Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu hiện trường vụ án hình sự

"Pháp luật đơn giản và cố định luôn tốt hơn pháp luật hoàn thiện mà lại không có uy quyền".

- Xiusdide, 460 - 395 TCN, sử gia người Hy Lạp

Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu hiện trường vụ án hình sự

Phân tích đầy đủ, toàn diện các tài liệu khám nghiệm hiện trường, giúp luật sư hình sự đánh giá tính hợp pháp, tính liên quan, tính xác thực của những tài liệu này đối với các tình tiết trong vụ án hình sự. 

Khi nghiên cứu những tài liệu về hiện trường vụ án, Luật sư hình sự cần có những kỹ năng cần thiết như: nghiên cứu biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường... để có những nhận định đúng đắn về vụ án hình sự.

Liên hệ

I- KHÁI NIỆM HIỆN TRƯỜNG VỤ ÁN HÌNH SỰ

1- Khái niệm hiện trường vụ án hình sự

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Trong khoa học hình sự, hiện trường vụ án hình sự được hiểu là nơi xảy ra sự việc mang tính hình sự cần được xem xét để phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân, quá trình diễn biến của sự việc liên quan.

Căn cứ vào tính chất vụ việc mang tính hình sự, hiện trường được chia thành những loại như: Hiện trường có người chết; hiện trường vụ trộm cắp tài sản; hiện trường vụ cháy nổ; hiện trường sự cố kỹ thuật hư hỏng máy móc; hiện trường vụ cướp tài sản; hiện trường tài liệu phản động; hiện trường vụ hiếp dâm; hiện trường tai nạn giao thông... Việc chia hiện trường thành các loại như trên chỉ là tương đối vì trên thực tế, có những loại hiện trường, trong đó xảy ra vụ việc hình sự phức hợp, ví dụ như hiện trường vụ giết người, cướp tài sản bao gồm cả hiện trường có người chết và hiện trường vụ cướp tài sản; hoặc như hiện trường vụ giết người nhưng thực chất là vụ hiếp dâm, lúc đầu đối tượng chỉ định hiếp dâm, nhưng do bị hại chống trả nên đã giết nạn nhân để đạt được mục đích và che giấu hành vi phạm tội...

Ngoài tiêu chí căn cứ vào tính chất của sự việc, trong thực tiễn cũng như khoa học hình sự, căn cứ vào sự nguyên vẹn của hiện trường, có thể chia hiện trường làm hai loại là hiện trường nguyên vẹn, hiện trường bị xáo trộn. Căn cứ vào nơi xảy ra sự việc, có thể chia hiện trường thành ba loại như: Hiện trường trong nhà; hiện trường ngoài trời; hiện trường trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, trong thực tiễn còn có thể có loại “hiện trường giả”, đó là nơi thủ phạm cố ý sắp đặt tạo lập dấu vết để đánh lạc hướng điều tra của CQĐT nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

2- Khám nghiệm hiện trường trong vụ án hình sự

Khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự đã xảy ra.

Khi một vụ án hình sự xảy ra, tin báo, tố giác tội phạm được chuyển đến CQĐT, thường có rất ít tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là các nguồn chứng cứ vật chất. Hoạt động khám nghiệm hiện trường giúp thu thập và củng cố chứng cứ ban đầu của vụ án hình sự, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra. Kết quả khám nghiệm hiện trường là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa ra nhận định, đánh giá tính chất sự việc, đánh giá phương thức, thủ đoạn gây án, công cụ, phương tiện gây án.

Thông qua kết quả khám nghiệm hiện trường, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu được các thông tin về dấu vết, vật chứng để lại hiện trường, từ đó giúp đưa ra những nhận định ban đầu về tính chất vụ án, động cơ, mục đích gây án, phương thức, thủ đoạn gây án, xác định công cụ, phương tiện gây án. Công tác khám nghiệm hiện trường còn giúp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập dấu vết, vật chứng, mẫu vật... phục vụ công tác trưng cầu giám định, truy nguyên hình sự, công cụ, phương tiện gây án với những vụ án mà hiện trường liên quan đến nhiều khu vực khác nhau như nơi xảy ra hành vi phạm tội, nơi cất giấu, tẩu tán công cụ, phương tiện phạm tội hoặc nơi cất giấu tài sản...

Khi tiến hành việc khám nghiệm hiện trường, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các phương tiện kỹ thuật hình sự phù hợp để phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các loại dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự để lại tại hiện trường. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ghi nhận địa điểm, thời gian, không gian nơi xảy ra sự việc có tính chất hình sự; phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản các loại dấu vết, vật chứng liên quan đến sự việc có dấu hiệu hình sự đã xảy ra; lập và hoàn thiện các văn bản của hồ sơ khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật.

Tùy theo đặc điểm của hiện trường vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng phương pháp khám nghiệm hiện trường phù hợp. Phương pháp khám nghiệm hiện trường là cách thức tiến hành hoạt động phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng để lại trên hiện trường của các vụ án hình sự. Để lựa chọn phương pháp khám nghiệm hiện trường đối với từng loại hiện trường vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần căn cứ vào các yếu tố như kết quả quá trình quan sát hiện trường; đặc điểm cấu trúc của hiện trường; tính chất của sự việc xảy ra kinh nghiệm chuyên môn và thực tế khám nghiệm hiện trường của ngưòi có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường có thể sử dụng một số phương pháp sau: Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực; Phương pháp khám nghiệm hiện trường dựa vào phương thức gây án đã được nhận định; Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo hình xoắn ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài; Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo cách cuốn chiếu; Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo đường song song.

Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về khám nghiệm hiện trường, theo đó: Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

Khi khám nghiệm hiện trường, phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ NGHIÊN CỨU TÀI LIỆU VỀ HIỆN TRƯỜNG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Khi tiến hành việc khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải lập và hoàn thiện hồ sơ khám nghiệm hiện trường, đánh số bút lục và đưa vào hồ sơ vụ án. Hồ sơ vụ án liên quan đến hoạt động khám nghiệm hiện trường thường bao gồm các tài liệu như bản ảnh hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản vẽ mô tả hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, các tài liệu liên quan khác.

1- Luật sư hình sự nghiên cứu biên bản khám nghiệm hiện trường

Điều tra viên chủ trì việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải lập biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định pháp luật: Biên bản khám nghiệm hiện trường sử dụng Mẫu số 138 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA.

Khi nghiên cứu biên bản khám nghiệm hiện trường, luật sư hình sự cần lưu ý:

Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự. Khi nghiên cứu, luật sư hình sự cần xác định về hình thức, nội dung xem việc lập biên bản đã tuân theo quy định chưa. Theo quy định, biên bản phải ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng năm tiến hành khám nghiệm, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động khám nghiệm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động khám nghiệm, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ. Biên bản khám nghiệm hiện trường phải có chữ ký của những người mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.

Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản. Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản phải đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến. Trong trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người làm biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

Khi nghiên cứu các thông tin về thời gian, địa điểm khám nghiệm, đối chiếu với thông tin trong hồ sơ vụ án về diễn biến sự việc, luật sư hình sự cần xác định việc khám nghiệm hiện trường có được tiến hành nhanh chóng, kịp thời sau khi vụ việc xảy ra hay không. Trong nhiều trường hợp, việc khám nghiệm hiện trường nhanh chóng, kịp thời, ngay sau khi sự việc xảy ra có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Căn cứ thành phần tham dự khám nghiệm hiện trường, chữ ký cuối biên bản,luật sư hình sự cần xác định thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường có đầy đủ đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật không. Theo quy định Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm soát việc khám nghiệm hiện trường; khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến: có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm. Trong trường hợp việc khám nghiệm hiện trường thiếu những thành phần bắt buộc phải tham gia như Điều tra viên, Kiểm sát viên, người chứng kiến, có thể ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của biên bản khám nghiệm hiện trường.

Biên bản khám nghiệm hiện trường phải ghi rõ điều kiện về thời tiết, khí hậu, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm. Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc khám nghiệm hiện trường. Ví dụ như trong điều kiện khám nghiệm hiện trường vào ban đêm, ánh sáng hạn chế sẽ làm giảm khả năng quan sát, thu thập và đánh giá dấu vết, vật chứng của cán bộ khám nghiệm; hạn chế hiệu quả khai thác, sử dụng trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác khám nghiệm. Hoặc việc khám nghiệm hiện trường được thực hiện trong điều kiện trời mưa, có thể nước mưa sẽ góp phần xóa đi những dấu vết quan trọng của vụ án. Do đó, căn cứ vào các thông tin về điều kiện thời tiết, khí hậu, ánh sáng được ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường, luật sư hình sự phần nào có thể đánh giá, xác định tính chính xác của kết quả khám nghiệm hiện trường.

Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, luật sư hình sự cần xác định tình trạng của hiện trường vụ án vào thời điểm tiến hành khám nghiệm. Trong công tác khám nghiệm hiện trường, tính nguyên vẹn của hiện trường vào thời điểm khám nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của sự việc đã xảy ra. Khi lập biên bản khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải ghi rõ tình trạng của hiện trường khi bắt đầu việc khám nghiệm. Trong trường hợp hiện trường đã bị tác động, xáo trộn, cần ghi rõ những sự việc đã ảnh hưởng đến hiện trường.

Biên bản khám nghiệm hiện trường phải mô tả khái quát toàn cảnh hiện trường; mô tả tỉ mỉ, chính xác đồ vật, dấu vết trong mối quan hệ giữa chúng ở hiện trường; tóm tắt quá trình khám nghiệm, phát hiện và thu lượm dấu vết. Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành xem xét tại chỗ, thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Dấu vết, tài liệu, mẫu vật thu được phải được ghi rõ tên, đặc điểm, vị trí, phương pháp thu lượm vào biên bản, được bảo quản tại cơ quan có thẩm quyền. Những người tiến hành khám nghiệm có thể chụp ảnh, vẽ sơ đồ, đo đạc, dựng mô hình hoặc ghi hình hiện trường... Khi nghiên cứu những nội dung này trong biên bản khám nghiệm hiện trường, luật sư hình sự cần lưu ý:

- So sánh, đối chiếu thông tin trong biên bản khám nghiệm hiện trường với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án như lời khai của bị can, bị hại, nhân chứng... xem hiện trường vụ án trong biên bản khám nghiệm có phù hợp với các thông tin trên các tài liệu, chứng cứ khác không.

- Xác định việc áp dụng phương pháp khám nghiệm hiện trường, thu thập đồ vật, dấu vết liên quan đã phù hợp, đúng quy định chưa. Trong thực tiễn, có vụ án, trong quá trình tiến hành khám nghiệm hiện trường, do những sai sót như không áp dụng phương pháp khám nghiệm phù hợp với hiện trường thực tế, không đánh số thứ tự các dấu vết, vật chứng có ở hiện trường, không thu thập hoặc thu thập không hết những dấu vết vật chứng, hoặc có thu thập nhưng không tiến hành đánh số thứ tự ghi rõ đặc điểm chủng loại vật chứng đã ảnh hưởng đến kết quả khám nghiệm hiện trường, sự thật khách quan của vụ án.

- Xem xét những dấu vết, vật chứng, tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình khám nghiệm hiện trường, đánh giá tính liên quan, giá trị chứng minh của chúng đối với quá trình giải quyết vụ án.

Trước khi ký biên bản khám nghiệm hiện trường, những người tham gia khám nghiệm có quyền ghi ý kiến của mình vào biên bản. Trong trường hợp biên bản có ghi ý kiến của người tham gia khám nghiệm, luật sư hình sự cần đọc kỹ để nắm được ý kiến của người tham gia tố tụng, xác định xem ý kiến đó có cơ sở pháp lý không, đã được xem xét, giải quyết chưa.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Luật sư hình sự nghiên cứu các tài liệu khác liên quan đến việc khám nghiệm hiện trường

Cùng với việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình... Do đó, trong hồ sơ vụ án liên quan đến hoạt động khám nghiệm hiện trường, có thể có một số loại tài liệu khác như:

- Sơ đồ hiện trường: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, người có thẩm quyền tiến hành khám nghiệm hiện trường, căn cứ vào hiện trường thực tế sẽ vẽ lại sơ đồ. Sơ đồ hiện trường được lập theo Mẫu số 141 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/1T- BCA.

- Bản ảnh hiện trường: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, người có thẩm quyền khám nghiệm hiện trường sẻ chụp ảnh hiện trường. Toàn bộ các bức ảnh chụp về hiện trường sẽ được đưa vào bản ảnh hiện trường. Bản ảnh hiện trường được lập theo Mẫu số 143 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA.Sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường cũng như các tài liệu liên quan khác được lập trong quá trình khám nghiệm hiện trường, kèm theo biên bản khám nghiệm hiện trường. Khi nghiên cứu các tài liệu này, luật sư hình sự cần lưu ý:

(i) Kiểm tra về mặt tố tụng xem các tài liệu có được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không;

(ii) Các thông tin trên sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường, các tài liệu liên quan khác có phù hợp, thống nhất với biên bản khám nghiệm, hiện trường, các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án không.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu tài liệu hiện trường vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.65919 sec| 1153.031 kb