Kỹ năng của luật sư trao đổi với bị hại, đương sự khác trong vụ án hình sự

"Không có con đê pháp luật án ngữ, thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại".

Jean-Baptiste Say, (1767-1832) là nhà kinh tế người Pháp

Kỹ năng của luật sư trao đổi với bị hại, đương sự khác trong vụ án hình sự

Quá trình tham gia các vụ án hình sự, Luật sư hình sự phải tiếp xúc, trao đổi với một số đối tượng như người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Khi trao đổi với người bị hại và những đương sự khác, Luật sư hình sự cần có định hướng giải quyết công việc cụ thể, giải thích cho bị hại, đương sự biết về quyền và lợi ích của họ, đồng thời tìm hiểu về tình tiết vụ án. Điều này giúp Luật sư hình sự tìm hiểu được bản chất sự việc, có kế hoạch và phương án bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thân chủ hiệu quả.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI BỊ HẠI

1- Luật sư hình sự trao đổi với bị hại trong giai đoạn điều tra

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra trong vụ án hình sự. Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo yêu cầu của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại ngay từ khi cơ quan điều tra ra văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Quá trình gặp, trao đổi giữa luật sư với bị hại trong quá trình giải quyết vụ án nhất là những lần gặp đầu tiên luật sư cần tạo ấn tượng tốt, chuyên nghiệp từ trang phục tác phong, đến lời nói, hành động để tạo được sự tin tưởng, tin cậy của bị hại, hình thành được cơ chế phối hợp thường xuyên, đạt hiệu quả trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Việc xác định rõ nội dung, phạm vi trao đổi với bị hại trong giai đoạn điều tra có ý nghĩa rất quan trọng đối với luật sư trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình.

Trước tiên, luật sư cần giải thích cho bị hại nắm được quyền và nghĩa vụ cơ bản của luật sư khi tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo yêu cầu của bị hại, nắm được quyền và nghĩa vụ cơ bản của người bị hại trong quá trình tham gia tố tụng cũng như các kiến thức cơ bản về trình tự các giai đoạn tố tụng hình sự. Quá trình người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại gặp, trao đổi với bị hại hoặc người đại diện của bị hại để thu thập thông tin, tìm hiểu sự thật khách quan của vụ án sẽ có nhiều nội dung khác nhau, nhiều mục tiêu khác nhau phụ thuộc vào kinh nghiệm và phương pháp nghiệp vụ kỹ năng hành nghề riêng của mỗi luật sư, tuy nhiên cần đảm bảo tối thiểu các nội dung chính như sau:

- Trao đổi, thu thập thông tin xác định được nguyên nhân xảy ra vụ án, thời gian, địa điểm xảy ra vụ án;

- Trao đổi, xác định được đặc điểm, danh tính nghi can đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với bị hại, mối quan hệ của nghi can với bị hại (nếu có);

- Trao đổi, xác định được hậu quả vật chất, thiệt hại tinh thần mà bị hại và người thân thích trong gia đình phải gánh chịu từ hành vi vi phạm pháp luạt của người bị buộc tội gây ra;

- Trao đổi xem bị hại có căn cứ pháp lý, có cần thiết kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng giám định lại (đối với tỷ lệ thương tật), định giá lại (đối với giá trị tài sản bị xâm hại) hay không;

- Trao đổi, hướng dẫn cho bị hại cách khai báo, trình bày, đối chất, nhận dạng và khi tham gia các hoạt động điều tra khác, cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của bị can, cung cấp chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích cho mình trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra;

- Giải thích quyền được yêu cầu người bị buộc tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho bị hại, từ đó tư vấn cho bị hại chuẩn bị, thu thập các tài liệu, giấy tờ (nếu có) chứng minh thiệt hại thực tế cung cấp cho cơ quan điều tra làm căn cứ yêu cầu người bị buộc tội bồi thường thiệt hại về dân sự cho mình theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ví dụ 11: Trao đổi với bị bị hại để xác định được đặc điểm của người bị buộc tội, những hành vi đã thực hiện của người bị buộc tội đối với bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại gặp, trao đổi với bị hại để xác định được: có bao nhiêu người gây thương tích cho bị hại, đặc điểm nhận dạng của từng người (nếu có) như nam hay nữ, già hay trẻ, ước tính độ tuổi, cao hay thấp, béo hay gầy, màu da, dáng đi dáng đứng có gì đặc biệt, mặc quần áo như thế nào, có đeo trang sức, đồng hồ, dây chuyền không, đặc điểm thế nào; có hình xăm trên người không, ai gây thương tích cho bị hại trước, ai gây thương tích sau, gây thương tích bằng chân tay hay bằng đồ vật, vũ khí, hung khí; gây thương tích vào vị trí nào trên cơ thể bị hại, lực tác động mạnh hay yếu, gây thương tích một lần hay nhiều lần, cường độ nhanh hay chậm; liền trước, trong và sau khi gây thương tích có lời nói gì không, cụ thể thế nào...

Quá trình gặp, trao đổi, luật sư cần động viên, khuyến khích bị hại đưa ra đề xuất, yêu cầu về việc thu thập chứng cứ có lợi cho bị hại, xác định được có người làm chứng biết về hành vi phạm tội của người bị buộc tội hay không, nếu có để luật sư xác minh, thu thập thông tin cần thiết, đề xuất với cơ quan điều tra đưa người làm chứng đó vào tham gia tố tụng, lấy lời khai kịp thời để củng cố chứng cứ, căn cứ buộc tội đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Khi gặp, trao đổi thông tin với bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại, luật sư cần chủ động đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm vụ án để bị hại, người đại diện của bị hại trình bày, đồng thời nhanh tay ghi chép vào sổ tay của Luật sư các nội dung tóm tắt do bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại trình bày làm cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại trong quá trình tham gia tố tụng.

Trong một số vụ án như giết người, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ... người bị hại là cá nhân đã chết hoặc bị hại là người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tâm thần thì người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại sẽ gặp, trao đổi thông tin với người thân trong gia định bị hại như bố, mẹ, vợ, chồng của bị hại nhưng cần lưu ý lựa chọn chỉ định 01 thành viên trong gia đình bị hại là người đại diện, là đầu mối thường xuyên liên lạc, trao đổi công việc với luật sư trong quá trình giải quyết vụ án. Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại cần tư vấn cho gia đình lập 01 giấy ủy quyền có xác nhận chữ ký của UBND cấp xã, phường nơi cư trú cử 01 thành viên trong gia đình là đại diện hợp pháp của bị hại thay mặt gia đình tham gia các hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra như cung cấp lời khai, cung cấp chứng cứ, tài liệu, nhận các văn bản, tài liệu tố tụng, tham gia phiên tòa, trình bày yêu cầu bồi thường thiệt hại... Quá trình gặp mặt, trao đổi, luật sư cần bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sự mất mát, tổn thất về con người với gia đình có bị hại đã chết, đồng thời động viên đại diện bị hại sớm ổn định tinh thần để vượt qua được đau thương, tổn thất cùng phối hợp tốt với luật sư hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Nội dung và phạm vi luật sư trao đổi với đại diện bị hại trong giai đoạn điều tra sẽ hẹp hơn so với nội dung luật sư trao đổi trực tiếp với bị hại không bị thiệt mạng trong vụ án hình sự, tuy nhiên, cũng cần đảm bảo tối thiểu các nội dung chính như sau:

- Trao đổi, tìm hiểu về đặc điểm nhân thân, tính cách, hoàn cảnh gia đình, công việc, thu nhập bình quân hàng tháng, vai trò đóng góp về kinh tế của bị hại đối với gia đình trước khi xảy ra vụ án;

- Trao đổi, xác định được hậu quả vật chất gia đình đã phải chi trả như chi phí vận chuyển bị hại đi cấp cứu, vật tư y tế chữa trị, mai táng phí theo thông lệ tại địa phương, thiệt hại tinh thần mà người thân thích trong gia đình đã phải gánh chịu từ hành vi vi phạm pháp luật của người bị buộc tội gây ra;

- Tư vấn cho đại diện bị hại chuẩn bị, thu thập các tài liệu, giấy tờ, chứng từ, hóa đơn (nếu có) chứng minh thiệt hại thực tế để cung cấp cho cơ quan điều tra làm căn cứ yêu cầu người bị buộc tội bồi thường thiệt hại về dân sự cho bị hại.

Đối với bị hại là pháp nhân, người mà luật sư cần gặp, trao đổi có thể là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, cũng có thể là người đại diện do pháp nhân ủy quyền bằng văn bản như Trưởng phòng hành chính nhân sự, cán bộ pháp chế doanh nghiệp, cũng có thể là người làm chứng, người có liên quan khác trong doanh nghiệp.

