ví dụ, tại thời điểm mở thừa kế, trên đất có nhà, cây lưu niên nhưng sau này do thiên tai, thời gian... làm cho nhà và cây lưu niên không còn hoặc do người quản lý di sản tự ý phá bỏ để xây dụng nhà, công trình kiến trúc, hoặc người quản lý di sản bán, chuyển nhượng một phần di sản. cần thiết phải thu thập chứng cứ đê xác định có hay không công sức đóng góp của những người liên quan khác đến khối tài sản đang tranh chấp.

- Xác định đồng chủ sở hữu với người để lại di sản. Đồng chủ sở hữu thường là chồng hoặc vợ của người để lại di sản (cần thu thập chứng cứ chứng minh về quan hệ hôn nhân của họ có hợp pháp hay không, xem xét để xác định sở hữu chung hợp nhất) hoặc sở hữu của người khác (sở hữu chung theo phần).

- Xác định nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản và các chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán từ di sản theo quy định của pháp luật dân sự, ví dụ: chi phí hợp lý cho việc mai táng theo tập quán, chi phí cho việc quản lý di sản...

- Xác định công sức quản lý, duy trì di sản của người quản lý di sản. Cần có chứng cứ chứng minh có việc quản lý di sản cùa người thừa kế không, nếu có thì thời gian quản lý di sản như thế nào, quản lý trực tiếp hay thuê người quản lý...

- Xác định có phần di sản nào được dùng vao việc thờ cúng, người để lại di sản có di tặng một phần di sản cho người khác không?

- Thu thập chứng cứ xác định di sản đối với trường hợp tài sản của Nhà nước cấp cho người có công với cách mạng, sau khi họ đã chết thì cơ quan có thẩm quyền mới có quyết định cho họ được hưởng tài sản theo quy định của pháp luật. 

Khi thu thập chứng cứ chứng minh di sản thừa kế, Luật sư cần chú ý vận dụng Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và văn bản hướng dẫn về vấn đề hủy quyết định cá biệt rõ ràng là trái pháp luật của cơ quan, tổ chức trong giải quyết vụ án thừa kế, đặc biệt là tài sản tranh chấp có nguồn gốc của người để lại di sản nhưng tại thời điểm tranh chấp thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người thừa kế hoặc người khác.

Thu thập chứng cứ trong vụ án có yêu cầu chia thừa kế theo di chúc: Luật sư phải thu thập các chứng cứ đế xác định tính hợp pháp của từng loại di chúc về hình thức và nội dung. Do đó, Luật sư thu thập các chứng cứ để chứng minh các vấn đề sau:

- Xác định tống số di chúc trong vụ án, do người để lại di sản nào xác lập?

- Có di chúc chung của vợ chồng không?

- Người để lại di sản lập di chúc bằng vãn bản hay di chúc miệng?

- Trường hợp có di chúc miệng: cần thu thập các chứng cứ chứng minh có ai làm chứng cho việc lập di chúc miệng, người làm chứng có thuộc trường hợp những người không được làm chứng cho việc lập di chúc; xác định thời gian từ khi có di chúc miệng đến khi người có di chúc miệng chết...

- Trong trường hợp có di chúc bằng văn bản thì có bao nhiêu di chúc, thuộc loại di chúc bằng văn bản nào (di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực của Ủy nan nhân dân…) Nếu có nhiều bản di chúc thì thời điểm lập từng di chúc như thế nào (ngày, tháng, năm lập di chúc), có việc sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc không?

- Trường hợp nội dung di chúc chỉ giao quản lý, sử dụng di sản có điều kiện thì điều kiện đó có thay đồi không?
Cùng với việc xác định các chứng cứ cần thu thập trong vụ án thừa kế để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư lưu ý vấn đề bảo quản chứng cứ trước khi cung cấp cho Tòa án để bảo toàn chứng cứ. Việc bảo quản chứng cứ có thể sử dụng biện pháp chụp ảnh, niêm phong, đề nghị Thừa phát lại lập vi bàng... Chứng cứ đã được giao nộp tại Toà án thì việc bảo quản chứng cứ đó do Toà án chịu trách nhiệm.

Sau khi xác định được các chứng cứ cần thu thập trong vụ án thừa kế, Luật sư xác định xem bằng cách nào để thu thập các chứng cứ thuộc về nghĩa vụ chứng minh của bên khách hàng minh bảo vệ (áp dụng biện pháp để thu thập các chứng cứ). Trước hết, Luật sư yêu cầu khách hàng cung cấp chứng cứ cho mình để từ đó xác định các chứng cứ cần giao nộp cho Tòa án.

Sau khi khách hàng cung cấp chứng cứ mà còn thiếu Luật sư mới tiếp tục thu thập. Có những trường hợp Luật sư phải tự mình đi thu thập, xác minh chứng cứ tại một số cơ quan, tổ chức, địa phương mà khách hàng không thể tự làm được. Ví dụ, Luật sư yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp hoặc xác nhận về nguồn gốc tài sản các bên đang tranh chấp trong vụ án thừa kế, lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu Ủy nan nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý...

Trong vụ án thừa kế, mặc dù theo nguyên tắc đương sự có nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ nhưng Tòa án cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thực hiện việc chứng minh. Chính vì vậy, cùng với khách hàng xác định các biện pháp tự thu thập các chứng cứ trong vụ án thừa kế, Luật sư hướng dẫn khách hàng yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Cụ thể là, có thể yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng và lấy lời khai của họ để làm rõ các vấn đề cần chứng minh trong vụ án; yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp đối chất, trưng cầu giám định...

Trong các vụ án thừa kế có yêu cầu chia di sản thừa kế, Luật sư phải yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp định giá tài sản tranh chấp, thẩm định giá theo quy định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trước phiên định giá, Luật sư thu thập các chứng cứ liên quan đến loại đất, vị thế nhà đất, khả năng sinh lợi của nhà đất, tham khảo khung giá đất do Ủy nan nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) ban hành về giá các loại đất ở địa phương, lấy chứng cứ về việc chuyển nhượng nhà đất trong khu vực nhà đất đang tranh chấp vào thời điểm gần nhất để cung cấp cho Hội đồng định giá và tư vấn cho khách hàng của mình phát biểu ý kiến về giá trước khi Hội đồng tiến hành định giá.

Đối với vụ án có yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà đất, Luật sư tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp xem xét. thẩm định tại chỗ theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để thu thập tài liệu, chứng cứ. Trên cơ sở kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, Luật sư có thể tư vấn cho khách hàng về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Kỹ năng của luật sư thừa kế cung cấp chứng cứ

Sau khi đã thu thập được các chứng cứ cần thiết, nếu tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của khách hàng, Luật sư sẽ thực hiện hoạt động cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư cần hướng dẫn các đương sự cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Về nguyên tắc, các chứng cứ thuộc về nghĩa vụ chứng minh của khách hàng mà Luật sư bảo vệ quyền lợi sẽ được lần lượt cung cấp cho Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Cung cấp chứng cứ là một nghệ thuật, đòi hỏi sự tinh thông về kỹ năng nghiệp vụ của Luật sư. Cãn cứ quy định tại Điêu 96 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Luật sư thực hiện kỹ năng cung cấp, giao nộp chứng cứ.

3- Luật sư thừa kế cung cấp chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án tiến hành hoạt động xây dựng hồ sơ vụ án, trong đó Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để xác minh, thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ. Bên cạnh các chứng cứ do bên khách hàng mình cung cấp còn có các chứng cứ do các đương sự là người thừa kế hoặc người khác cung cấp. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về thời hạn cung cấp chứng cứ, theo đó thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuân bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

Theo nội dung quy định này, Luật sư cần thực hiện việc cung cấp hoặc tư vân cho đương sự cung cấp chứng cứ trong thời hạn do Thẩm phán ấn định tại thông báo giao nộp chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp thì Luật sư phải chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chứng minh lý do chính đáng của việc giao nộp chậm. Để làm rõ các yêu cầu của khách hàng mình (hoặc phản bác yêu cầu), Luật sư xác định các chứng cứ cần cung cấp và thực hiện việc cung cấp cho Tòa án. Khi cung cấp chứng cứ cho Tòa án, nên thể hiện rõ quan điểm của mình là chứng cứ này dùng để chứng minh cho vấn đề gì trong vụ án thừa kế, như chứng cứ chứng minh thời điểm mở thừa kế, chứng minh di sản thừa kế, không vi phạm việc định đoạt tài sản chung...

