Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực".
Mahatma Gandhi, 1869-1948, anh hùng dân tộc, Ấn Độ
Kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng là một trong những biện pháp được sử dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau của tố tụng. Từ kiến nghị của luật sư hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, chính xác hơn về vụ việc, đồng thời kiến nghị này giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mà luật sư hình sự tham gia bào chữa, bảo vệ.
Luật sư hình sự cần hiểu rõ mục đích của kiến nghị, yêu cầu về hình thức đối với kiến nghị bằng văn bản, yêu cầu khi trao đổi trực tiếp và có kỹ năng soạn thảo văn bản kiến nghị .
Trong suốt quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, luật sư hình sự luôn vận dụng hết khả năng hiểu biết của mình và sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để tùy vào từng giai đoạn tố tụng và tùy vào những nội dung cụ thể mà luật sư có những hình thức kiến nghị, đề xuất phù hợp nhằm làm sáng tỏ những tình tiết xác định thân chủ mình là người bị buộc tội vô tội hoặc những vấn đề khác có lợi cho thân chủ.
Việc kiến nghị của luật sư hình sự nhằm mục đích:
- Giúp cơ quan tiến hành tố tụng có góc nhìn chính xác, khách quan, đầy đủ, toàn diện các khía cạnh của vụ án hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, vừa bảo đảm sự bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật, lại vừa bảo đảm tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
- Giúp thân chủ và người đã ký hợp đồng với luật sư hình sự yên tâm về mặt tinh thần khi thấy luật sư hình sự có những kiến nghị hợp tình, hợp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
- Giúp đạt mục tiêu của luật sư hình sự là bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, đồng thời tạo niềm tin về uy tín, thương hiệu của mình đối với khách hàng trong hiện tại và tương lai.
Kiến nghị của luật sư hình sự phải bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Phải xác định chính xác chủ thể chính cần kiến nghị là ai, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là cơ quan nào;
- Nội dung kiến nghị phải cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; thực sự có lợi cho thân chủ và bảo đảm tính nhân văn.
- Kiến nghị phải đảm bảo tính hợp lý và có tính khả thi cao (chẳng hạn khi kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung mang tính thực tế và phải thực hiện được, tránh kiến nghị mang tính chất chung chung hoặc Kiến nghị những trường hợp không thể thực hiện được).
- Bố cục văn bản kiến nghị phải chặt chẽ.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Trong quá trình tham gia bào chữa cho bị can từ giai đoạn điều tra, ngay sau khi nắm được những nội dung cơ bản về vụ án, thì tùy theo từng vụ án cụ thể mà luật sư hình sự cần thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật quy định trong đó có kiến nghị với cơ quan điều tra để sao cho có thể bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, như: Có thể tự thu thập, đưa ra chứng cứ của vụ án; đề nghị cơ quan điều tra thu thập chứng cứ của vụ án; đề nghị triệu tập người làm chứng để lấy lời khai; đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn; đề nghị được khắc phục hậu quả...
- Kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn:
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can. Tuy nhiên, tùy theo tính chất mức độ phạm tội của bị can trong từng vụ án cụ thể khác nhau để áp dụng biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo sao cho phù hợp với yêu cầu của công tác điều tra đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thông thường trong giai đoạn này, nếu bị can đang bị tạm giam tâm lý sẽ rất mong muốn được tại ngoại (mong muốn được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thay tạm giam) hoặc có trường hợp chỉ khi bị can được tại ngoại thì mới có thể trực tiếp giải quyết các hậu quả trong vụ án do bị can gây ra hoặc vì hoàn cảnh gia đình bệnh tật … Trong trường hợp này, kỹ năng quan trọng của luật sư hình sự là xem xét nguyện vọng và kiểm tra các đặc điểm nhân thân của bị can, nếu bị can có nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, đảm bảo sự có mặt của họ tại cơ quan điều tra... thì luật sư có thể kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát xem xét áp dụng các quy định pháp luật để thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can từ tạm giam sang các biện pháp ngăn chặn cho phù hợp với hoàn cảnh bị can và các quy định tại Điều 119, Điều 122, điều 123, Điều 124 BLTTHS năm 2015.
- Kiến nghị triệu tập người làm chứng để lấy lời khai:
Nếu trong quá trình điều tra luật sư hình sự phát hiện hoặc thấy cần thiết phải thu thập thêm những chứng cứ tài liệu để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án thì luật sư hình sự có thể chủ động thu thập và cung cấp cho cơ quan điều tra hoặc đề nghị cơ quan điều tra tiến hành thu thập theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định (Điều 73 BLTTHS năm 2015).
Trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa, luật sư hình sự cần chủ động có kế hoạch để tự thu thập các chứng cứ có lợi cho thân chủ. Chứng cứ được thu thập có thể là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản... Khi đã thu thập được những tài liệu, đồ vật này, luật sư cần cung cấp cho cơ quan điều tra, việc cung cấp những tài liệu, đồ vật giữa luật sư hình sự và cơ quan điều tra cần phải được lập thành biên bản về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Tất cả các tài liệu, đồ vật này đều được coi là chứng cứ nếu nó phù hợp với các quy định của pháp luật về chứng cứ.
Ngoài ra, trong các vụ án hình sự, lời khai của người tham gia tố tụng đặc biệt là người làm chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh vụ án. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện người làm chứng có lời khai có lợi cho thân chủ, luật sư hình sự nên đề xuất cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai.
- Kiến nghị về thu thập chứng cứ:
Trong quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, mặc dù luật sư hình sự có quyền thu thập chứng cứ nhưng thực tế việc thực hiện không hề dễ dàng. Do đó, nếu phát hiện chứng cứ có lợi cho thân chủ nhưng xét thấy luật sư hình sự khó tự mình thu thập, luật sư cần kiến nghị đề nghị cơ quan điều tra thu thập. Khi kiến nghị, luật sư hình sự cần nêu rõ chứng cứ cần thu thập có ý nghĩa gì cho quá trình chứng minh tội phạm.
- Kiến nghị về khắc phục hậu quả:
Trong quá trình điều tra, đối với vụ án xâm phạm sở hữu hoặc liên quan đến thiệt hại về tài sản, nếu bị can đã đồng ý về việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì luật sư hình sựcũng kiến nghị đến cơ quan điều tra để cho bị can được thực hiện các thủ tục xử lý tài sản của bị can như bán tài sản hoặc giúp bị can làm các thủ tục để trả lại tài sản cho người bị hại để khắc phục hậu quả.
Trong giai đoạn truy tố, xét xử luật sư hình sự được tiếp cận sao chụp và nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, do đó, luật sư sẽ đánh giá được những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được và tìm ra hướng để giải quyết vụ án. Luật sư hình sự sẽ kiến nghị các vấn đề liên quan đến định hướng bào chữa, bảo vệ trong vụ án hình sự, bao gồm: Có tội hay không có tội, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc việc thu thập chứng cứ... Đối với việc kiến nghị với Tòa án, cần phân biệt, việc kiến nghị các nội dung trên được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, luật sư chỉ kiến nghị về vấn đề triệu tập người liên quan đến phiên tòa như người làm chứng, người giám định, điều tra viên, người định giá tài sản... Các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án sẽ được trình bày tại phiên tòa trong phần tranh luận.
- Kiến nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Trong trường hợp khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư hình sự xác định bị can không oan, đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội và lời khai của thân chủ phù hợp với các chứng cứ khác đã có trong hồ sơ vụ án cụ thể luật sư hình sự sẽ nghiên cứu kiến nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo hướng chuyển tội danh sang tội danh khác nhẹ hơn, chuyển khung hình phạt hoặc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị can, bị cáo.
(i) Chuyển tội danh sang tội danh khác nhẹ hơn: Khi có căn cứ để đề nghị thay đổi tội danh, luật sư hình sự cần chỉ ra các căn cứ trong hồ sơ vụ án để chứng minh hành vi của bị can thỏa mãn một tội danh khác nhẹ hơn.
(ii) Kiến nghị để được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án, luật sư hình sự nhận thấy có những tình tiết có lợi mà cơ quan điều tra chưa xem xét để đánh giá một cách khách quan, toàn diện theo hướng có lợi cho bị can hoặc trong một số trường hợp luật sư thấy cần bổ sung những chứng cứ, tình tiết có lợi cho bị can, thì luật sư hình sự sẽ chủ động trao đổi với viện kiểm sát đề nghị ghi nhận, xem xét các tình tiết có lợi đó khi ra Cáo trạng. Trong giai đoạn xét xử, việc đề xuất xem xét các tình tiết giảm nhẹ, luật sư sẽ đề xuất tại phiên tòa mà không cần kiến nghị trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
- Kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung:
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, khi xác định có nhiều tình tiết có ý nghĩa xác định sự thật khách quan của vụ án mà chưa được làm sáng tỏ thì luật sư hình sự cần trao đổi, kiến nghị với viện kiểm sát, Tòa án để trả hổ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 245, Điều 280 BLTTHS năm 2015. Khi kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, luật sư hình sự cần nghiên cứu kỹ Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.
Kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề được quy định tại Điều 85 BLTTHS mà không thể bổ sung tại phiên tòa. Đó chính là việc thiếu chứng cứ quan trọng để làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Việc thiếu chứng cứ đó, viện kiểm sát, Tòa án không bổ sung được cho nên buộc phải trả hồ sơ để điều tra.
(i) Kiến nghị xác định rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
(ii) Kiến nghị để yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tích.