Đối với bị hại là người dưới 18 tuổi, do đặc điểm tâm lý của bị hại là ngại tiếp xúc với người lạ, thậm chí bị rối loạn tâm lý, lo lắng, sợ hãi thái quá, bị ám ảnh thường xuyên về hành vi phạm tội gây ra với mình nên quá trình trao đổi đòi hỏi luật sư phải có được kỹ năng cần thiết, tinh ý, nắm bắt được kịp thời các thay đổi trong biểu hiện tâm lý, trạng thái tinh thần của bị hại để có phương pháp tiếp cận phù hợp hoặc biết tạm dừng công việc khi cần thiết. Trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi do căng thẳng, sợ hãi nên bất hợp tác, không cung cấp thông tin thì luật sư cần kết thúc buổi làm việc hoặc tạm dừng trao đổi, đồng thời nhờ bố, mẹ hoặc bạn thân của bị hại động viên, giải thích an ủi bị hại bình tĩnh trở lại mới tiếp tục báo cho luật sư tiếp xúc, trao đổi. Theo kinh nghiệm thực tế đối với các trường hợp bị hại là trẻ em gái là nạn nhân của vụ án xâm hại tình dục thì TCHNLS cần cử nữ luật sư đảm nhận vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Nữ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho trẻ gái bị hại có nhiều đặc điểm lợi thế hơn nam luật sư, vừa am hiểu tâm sinh lý của trẻ em gái vừa có phong thái thân thiện, dễ gần như người mẹ, người chị, người bạn của các em nên dễ tiếp xúc lam quen, trao đổi, thu thập thông tin bảo vệ quyền lợi cho bị hại.

Muộn nhất là trước thời điểm cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cần trao đổi, chủ động soạn thảo văn hoặc hướng dẫn bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại làm Đơn yêu cầu người bị buộc tội bồi thường thiệt hại về dân sự gửi tới cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng kèm theo các chứng từ, xác nhận, giấy tờ liên quan chứng minh thiệt hại là có căn cứ, đúng thực tế và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 232 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi kết thúc điều tra và ban hành bản kết luận điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra chỉ giao bản kết luận điều tra cho bị can, gửi bản kết luận điều tra cho luật sư bào chữa của bị can và chỉ thông báo về việc kết thúc điều tra cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chứ không giao bản kết luận điều tra cho bị hại, không gửi bản kết luận điều tra cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Do cơ quan điều tra chỉ có trách nhiệm thông báo cho bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại về kết quả điều tra vụ án nên trong trường hợp nhận được thông tin kết luận điều tra đi kèm quyết định đình chỉ điều tra vụ án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cần trao đổi ngay với bị hại, người đại diện của bị hại (nếu có) về quyền khiếu nại hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra về việc đình chỉ điều tra vụ án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Luật sư hình sự trao đổi với bị hại trong giai đoạn truy tố

Để nắm bắt được đầy đủ, chi tiết các thông tin, tài liệu, lời khai trong vụ án mình đang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư cần chủ động liên hệ, bố trí thời gian gặp KSV được phân công kiểm sát vụ án đề nghị được nghiên cứu hồ sơ vụ án, sao chụp tài liệu, bút lục có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. Sau khi đã dành thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự để nắm bắt được những nội dung chính trong vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, luật sư bố trí thời gian gặp, trao đổi với bị hại, đại diện của bị hại các nội dung cơ bản như sau:

- Trao đổi về kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, nêu quan điểm, nhận định của luật về tội danh bị can bị đề nghị truy tố trong bản kết luận điều tra có đúng người, đúng tội hay không, có bỏ lọt đồng phạm không, có căn cứ đề nghị viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung không;

- Trao đổi, đánh giá về các lời khai, trình bày của bị hại tại cơ quan điều tra đã đầy đủ chưa, có nội dung nào chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại, có cần trình bày bổ sung không, có cần bổ sung các tài liệu, chứng cứ không, có cần yêu cầu đối chất, nhận dạng không, có cần đề nghị đưa thêm người làm chứng vào tham gia tố tụng không;

- Trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại xem có cần đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên tài sản, niêm phong tài sản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của bị can... để đảm bảo trách nhiệm bồi thường của bị can đối với bị hại không;

- Trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại xem có cần đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị hại, người thân thích của bị hại khi có căn cứ xác định bị can hoặc người khác đang có hành vi, hành động, lời nói đe dọa xâm hại hay không;

Trong toàn bộ quá trình gặp, trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại, luật sư cần chú ý lắng nghe, ghi chép tóm tắt vào sổ tay luật sư các ý kiến, quan điểm, lời trình bày của bị hại, người đại diện của bị hại về các tình tiết, thông tin sự kiện liên quan trong vụ án cũng như những nguyện vọng chính đáng của bị hại, tận tình giải đáp những câu hỏi thắc mắc về kiến thức pháp luật của bị hại và kể cả của thành viên khác trong gia đình bị hại có quan tâm đến vụ án.

3- Luật sư hình sự trao đổi với bị hại trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Để có những bước chuẩn bị tốt nhất cho phiên tòa xét xử, luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cần bố trí thời gian hợp lý để gặp, trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại tại trụ sở TCHNLS hoặc địa điểm khác thuận tiện cho các bên. Thời điểm gặp, trao đổi phù hợp nhất là sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, tức là trước ngày xét xử khoảng 7 đến 10 ngày. Theo kinh nghiệm thực tế, luật sư không nên gặp, trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại sớm quá so với ngày xét xử vì đương sự không có khả năng nắm bắt, nhớ được hết, rất dễ quên các thông tin, nội dung luật sư đã trao đổi, cũng không nên trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại liền sát ngày xét xử vì tạo ra áp lực tâm lý bất lợi cho bị hại. Phạm vi và nội dung người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại cần tập trung vào các điểm cơ bản như sau:

Hướng dẫn cho bị bại hiểu biết cơ bản về các giai đoạn tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm và thủ tục đặc biệt khi xét các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;                        

- Phổ biến cho bị hại, người đại diện của bị hại hiểu về quyền, nghĩa vụ của bị hại, người đại diện của bị hại khi tham gia phiên tòa, về thành phần HĐXX, trình tự và ý nghĩa của các thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

- Hướng dẫn cho bị hại, người đại diện của bị hại cách xưng hô với HĐXX và những người tham gia tố tụng khác, cách trình bày lời khai đối chất tại phiên tòa. Đối với phần trình bày về các yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người bị hại (nếu có) bị hại có thể đề nghị HĐXX ủy quyền cho luật sư trình bày thay;

- Phân tích cho bị hại, người đại diện của bị hại nắm được 1 số tình huống phát sinh khi tham gia tố tụng tại Tòa án các cấp như việc thay đổi người tiến hành tố tụng, hoãn phiên tòa, tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung...

- Trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại dự kiến kế hoạch hỏi của luật sư với bị hại tại phiên tòa, hướng dẫn cho bị hại biết cách tự trả lời các câu hỏi dự kiến của luật sư;

- Nhận định về khả năng áp dụng khung khoản, điều luật của Cáo trạng đề nghị truy tố và hình phạt áp dụng đối với bị cáo, dự trù mức bồi thường dân sự người bị hại có thể được HĐXX chấp thuận khi xét xử vụ án;

- Trao đổi với bị hại, người đại diện của bị hại về dự kiến nội dung tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với đại diện viện kiểm sát và luật sư của bị cáo (nếu có) về tội danh, hình phạt và mức bồi thường thiệt hại về dân sự.

4- Luật sư hình sự trao đổi với bị hại sau phiên tòa sơ thẩm

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, luật sư hướng dẫn cho bị hại, người đại diện của bị hại đến Tòa án xin cấp 01 bản án hình sự đồng thời lựa chọn địa điểm đặt lịch hẹn bị hại, người đại diện của bị hại để trao đổi tại trụ sở hoặc văn phòng giao dịch của TCHNLS hoặc gặp tại nhà riêng của bị hại hoặc địa điểm khác trong trường hợp bị hại là người già yếu, là người đang mắc bệnh là người dưới 18 tuổi. Luật sư cần chủ động đánh giá phân tích những điểm đạt và chưa đạt trong lời khai trình bày của bị hại tại phiên tòa để bị hại rút kinh nghiệm, phát huy ở phiên tòa xét xử phúc thẩm (nếu có). Căn cứ kết quả của bản án hình sự HDXX mới tuyên, để đảm bảo quyền lợi cho bị hại, luật sư và bị hại, người đại diện của bị hại sẽ trao đổi, thống nhất việc có cần làm đơn kháng cáo hay không, nếu kháng cáo thì xác định rõ kháng cáo 01 phần hay toàn bộ bản án, kháng cáo phần tội danh hay áp dụng hình phạt hay mức bồi thường dân sự. Sau khi có sự thống nhất về việc kháng cáo, luật sư có thể trực tiếp soạn thảo đơn kháng cáo hướng dẫn bị hại ký và gửi đơn theo quy định. Luật sư cần tư vấn cho bị hại biết nếu kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm thì bị hại gửi đơn kháng cáo tới Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ TRAO ĐỔI VỚI CÁC ĐƯƠNG SỰ KHÁC

Thực tiễn cho thấy trong vụ án hình sự không chỉ có người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại mới có nhu cầu mời luật sư tư vấn pháp luật, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn có các đương sự khác như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mặc dù nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải là “tâm điểm”, không phải là “nhân vật chính” trong vụ án hình sự nhưng cũng không thể hạ thấp vai trò các đương sự này trong vụ án. Tùy vào tư cách tham gia tố tụng, luật sư được đương sự nào mời cũng cần phải dốc sức, tận tâm tận lực cung cấp các dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng của mình trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đương sự đã đặt niềm tin vào luật sư.

1- Luật sư hình sự trao đổi với nguyên đơn dân sự

Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Mặc dù nguyên đơn dân sự có một số đặc điểm khá tương đồng với bị hại trong vụ án như đều bị chịu sự tác động, bị thiệt hại do tội phạm gây ra, tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rõ rệt.

Bị hại phải chịu sự tác động trực tiếp của hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm, mục đích phạm tội là nhằm vào người bị hại, kể cả bị hại không có yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có trách nhiệm xác định thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản của bị hại để làm căn cứ giải quyết vụ án và buộc người bị buộc tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại.                                     

Nguyên đơn dân sự chỉ phải chịu tác động gián tiếp của hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm do mục đích của người phạm tội không nhằm trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này mà chủ đích gây thiệt hại cho thể khác. Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại gián tiếp có phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi tới cơ quan tiến hành mới đủ điều kiện xác định được tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự.                             

Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự theo yêu cầu của nguyên đơn dân sự được tham gia tố tụng ngay từ khi cơ quan điều tra ra văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc xác định rõ nội dung, phạm vi trao đổi với nguyên đơn dân sự trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra đến truy tố và xét xử vụ án có ý nghĩa rất quan trọng đối với luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng của mình.

Để có sự kết nối, phối hợp tốt của nguyên đơn dân sự với luật sư trong quá trình giải quyết vụ án, luật sư cần dành thời gian để tư vấn cho nguyên đơn dân sự nắm bắt được kiến thức hiểu biết cơ bản về tố tụng hình sự, giải thích cho nguyên đơn dân sự hiểu được quyển và nghĩa vụ cơ bản của nguyên đơn dân sự trong quá trình tham gia tố tụng. Quá trình luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự gặp nguyên đơn dân sự để thu thập thông tin liên quan đến vụ án, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của họ sẽ có nhiều nội dung khác nhau, nhiều mục tiêu khác nhau phụ thuộc vào kinh nghiệm và phương pháp nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề riêng của mỗi luật sư, tuy nhiên cần chú ý đến các nội dung chính như sau:

- Trao đổi, thu thập thông tin xác định được thời gian, địa điểm xảy ra vụ án;

- Trao đổi, xác định được chủ thể, đối tượng là bị đơn dân sự đã gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dân sự; xác định được những hành vi cụ thể đã thực hiện của chủ thể, đối tượng đó;

- Trao đổi, xác định được hậu quả thiệt hại mà nguyên đơn dân sự đã phải gánh chịu từ hành vi vi phạm pháp luật của người bị buộc tội và bị đơn gây ra;

- Hướng dẫn cho nguyên đơn dân sự cách trình bày, đối chất với các đương sự khác trong vụ án để bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng;

- Phổ biến cho nguyên đơn dân sự biết về quyền được đưa ra chứng cứ, đồ vật, quyền được trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá về giá trị pháp lý của chứng cứ, tài liệu đồ vật liên quan đó;

- Giải thích cho nguyên đơn dân sự biết về quyền được yêu cầu bị đơn dân sự và người bị buộc tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho mình, từ đó tư vấn cho nguyên đơn dân sự chuẩn bị, thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế. Trường hợp có căn cứ cho rằng người bị buộc tội, bị đơn dân sự cố tình tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thì luật sư cần tư vấn cho nguyên đơn dân sự làm đơn đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho việc bồi thường được thực thi;

- Hướng dẫn cho nguyên đơn dân sự làm và gửi Đơn yêu cầu người bị buộc tội, bị đơn dân sự bồi thường thiệt hại về dân sự cho mình tới cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định; hướng dẫn nguyên đơn dân sự thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại;

- Trao đổi, thống nhất với nguyên đơn dân sự về nội dung kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng giám định, định giá tài sản bị xâm hại khi thấy cần thiết.

Ngay sau khi nhận được Quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử, luật sư cần bố trí thời gian thích hợp để gặp, trao đổi với nguyên đơn dân sự cách trình bày ý kiến tại phiên tòa. Đối với nội dung trình bày bồi thường thiệt hại và tranh luận tại phiên tòa, nếu nguyên đơn dân sự không tự tin thì nguyên đơn dân sự có thể ủy quyền cho luật sư trình bày và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự. Ngoài ra luật sư cũng cần giải thích và tư vấn cho nguyên đơn dân sự về quyền được xem biên bản phiên tòa và quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng phần quyết định về bồi thường thiệt hại không khách quan, chưa đảm bảo được quyền lợi của nguyên đơn dân sự

2- Luật sư hình sự trao đổi với bị đơn dân sự

Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Bị đơn dân sự có thể là người trực tiếp, có thể là người gián tiếp gây ra thiệt hại, cũng có thể không trực tiếp, không gián tiếp gây ra thiệt hại nhưng vẫn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thay cho người đã gây ra thiệt hại.

Trong vụ án hình sự khi người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi gây ra thiệt hại về tài sản của nguyên đơn dân sự, chưa có tài sản riêng để bồi thường thiệt hại thì người giám hộ phải có trách nhiệm bồi thường thay cho người bị buộc tội. Như vậy bị đơn dân sự trong trường hợp này không phải là người bị buộc tội mà lại là bố mẹ của người bị buộc tội đó.

Quá trình tiếp xúc, trao đổi với bị đơn dân sự, luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn dân sự cần lưu ý các nội dung chính như sau:

- Trao đổi với bị đơn dân sự về vấn đề trách nhiệm của bị đơn dân sự trong việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thiệt hại về tài sản cho nguyên đơn dân sự;          

- Tìm hiểu về điều kiện sinh sống hoàn cảnh kinh tế gia đình thu nhập của bị đơn dân sự để xác định khả năng bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự;

- Hướng dẫn cho bị đơn dân sự hiểu biết cơ bản về các giai đoạn tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm và thủ tục đặc biệt khi xét các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

- Phổ biến cho bị đơn dân sự hiểu về quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự khi tham gia phiên tòa, về thành phần HĐXX, trình tự và ý nghĩa của các thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

- Trao đổi với bị đơn dân sự dự kiến kế hoạch hỏi của luật sư với bị đơn dân sự tại phiên tòa, hướng dẫn cho bị đơn dân sự biết cách tự trả lời các câu hỏi dự kiến của luật sư. Trường hợp bị đơn dân sự không tự tin trả lời các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng, bị hạn chế trong diễn đạt, trình bày ý kiến tại phiên tòa thì luật sư có thể trao đổi với bị đơn dân sự nhất trí ủy quyền cho luật sư trả lời thay, trình bày thay cho bị đơn dân sự;

- Phân tích cho bị đơn dân sự hiểu được các căn cứ hợp pháp, chưa hợp pháp trong yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự để từ đó trao đổi với bị đơn dân sự thống nhất quan điểm chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự trong phần tranh luận.

Sau khi kết thúc phiên tòa, căn cứ vào phần quyết định trong bản án hình sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự của bị đơn dân sự, luật sư cần trao đổi, tư vấn cho bị đơn dân sự về quyền được xem biên bản phiên tòa và quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng phần quyết định về bồi thường thiệt hại không khách quan, chưa đảm bảo được quyền lợi của bị đơn dân sự.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng Chi nhánh Hà Nội Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư trao đổi với bị hại, đương sự khác trong vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.19297 sec| 1193.195 kb