Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Nếu bạn cho rằng bạn không thể trở thành một Luật sư tử tế, hãy chọn làm Người tử tế, đừng làm Luật sư".
Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Mỹ
Nghiên cứu hồ sơ là một trong những hoạt động nghề nghiệp quan trọng của Luật sư trong tố tụng hành chính.
Hồ sơ vụ án hành chính là tập hợp các văn bản, tài liệu thể hiện tình tiết, sự kiện, chứng cứ và các hoạt động tố tụng của các chủ thể tham gia vào quá trình khiếu kiện và giải quyết vụ án hành chính.
Hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án bao gồm việc kiểm tra, đọc tài liệu, xem xét về hình thức của tài liệu, nghiên cứu đồng thời ghi chép những nội dung chính của các tài liệu về từng vấn đề cần được chứng minh, xác định những vấn đề nào đã được làm rõ, vấn đề nào cần phải xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung.
Quan hệ pháp luật hành chính trong thực tế thường liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có các cá nhân, cơ quan, tổ chức và có thể liên quan đến một số quan hệ pháp luật khác. Hồ sơ vụ án hành chính thường có nhiều loại văn bản, tài liệu trong đó chứa đựng thông tin, sự kiện vê các hoạt động có tính chất quản lý, hành chính khác nhau.
Hồ sơ vụ án hành chính là tập hợp các văn bản, tài liệu thể hiện tình tiết, sự kiện, chứng cứ và các hoạt động tố tụng của các chủ thể tham gia vào quá trình khiếu kiện và giải quyết vụ án hành chính. Trong thực tiễn hoạt động giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án, hồ sơ vụ án hành chính thường bao gồm các bộ phận (tập tài liệu) sau:
(i) Tài liệu khởi kiện và việc thu thập tài liệu, xác minh, thu thập chứng cứ của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phía người khởi kiện, được sắp xếp thành 03 nhóm từ dưới lên trên (gồm: Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; Các tài liệu, chứng cứ cung cấp cho Tòa án trong quá trình giải quyết; Các biên bản ghi ý kiến trình bày).
(ii) Tài liệu, chứng cứ do phía người bị kiện cung cấp và các văn bân thể hiện ý kiến trình bày của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phía người bị kiện.
(iii) Tài liệu thu thập từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có).
(iv) Tài liệu do Tòa án trực tiếp thu thập, xác minh (gồm: Các tài liệu thu thập từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức; Các biên bản ghi lời trình bày của người làm chứng; Các tài liệu thu thập được từ kết quả xem xét tại chỗ, trưng cầu giám định, ủy thác điều tra; Các biên bản đối chất, thỏa thuận giữa các đương sự...).
(v) Tài liệu về các thủ tục tố tụng (gồm: thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập, giấy mời, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự, giấy ủy quyền...).
Luật sư và những người sử dụng hồ sơ vụ án hành chính khác cần lưu ý những đặc điểm này để có sự tìm hiểu, nắm bắt hợp lý nhằm phục vụ cho mục đích tham gia giải quyết vụ án.
Theo Điêu 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật sư có các quyền, nghĩa vụ sau:
(i) Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;
(ii) Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tải liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai (gồm chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những chứng cứ không được công khai);
(iii) Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;
(iv) Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác;
(v) Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;
(vi) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 9, 16, 19 và 20 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính;
(vii) Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện được các quyền, nghĩa vụ nêu trên, Luật sư cần phải chủ trì hoặc tham gia hoạt động tranh tụng trong vụ án hành chính, với nhiều công việc cụ thể mà trong đó nổi bật, quan trọng là kỹ năng nghiên cứu hồ sơ.
Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, Luật sư xác định được các loại tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ; nắm bắt được diễn biến của vụ việc, nội dung các tình tiết và hệ thống chứng cứ của vụ án; từ đó có cơ sở xây dựng và tiến hành các phương án, hoạt động tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ án.
Để bảo đảm đạt được các mục đích nêu trên, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án của Luật sư cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
(i) Việc nghiên cứu hồ sơ phải được tiến hành khách quan, toàn diện và nhanh chóng trong điều kiện thời gian hạn chế mà Tòa án ấn định khi cung cấp hồ sơ cho Luật sư nghiên cứu, đảm bảo nắm bắt và hệ thống hóa được các tình tiết, sự kiện và chứng cứ.
(ii) Việc nghiên cứu hồ sơ phải được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, theo một trình tự logic nhất định. Khi nghiên cứu hồ sơ, cần ghi chép cụ thể và chính xác nội dung các văn bản, tài liệu và số bút lục để tiện cho việc viện dẫn sau này.
(iii) Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần phát hiện những tồn tại, hạn chế trong các hoạt động tố tụng của Tòa án và có đề nghị kịp thời việc Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung (nếu cần thiết).
(iv) Nghiên cứu hồ sơ vụ án là một hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng của Luật sư. Về nguyên tắc, dù là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hay người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Luật sư phải bảo đảm nghiên cứu tất cả các vấn đề của vụ án cả về nội dung khiếu kiện, các tình tiết, chứng cứ, quan điểm của các bên được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Việc nghiên cứu phải được tiến hành lần lượt theo từng vấn đề, đối chiếu, so sánh các chứng cứ, tài liệu và kết hợp với việc tập hợp, đánh giá chứng cứ; nếu phát hiện có mâu thuẫn thì phải làm rõ để có cơ sở chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án bao gồm việc kiểm tra, đọc tài liệu, xem xét về hình thức của tài liệu, nghiên cứu đồng thời ghi chép những nội dung chính của các tài liệu về từng vấn đề cần được chứng minh, xác định những vấn đề nào đã được làm rõ, vấn đề nào cần phải xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung.
Trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính, Luật sư cần tiến hành theo trình tự các bước cơ bản sau đây:
- Kiểm tra hồ sơ vụ án đế xác định và đánh giá tổng quan các tài liệu, văn bản có trong hồ sơ.
- Xác định những vấn đề, nội dung nghiên cứu, gồm: (1) Những vấn đề tố tụng của vụ án (các điều kiện khởi kiện và thụ lý vụ án; tư cách đương sự của các bên tham gia; quan hệ khiếu kiện và yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện; các vấn đề tố tụng cụ thể phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án; sự đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án...). (2) Những vấn đề về nội dung của vụ án (gồm: quan điểm của các bên đương sự về nội dung, căn cứ, lý do của yêu cầu khởi kiện; các tình tiết, sự kiện mà các đương sự đã thống nhất và chưa thống nhất; các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án; căn cứ pháp lý, văn bản pháp luật và điều khoản cụ thể cần áp dụng để xem xét tính hợp pháp của đối tượng xét xử là Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính...).
- Đọc, ghi chép và nghiên cứu nội dung của từng tài liệu quan trọng để xác định các vấn đề, nội dung nêu trên theo trình tự nhất định từ nội dung đơn khởi kiện đến các tài liệu, chứng cứ do các đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cung cấp về từng vấn đề. Khi nghiên cứu, Luật sư phải luôn luôn liên hệ, so sánh với các chứng cứ khác có liên quan, nếu phát hiện có mâu thuẫn thì phải làm rõ sự mâu thuẫn đó.
- Xác định hướng tiến hành một trong các hoạt động sau: (1) đề nghị Tòa án tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án nếu có căn cứ; (2) đê nghị Tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ; hoặc (3) chuẩn bị tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm.
- Xây dựng phương án tranh tụng và chuẩn bị nội dung, gồm: Tóm tắt nội dung vụ việc khiếu kiện và xác định yêu cầu, quan điểm của khách hàng của mình và của các bên đương sự khác; Nghiên cứu các yêu cầu, quan điểm của khách hàng của mình và của các bên đương sự khác, tương ứng với các tình tiết, sự kiện, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của họ; Xác định các vấn đề cần giải quyết và các tình tiết cần chứng minh: Đánh giá các chứng cứ tương ứng với tình tiết, sự kiện và vấn đề cần chứng minh; Xác định và sắp xếp những điểm thống nhất và mâu thuẫn giữa các tình tiết và chứng cứ; Nghiên cứu hệ thống các quy định pháp luật cần áp dụng và nhận định về từng vấn đề cân giải quyết trong yêu cầu, quan điểm của các đương sự, trong đó có việc xác định những điểm mấu chốt; Kết luận bước đầu về quan điểm của Luật sư đối với yêu cầu khởi kiện và phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ án.
- Kiểm tra hồ sơ vụ án để xác định và đánh giá tổng quan các tài liệu, văn bản có trong hồ sơ:
Việc kiểm tra hồ sơ vụ án giúp Luật sư nắm bắt tổng quan các tài liệu, chứng cứ. Luật sư cần nắm được cách sắp xếp hồ sơ vụ án của Tòa án để có thể nhanh chóng làm chủ được hồ sơ vụ án.
Khi kiểm tra hồ sơ, Luật sư chưa cần phải nghiên cứu nội dung mà chỉ xem xét về hình thức của các văn bản, đánh dấu hoặc ghi chép lại danh mục những tài liệu quan trọng hoặc có nghi vấn cần phải được làm rõ. Các tài liệu quan trọng của vụ án cần lưu ý khi đọc, nghiên cứu gồm:
(i) Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh tính có căn cứ và hợp pháp của yêu cầu khởi kiện.
(ii) Quyết định hành chính, văn bản giải trình về hành vi hành chính bị kiện và các tài liệu, chứng cứ do phía người bị kiện cung cấp (thường bao gồm: Quyết định hành chính hoặc văn bản giải trình về hành vi hành chính; Công văn của người bị kiện hoặc người được người bị kiện ủy quyền tham gia tố tụng trả lời thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án và giải trình quan điếm của người bị kiện về yêu cầu khởi kiện; Các tài liệu, văn bản thể hiện quá trình giải quyết vụ việc ở các cấp hành chính có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khiếu kiện; Các văn bản pháp luật mà người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền lấy làm căn cứ để ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện; Hồ sơ giải quyết yêu cầu khiếu nại của người khởi kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính (nếu có); Văn bản ủy quyền của người bị kiện đối với người được ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án..
(iii) Tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía người khởi kiện hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) cung cấp.
(iv) Tài liệu do cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp theo đề nghị của đương sự hoặc yêu cầu của Tòa án.
(v) Các biên bản làm việc giữa Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án với các đương sự và người tham gia tố tụng khác.
(vi) Tài liệu, chứng cứ do Thấm phán thu thập, xác minh trong quá trình chuẩn bị giải quyết vụ án (gồm: lời khai của người làm chứng, tài liệu giám định, tài liệu biên dịch, tài liệu tư vấn về định giá tài sản...).
- Đọc, nghiên cứu các tài liệu; ghi chép các thông tin vê vụ án và xác định các tình tiết, sự kiện, chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyêt vụ án:
Các tình tiết, sự kiện trong một quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng, xảy ra trong các khoảng thời gian khác nhau tuỳ từng lĩnh vực, thông thường có thể khái quát thành các nhóm chính sau:
(i) Các tình tiết, sự kiện là cơ sở để đưa vụ việc ra giải quyết (khởi xướng vụ việc), trong đó người có thẩm quyền tự mình hoặc căn cứ vào đề nghị của cá nhân, tổ chức đưa vụ việc ra giải quyết và ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh của mệnh lệnh quản lý hành chính nhà nước. Các tình tiết này có thể đơn giản là việc cá nhân, tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước nhưng cũng có thể phức tạp hơn như một hoặc một số tranh chấp dân sự, vi phạm pháp luật hành chính cần phải giải quyết hoặc xử lý.
(ii) Các tình tiết, sự kiện trong việc cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc gồm: nghiên cứu, xác minh, đánh giá khách quan, toàn diện các yếu tố, vấn đề trong vụ việc để xác định nội dung và mức độ áp dụng các mệnh lệnh hành chính, các biện pháp hành chính, hành vi hành chính đối với vụ việc; ra quyết định giải quyết vụ việc bằng văn bản hoặc xác định hành vi hành chính cần thực hiện. Nội dung các hoạt động trong giai đoạn này thể hiện căn cứ, thời hạn, nội dung, hình thức, trình tự công bố quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính phù hợp với thủ tục giải quyết từng loại việc nhất định.
(iii) Các tình tiết, sự kiện trong việc thi hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính: là giai đoạn cuối của quá trình giải quyết vụ việc (nếu không có việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan); gồm nhiều hoạt động của cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định hành chính, hành vi hành chính nhằm bảo đảm hiệu lực thực tế của nó (trong đó có cả việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết và hậu quả thực tế xảy ra, nếu có); hoạt động của người phải trực tiếp thi hành Quyết định hành chính hoặc là đối tượng của hành vi hành chính.
Khi nhận diện, xác định các tình tiết, sự kiện nêu trên, Luật sư cần kết hợp xác định những điểm thống nhất và mâu thuẫn giữa các bên đương sự và Tòa án, các chứng cứ và những vấn đề mấu chốt trong hoạt động chứng minh cần được tiến hành, đặc biệt là phát hiện những sai sót hoặc vi phạm của các bên trong tương quan so sánh với quy định của pháp luật về từng vấn đề cụ thể của vụ án.
- Ghi chép, lập bản kết quả nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho hoạt động chuấn bị tham gia tranh tụng trong vụ án hành chính:
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư không chỉ đọc các tài liệu, văn bản mà còn phải ghi chép các thông tin và kết quả rút ra từ việc nghiên cứu. Bản ghi chép của Luật sư thường phải có những nội dung chính sau:
(i) Tên vụ án, trích yếu các thông tin về đương sự và người tham gia tố tụng khác.
(ii) Các thủ tục tố tụng đã được tiến hành và vấn đề phát sinh (nếu có), phương án giải quyết.
(iii) Tóm tắt nội dung vụ án (các tình tiết, sự kiện chính) và yêu cầu, quan điểm của các bên đương sự.
(iv) Các vấn đề không cần phải chứng minh theo quy định của pháp luật.
(v) Các vấn đề cần chứng minh liên quan đến yêu cầu khởi kiện và chứng cứ kèm theo do các bên đương sự không thống nhất được với nhau nên còn có mâu thuẫn, trái ngược nhau.
(vi) Các căn cứ pháp lý (văn bản pháp lý và quy phạm cụ thế) đã được áp dụng.
(vii) Tài liệu, chứng cứ đã được Tòa án thu thập, xác minh (cùng với số lượng, danh mục chi tiết là việc đánh giá về tính đầy đủ hay không đầy đủ của tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho các vấn đề cần làm sáng tỏ của vụ án).
(viii) Các nội dung cần thiết khác để làm sáng tỏ nội dung vụ việc và các vấn đề pháp lý cần giải quyết.
Đối với mỗi nội dung trên, nếu có sự khác biệt trong ý kiến, lời trình bày của các đương sự và người tham gia tố tụng khác về cùng một vấn đề thì Luật sư nên thể hiện kết quả nghiên cứu với cách thức ghi “đối xứng” theo cột trên một trang giấy và có ghi chú rõ số bút lục minh chứng cho nội dung ghi chép đó để thuận tiện cho việc theo dõi, sử dụng sau này.
Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest
[a] Về các vấn đề tố tụng
Thứ nhất, các điều kiện khởi kiện và thụ lý vụ án:
Việc nghiên cứu vấn đề này rất cần thiết nhằm kiểm tra tính đúng đắn của các thủ tục khởi kiện, thụ lý vụ án, giúp Luật sư đề xuất được biện pháp xử lý kịp thời vấn đề tố tụng nếu có căn cứ một trong các điều kiện khởi kiện, thụ lý vụ án không được bảo đảm đúng pháp luật. Các vấn đề cụ thế cần xem xét, kiểm tra gồm:
- Quyền khởi kiện của người khởi kiện;
- Xác định đối tượng khởi kiện hợp pháp;
- Thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Thủ tục khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Thẩm quyền của Tòa án đang giải quyết đối với vụ việc;
- Khả năng vụ kiện có thể thuộc các trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Thủ tục tạm ứng án phí.
Nếu có điều kiện nào không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì Luật sư phải đề nghị Tòa án có biện pháp giải quyết phù hợp (như: đình chỉ việc giải quyết vụ án) hoặc yêu cầu người khởi kiện cung cấp chứng cứ hoặc trình bày những vấn đề cần thiết.
Thứ hai, tư cách đương sự trong vụ án:
Để xác định đúng tư cách đương sự, Luật sư cần căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ việc và các quy định của pháp luật về xác định tư cách đương sự trong vụ án hành chính. Các quy định này liên quan đến các vấn đề chủ yếu như: định nghĩa về (các) đương sự trong Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định của pháp luật dân sự về hộ gia đình, về mối quan hệ quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, của những người có sở hữu chung tài sản; quy định về thẩm quyền ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước... Như vậy, Luật sư cần lưu ý rằng, tư cách người bị kiện trong vụ án hành chính không tùy thuộc vào việc ai là người đã trực tiếp ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính mà chính là việc ai là người có thẩm quyền ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đó theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, các tình huống tố tụng cần xử lý, giải quyết (nếu có):
Luật sư cần nghiên cứu kỹ các tình tiết, sự kiện liên quan đến các tình huống/vấn đề tố tụng có thể phát sinh như:
- Người khởi kiện vừa có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính vừa có đơn khởi kiện tại Tòa án;
- Thay đổi hoặc phải bổ sung tư cách đương sự và những người tham gia tố tụng khác (người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự...);
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng;
- Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (gồm: a) Tạm đình chỉ việc thi hành Quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; b) Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính; c) cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định);
- Tình tiết, sự kiện làm phát sinh yêu cầu phải ủy thác xác minh, thu thập chứng cứ;
- Thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc (liên quan đến việc có tranh chấp thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hoặc có căn cứ về việc thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền..
- Ủy thác xác minh, thu thập chứng cứ ở địa phương khác hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam;
- Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; trưng cầu giám định;
- Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;
- Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Khi nghiên cứu về những tình huống tố tụng nêu trên, Luật sư cần chú ý làm rõ các tình tiết liên quan đến việc xác định: (1) cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý cần áp dụng để Tòa án ra quyết định tố tụng cần thiết; (2) các thủ tục tố tụng cụ thể mà Tòa án và các bên liên quan cần tiến hành để giải quyết; (3) hệ quả pháp lý có thể phát sinh từ việc giải quyết các tình huống đó và những tác động, ảnh hưởng (nếu có) tới việc tham gia tố tụng hoặc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người mà Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Cần lưu ý rằng, việc giải quyết vụ án về nội dung chỉ được tiến hành khi các tình huống/vấn đề tố tụng phát sinh đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định pháp luật. Trong một số trường hợp, việc giải quyết các tình huống/vấn đề tố tụng phát sinh có thể dẫn tới việc chấm dứt yêu cầu, khả năng giải quyết nội dung vụ án, như trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án vì vi phạm thủ tục tố tụng theo luật định.
[b] Về nội dung vụ án
Thứ nhất, yêu cầu, quan điếm của khách hàng và các đương sự khác, gồm:
- Yêu cầu khởi kiện và phạm vi giải quyết yêu cầu của người khởi kiện
Yêu cầu khởi kiện của vụ án hành chính thường tập trung vào hai nhóm vấn đề: (1) yêu cầu Tòa án hủy (toàn bộ hoặc một phần) Quyết định hành chính bị kiện hoặc tuyên hành vi hành chính bị kiện là trái pháp luật; (2) yêu cầu Tòa án buộc người bị kiện bồi thường thiệt hại phát sinh từ Quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật.
Luật sư cần căn cứ nội dung trình bày trong đơn khởi kiện và các văn bản, tài liệu khác trong hồ sơ vụ án như bàn tự trình bày, biên bản làm việc (lấy lời khai), văn bản giải trình về các vấn đề liên quan đến yêu cầu khởi kiện... để xác định yêu cầu khởi kiện ban đầu và sự thay đổi, bổ sung các yêu cầu đó của người khởi kiện.
- Quan điểm của người bị kiện về yêu cầu khởi kiện
- Quan điểm, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có
Thứ hai, quan hệ pháp luật nội dung của khiếu kiện và các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng
Việc xác định đúng quan hệ pháp luật nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp Luật sư và những người tham gia giải quyết vụ án xác định đúng phạm vi lĩnh vực pháp luật và các văn bản pháp luật nội dung cân áp dụng, cần lưu ý rằng, mỗi vụ án hành chính trong thực tế thường chỉ liên quan đến một (hoặc một số) quan hệ pháp luật nội dung nhất định, đó là các quan hệ pháp luật về quản lý hành chính nhà nước.
Để có căn cứ pháp lý xem xét, nhận định về tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện, Luật sư cần căn cứ vào các thông tin, tài liệu trong hồ sơ cũng như sự tìm hiểu riêng của mình để xác định được tất cả các văn bản pháp luật đang có hiệu lực pháp lý áp dụng tại thời điểm ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện (gồm nhóm văn bản luật chung - văn bản luật chuyên ngành với hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp). Nếu có tình trạng mâu thuẫn, trái ngược giữa quy định trong các văn bản thì cân áp dụng quy định pháp luật hiện hành về xác định giá trị hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) để xác định văn bản nào được ưu tiên áp dụng.
