Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu biên bản hỏi cung, ghi lời khai trong vụ án hình sự

"Nơi không có quyền lực cộng đồng thì không có pháp luật, nơi không có pháp luật thì không có gì gọi là công bằng".

- Oliver Wendell Holmes, học giả Mỹ

Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu biên bản hỏi cung, ghi lời khai trong vụ án hình sự

Số lượng biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai chiếm một số lượng lớn trong hồ sơ vụ án hình sự. 

Biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai có thể trở thành những nguồn chứng cứ quan trọng nếu quá trình hỏi cung, lấy lời khai thực hiện đúng quy định pháp luật.

Nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can và biên bản ghi lời khai là nhiệm vụ quan trọng của luật sư hình sự, tránh bỏ sót tình tiết vụ án, làm rõ được sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Liên hệ

I- KHÁI QUÁT VỀ NGHIÊN CỨU BIÊN BẢN HỎI CUNG BỊ CAN, BIÊN BẢN GHI LỜI KHAI

Trong hồ sơ vụ án hình sự, cùng với các nhóm tài liệu khác, biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai chiếm một số lượng lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi tiến hành các hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo màu thống nhất. Biên bản phải ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

Biên bản phải có chữ ký của những người có thẩm quyền theo quy định pháp luật, những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ. Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến, trong trường hợp này, biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến. Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác, sau đó, người chứng kiến ký vào biên bản.

Để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trong quá trình giải quyết vụ án, cùng với các hoạt động tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện việc hỏi cung bị can, lấy lời khai của bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... Khi thực hiện hoạt động hỏi cung, lấy lời khai, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo đúng quy định pháp luật. Biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai được đánh số bút lục và lưu trong hồ sơ vụ án.

Xem thêm: Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ HÌNH SỰ NGHIÊN CỨU BIÊN BẢN HỎI CUNG BỊ CAN

Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành trong giai đoạn điều tra, ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Trong quá trình điều tra, Điều tra viên có thể tiến hành hỏi cung bị can nhiều lần, phụ thuộc vào những vấn đề cần làm rõ cũng như tính chất phức tạp của vụ án. Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên hỏi cung bị can, thường gọi là phúc cung, trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

Mỗi lần hỏi cung bị can, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều phải lập biên bản. Biên bản hỏi cung bị can phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. Sau khi hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản.

Trường hợp bổ sung, sửa chữa thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và bị can cùng ký xác nhận. Trường hợp biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch, người bào chữa, người đại diện tham gia thì những người này phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung bị can. Trong quá trình tham gia hỏi cung bị can, nếu người bào chữa được hỏi thì biên bản hỏi cung bị can cũng phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của bị can.

Bị can là người trực tiếp liên quan đến việc thực hiện hành vi đang bị cáo buộc là phạm tội. Do đó, có thể xác định lời khai của bị can là một trong những chứng cứ trực tiếp, quan trọng trong hồ sơ vụ án để xác định sự thật khách quan của vụ án. Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, luật sư cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng, theo một trình tự nhất định. Trong vụ án hình sự, kể từ khi khởi tố bị can đến khi kết thúc điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể tiến hành hỏi cung bị can nhiều lần, trong hồ sơ sẽ có nhiều biên bản hỏi cung kế tiếp nhau. Việc nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can nên được nghiên cứu theo trình tự thời gian lấy lời khai.

Trong trường hợp Điều tra viên hỏi cung bị can, Biên bản hỏi cung bị can sử dụng mẫu số 177 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA. Về Mặt bố cục, phần đầu biên bản ghi thông tin về thời gian, địa điểm hỏi cung; người tiến hành, người tham gia hỏi cung; thông tin về bị can; trách nhiệm của Điều tra viên giải thích về quyền và nghĩa vụ cho bị can theo Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự.

Phần nội dung biên bản hỏi cung bị can được ghi nhận theo hình thức hỏi và đáp, ghi nhận nội dung Điều tra viên hỏi và nội dung bị can trả lời. Phần cuối biên bản hỏi cung ghi thời gian kết thúc và chữ ký của những người tham dự buổi hỏi cung. Trong trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can, Biên bản hỏi cung bị can sử dụng Mẫu số 126/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC.Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, trước tiên, luật sư nên kiểm tra việc tuân thủ Bộ luật tố tụng hình sự của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi hỏi cung bị can để đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ, cụ thể:

Quy định hỏi cung lần đầu: Khoản 2 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ  theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản” Bị can có quyền được biết quyền và nghĩa vụ của mình trước khi tham gia vào việc hỏi cung, việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can là nghĩa vụ bắt buộc của Điều tra viên và phải được ghi vào biên bản hỏi cung lần đầu. Trong mẫu biên bản hỏi cung bị can do Bộ Công an ban hành, ngay tại phần đầu, trang 1 có ghi: "Bị can... đã được giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự và ký tên xác nhận dưới đây”.

