Nghĩ về Luật sư tử tế

"Bạn sẽ hối tiếc rất nhiều điều trong đời, nhưng bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã quá tốt hay quá công bằng". 

- Brian Tracy, diễn giả phát triển bản thân người Mỹ

 

Nghĩ về Luật sư tử tế

Luật sư Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, từng nói: "Nếu bạn cho rằng bạn không thể trở thành một Luật sư tử tế, hãy chọn làm Người tử tế, đừng làm Luật sư" (If you think that you can't become a kind lawyer, please choose to be a kind person, don't be a lawyer).

Triết lý trong câu nói này rất tuyệt vời: Luật sư thì phải trước hết phải là người tử tế, có tấm lòng nhân ái, đề cao giá trị đạo đức, tình yêu thương, lẽ công bằng... Thế nhưng, người tử tế mới là điều kiện cần để là một Luật sư tử tế.

Nghề Luật sư không phải để cung cấp dịch vụ pháp lý đơn thuần. Làm Luật sư cũng không chỉ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Hình mẫu Luật sư phù hợp phải là người có văn hóa, nhận thức chính trị ngang tầm với sự phát triển của xã hội. Nghề Luật sư dựa trên nền tảng lý luận và tinh thông kỹ năng nghề nghiệp pháp lý sâu sắc, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và phương pháp làm việc linh hoạt. Luật sư phải vừa giữ được giới hạn các chuẩn mực của pháp luật, trách nhiệm nghề nghiệp, vừa biết vận dụng sáng tạo tinh thần thượng tôn pháp luật vào việc xử lý các sự việc. 

Liên hệ

I- VỀ SỰ TỬ TẾ, SỐNG TỬ TẾ, NGƯỜI TỬ TẾ

Tìm hiểu nguồn gốc của từ Tử tế, thì thấy rằng, đây là từ Hán Việt. Tử tế viết theo tiếng Hán là: 仔細. Trong đó, "Tử"(仔) là gánh vác, kĩ lưỡng; "Tế" (細) có nghĩa là mịn, mỏng, mảnh mai. Như vậy, Tử tế là một từ Hán Việt, dịch thuần ra là: kỹ lưỡng, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

Trong tiếng Anh, kind (tính từ, danh từ), decent (tính từ), sweet (tính từ) là các bản dịch hàng đầu của "tử tế". Một số từ ít dùng hơn: nice (tính từ), charming (tính từ)... Một số cuốn sách nổi tiếng: The Power of Nice (Sức mạnh của sự tử tế) của Tác giả Linda Kaplan Thaler và Robin Koval, The value of kindness (Giá trị của sự tử tế) của Tác giả Piero Ferrucci.

Tử tế ngày nay được hiểu theo nhiều nghĩa. Tử tế có thể được hiểu là lối sống ngay thẳng, thật thà, biết sống vì mình, vì người khác. Tử tế trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động, luôn đứng đắn, có văn hóa, đạo đức và có tình yêu thương. 

Sự tử tế mang nhiều hàm ý sâu xa. Nó có chiều sâu như thế nào chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người. Nhưng tựu chung lại, sự tử tế luôn bắt nguồn từ chính “lòng tốt” (goodness). 

Người sống tử tế là người có tấm lòng nhân ái, luôn biết tôn trọng bản thân và người khác, có thái độ sống nhân hậu, hòa hợp với thế giới, đề cao giá trị đạo đức, sự lịch thiệp, nhã nhặn, tình yêu thương và lẽ công bằng. Đặc biệt, họ luôn biết yêu thương, quý trọng những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất để tạo nên lối sống đẹp.

Trong cuốn sách The value of kindness (Giá trị của sự tử tế), Tác giả Piero Ferrucci đề cập về các phẩm chất khác nhau của con người tử tế, bao gồm: Trung thực, thiện lương, ấm áp, tha thứ, sự tiếp xúc, lòng tin, thấu cảm, khiêm nhường, kiên nhẫn, hào phóng, linh hoạt, ký ức, lòng trung thành, lòng biết ơn, cảm giác được thuộc về, niềm vui và sống hết mình.

[1] Ý nghĩa của Sự tử tế: 

• Sự tử tế trước hết mang đến cho bản thân niềm vui, niềm hạnh phúc. 

• Sự tử tế, đôi khi nó là thước đo nhân cách của con người đối với các mối quan hệ xã hội.

• Lối sống tử tế giúp quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, con người biết đồng cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn. 

• Giúp xã hội phát triển lành mạnh, thế giới không còn bạo lực, chiến tranh thay vào đó là một xã hội đầy tình người khi sự tử tế luôn hiện hữu ở mỗi chúng ta.

• Sự tử tế giúp con người nhìn nhận lại, hành động của bản thân, kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động xấu và đối nhân xử thế một cách đàng hoàng. 

Ngày nay, tử tế luôn được nhân rộng khắp mọi nơi, con người luôn biết chia sẻ yêu thương lẫn nhau và cảm thông cho nhau nhiều hơn. Thiết thực nhất là các chuyến từ thiện ngày càng nhiều, tiếp cận, san sẻ được vô số hoàn cảnh khó khăn hơn trong cuộc sống.

Tử tế không xuất phát từ bản năng ở mỗi con người mà sự tử tế chịu tác động từ môi trường sống xung quanh chúng ta.

[2] Sống tử tế mỗi ngày:

• Đầu tiên, nên phát triển quan điểm sống tử tế của cá nhân bằng cách quan tâm đến người khác một cách chân thành. Luôn tử tế với chính bản thân mình, học hỏi sự tử tế từ người khác. Đối xử tốt với tất cả mọi người chứ không riêng những người cần giúp đỡ;

• Phát triển những phẩm chất tử tế, thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác. Lắng nghe, thân thiện với mọi người xung quanh. Sự tử tế còn đến từ những hành động thiết thực trong cuộc sống như: Cùng chia sẻ khó khăn với người khác, nở nụ cười hạnh phúc với người khác, quan tâm đến mọi người, tham gia các hoạt động thiện nguyện...; 

• Thực hiện hành động tử tế một cách tự giác chứ không cần nhắc nhở. Đơn giản như những hành động giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, nhường ghế xe bus cho người già và phụ nữ mang thai...; 

• Để sự tử tế mỗi ngày được nhân lên thì thái độ sống là một điều vô cùng quan trọng. Hãy luôn lễ phép với người lớn và nhẹ nhàng với trẻ em. Giữ thái độ ôn hòa với mọi người xung quanh.

Tử tế không đong đếm đo lường bởi bất cứ một quy chuẩn đạo đức, pháp luật nào, mà tử tế xuất phát từ chính trái tim và tình yêu thương của chúng ta. Tuy nhiên sự tử tế dần được hình thành nếu chúng ta rèn luyện và lan tỏa sự tử tế mỗi ngày. 

II- VỀ LUẬT SƯ TỬ TẾ

Bàn về nội hàm "Luật sư tử tế", chúng tôi thấy rằng, trước hết "tử tế" xoay quanh "lương thiện", "bác ái". Thế nhưng điều đó chưa đủ, nội hàm của tử tế còn rộng hơn nữa: trí tuệ, hiểu rõ và tuân theo đạo lý, chân thành và tín nhiệm; Và người tử tế mới là điều kiện cần để là một Luật sư tử tế. Chúng tôi đã từng đặt ra các tình huống với các Cử nhân luật và Luật sư trẻ để thảo luận:

[1] Bạn (luật sư) là một người chính trực, thế nhưng bạn bị hạn chế nguồn lực, đặc biệt tài chính.Mặc dù rất muốn giúp đỡ, bạn vẫn từ chối một số khách hàng mà khả năng tài chính không tốt. Bởi nếu tiếp nhận vụ việc, bạn không thể tương tác, hỗ trợ tốt cho cộng sự, không giữ được cam kết với đối tác, nhà cung cấp. Trường hợp này, bạn có cảm thấy áy náy không.

[2] Khi cung cấp dịch vụ, nhận thấy khách hàng đúng (ví dụ như họ có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng cơ quan nhà nước đưa ra những yêu cầu không phù hợp, sách nhiễu, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án...). Giả sử, bạn có thể bỏ qua hoặc thực hiện điều nào đó không đúng luật, để giúp khách hàng, thì bạn có phải là Luật sư tử tế không?

[3] Nhiều trường hợp, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bạn phải ra quyết định. Về luật có thể không sai, nhưng bạn cảm thấy có gì đó không phù hợp với lẽ công bằng và bạn vẫn lựa chọn vì đó là yêu cầu của khách hàng. Bạn có thấy mình tử tế hay không.

[4] Sẽ có những vụ việc, mà chuyên môn, kỹ năng của bạn không tốt, bạn khó có thể hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Có thể vì những thiếu sót của bạn khi cung cấp dịch vụ mà khách hàng thiệt hại (về tài sản, sinh mạng chính trị…). Trường hợp này, bạn có phải là Luật sư tử tế không.

[5] Bạn (luật sư) được khách hàng ủy quyền, hoặc khách hàng yêu cầu bạn cung cấp ý kiến để họ ra quyết định: đúng hay sai, làm hay không làm, hy sinh cái này (chắc chắn) đế đạt được cái khác (không chắc chắn). Nếu bạn không đủ không đủ quyết đoán, né tránh trách nhiệm, bạn có phải là Luật sư tử tế không?

Đối chiếu với Hình mẫu Quân tử và Nguyên tắc Chính danh trong Học thuyết Nho giáo:

Quân tử (Tiếng Trung: 君子), khái niệm xuất hiện trong Học thuyết Nho giáo (Trung Quốc) từ khoảng 2.500 năm trước (thời Xuân Thu), nguyên nghĩa là "Kẻ cai trị". Quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Quân tử là người có đầy đủ  năm (05) đức tính, được gọi là Ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Đến thời Nhà Tần, Quân tử dùng để chỉ Tầng lớp quý tộc. Tiếp sau này, Người làm quan được gọi là Quân tử (người dân thường hoặc quan lại với phẩm hàm nhỏ gọi là Tiểu nhân). Về sau, nghĩa của từ Quân tử được dùng rộng ra và theo những tiêu chuẩn đạo đức là chính. Quân tử khi đó được coi là Người có đức hạnh cao quý. Trong đó:

Nhân: Tình thương yêu, bác ái được cụ thể hóa bằng nguyên tắc: Cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. Cái gì người muốn thì tích tụ lại cho người. Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững; mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt. Vì bác ái, nên Quân tử mong muốn người khác cũng được hạnh phúc. Vì yêu thương, nên Quân tử khoan dung độ lượng thứ tha, không nhớ lỗi lầm của người khác, chỉ chú trọng giáo hóa họ nên người.

Lễ: Bao gồm việc lễ nghi, những quy định có tính chất pháp luật, phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân. Giữ Lễ trong việc giao tiếp thì dù giao du đã lâu cũng tránh được sỗ sàng. Giữ Lễ thì giữ được hòa khí, trong nhà chẳng ai ghét, trong xã hội chẳng ai oán. Trong Lễ, quý nhất là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt. Khắc Kỷ, Phục Lễ cũng gọi là Nhân. 

Nghĩa: Chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải. Không có ra một định nghĩa cụ thể về Nghĩa trong Nho giáo, mà tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng giảng giải về Nghĩa khác nhau. Có thể hiểu, Nghĩa bao gồm những cái cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với Nhân và Lễ. Khổng tử cho rằng: "Quân tử lấy nghĩa làm trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn" (Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng, nhi vô nghĩa, vi loạn); "Quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm" (Quân tử chi ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỷ). 

Trí: là tri thức để suy xét, hành động. Vì Trí nên biết khôn ngoan suy xét điều phải điều trái, biết minh triết bảo thân trong cảnh nguy nan, biết biện biệt, kẻ xấu người tốt trong vấn đề xử lý tiếp vật. Một  điểm quan trọng của Trí là phải nắm được Mệnh trời. Nho giáo cũng rất coi trọng Thuật dùng người. Kẻ làm quan tùy tài đức của mình mà thi thố giúp dân, giúp nước, mà không chờ hội đủ các tài đức. Quân tử là người có tài năng, có thể làm được những việc lớn. Không nên giao cho Quân tử những công việc nhỏ nhặt, mà nên giao những việc quan trọng. Đối với kẻ tiểu nhân, không giao những việc lớn, song họ có thể làm tốt việc nhỏ.

Tín: là niềm tin, giữ điều hẹn ước. Người có đức Tín thì lời nói sẽ phù hợp với hành vi, nói sao làm vậy. Khổng tử nói: "Người mà không giữ điều hẹn ước, không biết người ấy có thể ra sao. Xe lớn mà không có đòn gỗ ngang (nghê); xe nhỏ mà không có đòn gỗ cong (ngột), xe làm sao mà đi được?" (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai). 

Giữ chữ Tín quan trọng, nhưng đồng thời phải phát triển việc học cho thấu đáo. “Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội. Thích đức trí mà chẳng thích học, điều che lấp là phóng túng. Thích đức tín mà chẳng thích học, điều che lấp là tổn hại" (Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu. Hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng. Hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc). Giữ Tín thì phải học cho biết thấu đáo, để dè dặt trong lời hứa, không vướng vào lời hứa mà bị tổn hại đến mình.

Chín (09) tiêu chuẩn của Quân tử, đó là: Con mắt phải tinh anh để nhìn rõ vạn vật. Đôi tai phải tinh tường để nghe rõ vạn vật. Sắc mặt phải luôn ôn hòa. Tướng mạo phải luôn được giữ cho cẩn trọng, cung kính với người trên, thân ái, hòa đồng với người dưới. Lời nói phải luôn giữ bề trung thực. Hành động phải phải luôn cẩn trọng. Nghi hoặc, thấy điều chưa rõ phải luôn hỏi han để làm cho rõ. Kiềm chế khi nóng giận, phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra. Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa. 

Tám (08) bậc thang của Quân tử, bao gồm: Cách vật là luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái. Trí tri là luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được. Thành ý là luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình. Chính tâm là luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình. Tu thân là luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân. Tề gia là làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong. Trị quốc là lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước. Bình thiên hạ là khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. 

Trong tám (08) thứ bậc trên, năm (05) cấp đầu (cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân) là bất kỳ người nào, đều phải hiểu biết và tuân theo (Người tử tế). Còn ba (03) bậc sau (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), Quân tử trưởng thành sẽ theo từng cung bậc tăng dần (trở thành anh hùng, hào kiệt).

Chính danh (正名) là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong Học thuyết của Nho Giáo: Danh (có nghĩa là "tên gọi", cũng có nghĩa là “chức danh”, “danh phận”). Chính (thuộc về “chính trị”. Chính có tính đạo đức, có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị và quân sự). Danh và Thực phải phù hợp với nhau. Mỗi người cần phải nhận thức và hành động theo đúng cương vị, địa vị của mình (Vua phải theo đạo Vua, Tôi phải theo đạo Tôi, Cha phải theo đạo Cha, Con phải theo đạo Con, Chồng phải theo đạo Chồng, Vợ phải theo đạo Vợ...). Người mang Danh nào thì phải thực hiện quyền của Danh đó và phải thực hiện bằng được yêu cầu Danh đó đòi hỏi, nếu không thì phải chuyển sang Danh khác.

Luật sư tử tế, theo chúng tôi, có những đặc điểm rất gần nội hàm của ‘Quân tử’ (Người có đức hạnh cao quý) trong Học thuyết Nho giáo.

Liên hệ nguyên tắc Chính danh với Nghề Luật sư, khi mang Chức danh Luật sư, thì phải thực hiện quyền của chức danh Luật sư và phải thực hiện bằng được yêu cầu chức danh Luật sư đòi hỏi.

Nghiên cứu các Học thuyết quản trị nhân sự hiện đại, chúng tôi thấy có diễn giải khác nhau, có thay đổi nhất định, có quan điểm phản bác. Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi thấy về cơ bản các nội hàm của Quân tử, Chính danh trong Học thuyết Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, tại Công ty Luật TNHH Everest, chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn của đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp, luôn đề cao giá trị đạo đức, gọi là: Luật sư tử tế.

Lưu ý quy định của pháp luật về Sứ mệnh, Đạo đức của Luật sư:

- Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2019, quy định về Chức năng xã hội của Luật sư:

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh (Điều 3).

- Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam năm 2019:

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội (Lời nói đầu).

Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Quy tắc 1).

Sứ mệnh của Luật sư chính là những giá trị nghề nghiệp tốt đẹp mà là có thể mang đến cho xã hội và con người. Đó là mục đích sống và làm việc chân chính, là nghĩa vụ và trách nhiệm mà người hành nghề Luật sư phải hoàn thành tốt nhất, từ đó mang lại cho con người những giá trị tích cực của tinh thần thượng tôn pháp luật, công lý, công bằng.

Chức năng xã hội của Luật sư tuy chỉ giới hạn chừng mực ngắn gọn trong một điều luật (Điều 3) của Luật Luật sư, nhưng ẩn chứa trong đó những quan niệm và ý nghĩa sâu xa về thiên chức nghề nghiệp, sự cống hiến và đóng góp to lớn của đội ngũ Luật sư trong tiến trình phát triển của nền dân chủ, từng bước hướng dẫn tiếp cận với công lý và công bằng xã hội. Bản chất hoạt động Luật sư còn chứa đựng trong dó khía cạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hội nhập, hướng đến quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong dó nền tảng Luật sư hoàn thiện các chế định dân chủ với pháp luật đóng vai trò tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. 

Cần phải hiểu rõ là, Nghề Luật sư không phải để cung cấp dịch vụ pháp lý đơn thuần. Làm Luật sư cũng không chỉ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Hình mẫu Luật sư phù hợp phải là người có văn hóa và nhận thức chính trị ngang tầm với sự phát triển của xã hội, dựa trên một nền tảng lý luận và tinh thông kỹ năng nghề nghiệp pháp lý sâu sắc, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và phương pháp làm việc linh hoạt; vừa giữ được giới hạn các chuẩn mực của pháp luật và trách nhiệm nghề nghiệp, vừa biết vận dụng sáng tạo tinh thần thượng tôn pháp luật vào việc xử lý các sự kiện trong đời sống thực tiễn. 

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Nghĩ về Luật sư tử tế

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.38474 sec| 1149.867 kb