(iii) Kiến nghị để yêu cầu thu thập chứng cứ.
(iv) Kiến nghị để yêu cầu làm rõ cơ chế hình thành các dấu vết để lại trên thi thể nạn nhân.
(v) Kiến nghị đánh giá lại mức độ thiệt hại tài sản.
(vi) Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác hoặc có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố.
Đây là những căn cứ kiến nghị do luật sư hình sự của người bị hại đề xuất. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu đánh giá chứng cứ không khách quan, bỏ lọt tội phạm thì luật sư hình sự cần kiến nghị để đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố bổ sung hành vi phạm tội của các bị can.
- Kiến nghị đề nghị đình chỉ vụ án:
Trong quá trình tham gia giải quyết vụ án hình sự, sau nghiên cứu hồ sơ, nếu luật sư hình sự nhận thấy có căn cứ được quy định tại Điều 248, Điều 282 BLTTHS năm 2015 kiến nghị đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp luật sư nhận thấy có nhiều tình tiết có ý nghĩa xác định sự thật khách quan của vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể làm sáng tỏ, hoặc không đủ cơ sở để kết tội thân chủ thì luật sư cần kiến nghị để đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ vụ án.
- Kiến nghị sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử:
Sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, luật sư hình sự xem xét việc triệu tập người tham gia tố tụng cũng như việc xem xét chứng cứ tại phiên tòa để có kiến nghị phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.
- Kiến nghị đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa.
- Kiến nghị triệu tập người làm chứng đến phiên tòa.
Luật sư hình sự cần kiến nghị, đề xuất Tòa án triệu tập thêm người tham gia tố tụng cung cấp các thông tin, lời khai có lợi cho thân chủ khi xét thấy việc Tòa án không triệu tập sẽ làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Trong thực tiễn hành nghề của luật sư hình sự, khi thấy có những vấn đề thật sự có ích cho công việc của mình để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho thân chủ, luật sư đều phải thực hiện kỹ năng kiến nghị, đề xuất với cơ quan và người có thẩm quyền tố tụng. Đề nghị có thể thực hiện bằng hình thức như trao đổi trực tiếp (bằng lời nói) hoặc trao đổi gián tiếp (bằng văn bản) có thể kết hợp cả hai hình thức.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, khi luật sư hình sự thấy có những vấn đề rất cần thiết phải có sự trao đổi, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì phải gặp gỡ, làm việc và trao đổi với người có trách nhiệm giải quyết vụ việc. Thông thường, luật sư hình sự trực tiếp gặp và trao đổi với người có chức danh tư pháp trong cơ quan tư pháp như Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc kiểm sát viên, kiểm tra viên của điều tra viên; Chánh án, Phó Chánh án hoặc Thẩm phán, Thẩm tra viên của Tòa án.
Yêu cầu đối với luật sư hình sự khi trao đổi trực tiếp bằng lời nói:
- Cần có kế hoạch và sự thống nhất về địa điểm trao đổi là trụ sở làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà luật sư hình sự xác định cần gặp gỡ để trao đổi.
- Cần chuẩn bị kỹ nội dung về tố tụng hoặc về chứng cứ hoặc cả hai vấn đề tố tụng và chứng cứ hoặc các nội dung khác theo kế hoạch đã đề ra nhằm đạt được mục đích buổi làm việc.
- Cần xác định rõ phạm vi cần trao đổi để buổi làm việc thật sự hiệu quả và bảo đảm thời gian tốt nhất.
- Phải nêu căn cứ pháp luật, chỉ rõ những vi phạm về thủ tục tố tụng hoặc những thiếu sót về chứng cứ, có lập luận chặt chẽ để đảm bảo tính thuyết phục cao.
Trước khi trao đổi, luật sư hình sự cần phải có dự kiến về thời gian và thống nhất địa điểm làm việc, đặc biệt nếu trao đổi, làm việc với những người có chức danh tư pháp là lãnh đạo của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án thì luật sư hình sự phải đặt lịch làm việc trước để họ chủ động bố trí thời gian làm việc một cách hợp lý và khoa học. Việc kiến nghị bằng hình thức trao đổi trực tiếp và lời nói của luật sư hình sự với người có chức danh tư pháp có những ưu điểm và một số nhược điểm sau:
- Ưu điểm: Đối với phương thức đề xuất trực tiếp, luật sư hình sự qua giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ sẽ bày tỏ hết những thông tin cần trao đổi một cách đa dạng, phong phú, thể hiện được hết tâm trạng, tình cảm và suy nghĩ của mình qua nét mặt cử chỉ lời nói và biểu cảm thể hiện được hết ý chí mình một cách trực tiếp, đồng thời tranh thủ được suy nghĩ tích cực, tình cảm của những người tiến hành tố tụng, Luật sư quan sát được thái độ, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, đánh giá về nội dung vụ việc của người tiến hành tố tụng; luật sư ghi chép được nhiều vấn đề mà mình quan tâm để từ đó có thể điều chỉnh quá trình giao tiếp một cách kịp thời nhằm đạt được mục đích trao đổi của mình đã đề ra.
