Kỹ năng hỏi của luật sư khi tham gia phiên tòa hình sự có người dưới 18 tuổi

"Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại".

Jean-Baptiste Say, 1767-1832, nhà kinh tế người Pháp phát triển học thuyết Adam Smith về thị trường

Kỹ năng hỏi của luật sư khi tham gia phiên tòa hình sự có người dưới 18 tuổi

Đặc điểm bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, bị hạn chế về khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình nên luật sư cần áp dụng những kỹ năng riêng, phù hợp với họ trong quá trình tham gia xét hỏi.

Nội dung hỏi, phương pháp hỏi của luật sư áp dụng đối với bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi phải có sự khác biệt với nội dung xét hỏi, phương pháp xét hỏi của Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa hình sự.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG HỎI CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TỐ TỤNG HÌNH SỰ CÓ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

Việc luật sư đặt ra các câu hỏi để bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi trả lời trước Hội đồng xét xử suy cho cùng là sự tương tác có chủ đích giữa luật sư với thân chủ của mình, vừa là phương thức luật sư thực hiện quyền của mình khi tham gia tố tụng cũng là thực hiện nghĩa vụ của luật sư với thân chủ, khách hàng của mình.

Với bảng câu hỏi đã chuẩn bị và thống nhất với bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi trước khi tham gia phiên tòa, trong đó đã xác định rõ đối tượng đặt câu hỏi, mục đích đặt câu hỏi, dù có quyền tham gia xét hỏi nhưng luật sư vẫn còn phải chấp hành sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo quy định tại Điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về trình tự xét hỏi, theo đó khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi sau.

Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về hỏi bị cáo thì “Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự".

Trên thực tế, phạm vi tham gia xét hỏi của luật sư được nới rộng hơn nhiều những gì điều luật quy định, ví dụ trường hợp kiểm sát viên đã xét hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội tuy nhiên còn thiếu thì luật sư vẫn có quyền hỏi bổ sung để làm rõ các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo mình nhận bào chữa mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng sẽ không có ý kiến phản đối những câu hỏi đó của luật sư. Tương tự như vậy, luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại khi tham gia hỏi bị cáo cũng có quyền đặt ra những câu hỏi về những chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc buộc tội bị cáo nếu theo dõi thấy phần xét hỏi của kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét hỏi bị cáo chưa đầy đủ cần phải bổ sung.

Theo quy định tại Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ thì “Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn”. Trong vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi thì luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cần hạn chế đến mức thấp nhất để bị hại hoặc người đại diện của bị hại tự trình bày những tình tiết của vụ án liên quan đến họ.

Do bị hại là người dưới 18 tuổi nên việc phải nói trước nhiều người, nhất là tại phiên tòa hình sự trang nghiêm, sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bị hại, gây căng thẳng, khó khăn cho bị hại khi tự trình bày, cung cấp thông tin. Thay vì để bị hại và người đại diện của bị hại tự trình bày, luật sư cần chủ động đề xuất với Hội đồng xét xử cho phép họ ủy quyền cho luật sư trình bày thay cho họ để đảm bảo các tình tiết, sự kiện, mốc thời gian liên quan đến vụ án được trình bày rõ ràng, mạch lạc, logic, đi đúng trọng tâm và yêu cầu xét xử.

Do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về thứ tự tham gia xét hỏi của các luật sư khi trong cùng vụ án có nhiều luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo, nhiều luật sư cùng bảo vệ quyền lợi cho một bị hại nên luật sư cần linh hoạt, có thể chủ động hỏi trước các luật sư khác cùng tham gia phiên tòa. Theo kinh nghiệm thực tế, để có quyền tham gia xét hỏi trước các luật sư khác thì ngay từ phần bắt đầu xét hỏi của các luật sư, cần có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử cho phép xét hỏi trước hoặc hội ý nhanh với các luật sư đồng nghiệp về việc tham gia xét hỏi trước để tạo sự đồng thuận, thiện chí hợp tác của luật sư đồng nghiệp.

Về thứ tự xét hỏi, để đảm bảo tính khách quan luật sư nên đặt câu hỏi đối với bị cáo đồng phạm tham gia với vai trò người thực hành hoặc có hành vi ít nguy hiểm, có vai trò thứ yếu trong vụ án trước; hỏi bị cáo đầu vụ, có vai trò chính, cầm đầu, chủ mưu, có nhiều kinh nghiệm bị xét xử, có sức ảnh hưởng lớn đến các bị cáo khác sau. Trong trường hợp cần thiết, luật sư có quyền đề xuất với Hội đồng xét xử cho cách ly một hoặc một số bị cáo trong vụ án có nhiều đóng phạm để hỏi riêng từng bị cáo một.