4- Luật sư thừa kế cung cấp chứng cứ tại phiên tòa

Tại phiên tòa, theo quy định tại Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các đương sự có quyền bồ sung chứng cứ trong trường hợp không thể biết được chứng cứ đó trong quá trình chuẩn bị xét xử; chứng cứ Thẩm phán không yêu cầu giao nộp hoặc có lý do chính đáng của việc giao nộp chậm. Các chứng cứ cung cấp tại phiên tòa có thể là những chứng cứ đã thu thập được trước đó nhưng chưa cung cấp cho Tòa án, cũng có thể là các chứng cứ mà đương sự mới thu thập được như một bản di chúc, chứng cứ chứng minh di sản hoặc quyền sở hữu tài sản của khách hàng mình... Tùy theo mục đích của đương sự mà Luật sư thực hiện kỹ năng cung cấp bố sung chứng cứ tại phiên tòa.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THỪA KẾ NGHIÊN CỨU HỒ SƠ, CHUẨN BỊ THAM GIA PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế là tổng hợp các hoạt động đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án của Luật sư, từ đó đưa ra kết luận về các vấn đề về tố tụng và nội dung của vụ án. Nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động thu thập và cung cấp chứng cứ trước đó.

Dù bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Luật sư cũng cần phải nắm vững nguyên tắc nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế một cách toàn diện. Nguyên tắc này đòi hỏi phải nghiên cứu tất cả các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không được bở sót bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào. Tuy nhiên, Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế cần đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là những lợi thế của khách hàng, các căn cứ của yêu cầu, phản bác yêu cầu của khách hàng và các căn cứ do các đương sự khác trong vụ án đưa ra.

Về phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế, Luật sư thực hiện theo phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự nói chung và đặc thù của vụ án thừa kế. Theo đó, việc nghiên cứu bắt đầu từ đơn khởi kiện, các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản đối chất, biên bản hòa giải và các tài liệu, chứng cứ khác do những người tham gia tố tụng cung cấp, Tòa án thu thập. 

Về các nội dung nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế cũng giống như nghiên cứu các hồ sơ vụ án khác, bao gồm các vấn đề về tố tụng và nội dung của vụ án. Song, Luật sư chú ý đến đặc thù của vụ án thừa kế để từ đó tiến hành nghiên cứu các vấn đề khác như: nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, tính chất, mức độ của tranh chấp; hoàn cảnh, điêu kiện của từng đương sự trong vụ án; tâm tư, nguyện vọng của từng đương sự, đặc biệt trong vụ án có đương sự thuộc nhóm người yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Từ đó Luật sư mới có thể hiểu được đẩy đủ hơn, sâu sắc hơn về bối cảnh của từng vụ án.

Các vấn đề về tố tụng và nội dung trong vụ án thừa kế có mối quan hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính logic, khoa học trong việc nghiên cứu, trước hết Luật sư nghiên cửu và đưa ra kết luận các vấn đề về tố tụng trong vụ án thừa kế. Việc nghiên cứu bắt đầu từ nghiên cứu về quyền khởi kiện vụ án thừa kế của nguyên đơn, thẩm quyên của Tòa án (theo vụ việc, theo cấp và theo lãnh thổ), thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế, sau đó đến nghiên cứu các vấn đề khác như đương sự, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ, hòa giải của Tòa án... Xác định vấn đề tố tụng nào để nghiên cứu trước có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế của Luật sư.

Ví dụNăm 1981, ông Nguyễn Văn Khải kết hôn với bà Trần Phương Nhu, có 1 con chung là Nguyễn Tuấn Khang, sinh năm 1988. Năm 1995, ông Khải và bà Nhu ly hôn (Bản án số 40/LHST ngày 24/3/1995 của Toà án nhân dân quận N). Năm 1996, ông Khải sống với bà Lê Kim Phụng, có làm lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn, có 1 con chung là chị Nguyễn Thị Kim Châu, sinh năm 1999. Năm 2000, mẹ ông Khải xuất cảnh ra nước ngoài và có để lại căn nhà ở phố T cho hai anh em ông Khải. Ông Khải được chia 40 lượng vàng SJC từ việc bán nhà. Năm 2003, bà Phụng làm đơn yêu cầu ly hôn với ông Khải, sau đó rút đơn. Trong thời gian này, ông Khải về sống với bà Nhu tại nhà ở phố K, phường 7, quận N, thành phố H có nguồn gốc của bố mẹ bà Nhu là cụ Lê Thị Lan (chết năm 2000) và cụ Trần Văn Ba (chết năm 2002).

