Kỹ năng của luật sư: kế hoạch hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

"Giao tiếp là một kỹ năng, bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình".

Brian Tracy, diễn giả và tác giả người Mỹ gốc Canada chuyên về chủ đề phát triển bản thân

Kỹ năng của luật sư: kế hoạch hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Kế hoạch xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm là bản dự kiến những câu hỏi Luật sư hình sự sẽ hỏi bị can, bị cáo, bị hại hoặc những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Những câu hỏi này là kết quả có được từ việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, việc tiếp xúc, trao đổi, bàn bạc với khách hàng, hoặc những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ, hoặc khẳng định một hay nhiều vấn đề Luật sư thấy cần thiết phục vụ cho quan điểm bào chữa hay bảo vệ của mình.

Tuỳ từng vụ án mà kế hoạch hỏi tập trung vào các vấn đề khác nhau. Luật sự cần xác định rõ mục đích hỏi để làm gì; mục tiêu đặt ra những câu hỏi để dẫn dắt đến những vấn đề cần làm rõ là những vấn đề nào. Luật sư cũng cần dự kiến được Hội đồng xét xử thường hỏi về những vấn đề gì, đại diện Viện kiểm sát sẽ hỏi những vấn đề gì, từ đó đưa ra kế hoạch xét hỏi trùng lặp với Hội đồng xét xử hay bên đại diện Viện kiểm sát.

Liên hệ

I- YÊU CẦU VỀ KẾ HOẠCH HỎI CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Kế hoạch hỏi hay đề cương hỏi tại phiên tòa là tài liệu trong đó luật sư dự kiến những vấn đề cần làm rõ tại phiên toà, trình tự và nội dung các câu hỏi, dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và các phương án giải quyết. Mục đích của việc xây dựng kế hoạch hỏi là giúp luật sư chủ động trong khi hỏi tại phiên tòa, bảo đảm có thể hỏi đầy đủ, chính xác và nhanh chóng, tránh trường hợp hỏi tràn lan, không làm rõ được các vấn đề có lợi cho thân chủ.

Kế hoạch hỏi phải được xây dựng trên cơ sở bản luận cứ bào chữa, bản luận cứ bảo vệ, phục vụ cho định hướng bào chữa hoặc bảo vệ. Phần dự kiến kế hoạch hỏi của luật sư được luật sư chuẩn bị sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng như trao đổi với thân chủ của mình.

Kế hoạch hỏi của luật sư phải bảo bảo những yêu cầu sau đây:

- Phải căn cứ vào quyết định truy tố của Viện kiểm sát và các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án, không hỏi các vấn đề ngoài giới hạn xét xử của Tòa án. Bản cáo trạng/quyết định truy tố là văn bản thể hiện quan điểm buộc tội chính thức của Viện kiểm sát đối với người phạm tội, là căn cứ để xác định thẩm quyền và giới hạn xét xử của Tòa án. Quan điểm buộc tội thể hiện tại bản cáo trạng cũng là cơ sở để chủ thể thực hiện chức năng bào chữa định hướng, chuẩn bị cho hoạt động bào chữa tại phiên tòa. Việc hỏi tại phiên tòa cần căn cứ vào quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát thể hiện trong cáo trạng để làm rõ những tình tiết có lợi cho thân chủ, có thể là làm rõ về tội danh theo hướng nhẹ hơn, làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...

Ví dụ 01:

Bị cáo Nguyễn Văn A bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư bảo vệ thấy diễn biến sự việc có dấu hiệu của tranh chấp hợp đồng kinh tế, không phải hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật sư cần căn cứ vào các chứng cứ buộc tội và quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát để lập kế hoạch hỏi, làm rõ việc “hình sự hóa quan hệ dân sự” để phủ nhận quan điểm buộc tội.

- Bảo đảm định hướng có lợi cho thân chủ đồng thời bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thật của vụ án. Luật sư không vì bảo vệ cho thân chủ mà làm sai lệch nội dung vụ án, đổi trắng thay đen làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng khác.

- Kế hoạch hỏi phải rõ ràng, cụ thể, toàn diện, đầy đủ; không hỏi các câu hỏi có thể trả lời theo nhiều nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau; tránh bỏ sót không hỏi để làm rõ những vấn đề quan trọng phục vụ cho việc bào chữa, bảo vệ.

Ví dụ 02:

Trong vụ án bị cáo bị truy tố về tội Cướp tài sản, khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư thấy bị cáo chỉ có hành vi cưỡng đoạt tài sản; luật sư định hướng bào chữa bị cáo chỉ phạm tội Cưỡng đoạt tài sản mà không phải tội Cướp tài sản như quan điểm của Viện kiểm sát.

Trường hợp này, luật sư cần tập trung hỏi để làm rõ hành vi đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản của bị cáo chỉ là đe dọa sẽ dùng vũ lực (cụ thể lời nói, hành động đe dọa như thế nào; bị cáo có sử dụng hung khí gì hay không; khoảng cách giữa bị cáo với bị hại...). Việc làm rõ tình tiết này có ý nghĩa chứng minh bị cáo chỉ có hành vi cưỡng đoạt tài sản chứ không phải cướp tài sản.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HỎI

Tuỳ từng vụ án mà kế hoạch hỏi tập trung vào các vấn đề khác nhau. Luật sự cần xác định rõ mục đích hỏi để làm gì; mục tiêu đặt ra những câu hỏi để dẫn dắt đến những vấn đề cần làm rõ là những vấn đề nào. Luật sư cũng cần dự kiến được Hội đồng xét xử thường hỏi về những vấn đề gì, đại diện Viện kiểm sát sẽ hỏi những vấn đề gì, từ đó đưa ra kế hoạch xét hỏi trùng lặp với Hội đồng xét xử hay bên đại diện Viện kiểm sát.

Trong phần xét hỏi, thường hỏi về diễn biến xảy ra vụ án, hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân phạm tội, nhân thân… Sau khi hỏi tổng quát, Hội đồng xét xử sẽ hỏi chi tiết để làm rõ phần nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi phạm tội.

Viện kiểm sát hỏi để bảo vệ cáo trạng, làm rõ các tình tiết của vụ án. Theo trình tự xét hỏi được quy định tại Điều 307 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ xét hỏi sau Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên nên cần hết sức chú ý, theo dõi để tránh hỏi bị trùng lặp.

1- Luật sư xác định các vấn đề cần xét hỏi

Kế hoạch xét hỏi của luật sư bào chữa thường tập trung vào các vấn đề sau:  

- Hỏi để làm rõ sự vô tội của bị cáo. Với định hướng bào chữa theo hướng không có tội, luật sư hỏi để làm rõ không có sự việc phạm tội, tức sự việc xảy ra không phải là sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, làm rõ chứng cứ ngoại phạm của bị cáo.

Ví dụ 03: Khi có tài liệu xác định bị cáo không có mặt ở hiện trường luật sư cần đặt câu hỏi làm rõ vào thời điểm xảy ra sự việc bị cáo đang ở đâu, làm gì, có ai biết việc bị cáo ở đó để chứng minh sự ngoại phạm của bị cáo. Khi tài liệu về lý lịch, nhất là tuổi của bị cáo dưới 18 tuổi trong hồ sơ có nhiều điểm chưa rõ, luật sư cần đặt câu hỏi làm rõ sự mâu thuẫn không có cơ sở của các tài liệu xác định bị cáo đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự, đổng thời hỏi làm rõ tài liệu xác định bị cáo chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để đề nghị bị cáo vô tội.

Trong trường hợp thân chủ kêu oan, hoặc hồ sơ vụ án có dấu hiệu chưa đúng, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì trong phần hỏi luật sư cũng cần dự kiến hỏi để nêu bật được vấn đề, có thể dẫn tới trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc nếu tòa chấp nhận thì những chi tiết được đặt ra hỏi tại tòa sẽ làm sáng tỏ những hành vi mà Viện kiểm sát quy buộc là không đúng.

- Hỏi để làm rõ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tùy từng vụ án mà luật sư dự kiến hỏi các vấn đề để làm rõ bị cáo phạm tội nhẹ hơn, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là không có căn cứ hoặc làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ví dụ 03:

Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích nhưng có nguyên nhân từ việc vi phạm pháp luật của bị hại thì hỏi làm rõ do hành vi của bị hại là trái pháp luật nghiêm trọng, chính hành vi này đã làm cho tinh thần của bị cáo bị kích động mạnh nên mới gây thương tích cho bị hại để có cơ sở đề nghị chuyển sang tội cố ý gây thương tích trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Luật sư cũng hỏi để làm rõ hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, (nếu việc làm rõ các dấu hiệu này có lợi cho bị cáo); làm rõ không có sự chuẩn bị trước về hung khí; không có sự bàn bạc trước khi thực hiện tội phạm...

- Trường hợp vụ án có đồng phạm, luật sư hỏi để làm rõ thân chủ chỉ có vai trò thứ yếu trong vụ án như vai trò của người giúp sức; không có sự cấu kết chặt chẽ với nhau; đã có sự vượt quá của người đồng phạm mà thân chủ của mình không phải chịu trách nhiệm...

- Làm rõ thiệt hại hay hậu quả do tội phạm gây ra là không lớn, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại không có cơ sở chấp nhận.

- Trường hợp bảo vệ cho bị hại, luật sư hỏi để làm rõ các tình tiết liên quan tới định hướng bảo vệ như các tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ví dụ 04: 

Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 04/7/2018, Hà cầm cuốc ra cánh đồng C thuộc thôn C, thị trấn B, huyện M để cuốc ruộng. Đang làm thì Hà nhìn thấy anh Hải đi xe máy cầm cuốc đang đến ruộng nhà anh Hải và có bà Đợi là mẹ của anh Hải đang làm. Do có mâu thuẫn từ về việc nghi ngờ gia đình anh Hải vứt rác và gạch vào ruộng rau nhà mình nên Hà gọi anh Hải lại để nói chuyện. Anh Hải không đứng lại nên Hà cầm 01 chiếc cuốc cán hình tròn bằng gỗ, đường kính 04 cm, dài 74 cm, lười bằng kim loại màu đen kích thước (20 X 20) cm đuổi theo.

Hà chặn anh Hải lại, hai bên lời qua tiếng lại to tiếng, cãi chửi nhau. Anh Hải tiếp tục đi và nhảy qua mương nước để tránh Hà nhưng Hà vẫn cầm cuốc nhảy theo để chặn anh Hải lại. Thấy vậy, bà Đợi từ dưới ruộng cầm liềm chạy lên đồng thời bảo anh Hải vứt cuốc đi. Anh Hải vứt cuốc xuống mương gần đó rồi tiếp tục đi về phía bà Đợi, nhưng Hà vẫn cầm cuốc đuổi theo chặn lại. Bà Đợi vứt chiếc liềm xuống ruộng rồi đứng chen vào giữa Hà và anh Hải không cho hai người đánh nhau.

Ngay lúc đó, có ông Hùng người cùng thôn cũng vào can ngăn hai người không cho đánh nhau, nhưng Hà vẫn tiếp tục xông vào, 01 tay cầm cuốc, 01 tay túm áo ngực của anh Hải chửi bới, đồng thời sau đó hai tay Hà cầm cuốc giơ lên bổ một nhát vào trán bên trái của anh Hải theo chiều từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Anh Hải cúi xuống định bốc đất để ném Hà vừa ngẩng đầu lên thì bị Hà bổ nhát cuốc thứ hai theo chiều từ trái qua phải trúng vào trán bên phải của anh Hải, làm anh Hải bị chảy máu ở trán trái và trán phải.

Hậu quả, Anh Hải phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh H, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Bệnh viện 108 từ ngày 04/7/2018 đến ngày 07/7/2018 thì ra viện. Bệnh viện xác định: Anh Hải bị thương ở vùng trán trái và trán phải gây rách da, chảy máu, đã xử lý khâu vết thương. Theo kết luận giám định, tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Hải là 20% (tạm thời). Cơ chế hình thành vết thương là do vật sắc gây nên, vết thương có ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Luật sư bảo vệ cho anh Hải dự kiến hỏi để làm rõ các vấn đề sau:

- Mâu thuẫn giữa Hà và anh Hải.

- Diễn biến sự việc thể hiện rõ: (i) Hà là người chủ động sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công anh Hải, dù được mọi người can ngăn nhưng Hà vẫn tấn công anh Hải tới cùng; anh Hải bị động và đã né tránh; (ii) hành vi của Hà rất quyết liệt: dùng hai tay giơ cuốc bổ từ trên xuống vào trán anh Hải, thậm chí cả khi anh Hải đã cúi xuống vẫn tiếp tục bổ nhát cuốc thứ hai.

- Kết luận giám định về tỉ lệ thương tật và cơ chế hình thành vết thương của anh Hải.

- Những thiệt hại của anh Hải do việc bị thương (chi phí điều trị, tiền thu nhập bị mất...).

- Làm rõ những đồ vật đã bị thu giữ cán trả lại cho bị cáo, bị hại...

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Luật sư xác định những người tham gia tố tụng cần xét hỏi, thứ tự xét hỏi

Trong kế hoạch hỏi, luật sư cần dự kiến sẽ hỏi những người tham gia tố tụng nào, thứ tự xét hỏi những người tham gia tố tụng đó. Thông thường cần hỏi thân chủ và những người tham gia tố tụng mà lời khai của họ có lợi cho thân chủ; hỏi những người làm chứng mà lời khai của họ có mâu thuẫn gây bất lợi cho thân chủ để đề nghị bác bỏ. Trong một số vụ án, luật sư có thể dự kiến kế hoạch hỏi đối với người giám định, người định giá tài sản làm rõ những vấn đề có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc định giá tài sản; hỏi đại diện gia đình bị cáo, đại diện cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc để làm rõ những tình tiết có lợi cho bị cáo.

Đối với thân chủ của mình, luật sư không cần hỏi quá nhiều. Luật sư chỉ hỏi thân chủ những câu hỏi để họ khẳng định thêm về các tình tiết gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ, giải thích về mâu thuẫn trong lời nhận tội với các chứng cứ khác; hỏi để làm rõ hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội theo hướng có lợi cho bị cáo; hỏi để làm rõ các chứng cứ ngoại phạm của bị cáo, làm rõ những điểm mâu thuẫn trong các tài liệu, lời khai buộc tội đối với bị cáo.

Để chứng minh cho lời khai của thân chủ mình, luật sư cần hỏi những bị cáo, người tham gia tố tụng khác để đưa tới một nhận định khách quan về hành vi vi phạm của thân chủ tránh bị cho rằng là luật sư bào chữa thì đương nhiên phải bênh vực thân chủ. Việc hỏi các bị cáo khác, hỏi người làm chứng để chứng minh các tình tiết có lợi cho thân chủ sẽ rất khách quan và có nhiều cơ sở để được chấp nhận. Khi hỏi các bị cáo khác, bị hại, người làm chứng buộc tội, luật sư đi sâu làm rõ những bất hợp lý, những mâu thuẫn trong chính lời khai của họ hoặc mâu thuẫn trong lời khai của họ với các chứng cứ khác. Khi dự kiến những người cần hỏi nên tránh hỏi những người có mâu thuẫn trực tiếp với thân chủ của mình để tránh việc đổ tội cho nhau.

Ví dụ 06: Trong vụ án xét xử 5 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo A luôn khai là bị cáo B mà luật sư đang bào chữa là người chủ mưu, đầu vụ. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác, luật sư nhận thấy chính bị cáo A mới là bị cáo có vai trò chủ mưu. Khi xét hỏi, thay vì hỏi bị cáo A trước, luật sư đã tiến hành xét hỏi các bị cáo khác trước, sau khi tất cả các bị cáo đều khai và khẳng định vai trò chủ mưu của bị cáo A, lúc đó luật sư mới hỏi đến bị cáo A. Sau khi đã nghe cả 4 bị cáo đồng phạm khai rõ tại Tòa, bị cáo A sẽ khó có thể chối cãi và đổ lỗi cho người khác.

Khi lên kế hoạch dự kiến hỏi những bị cáo khác trong cùng vụ án thì phải bảo đảm nguyên tắc có lợi cho thân chủ của mình nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo khác trừ trường hợp nếu không hỏi rõ hành vi vi phạm mà liên quan trực tiếp đến thân chủ của mình thì ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ. Trong những trường hợp này việc dự kiến đặt ra những câu hỏi gì cần thận trọng, vì nếu người được hỏi từ chối trả lời thì hiệu quả không đạt được.

Ví dụ 07: Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh L xét xử Tô Văn R, Nguyễn Khắc Q và đồng phạm về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc phát sinh tình huống: Trong phần xét hỏi, luật sư VĐT (bào chữa cho Q) yêu cầu tất cả các bị cáo khác trong vụ án cùng đứng lên chỉ rõ rằng bị cáo R là kẻ chủ mưu, tổ chức. Sau đó 12 bị cáo đã đứng lên, chỉ có R và một bị cáo khác vẫn ngồi tại chỗ

Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở luật sư không được làm vậy mà phải hỏi ý kiến từng bị cáo. Luật sư T tiếp thu và gọi từng bị cáo đứng lên hỏi về ý trên.

Sau đó, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến cũng nhắc nhở tiếp luật sư T là chỉ được làm những gì luật cho phép chứ không được “vượt luật”. Luật sư của bị cáo R nhận xét: "Trong 25 năm làm luật sư, tôi chưa từng thấy trường hợp nào luật sư bào chữa của bị cáo này lại huy động các bị cáo đứng lên để kết tội một bị cáo khác chủ mưu, cầm đầu nhằm gây áp lực với Hội đồng xét xử như vậy cả”.

Trong trường hợp này, luật sư chỉ cần hỏi đề làm rõ thân chủ của mình không phải là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án còn việc xác định ai là chủ mưu, cầm đầu sẽ do đại diện Viện kiểm sát xem xét đề nghị và Hội đồng xét xử quyết định.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

3- Luật sư lập bảng câu hỏi chi tiết với từng người được hỏi

Sau khi dự kiến các vấn đề cần hỏi, luật sư cần lập bảng câu hỏi chi tiết. Bảng câu hỏi chi tiết cần ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, làm rõ: hỏi ai, hỏi về vấn đề gì, mục đích hỏi để làm rõ điều gì.

Kỹ thuật sử dụng câu hỏi cần được luật sư cân nhắc cẩn thận. Luật sư có thể sử dụng các câu hỏi như câu hỏi xác định một tình tiết, chứng cứ nào đó; câu hỏi bổ sung lời khai; câu hỏi gợi mở; câu hỏi vạch rõ sự gian dối, mâu thuẫn trong lời khai... Dù là theo cách hỏi nào thì những câu hỏi luôn phải ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu; không nên đặt những câu hỏi nước đôi hoặc những câu hỏi gây áp lực cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ mình.

Khi dự kiến các câu hỏi, luật sư cũng cần tránh những câu hỏi có thể dẫn tới việc tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật điều tra, bí mật công tác và cả bí mật đời tư mà người tham gia tố tụng yêu cầu giữ kín.

Ví dụ 08: Trong vụ án T và đổng bọn bị đưa ra xét xử tại TAND thành phố Hồ Chí Minh, một luật sư bào chữa cho bị cáo đã đặt câu hỏi: “Vì sao Cơ quan điều tra lại biết T chuyển 1.600.000 USD ra khỏi Việt Nam mà phục bắt quả tang?”. Rõ ràng câu hỏi này của luật sư đã vi phạm điều cấm và bị chủ toạ phiên toà yêu cầu bị cáo không trả lời câu hỏi này của luật sư, vì nếu để bị cáo trả lời cũng đồng nghĩa với việc bí mật điều tra sẽ bị tiết lộ.

4- Dự kiến các biện pháp xét hỏi khác

Bên cạnh việc dự kiến các câu hỏi, tùy từng vụ án, luật sư có thể dự kiến việc đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vật chứng, hỏi những người có liên quan để làm rõ vật chứng; đề nghị xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chứng cứ mới; yêu cầu công bố tài liệu có trong hồ sơ có lợi cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, các luật sư chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử công bố những tài liệu trong hồ sơ có lợi cho bị cáo mà mình bảo vệ khi lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra; người được xét hỏi không khai tại phiên toà; người cần xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa (Luật sư hình sự) của Công ty Luật TNHH Everest

Nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: kế hoạch hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38041 sec| 1160.906 kb