Tùy theo phương án bào chữa hay bảo vệ quyền lợi, luật sư tham gia xét hỏi theo kế hoạch đã chuẩn bị từ trước phù hợp với từng bị cáo, bị hại là người chưa đủ 18 tuổi nhưng cách đặt câu hỏi luôn phải kèm theo thái độ thân thiện, ôn hòa để người dưới 18 tuổi được hỏi có cảm giác đây không phải là cuộc truy vấn làm trạng thái tinh thần của họ thêm căng thẳng, sợ hãi mà chỉ là một cuộc phỏng vấn với nội dung hỏi đáp đơn giản, một cuộc trò chuyện trao đổi thông tin giữa người cô, người chú với cháu trong cùng một gia đình.

Quá trình luật sư hỏi bị cáo dưới 18 tuổi do mình đảm nhận bào chữa, hỏi bị hại dưới 18 tuổi do mình bảo vệ cần lưu ý không được đặt câu hỏi trùng lặp với câu hỏi mà người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đã hỏi, không nên đặt câu hỏi không liên quan đến vụ án đang xét xử. Trên thực tế, trong quá trình tham gia xét hỏi đã có một số luật sư do không chú ý đến nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và người tham gia tố tụng khác nên đã đặt ra một hoặc một số câu hỏi trùng lặp dẫn đến bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở, gây mất thiện cảm của Hội đồng xét xử.

Luật sư cũng không nên đặt câu hỏi có nội dung quá dài hoặc tối nghĩa, khó hiểu làm bị cáo, bị hại do mình bào chữa, bảo vệ lúng túng, không biết trả lời như thế nào cho đúng, cũng không nên đặt câu hỏi mang tính quy kết trách nhiệm, buộc tội hay gây bất lợi cho bị cáo do mình nhận bào chữa. Trường hợp bị cáo, bị hại do thiếu tập trung hoặc do tâm lý căng thẳng khi lần đầu tham gia tố tụng đã trả lời sai câu hỏi của luật sư, không đúng định hướng bào chữa, bảo vệ đã thống nhất từ trước thi luật sư cần đề xuất với Hội đồng xét xử cho luật sư đặt lại câu hỏi kèm theo giải thích ngắn gọn về mục đích câu hỏi để họ bình tĩnh, tập trung trở lại và đưa ra câu trả lời chính xác.

Kết thúc mỗi câu hỏi, ngay sau khi bị cáo, bị hại trả lời luật sư cần ghi chép nhanh tóm tắt nội dung câu trả lời của họ vào sổ tay luật sư để có thông tin chính xác phục vụ cho phần tranh luận, đối đáp và luận cứ bào chữa, luận cứ bảo vệ khi cần.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG HỎI CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

Khác biệt với nội dung hỏi của luật sư trong các vụ án bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại đủ 18 tuổi trở lên, khi bào chữa, bảo vệ trong vụ án có bị cáo, bị hại chưa đủ 18 tuổi luật sư cần đặt ra các câu hỏi với bị cáo để làm rõ:

- Mức độ nhận thức về hành vi đã thực hiện của bị cáo ở từng thời điểm trước, trong và sau khi thực hiện.

- Điều kiện sinh sống và giáo dục của gia đình, nhà trường đối với bị cáo.

- Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục, ép buộc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

- Khi thực hiện hành vi phạm tội có được hưởng lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần gì hay không.

- Những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo.

Trường hợp luật sư bào chữa cho bị cáo theo phương án vô tội (hành vi bị cáo đã thực hiện không cấu thành tội phạm hoặc bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết) thì luật sư nên đặt các câu hỏi chứng minh hành vi đã thực hiện của bị cáo không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm hoặc bị cáo không thực hiện hành vi bị quy kết là phạm tội.