Cụ Lan và cụ Ba sinh được 3 người con là ba Trần Thị Nhu. ông Trần Bá Hoàng và bà Trần Phương Loan. Năm 2004 cháu Châu bị bệnh chết. Năm 2005, ông Khải bị bệnh và đến ngày 10/12/2005 ông Khải chết. Theo yêu cầu của ông Khải, ngày 02/12/2005, bà Phụng làm đơn ngăn chặn không cho bà Nhu làm đăng ký quyền sở hữu đối với căn nhà ớ phố K, phường 7, quận A. có dấu lăn tay của ông Khải và có hai người chứng kiến là ông Bảo Nghĩa, bà Bùi Thị Kim Vân. Ngày 10/7/2016, bà Phụng khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định căn nhà ở phố K, phường 7, quận N là tài sản của ông Khải, chia thừa kế căn nhà đó cho bà được hưởng 50% giá trị căn nhà.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án với các tình tiết trên, Luật sư phải xác định được bà Phụng không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Khải, bởi lẽ giữa bà Phụng và ông Khải không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Khi đã xác định được chính xác bà Phụng không có quyền khởi kiện vụ án thừa kế, về logic việc nghiên cứu các vấn đề khác cúa vụ án thừa kế này là không cần thiết.

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế là vấn đề phức tạp. Nghiên cứu vấn đề này sẽ liên quan đến thời điểm mở thừa kế, thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và một số vấn đề khác. Luật sư lưu ý các quy định mới của Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế đối chiếu với các tình tiết trong vụ án đã kết luận còn hay hết thời hiệu khởi kiện. Đồng thời cũng cần lưu ý áp dụng quy định tại điều khoản chuyển tiếp của Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết, Luật sư nghiên cứu các vấn đề khác liên quan đến thời hiệu khởi kiện được quv định trong Bộ luật dân sự. cụ thể là:

- Có sự kiện pháp lý về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật dân sự không? Tài liệu, chứng cứ nào phản ánh vấn đề này?

- Có tài liệu, chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án phản ánh sự kiện pháp lý về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định Bộ luật dân sự không.

Nghiên cứu đầy đủ các vấn đề trên Luật sư mới có thể kết luận còn hay hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế.

Nghiên cứu chứng cứ liên quan đến vấn đề tố tụng, Luật sư xác định tính hợp pháp của chứng cứ. Đặc biệt, Luật sư chú ý nghiên cứu kỹ trình tự, thủ tục Tòa án áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ, từ đó xác định Tòa án có thực hiện đúng theo quy định của pháp luật không.

Các biện pháp thu thập chứng cứ mà Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự bao gồm: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.

Ví dụ: trường hợp di sản thừa kế mà các bên tranh chấp là cây cảnh, đồ cổ... thì Luật sư cần nghiên cứu kỹ về thành phần Hội đồng định giá để từ đó kết luận việc định giá có bảo đảm đúng giá trị thực của tài sản tranh chấp không? Cây cảnh, đồ cổ là nhưng tài sản không có khung giá, thậm chí là tài sản vô giá. Vì vậy, khi định giá gặp khá nhiều khó khăn. Để việc định giá những tài sản có tính đặc thù này, thì thành phần Hội đồng định giá phải có đại diện các cơ quan, tổ chức có chuyên môn như: đại diện Hội sinh vật cảnh, cơ quan tài chính tham gia thành viên Hội đồng định giá khi định giá cây cảnh: đại diện cơ quan bảo tàng hoặc khảo cổ tham gia Hội đồng định giá khi định giá đồ cổ...

Kết quả của nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế về các vấn đề tố tụng là Luật sư rút ra được các kết luận chính xác về từng vấn đề: quyền khởi kiện vụ án thừa kế của nguyên đơn; thẩm quyền theo loại việc, theo cấp, theo lãnh thổ của Tòa án; đương sự; thời hiệu khởi kiện; trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ; trình tự. thủ tục thực hiện hoạt động hòa giải; căn cứ và trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có)...

Nghiên cứu xong và có kết luận các vấn đề về tố tụng, Luật sư tiếp tục tiến hành nghiên cứu các vấn đề về nội dung của vụ án thừa kế. Việc nghiên cứu các vấn đề về nội dung trong vụ án thừa kế chính là nghiên cứu để cần phải giải quyết của vụ án. Hoạt động này được thực hiện bắt đầu từ nghiên cứu yêu cầu của các đương sự. Đương sự có thể thay đổi, bổ sung, rút một phần yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, Luật sư nghiên cứu các tài liệu khác như bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản đối chất, biên bản hòa giải... để xác định yêu cầu cuối cùng của đương sự. Kết quả của việc nghiên cứu yêu cầu của đương sự trong vụ án thừa kế là Luật sư phải xác định được chính xác từng loại yêu cầu và thủ tục thực hiện các yêu cầu đó có đúng pháp luật không.

Sau khi nghiên cứu yêu cầu của đương sự, Luật sư tiếp tục nghiên cứu các vấn đề cần chứng minh trong vụ án thừa kế. Việc nghiên cứu các vấn đề cần chứng minh gắn liền với hoạt động nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Khi nghiên cứu và đánh giá chứng cử, Luật sư nghiên cứu và đánh giá cả về hình thức và nội dung của chứng cứ.

Trước hết, Luật sư nghiên cứu về người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế để kết luận được chính xác về vấn đề này. Luật sư nghiên cứu các nguồn chứng cứ trong đó chứa đựng các chứng cứ chứng minh về người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế như: hộ khẩu gia đình, giấy khai sinh, giấy chửng tử, quvết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bản khai lý lịch, lời khai của các đương sự, người làm chứng; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, di chúc và các nguồn chứng cứ khác.

Sau đó, Luật sư tiếp tục nghiên cứu về di sản thừa kế. Để xác định tài sản mà các bên tranh chấp có thuộc sở hữu của người để lại di sản thừa kế không, Luật sư cần phân biệt đó là động sản hay bất động sản. Nếu tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, Luật sư nghiên cứu các chứng cứ chứng minh tài sản đó có phải là di sản thừa kế không.

Các chứng cứ này có thể chứa đựng trong các nguồn chứng cứ khác nhau: các tài liệu đọc được như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng, các giấy tờ về quá trình thực hiện hợp đồng...; các tài liệu nghe được, nhìn được (băng ghi âm. ghi hình); vật chứng; lời khai của các bên đương sự, lời khai của người làm chứng... Nếu là bất động sản không có các giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, Luật sư nghiên cứu các tài liệu chứng cứ về nguồn gốc tài sản. Khi xác định được di sản thừa kế là nhà, đất và khách hàng yêu cầu được hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật, Luật sư cần nghiên cứu về diện tích, kích thước, đặc điểm, các mặt tiếp giáp...

Ngoài ra, Luật sư nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ phản ánh sự biến động của di sản thừa kế từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm tranh chấp; nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản thừa kế; di tặng; phần di sản nào được người lập di chúc định đoạt dùng vào việc thờ cúng... Kết quả của việc nghiên cứu về di sản thừa kế là Luật sư phải xác định được chính xác phạm vi của di sản chia thừa kế. 

Nếu trong hồ sơ vụ án có yêu cầu chia thừa kế theo di chúc, Luật sư nghiên cứu cả về hình thức và nội dung của từng di chúc. Đối chiếu với quy định của Bộ luật dân sự về từng loại di chúc, sau đó rút ra kết luận về tính hợp pháp của di chúc về nội dung của di chúc, Luật sư nghiên cứu kỹ từng từ ngữ thể hiện trong di chúc để xác định đúng ý chí đích thực của người để lại di sản từ đó có các đề xuất chính xác với Tòa án.

Ngoài việc nghiên cứu các vấn đề trên, tùy thuộc vào từng vụ án thừa kế cụ thể, Luật sư nghiên cứu các vấn đề cần giải quyết khác trong vụ án. Ví dụ, nghiên cứu về điều kiện hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình, nghiên cứu để xác định về công sức quản lý, duy trì di sản thừa kế, điều kiện về chỗ ở của từng người thừa kế...

Một trong những nội dung không thể thiếu được đối với việc nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế là nghiên cứu luật nội dung áp dụng để giải quyết vụ án thừa kế. Các tình tiết trong vụ án thừa kế là cơ sở để Luật sư nghiên cứu và xác định luật nội dung áp dụng. Luật sư nghiên cứu xác định cụ thể điểm, khoản, điều, văn bản pháp luật nào, được ban hành thời gian nào? Về mặt nguyên tắc, cần nghiên cứu tất cả các vấn đề về tố tụng và nội dung cua vụ án thừa kế, song Luật sư nên xác định các bên đương sự trong vụ án thừa kế đang tranh chấp những vấn đề gì để tập trung nghiên cứu.

Ví dụ: khi bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật, bị đơn có ý kiến phản bác thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế đã hết, vì vậy bị đơn đề nghị Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp này Luật sư ngoài việc nghiên cứu các vấn đề khác, Luật sư tập trung nghiên cứu vấn đề thời hiệu khởi kiện, cụ thể là tập trung nghiên cứu về thời điểm mở thửa kế để xác định chính xác còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế hay không, từ đó trao đổi với khách hàng và tư vấn cho họ các phương án giải quyết khác nhau.

Hoặc, trong vụ án thừa kế các bên chỉ tranh chấp về phương thức chia di sản bằng giá trị hay hiện vật, bên nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được chia phân di sản thừa kế bằng hiện vật (như yêu cầu được chia nhà, đất), bị đơn  không đồng ý chia hiện vật cho nguyên đơn mà chỉ đồng ý thanh toán bằng giá trị phần di sản nguyên đơn được hưởng. Trong trường hợp này, Luật sư tập trung vào nghiên cứu đặc điểm, kích thước, các mặt tiếp giáp... của di sản thừa kế và điều kiện, hoàn cảnh sống cùa từng nguyên đơn, bị đơn.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế là việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hoạt động này không tách rời với việc đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, Luật sư có phương pháp nghiên cứu từng chứng cứ để xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ và nghiên cứu tổng hợp chứng cứ (đặt các chứng cứ trong mối liên hệ so sánh, đối chiếu với nhau).

Sản phẩm hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế của Luật sư là bản ghi chép kết quả nghiên cứu hồ sơ. Trong bản ghi chép này, Luật sư lập theo các nội dung sau: thông tin về vụ án (đương sự, yêu cầu của các đương sự; quan hệ pháp luật tranh chấp); kết luận về từng vấn đề về tố tụng (số bút lục); kết luận về từng vấn đề về nội dung của vụ án (số bút lục); giải pháp cụ thể Luật sư đề ra sau khi nghiên cứu hồ sơ (yêu câu Tòa án đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án; thu thập, cung cấp, bổ sung chứng cứ...).

Nội dung bản kết quả nghiên cứu hồ sơ có mối liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng phương án hỏi, soạn thảo dự thảo bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tốt hồ sơ vụ án thừa kế tạo tiền đề để Luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự đạt kết quả tốt hơn. 

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

III- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THỪA KẾ DỰ THẢO PHƯƠNG ÁN HỎI, CHUẨN BỊ BẢN LUẬN CỨ THAM GIA PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Xây dựng dự thảo phương án hỏi và chuẩn bị dự thảo bản luận cứ cân được thực hiện ngay sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế. Bởi lẽ kỹ năng này có mối liên hệ chặt chẽ với kỹ năng nghiên cứu và lập bản kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án. Phương án hỏi trong vụ án thừa kế cần bám vào các vấn đề về nội dung và tố tụng của vụ án thừa kế.

Các vấn đề cần hỏi trong vụ án thừa kế khác nhau tùy thuộc vào đối tượng các bên tranh chấp trong từng vụ án cụ thể. Ví dụ, vấn đề cần hỏi để làm rõ trong vụ án thừa kế A là thời điểm mở thừa kế, người thừa kế là con nuôi thực tế, về việc từ chối hưởng di sản; nhưng trong vụ án thừa kế B thì vấn đề cần hỏi là xoay quanh vấn đề di sản thừa kế, phương thức phân chia di sản bằng tiền hay hiện vật, việc người quản lý di sản chuyển nhượng một phần di sản, việc tôn tạo di sản thừa kế...

Luật sư lưu ý phương án hỏi này có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của phiên tòa sơ thẩm. Có những vụ án thừa kế phức tạp, có nhiều đương sự, các bên tranh chấp nhiều vấn đề cần giải quyết của vụ án, đánh giá chứng cứ có sự khó khăn đòi hỏi Luật sư cần đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ cho nghiên cứu hồ sơ và xây dựng phương án hỏi cũng như soạn thảo bản luận cứ.

Ví dụ: Trong vụ án thừa kế, bên nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật là quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 200 m2 tại phường N, quận T, thành phố H và yêu cầu được chia mảnh đất có diện tích 50 m2 bên bị đơn không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng, quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 200 m2 đất được bố mẹ chuyển nhượng cho bị đơn nhưng bị đơn không xuất trình đươc chứng cứ chứng minh việc chuyên nhượng.

Là Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn thì danh mục các vấn đề cần hỏi trong vụ an này bao gồm: (i) Tài sản tranh chấp là di sản thừa kế hay là tài sản của bị đơn; (ii) Phương thức chia di sản thừa kế bằng hiện vật. Câu hỏi cụ thể của vấn đề cần hỏi đối với nguyên đơn, bị đơn là: nguồn gốc mảnh đất có diện tích 200 m2 đang có tranh chấp? Diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa? Nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ai đứng tên chủ sử dụng đất? Câu hỏi đối với bị đơn là căn cứ nào chứng minh người để lại di sản thừa kế đã chuyển nhượng diện tích đất trên cho bị đơn? Hình thức của việc chuyển nhượng như thế nào.

Kỹ năng soạn thảo dự thảo bản luận cứ bảo vệ quyên lợi cho khách hàng trong vụ án thừa kế xuất phát từ tính đặc thù của loại tranh chấp này. Trước hết, về hình thức, Luật sư tuân thủ cấu trúc của bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong vụ án dân sự. Nội dung bản luận cứ bao gồm các phân tích, nhận định, kết luận về những vấn đề tố tụng và nội dung của vụ án thừa kế.

Các phân tích, nhận định về kết luận về những vấn đề tố tụng cần được viết trước các vấn đề về nội dung. Phân tích, nhận định về các tình tiết cần làm sáng tỏ trong vụ án để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trước, sau đó kết luận về từng vấn đề. Luật sư sắp xếp các tình tiết, vấn đề cần phân tích, lập luận trong vụ án thừa kế theo một trật tự logic như phân tích, nhận định về người để lại di sản thừa kế trước rồi sau đó phân tích, nhận định về người thừa kế, di sản thừa kế...

Các phân tích, nhận định các vấn đề về tố tụng và nội dung phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá, sử dụng các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và quy định của pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng. Sau đó, Luật sư rút ra các kêt luận về các tình tiết trong vụ án từ việc đánh giá, sử dụng các chứng cứ đó và quy định của pháp luật. Đó là các kết luận về các tình tiết liên quan đến các vấn đề: quyền khởi kiện vụ án thừa kế; thẩm quyền của Tòa án; thời hiệu khởi kiện; đương sự; trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ; hòa giải; trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có); người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, yêu cầu (chia thừa kế bằng hiện vật, tính công sức quản lý di sản...); phản bác yêu cầu của các đương sự trong vụ án.

Luật sư cần đưa ra kết luận lần lượt về từng yêu cầu hoặc phản bác yêu cầu. Ngôn ngữ viết trong bản luận cứ phải là ngôn ngữ pháp lý nên yêu cầu đặt ra là chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu và đơn nghĩa, không dài dòng, văn hoa, suy diễn. Đây là nguyên tắc chung trong soạn thảo dự thảo bản luận cứ của Luật sư trong vụ án thừa kế. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể, tính chất đơn giản hay phức tạp của từng vụ án, đối tượng các bên tranh chấp trong từng vụ án và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng có các vị trí tổ tụng khác nhau mà Luật sư soạn thảo bản luận cứ cho phù hợp.

Điểm cần lưu ý, Luật sư cần tập trung phân tích, lập luận về những vấn đề mà các bên đương sự trong vụ án đang còn tranh chấp. Ngoài ra, khi tham gia giải quyết vụ án thừa kế có đương sự thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, Luật sư lưu ý khi soạn thảo để có được sự “thấu tình, đạt lý” trong nội dung bản luận cứ. Vì vậy, trong bản luận cứ vụ án thừa kế ngoài những nội dung chung của bản luận cứ, Luật sư phải phân tích các tình tiết thực tế của vụ án thừa kế và đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của từng đương sự, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, đồng thời diễn giải các quy định của pháp luật thừa kế, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế như pháp luật về bình đẳng giới, về người khuyết tật... làm cơ sở cho các đề xuất của mình đối với Tòa án.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án dân sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm tranh chấp thừa kế

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
9.70520 sec| 1260.57 kb