Khi làm việc và trao đổi trực tiếp, luật sư hình sự có thời gian và điều kiện để có thể giải thích rõ ràng, cụ thể những vấn đề mà mình còn băn khoăn, những góc khuất của vụ án hoặc những vấn đề mà vì một lý do nào đó không thể đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà luật sư hình sự phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về giữ bí mật trong quá trình điều tra và đặc biệt là kịp thời xử lý thông tin khi có những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình giao tiếp.
- Nhược điểm: Trao đổi kiến nghị trực tiếp bằng lời nói, luật sư hình sự sẽ bị chi phối bởi không gian và điều kiện ngoại cảnh tác động. Hơn nữa, luật sư hình sự phải mất nhiều thời gian để liên hệ về công việc, sắp xếp lịch gặp với những người tiến hành tố tụng và thường không có tài liệu để lưu vào hồ sơ nếu cần xem xét, đối chiếu lại những trao đổi với vấn đề cần trao đổi.
Vì vậy, luật sư hình sự khi tiến hành trao đổi trực tiếp với người có chức danh tư pháp cần thận trọng, chú ý để tránh nói không chính xác hoặc không nghe được rõ ràng, đầy đủ lời nói của người có chức danh tư pháp đối với công việc mà mình đang quan tâm.
- Lưu ý, chọn địa điểm thích hợp và an toàn cho việc trao đổi; thái độ trao đổi cần mềm mỏng, nhẹ nhàng và thân thiện; diễn đạt cần chuẩn xác; các đề xuất, kiến nghị cần cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, có cơ sở và viện dẫn căn cứ pháp lý một cách chính xác để chứng minh. Những điều này giúp ích cho cả cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp đối với thân chủ của mình.
Khi trao đổi trực tiếp, nếu cần thiết, luật sư hình sự đề nghị người tiến hành tố tụng lập biên bản về nội dung buổi làm việc hoặc đề nghị được ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Ưu điểm: Việc đề xuất kiến nghị bằng văn bản đảm bảo việc kiến nghị của luật sư hình sự được chính xác, chặt chẽ và rõ ràng, cụ thể về nội dung đề xuất, kiến nghị của mình, không tốn kém thời gian, công sức và không bị ngoại cảnh tác động. Văn bản được gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và được lưu giữ trong hồ sơ vụ án để làm tài liệu đối chiếu.
Nhược điểm: Phương thức trao đổi này của luật sư hình sự không có được những ưu thế so với phương thức trao đổi trực tiếp bằng lời nói, như không biết rõ cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, biểu cảm và tâm trạng cụ thể của đối tượng giao tiếp là người có chức danh tư pháp sẽ phản ứng như thế nào khi nhận được kiến nghị với những nội dung cụ thể, không có điều kiện để trình bày thêm như trao đổi trực tiếp khi có những tình tiết phát sinh hoặc cần lý giải.
Lưu ý: Bố cục văn bản đề xuất, kiến nghị gồm phần mở đầu, phần nội dung và phần đề xuất, kiến nghị. Về cách diễn đạt, luật sư hình sự phải sử dụng văn phong trong sáng, ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu, tránh thể hiện sự kích động, chỉ trích, phê phán, không sử dụng tiếng lóng, từ ngữ của địa phương, không mỉa mai, cay cú.
Tóm lại, trong quá trình tham gia tố tụng, khi cần để xuất kiến nghị, luật sư hình sự có thể sử dụng các hình thức kiến nghị như kiến nghị trực tiếp bằng lời nói hoặc bằng văn bản, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao và tốt nhất cho thân chủ thì luật sư nên phối hợp cả hai phương thức trên. Cụ thể, trước khi tiến hành trao đổi, luật sư hình sự cần liên hệ để chuẩn bị lịch gặp đối với người tiến hành tố tụng, để trực tiếp trao đổi về nội dung đề xuất, kiến nghị.
Trước đó, luật sư hình sự cần chuẩn bị sẵn văn bản kiến nghị để khi làm việc, khi trao đổi xong thì gửi cho người được trao đổi để nắm rõ về nội dung kiến nghị và lưu vào hồ sơ vụ án. Khi trao đổi trực tiếp, nếu cần thiết luật sư hình sự đề nghị người tiến hành tố tụng lập biên bản về nội dung buổi làm việc hoặc đề nghị được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Đối với văn bản kiến nghị luật sư hình sự cần đề nghị người tiến hành tố tụng ký vào văn bản đã giao nhận kiến nghị của luật sư và kiến nghị đưa văn bản này lưu vào hồ sơ vụ án.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác)
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm