Mục đích của hình phạt trong luật hình sự

08/11/2024
Lý Thông
Lý Thông
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục học ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm

1- Mục đích phòng ngừa riêng

Mục đích phòng ngừa riêng được thể hiện trước hết ở chỗ, hình phạt áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Nội dung cơ bản của mục này chính là sự tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt, "hình phạt trước hết thể hiện sự lên án, sự phạt của Nhà nước, của xã hội đối với người phạm tội. Nhưng đó không phải là sự lên án, sự phạt đơn thuần mà là biện pháp đặc biệt để răn đe (răn đe bằng tác động cưỡng chế nhà nước) để giáo dục, cái tạo (giáo dục, cải tạo bằng tác động cưỡng chế nhà nước) người bị kết án, ngăn ngừa họ phạm tội lại. Hình phạt cũng còn là biện pháp đặc biệt để hạn chế (có thể đến loại trừ) điều kiện phạm tội lại của người bị kết án".

Mức độ của việc tước bỏ và hạn chế những quyền và lợi ích hợp pháp của họ phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiêm cho xã hội của hành vi phạm tội, vào nhân thân người phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015).

Bên cạnh đó, việc quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015). Về nguyên tắc, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Do đó, tội phạm càng nguy hiểm thì hình phạt áp dụng đối với họ càng nghiêm khắc. Tuy nhiên, theo luật hình sự Việt Nam, trừng trị không được coi là mục đích chủ yếu của hình phạt. Mục đích chủ yếu trong phòng ngừa riêng của hình phạt chính là giáo dục họ " ... ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới" (Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015).

Trong mục đích phòng ngừa riêng, trừng trị và giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mới là hai mục đích song song tồn tại và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ có thể đạt được mục đích cuối cùng và chủ yếu là giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nếu hình phạt áp dụng đối với họ tương xứng với hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Việc Nhà nước trừng trị người phạm tội một cách công minh là nội dung chủ yếu và quan trọng tạo cơ sở cho cải tạo, giáo dục người phạm tội; ngược lại, giáo dục người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội là phát huy tính tích cực của nội dung trừng trị. 

Như vậy, có thể nói rằng trong môi quan hệ giữa trừng trị và giáo dục của hình phạt thì "trừng trị là mục đích nhưng đồng thời cũng là phương tiện để đạt mục đích cuối cùng và chủ yếu của hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục, cải tạo họ".

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Mục đích phòng ngừa chung

Theo luật hình sự Việt Nam thì hình phạt còn có mục đích "giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm" (Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015).

Nội dung cơ bản của mục đích phòng ngừa chung thể hiện ở việc ngăn ngừa người hoặc pháp nhân thương mại khác phạm tội. Nhà nước quy định hình phạt trong bộ luật hình sự và đặc biệt khi áp dụng hình phạt đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội trong từng trường hợp cụ thể không chỉ tác động trực tiếp đến chính bản thân người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mà còn tác động đến tâm lý của các thành viên khác trong xã hội. 

Với sự răn đe này, hình phạt có mục đích ngăn ngừa, giáo dục những thành viên "không vững vàng" tuân theo pháp luật, "từ bỏ ý định phạm tội hoặc thận trọng hơn trong xử sự để tránh xử sự của mình trở thành xử sự phạm tội" 

Đối với các thành viên khác trong xã hội, hình phạt có mục đích giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật cho họ, động viên, khuyến khích đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống tội phạm.

Để đạt được mục đích phòng ngừa chung của hình phạt, vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: kinh tế, chính trị, tư tưởng, pháp lý, văn hóa, giáo dục... Trong đó, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân là biện pháp hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Mục đích phòng ngừa chung của hình phạt chỉ đạt kết quả tốt khi quần chúng nhân dân hiểu biết pháp luật, thấy được sự cần thiết của việc tuân thủ pháp luật cũng như ý nghĩa xã hội của hình phạt.

Mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung là hai mặt của thể thống nhất (hình phạt). Chỉ coi trọng mặt này hay mặt kia đều có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc pháp chế khi quyết định hình phạt và làm cho mục đích của hình phạt bị triệt tiêu. Nếu quá coi trọng mặt trừng trị sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nặng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án, làm mất đi những điều kiện thuận lợi để giáo dục họ.

Ngược lại, nếu quá coi trọng mặt giáo dục thì cũng có thể sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nhẹ không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, do đó hình phạt đã tuyên không tạo ra được sự tác động cần thiết để răn đe, ngăn ngừa và giáo dục bộ phận công dân hoặc pháp nhân thương mại "không vững vàng" phạm tội, đồng thời làm mất đi lòng tin của nhân dân đối với sự công bằng của pháp luật và uy tín của Nhà nước, không động viên được quần chúng tham gia tích cực phòng ngừa và chống tội phạm.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Mục đích của hình phạt trong luật hình sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Mục đích của hình phạt trong luật hình sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:  (024) 66 527 527, E-mail:  info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Mục đích của hình phạt trong luật hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.65419 sec| 956.414 kb