Trường hợp luật sư bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ (hành vi bị cáo đã thực hiện đã cấu thành tội phạm) thì luật sư nên đặt các câu hỏi để làm rõ nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội, tính chất, mức độ ít nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhận thức về hành vi vi phạm, ý thức khắc phục hậu quả cho bị hại, và đặc điểm nhân thân và các tình tiết có lợi khác... làm rõ các tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, nhằm đạt được mục tiêu được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, được hưởng chính sách khoan hồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trường hợp luật sư bào chữa cho bị cáo theo hướng chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn tội danh đã truy tố thì đặt các câu hỏi định hướng cho bị cáo trả lời để chứng minh làm rõ về nhận thức pháp luật, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội, về động cơ, mục đích phạm tội... không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố, Hội đồng xét xử đang xét xử mà thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm khác. Hành vi đã thực hiện của bị cáo phạm vào tội khác tội danh Viện kiểm sát đã truy tố là tội gì không thuộc trách nhiệm chứng minh của bị cáo mà thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy luật sư không cần thiết phải đặt câu hỏi có liên quan để chứng minh thân chủ của mình phạm vào tội gì được quy định trong Bộ luật hình sự.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- KỸ NĂNG HỎI CỦA LUẬT SƯ  BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO NGƯỜI BỊ HẠI DƯỚI 18 TUỔI

Khi tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại dưới 18 tuổi thì luật sư có thể đặt câu hỏi cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại hoặc cả hai đương sự này. 

Đối với bị hại dưới 18 tuổi là nạn nhân trong vụ án xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm như cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, hành hạ người khác, hiếp dâm, cưỡng dâm... luật sư cần đặt những câu hỏi để bị hại trả lời, trình bày làm rõ những hậu quả thiệt hại do tổn thất về tinh thần bị hại đã và đang phải gánh chịu như sốc tâm lý, ám ảnh, đau buồn, phiền muộn, sợ tiếp xúc với người lạ, chán nản, trầm cảm, có ý định tự sát.

Luật sư cần đặt những câu hỏi để người đại diện của bị hại trả lời, trình bày làm rõ những hậu quả về vật chất bị hại phải gánh chịu như tổn hại về sức khỏe, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, các chi phí đại diện của bị hại phải bỏ ra để khắc phục thiệt hại cho bị hại và yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường như chi phí thuê phương tiện đưa bị hại đi cấp cứu ở cơ sở y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh như chụp X-quang, siêu âm, tuyến máu, xét nghiệm, viện phí, thuốc điều trị, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng bị giảm sút, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bị hại.

Ngoài ra, luật sư cũng cần đặt những câu hỏi để người đại diện của bị hại trả lời, trình bày làm rõ những hậu quả về vật chất mà người đại diện của bị hại phải gánh chịu và yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường như chi phí hợp lý cho thời gian phải trực tiếp chăm sóc bị hại tại cơ sở y tế và tại gia đình, thu nhập thực tế của người đại diện bị mất không được đi làm bình thường trong thời gian chăm sóc cho bị hại.

Trong vụ án xâm phạm về tài sản như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản... có bị hại dưới 18 tuổi thì luật sư cần đặt ra các câu hỏi để bị hại hoặc người đại diện của bị hại trả lời, chứng minh về nguồn gốc tài sản của bị hại là hợp pháp, bị hại đang thực hiện quyền quản lý, sử dụng tài sản đó thì bị chiếm đoạt. Việc đặt các câu hỏi để chứng minh về đặc điểm tài sản, giá trị của tài sản ở thời điểm bị xâm phạm, chứng minh thiệt hại về tài sản xảy ra là có thật, hậu quả bị xâm phạm về tài sản xảy ra đã gây ảnh hưởng đến kinh tế, gia đình, cuộc sống của bị hại cũng rất quan trọng.

Luật sư cũng cần đặt ra các câu hỏi để làm rõ yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của bị hại đối với bị cáo trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại về tài sản như trị giá tài sản bồi thường, thời điểm bồi thường, cách thức bồi thường... để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bị hại sớm nhất, hiệu quả nhất có thể. Bên cạnh đó, luật sư có thể đặt ra các câu hỏi để bị hại hoặc người đại diện của bị hại trả lời thể hiện quan điểm của mình đối với tội danh bị cáo bị xét xử, kết luận trong Cáo trạng của Viện kiểm sát, các đề nghị, yêu cầu của mình với Hội đồng xét xử như xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hoặc yêu cầu áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, yêu cầu bị cáo hoặc gia đình bị cáo bồi thường thiệt hại một lần, không chấp nhận bồi thường nhiều lần.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng hỏi của luật sư khi tham gia phiên tòa hình sự có người dưới 18 tuổi

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.42069 sec| 1139.969 kb