Về thời gian tiến hành hỏi cung: Khoản 3 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản”. Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung, căn cứ vào thời gian bắt đầu và kết thúc, luật sư có thể xác định thời gian tiến hành hỏi cung có đúng quy định pháp luật không

Khi nghiên cứu về những người tham gia buổi hỏi cung, luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ cần lưu ý:

- Quyền bào chữa của bị can: Trong các quyền của bị can, quyền được tự bào chữa và nhờ người bào chữa có vai trò quan trọng và được pháp luật ghi nhận. Đối với bị can đã có người bào chữa, khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên có nghĩa vụ phải thông báo cho người bào chữa thời gian và địa điểm hỏi cung để người bào chữa tham gia. Khoản 1 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can... Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung...”. Đây là quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều tra viên chỉ có nghĩa vụ thông báo để luật sư tham gia hỏi cung trong các vụ án bắt buộc phải có luật sư. Với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có thể hiểu trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên có nghĩa vụ phải thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung cho người bào chữa, nếu Điều tra viên không thông báo là vi phạm thủ tục tố tụng, có thể ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của biên bản hỏi cung.

 - Quy định bắt buộc phải có người bào chữa: Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa, cụ thể là trong trường hợp bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư cần lưu ý xem bị can, bị cáo có thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tham gia vụ án hay không. Nếu thuộc trường hợp này, trong trường hợp bị can, bị cáo hoặc gia đình họ không mời thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chỉ định người bào chữa cho họ, trừ khi bị can, bị cáo từ chối người bào chữa.

- Bị can dưới 18 tuổi: Trong trường hợp bị can là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người không biết chữ..., tùy từng trường hợp, pháp luật quy định việc hỏi cung phải có mặt của người đại diện theo pháp luật, người làm chung, người phiên dịch... Nếu vắng mặt những người theo quy định mà không có lý do chính đáng, có thể ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của biên bản hỏi cung.

- Làm sai lệch hồ sơ vụ án:Bộ luật tố tụng hình sự quy định nghiêm cấm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự ý thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và bị can cùng ký xác nhận. Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, luật sư cần kiểm tra kỹ xem biên bản có bị sửa chữa, tẩy xóa không, nếu có thì những nội dung bị sửa chữa, tẩy xóa có chữ ký xác nhận của bị can, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không.

- Chữ ký của người tham gia tố tụng: Biên bản phải có chữ ký của người tham gia tố tụng và những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong giai đoạn điều tra, biên bản hỏi cung bị can phải có chữ ký của bị can, Điều tra viên. Nếu cán bộ điều tra cùng tham gia hỏi cung thì cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản. Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành hỏi cung thì trong biên bản hỏi cung cũng phải có chữ ký của họ. Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, luật sư cần xác định thành phần tham gia hỏi cung, chữ ký của những người liên quan để xác định biên bản đã được lập đúng quy định chưa.

Sau khi đã nghiên cứu về mặt tố tụng, luật sư sẽ tiến hành nghiên cứu về nội dung biên bản hỏi cung bị can. Khi nghiên cứu nội dung biên bản, luật sư cần lưu ý:

- Nhận tội của bị can: Xác định bị can có thừa nhận những hành vi bị cáo buộc trong cáo trạng hay không.

(i) Trong trường hợp bị can nhận tội, thừa nhận những hành vi bị cáo buộc thì tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích, ý thức của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội và sự ăn năn, hối cải của bị can như thế nào. Luật sư cần xác định lời khai nhận tội của bị can có phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án hay không. Pháp luật quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Trong thực tiễn, có những vụ án, bị can nhận tội vì thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí bị bức cung, nhục hình, nhận tội thay cho người khác...

(ii) Trong trường hợp bị can không nhận tội, khi nghiên cứu biên bản hỏi cung, luật sư cần nắm được các lý lẽ, quan điểm, chứng cứ mà bị can đưa ra đề chứng minh bị can không phạm tội.

- Quan điểm của bị can: Trong một số vụ án, bị can bị truy tố về nhiều hành vi, nhiều tội danh khác nhau, khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư cần lưu ý xem quan điểm của bị can đối với từng hành vi, từng tội danh. Đối với hành vi, tội danh nào bị can thừa nhận, hành vi, tội danh nào bị can không thừa nhận, căn cứ bị can đưa ra để tự bào chữa cho mình.

- Tính thống nhất trong các biên bản hỏi cung: Tùy theo tính chất phức tạp của vụ án, trong giai đoạn điều tra, mỗi bị can có thể có ít nhất là một hoặc nhiều biên bản hỏi cung kế tiếp nhau. Luật sư cần xác định lời khai của bị can trước sau có thống nhất không, nếu không thống nhất thì lý do vì sao. Trong trường hợp lời khai trước sau không thống nhất, luật sư cần đối chiếu lời khai của bị can với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án để tìm ra bản chất, sự thật khách quan của sự việc.

- Mâu thuẫn lời khai giữa các bị can: Trong vụ án có nhiều đồng phạm, luật sư nghiên cứu lời khai của các bị can đồng phạm xem có mâu thuẫn với nhau không, có tình trạng né tránh trách nhiệm, đổ tội cho nhau không. Nếu có mâu thuẫn, đổ tội cho nhau thì cần tìm hiểu tại sao, đã được làm rõ, đối chất với nhau chưa.

- Sự tự nguyện của các bị can: Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, nếu là người bào chữa, luật sư cần kết hợp tiếp xúc, trao đổi với bị can để xác định lời khai trong biên bản hỏi cung có phản ánh đúng ý chí tự nguyện của bị can không, có việc ép cung, mớm cung, dùng nhục hình dẫn đến bị can phải khai báo không đúng sự thật không.

Liên quan đến lời khai của bị can, trong hồ sơ vụ án, ngoài biên bản hỏi cung bị can, còn có những loại tài liệu khác có nội dung ghi lại lời khai của họ, cụ thể như:

- Biên bản ghi lời khai: Trước thời điểm khởi tố bị can, Điều tra viên sử dụng mẫu biên bản ghi lời khai để ghi lời khai của người liên quan. Sau quá trình xác minh, nếu đủ căn cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định khởi tố bị can. Kể từ thời điểm khởi tố bị can, người liên quan trở thành bị can, Điều tra viên sẽ sử dụng mẫu biên bản hỏi cung bị can để ghi lời khai.

- Biên bản hỏi cung bị can: Khi đã trở thành bị can, cùng với việc hỏi cung, ghi biên bản hỏi cung bị can, Điều tra viên còn cho bị can viết bản tường trình, bản kiểm điểm, bản tự khai... Khác với biên bản hỏi cung bị can được người lấy lời khai ghi bằng hình thức hỏi, đáp giữa người lấy lời khai và bị can, bản tự khai, bản tường trình, bản kiểm điểm... do bị can tự tay viết, ký và được Điều tra viên ký xác nhận.

Vì lý do trên, trong hồ sơ vụ án, cùng với biên bản hỏi cung bị can, có thể thấy có nhiều tài liệu khác cũng ghi lời khai của bị can. Khi nghiên cứu các tài liệu này, luật sư cần so sánh, đối chiếu với nhau để xem chúng có thống nhất về nội dung không. Nếu có điểm mâu thuẫn, cần ghi lại, trao đổi với bị can, đối chiếu với các chứng cứ tại tài liệu khác trong hồ sơ vụ án để tìm ra sự thật khách quan.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

IIII- LUẬT SƯ HÌNH SỰ NGHIÊN CỨU BIÊN BẢN GHI LỜI KHAI

Để xác định sự thật khách quan của vụ án, trong quá trình điều tra, truy tố, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể tiến hành lấy lời khai của nhiều đối tượng có liên quan đến vụ án như người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự... Khi lấy lời khai của các đối tượng này, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định pháp luật, đánh số bút lục và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp Điều tra viên lấy lời khai, biên bản ghi lời khai sử dụng Mẫu số 178 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA. Bố cục biên bản gồm ba phần: Phần đầu ghi thông tin về thời gian, địa điểm lấy lời khai; thông tin về cán bộ lấy lời khai; thông tin về đối tượng lấy lời khai và tư cách tố tụng của họ; trách nhiệm giải thích quyền, nghĩa vụ của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Phần thứ hai là hỏi và đáp, ghi lại câu hỏi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và câu trả lời của đối tượng được hỏi. Phần cuối biên bản ghi nhận thời gian kết thúc buổi làm việc, chữ ký của những người tham gia. Trong trường hợp Kiểm sát viên lấy lời khai, biên bản ghi lời khai sử dụng Mẫu số 125/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC.

1- Luật sư hình sự nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Khi tham gia lấy lời khai, người làm chứng trình bày những gì họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đặt ra. Pháp luật quy định không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Việc ghi lời khai của người làm chứng chủ yếu do Điều tra viên tiến hành, trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cấn làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của CQĐT hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai của người làm chứng.

Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng, luật sư cần lưu ý:

- Kiểm tra biên bản ghi lời khai của người làm chứng để đảm bảo việc lấy lời khai được thực hiện đúng quy định về mặt tố tụng:

Về địa điểm lấy lời khai: người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo việc lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.

Xác định tính độc lập, khách quan của biên bản ghi lời khai: Trong trường hợp vụ án có nhiều người làm chứng thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai. Trước khi lấy lời khai, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng phải được ghi vào biên bản.

Lời khai của người làm chứng dứng 18 tuổi: Đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi, khi lấy lời khai phải có người người đại diện của họ tham dự. Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong một ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Người không được làm chứng: Pháp luật quy định những người sau đây không được làm chứng: Người bào chữa của người bị buộc tội; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Kiểm tra biên bản ghi lời khai có bị tẩy, xóa, thêm, bớt hay không. Trong trường hợp biên bản có nội dung bị tẩy, xóa, thêm, bớt thì có chữ ký xác nhận của người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hay không.

- Trước khi hỏi về nội dung vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải hỏi để xác định mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Qua nghiên cứu những nội dung này, luật sư có thể xác định, đánh giá tính khách quan, trung thực trong lời khai của người làm chứng. Trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, đã có trường hợp người làm chứng, vì trước đó có mâu thuẫn với bị can nên khi được mời ra làm chứng, đã cố tình khai báo không đúng sự thật, theo hướng bất lợi cho bị can, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

- Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng, luật sư cần xác định xem người làm chứng thuộc loại trực tiếp hay gián tiếp. Người làm chứng trực tiếp là người trực tiếp nghe thấy, nhìn thấy sự việc xảy ra. Người làm chứng gián tiếp là người được nghe kể lại sự việc qua người khác. Về nguyên tắc ghi lời khai của người làm chứng trực tiếp, nếu đảm bảo tính khách quan, trung thực thì sẽ có độ tin cậy cao hơn lời khai của người làm chứng gián tiếp.

- Sự việc người làm chứng khai trong biên bản rõ ràng do họ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy và thuật lại trung thực sự việc, hay có chứa yếu tố phỏng đoán, suy diễn. Về nguyên tắc, người làm chứng cần khai báo trung thực, khách quan những gì họ nhìn thấy, nghe thấy. Tuy nhiên, có những trường hợp, người làm chứng, từ những gì nhìn thấy, nghe thấy, họ lại tự ý suy diễn, phỏng đoán theo tư duy của họ.

- Trạng thái tinh thần, tuổi của người làm chứng cũng cần được luật sư lưu ý khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng.

- Người làm chứng có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án không. Nếu xác định người làm chứng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, luật sư cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện lời khai bởi lời khai của người làm chứng trong trường hợp này có thể thiếu tính khách quan.

- Cương vị, điều kiện công tác, nơi ở của người làm chứng, điều kiện chủ quan và khách quan có cho phép họ biết rõ sự việc như họ đã khai báo không. Như đã đề cập, pháp luật quy định không được dùng làm chứng những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

- Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng, luật sư cần phải kiểm tra, đánh giá xem những nội dung người làm chứng khai báo có phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án hay không, bởi vì lời khai của người làm chứng là một nguồn chứng cứ có tính chủ quan, sự chính xác, khách quan, trung thực có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như:

- Người làm chứng tuy khai báo khách quan nhưng vì trí nhớ hoặc khả năng thị giác không tốt nên thuật lại có thể không hoàn toàn đúng với diễn biến sự việc;

- Sự việc xảy ra đã quá lâu nên không nhớ chi tiết, thuật lại có thiếu sót;

- Do ngại phiền phức, rắc rối, thù oán nên không khai hết sự việc mà mình đã biết;

- Vì cảm tình hoặc có mâu thuẫn với một bên trong vụ án mà khai thêm, bớt, thiếu chính xác. Có người làm chứng vì không nhớ kỹ mà khai thêm, bớt, suy diễn theo chủ quan của mình;

- Vì bị đe dọa hoặc mua chuộc mà khai báo sai sự thật;

- Đã khai không đúng sự thật, nhưng sau vẫn giữ nguyên lời khai vì sợ khai khác thì bị đánh giá là người không trung thực.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Luật sư hình sự nghiên cứu biên bản ghi lời khai bị hại

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Trong quá trình giải quyết vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền triệu tập, lấy lời khai của bị hại. Khi thực hiện việc lấy lời khai của bị hại, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản theo quy định pháp luật, sử dụng mẫu Biên bản ghi lời khai do Bộ Công an ban hành tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA. Bị hại trình bày những tình tiết về nguồn tin về tội phạm, vụ án, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội và trả lời những câu hỏi do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đặt ra.

Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của bị hại, luật sư cần lưu ý:

- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về tố tụng để xác định giá trị pháp lý của biên bản ghi lời khai. Về nguyên tắc, biên bản ghi lời khai của bị hại phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về hình thức, nội dung của biên bản.

- Khi trình bày nội dung sự việc, bị hại phải chứng minh được vì sao họ biết được sự việc đó. Pháp luật quy định không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

- Là đối tượng trực tiếp chịu thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sàn uy tín do hành vi phạm tội gây ra, bị hại thường là người nắm rõ hành vi phạm tội được thực hiện thể nào, diễn biến sự việc. Do đó, khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của bị hại, luật sư có thể hiểu rõ được diễn biến của tội phạm, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, các hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã thực hiện như thế nào.

- Vì là người chịu thiệt hại do hành vi phạm tội của người phạm tội, bị hại thường quan tâm và có quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trách nhiệm của người phạm tội cả về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai bị hại, luật sư cần xác định thái độ, tâm tư, nguyện vọng của bị hại đối với người bị buộc tội trong vụ án. Về trách nhiệm hình sự, thái độ của bị hại đối với người bị buộc tội thế nào, yêu cầu giải quyết nghiêm minh hay tha thứ, xin khoan hồng.

Trong thực tiễn giải quyết án hình sự, có vụ án, vì nhiều lý do, khi khai báo cũng như ngay tại phiên tòa, bị hại đứng ra xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, xác định mức thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của bị hại đối với việc bồi thường, khắc phục hậu quả, yêu cầu của bị hại về bồi thường, khắc phục hậu quả có căn cứ pháp lý không, việc bồi thường, khắc phục hậu quả đã được thực hiện như thế nào.

- Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của bị hại, luật sư cần chú ý so sánh, đối chiếu giữa các lời khai của bị hại tại các thời điểm khác nhau trong quá trình tố tụng xem có tính thống nhất hay không, nếu có mâu thuẫn thì cần xác định nguyên nhân mâu thuẫn.

Việc nghiên cứu lời khai của bị hại cũng cần được so sánh, đối chiếu với lời khai của bị can, bị cáo, người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án để xác định tính thống nhất, khách quan. Trong thực tiễn, có trường hợp, vì bức xúc với hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đối với mình, cách hành xử của bị can, bị cáo, gia đình họ sau khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc không được bồi thường thỏa đáng theo yêu cầu... bị hại có thể có những lời khai bất lợi cho người phạm tội, thậm chí vượt quá sự thật theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Do đó, trong trường hợp nội dung khai báo của bị hại mâu thuẫn với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, luật sư cần nghiên cứu kỹ, xác định nguyên nhân để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

3- Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của đương sự trong vụ án

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, tùy theo tính chất vụ án, cùng với việc hỏi cung bị can, bị cáo, lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn có thể triệu tập để lấy lời khai của các đương sự khác như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Khi tiến hành lấy lời khai của đương sự như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng mẫu biên bản ghi lời khai do Bộ Công an ban hành. Biên bản ghi lời khai của đương sự được đánh số bút lục và lưu trong hồ sơ vụ án.

Về nội dung lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, pháp luật quy định: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Về nội dung lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, pháp luật quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, luật sư cần lưu ý:

- Xác định việc lấy lời khai có thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay không;

- Xác định nội dung sự việc liên quan đến họ, quyền lợi, trách nhiệm của họ trong vụ án, các căn cứ để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của họ. Ví dụ: Nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại;

- Xác định những căn cứ họ đưa ra để yêu cầu bồi thường hoặc bồi thường có cơ sở pháp lý không.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: nghiên cứu biên bản hỏi cung, ghi lời khai trong vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.56173 sec| 1209.398 kb