Thứ ba, tính hợp pháp (hoặc bất hợp pháp) của Quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án
Thông thường, vụ án hành chính có những vấn đề sau đây cần được xem xét, chứng minh:
- Việc ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện có đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật không;
- Trình tự, thủ tục (gồm cả thể thức văn bản) ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện có đúng quy định không, nếu sai thì sai ở những điểm nào;
- Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện được căn cứ vào những cơ sở pháp lý (văn bản quy phạm pháp luật) nào; việc căn cứ như vậy đúng hay sai, đủ hay thiếu;
- Nội dung giải quyết vụ việc trong Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện dựa trên những căn cứ thực tế (các tình tiết khách quan) nào; đối chiếu với căn cứ pháp lý cần áp dụng thì việc giải quyết như vậy đúng hay sai, bảo đảm hợp pháp hay trái pháp luật (một phần hay toàn bộ nội dung);
- Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện trong trường hợp có căn cứ trái pháp luật có trực tiếp gây ra thiệt hại cho người khởi kiện và các đối tượng liên quan không, nếu có thì mức độ thiệt hại cụ thể như thế nào.
Các vấn đề quan trọng mà Luật sư cần chú ý khi phân tích, nhận định về tính hợp pháp của Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện là:
- Căn nguyên dẫn đến việc người bị kiện quyết định ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện; vụ việc ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đó có liên quan đến một (một số) quan hệ pháp luật về dân sự hay quan hệ pháp luật khác không, nếu có thì các quan hệ này có liên quan với nhau như thế nào.
- Yêu cầu khởi kiện ban đầu có được thay đổi, bổ sung trong quá trình giải quyết vụ án hay không, nếu có thỉ lý do của việc thay đổi, bố sung đó như thế nào; quan điểm của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) về vấn đề này như thế nào.
- Nếu có căn cứ về việc Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện là trái pháp luật và gây thiệt hại cho người khởi kiện và các đối tượng khác có liên quan thì các đương sự có tự thỏa thuận với nhau về phương án khắc phục không; nếu có thì người bị kiện có ban hành Quyết định hành chính mới sửa đổi hoặc thay thế Quyết định hành chính đã bị kiện hoặc có hành vi hành chính khác ngoài hành vi hành chính đã bị kiện không; người khởi kiện có thay đổi như thế nào đối với yêu cầu khởi kiện; căn cứ pháp lý để Tòa án giải quyết trường hợp này.
Thứ tư, các tình huống liên quan đến việc giải quyết vụ án về nội dung
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, các tình huống có thể phát sinh trực tiếp liên quan đến việc giải quyết vụ án về mặt nội dung thường là:
- Người khởi kiện bổ sung, thay đổi hoặc rút (một phần, toàn bộ) yêu cầu khởi kiện ban đầu đối với Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính.
- Người khởi kiện bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính.
- Người bị kiện ban hành Quyết định hành chính mới sửa đổi, thay thế hoặc hủy bỏ Quyết định hành chính đang bị khiếu kiện và Tòa án đang xem xét giải quyết.
Khi nghiên cứu về những tình huống nêu trên, Luật sư- cần chú ý làm rõ các tình tiết liên quan đên việc xác định: (I) cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý cần áp dụng đê Tòa án ra quyêt định tố tụng cần thiết; (2) các thủ tục tố tụng cụ thể mà Tòa án và các bên liên quan cần tiến hành để giải quyết; (3) hệ quả pháp lý có thể phát sinh từ việc giải quyết các tình huống đó và những tác động, ảnh hưởng (nếu có) tới việc tham gia tố tụng hoặc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người mà Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Sau khi hoàn thành các công việc cụ thế nêu trên, Luật sư cần đánh giá, nhận định tổng quát về số lượng tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ cũng như đánh giá, nhận định từng vấn đề cụ thể về thủ tục tố tụng, về nội dung vụ việc để đi đến kết luận là hồ sơ vụ án đủ hay thiếu, nếu thiếu thì đó là tài liệu, chứng cứ gì cần được bổ sung. Từ kết quả này, Luật sư sẽ hoạch định phương án tự mình hoặc đề nghị khách hàng (đương sự) và Tòa án bố sung tài liệu, chứng cứ bằng nhiều cách khác nhau để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được tiến hành đúng pháp luật, có hiệu quả cao.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hành chính - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm