Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Tôi cho rằng nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý".
Alexander Hamilton, 1757 - 1804, sĩ quan quân đội, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính (Mỹ)
Bị cáo Trần Văn Hưng điều khiển xe mô tô đã va chạm với bà Nguyễn Thị Quỳnh, gây ra vụ tai nạn giao thông, hậu quả: Bà Quỳnh bị tổn thương cơ thể với tỉ lệ phần trăm tại thời điểm giám định là 72%. Bị cáo Hưng nhận trách nhiệm gây ra tổn thương cơ thể cho bà Quỳnh, nhận tội.
Bản án hình sự sơ thẩm đã xử phạt Hưng 12 tháng tù, không cho Hưng hưởng án treo, buộc phải bồi thường cho bị hại số tiền: 160.000.000 đồng. Bị cáo cho rằng, mức án quá nặng và bị hại mới là người có lỗi chính.
I- PHẦN MỞ ĐẦU LUẬN CỨ BÀO CHỮA
Kính thưa: Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Thưa Vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố, Thưa các quý Vị có mặt phiên tòa để tham gia tố tụng. Tôi là Nguyễn Thị Thu Thủy - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Hôm nay, tôi tham gia tố tụng vụ án với tư cách người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Hưng trong Vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” xảy ra ngày 10/09/2023 được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử theo thủ tục phúc thẩm (thụ lý phúc thẩm số 852/2024/HSPT ngày 04/10/2024).
Ngày 10/09/2023, bị cáo Trần Văn Hưng (gọi tắt là: Hưng) điều khiển xe mô tô đã va chạm với bà Nguyễn Thị Quỳnh (gọi tắt là bà Quỳnh), gây ra vụ tai nạn giao thông tại km 19 + 580 Quốc lộ 6, thuộc phường Biên Giang, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, hậu quả: Bà Quỳnh bị tổn thương cơ thể, với tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 72%.
Tại giai đoạn, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Hưng nhận trách nhiệm gây ra tổn thương cơ thể cho bà Quỳnh, nhận tội.
Bản án hình sự sơ thẩm số 193/2024/HSST của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, bị cáo Trần Văn Hưng bị xử phạt 12 tháng tù, phải bồi thường cho bị hại số tiền: 160.000.000 đồng (một trăm sáu mươi triệu đồng).
Bị cáo Hưng đã kháng cáo vì cho rằng hình phạt tù 12 tháng và trách nhiệm bồi thường dân sự tại Bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo quá nặng. Bị cáo mời tôi bào chữa, xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và dân sự, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt, đóng góp cho xã hội.
Sau khi làm việc, trao đổi với bị cáo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án và thu thập tài liệu chứng cứ có liên quan, tôi xin đưa ra một số quan điểm như sau:
Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest
Các chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, đặc biệt là đoạn clip (camera ghi lại) và các ảnh tại Bút lục số 62, 63, 64, thể hiện:
Vào thời điểm 9:30:54 ngày 10/09/2023, bà Quỳnh đi bộ từ một cửa hàng ra hướng đường bộ, đoạn km 19 + 580 Quốc lộ 6 thuộc phường Biên Giang, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Đến thời 9:31:13 (tức là 20 giây sau), bà Quỳnh di chuyển đến sát lề đường.
Đến 09:31:14 bà Quỳnh bắt đầu bước xuống lòng đường, không quan sát phía bên trái mà quay mặt về bên phải, sau khi đi bộ khoảng 02 bước thì bất ngờ chạy băng qua đường.
Đến thời điểm 09:31:15, xe mô tô nhãn hiệu Honda Dream BKS 29P1-647.28 do Hưng đi (theo hướng từ huyện Chương Mỹ vào quận Hà Đông) với vận tốc khoảng 40 - 45 km/h (Hưng khai), đi đến từ phía bên trái, cách bà Quỳnh khoảng 12 mét. Khi còn cách bà Quỳnh khoảng 06 đến 07 mét, (Hưng khai) phát hiện ra bà Quỳnh, nên Hưng có giảm tốc độ, tuy nhiên khoảng cách quá gần và bất ngờ. Vào thời điểm 09:31:16 xe của Hưng va chạm với bà Quỳnh.
Đến thời điểm 09:31:17, xe mô tô do Hưng điều khiển đổ xuống đường cách điểm va chạm khoảng 04 mét, còn bà Quỳnh bị đẩy ra xa điểm va chạm khoảng 03 mét, đập đầu xuống đường nằm bất động.
Như vậy, toàn bộ thời gian tính từ thời điểm bà Quỳnh bước xuống lòng đường đến thời điểm va chạm với xe của Hưng là khoảng 03 giây, còn nếu tính từ thời điểm bà Quỳnh bắt đầu chạy băng qua đường và xe mô tô do Hưng điều khiển xuất hiện trong camera (cách bà Quỳnh khoảng 12 mét) là 02 giây.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông có mặt. Hưng xin phép đưa bà Quỳnh đi bệnh viện cấp cứu.
Tại Biên bản việc xét nghiệm tìm chất ma túy trong nước tiểu vào lúc 19:30 ngày 10/09/2024 (Bút lục số 91), thể hiện Hưng âm tính với chất ma túy.
Đến chiều ngày 04/10/2024, Hưng có mặt tại Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 12, Phòng Cảnh sát giao thông, thành phố Hà Nội để trình diện và cho lời khai đầu tiên (Bút lục số 73).
Trong suốt quá trình bà Quỳnh điều trị tại bệnh viện Quân Y 103 (từ ngày 10/09/2023 đến ngày 28/09/2023, Hưng liên tục có mặt đóng tiền viện phí. Đến ngày 28/09/2023, tình trạng của bà Quỳnh ổn định và xuất viện. Tổng cộng toàn bộ tiền viện phí mà Hưng đã chi trả là 34.500.000 đồng (ba mươi tư triệu, năm trăm ngàn đồng).
Sau khi bà Quỳnh về nhà, Hưng và gia đình đã nhiều lần đến thăm đề xuất số tiền bồi thường thương tổn về sức khỏe và tinh thần cho bà Quỳnh là 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng), nhưng gia đình bà Quỳnh không đồng ý.
Ngày 05/07/2024, Hưng đã nộp số tiền là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) vào Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông để bồi thường một phần thiệt hại cho bà Quỳnh. Tiếp đến, ngày 04/11/2024, Hưng nộp tiếp số tiền là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) vào Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông để bồi thường một phần thiệt hại cho bà Quỳnh. Như vậy đến thời điểm hiện tại Hưng đã nộp số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) bồi thường thiệt hại.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Là người bào chữa cho bị cáo Hưng, trước hết tôi xin chia sẻ với tổn thất về vật chất và tinh thần mà bà Quỳnh và gia đình gánh chịu trong thời gian qua. Nhưng tôi khẳng định rằng: nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn giao thông nêu trên thuộc về bị hại.
Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: “1- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. 2- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. 3- Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”.
Hành vi đi bộ qua đường không đúng quy định tại quy định tại Điều 32 Luật giao thông đường bộ bị xử phạt theo Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: “1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn”.
Trong vụ việc này, bị hại không quan sát và hoàn toàn không phát hiện ra xe mô tô do Hưng điều khiển đi theo hướng Chương Mỹ đi Hà Đông nên đã chạy bộ băng qua đường. Hành vi này của bà Quỳnh đã bị Trưởng Công an quận Hà Đông xử phạt 80.000 đồng (tám mươi ngàn đồng) bằng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 230/QĐ-XPHC ngày 05/04/2024.
Tôi cho rằng, những nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm: “do đi nhanh, không đi về bên phải theo chiều đi của mình”, đặc biệt nhận định: “không nhường đường cho người đi bộ qua đường” là không phù hợp với những quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bởi xe mô tô thì đương nhiên là đi nhanh, nhưng Hưng không vi phạm quy định về tốc độ, tuân thủ quy định tại Điều 9 Luật giao thông đường bộ: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Đồng thời tôi lưu ý rằng, Hưng mặc dù cho rằng: “đường hai chiều, bị cáo đi đúng giữa phần đường của mình”, “do bà Quỳnh chạy sang đường nên bị cáo không kịp xử lý và xảy ra va chạm với bà Quỳnh” nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình đã gây ra tổn thất cho bị hại (bà Quỳnh) bị cáo nhận tội, xin lỗi bị hại và gia đình bị hại, khắc phục hậu quả và bồi thường một phần thiệt hại.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Tại Cáo trạng số 99/CT-VKS-HĐ ngày 24/04/2024 và Phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/07/2024, Viện kiểm sát đều nhận định: Hưng tích cực đưa người bị hại đi cấp cứu, khắc phục một phần thiệt hại, Hưng “phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực bồi thường khắc phục hậu quả - là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại Điểm b, s, Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự”.
Bản án hình sự sơ thẩm số 193/2024/HSST quyết định: “Áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 260, Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51”, tuy nhiên sau đó lại sửa chữa bản án thành “Áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 260, Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51”, nghĩa là không cho bị cáo hưởng Hưng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b Khoản 1Điều 51 Bộ luật hình sự.
Là người bào chữa cho bị cáo Hưng, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng về tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Câu hỏi: Vì sao đến thời điểm này, Hưng chỉ bồi số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hà Đông để bồi thường một phần thiệt hại cho bà Quỳnh mà không phải là số tiền lớn hơn [?]
Vào ngày 05/07/2023 Hưng đã nộp vào Chi cục Thi hành án dân quận Hà Đông số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) để bồi thường một phần thiệt hại cho bà Quỳnh (Bút lục 291). Tiếp đó vào ngày 04/11/2024, Hưng nộp tại Chi cục Thi hành án dân quận Hà Đông: 8.200.000 đồng (tám triệu hai trăm ngàn đồng) tiền án phí và 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) để bồi thường một phần thiệt hại cho bà Quỳnh. Nghĩa là, đến thời điểm hiện tại Hưng đã nộp số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) bồi thường thiệt hại.
Tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng đến hoàn cảnh của bị cáo Hưng. Số tiền 20.000.000 đồng để bồi thường thiệt hại là rất lớn đối với Hưng.
Như Hưng đã trình bày: dù không có việc làm, nhưng bị cáo đã cố gắng tìm cách xoay sở, vay lãi cao và tự nguyện, chủ động xin đưa số tiền 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng) bồi thường cho bà Quỳnh, tuy nhiên gia đình bà Quỳnh từ chối và yêu cầu số tiền cao hơn, nằm ngoài khả năng kinh tế của bị cáo.
Gia đình Hưng không có điều kiện kinh tế tốt. Bà nội (là Nguyễn Thị Vĩnh) của Hưng mất vào đầu năm 2023 do ung thư; Bà ngoại (là Đỗ Thị Mai) bị bệnh phải chữa trị dài ngày và mất đầu năm 2024, tiếp theo sau đó ông nội (là Trần Văn Hội) bị đột quỵ… Trong khi đó bố của Hưng là ông Trần Văn Phương làm nghề nông, mẹ của Hưng là bà Nguyễn Thị Toán là giáo viên mầm non. Số tiền viện phí và bồi thường thì gia đình Hưng đều phải đi vay lãi cao ở bên ngoài và cũng chi vay được số tiền này. Gia đình bà Quỳnh không nhận, thì Hưng đã phải trả lại bên cho vay lãi, vì tiền lãi rất cao tới 2.000 đồng/triệu/ngày. Nếu Hưng và gia đình Hưng phải trả lãi tới cả triệu đồng một ngày thì không thể trả được.
Hưng không có tài sản, chỉ được bố cho mượn 01 xe mô tô để làm công việc giao hàng (shipper). Sau vụ việc xảy ra, Hưng bị tạm giữ xe và giấy phép lái xe, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nên không còn việc làm.
Như vậy, Hưng rất muốn khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm với bà Quỳnh, nhưng số tiền mà gia đình bà Quỳnh yêu cầu là quá lớn và vượt quá khả năng của Hưng.
Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “c) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra”.
Do đó, Hưng đủ điều kiện "tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest
Gia đình bị cáo có công với cách mạng: bà nội tham gia dân quân tự vệ, đã có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu kháng chiến chống Mỹ, nhận được Kỷ niệm chương của Hội cựu dân quân chống mỹ cứu nước huyện Chương Mỹ; ông nội là trung đội trưởng dân quân xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 1981 và được khen thưởng.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ đã trao tặng Giấy khen cho Trần Văn Hưng - công dân thôn Lương Sơn, xã Đông Sơn, “có thành tích trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024”.
Chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng tình tiết này: ông bà nội, ông bà ngoại của bị cáo bệnh nặng, ốm dài ngày (như trình bày ở trên). Nghĩa là, gia đình bị cáo Hưng rất khó khăn về kinh tế, nhưng khi nhặt được số tiền lớn 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng), Hưng vẫn chủ động trả lại cho người bị mất.
Điểm i Khoản 1 Điều 4 Bộ luật hình sự quy định: “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”. Vụ việc xảy ra vào khoảng 09 giờ 30 phút ngày 10/9/2023. Ngay sau đó, bị cáo Hưng sau khi đưa bà Quỳnh đi bệnh viện đã ngay lập tức hợp tác với Đội cảnh sát giao thông số 12 (Kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra chất ma túy (Bút lục số 89, 91), thật thà khai báo chính xác về hành vi và nhận tội. Do đó, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử coi xét tình tiết đầu thú của bị cáo Hưng là tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật hình sự) là tội nghiêm trọng và ngưỡng “gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%” để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự. Nhưng đến nay, sức khỏe bà Quỳnh đã hồi phục. Nghĩa là, hậu quả của vụ tai nạn đã được khắc phục.
Bị cáo không có tiền án, tiền sự, chưa từng phạm tội. Mục 4 Phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 07/04/2017 đã giải đáp phạm tội lần đầu là “từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào”.
Tuy bị cáo không đủ điều kiện hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điểm I Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự (Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng), nhưng kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét coi tình tiết phạm tội lần đầu và hậu quả đã được khắc phục là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Về tình tiết: Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải, do không có kháng cáo kháng nghị, tôi không trình bày thêm.
Bản án sơ thẩm số 193/2024/HSST tuyên bị cáo Trần Văn Hưng phải chịu trách nhiệm dân sự: bồi thường cho bà Quỳnh số tiền 160.000.000 đồng (một trăm sáu mươi triệu đồng).
Thứ nhất, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ: “Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”, tôi cho rằng, bị hại cần phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với lỗi (cố ý) của mình.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tại Khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, chủ sở hữu xe mô tô - nguồn nguy hiểm cao độ - là ông Trần Văn Phương (bố đẻ của Hưng) và người trực tiếp điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ (Hưng) hoàn toàn có thể cùng nhau bồi thường thiệt hại. Thực tế, ông Phương và Hưng đã thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại cho bà Quỳnh, được ghi nhận bằng văn bản và có chữ ký của các bên. Đây là thỏa thuận hợp cả lý và tình.
Vậy, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lỗi của bị hại, tình hình kinh tế hiện tại của bị cáo Hưng đang phải chịu biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”, không có việc làm, không có nguồn thu nhập, xem xét cho bị cáo chịu khoản tiền bồi thường thấp hơn số 160.000.000 đồng tại Bản án sơ thẩm.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
Thưa Hội đồng xét xử, vụ tai nạn giao thông là tình huống đáng tiếc, để lại hậu quả nặng nề cho cả hai bên - bị hại và bị cáo. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan nguyên nhân của vụ tai nạn lỗi chính thuộc về bà Quỳnh - đã vi phạm quy tắc giao thông đường bộ là: “phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”.
Việc ông Phương và Hưng có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại cho bà Quỳnh là hợp tình, hợp lý và làm giảm trách nhiệm cho Hưng. Mặt khác, bị hại cần phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với lỗi (cố ý) của mình.
Cuối cùng, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo: thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; đầu thú; có thành tích trong sản xuất, công tác để có lượng hình, cho bị cáo cơ hội cải tạo hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt, có nhiều đóng góp hơn cho xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của Hội đồng xét xử và các quý Vị.
Xem thêm: Luận cứ bào chữa xét lại bản án sơ thẩm vi phạm an toàn giao thông đường bộ
Luận cứ bào chữa dựa trên vụ án hình sự có thật, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã tham gia bào chữa, bảo vệ cho bị cáo tại cấp phúc thẩm, tên nhân vật đã thay đổi.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm