Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội

10/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội là tổ hợp những phẩm chất tâm lý tiêu cực của cá nhân nảy sinh do hậu quả của những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa con người. Những phẩm chất tâm lý tiêu cực này trong những điều kiện nhất định sẽ dẫn cá nhân đến chỗ thực hiện hành vi phạm tội.

1- Khái quát về nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội

Tìm hiểu những nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động tư pháp. Đối tượng tác động của những cán bộ công tác trong các cơ quan tư pháp chủ yểu là những người đã thực hiện hành vi phạm tội. Nếu các cán bộ tư pháp không nắm vững được bản chất của người phạm tội, không nắm được những đặc điểm tâm lý của quá trình thực hiện tội phạm, thì họ không thể hoàn thành tốt các chức năng chuyên môn của mình. Để đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả, ngoài việc nghiên cứu các quy luật tâm lý chung của quá trình thực hiện tội phạm, chúng ta cần nghiên cứu những nguyên nhân tâm lý xã hội nào dẫn con người đến thực hiện hành vi phạm tội.

Trong thực tế, hành vi phạm tội, luôn được nghiên cứu trong mối quan hệ phối họp "môi trường - người phạm tội". Nhưng khi đó, yếu tố nào trong số hai yếu tố trên sẽ đóng vai trò hàng đầu và quyết định nhất đối với nguồn gốc phát sinh tội phạm? Vấn đề này được giải quyết khác nhau:

- Vào thế kỷ thứ XIX đã diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt giữa hai quan điểm đối lập nhau: quan điểm thứ nhất được thể hiện khá đầy đủ trong các công trình của Lômbôrôđơ. Lômbôrôđơ cho rằng nguyên nhân hàng đầu của tội phạm chính là ở trong con người và coi những dị dạng về sinh lý giải phẫu bẩm sinh và những đặc tính tâm lý của người phạm tội là nguyên nhân có tính chất quyết định. Lômbôrôđơ viết: Đối với những trẻ em đã có "vết nhơ di truyền" thì "việc giáo dục sẽ là vô ích". Quan điểm thứ hai đối lập với quan điểm thứ nhất do Lakasan đề xướng.

- Hai nhà nghiên cứu Sen-đôn và Elêôragơluo đã nghiên cứu 67 yếu tố tâm lý sinh học và 42 yếu tố văn hóa xã hội đối với 500 người phạm tội và 500 người không phạm tội. Họ đi đến kết luận rằng, các dấu hiệu văn hóa xã hội rất ảnh hưởng tới những người thuộc dạng trung bình, có nội tâm và ngoại hình khác nhau.

- Các công trình nghiên cứu ở Anh, Mỹ, úc và ở một số nước tư bản khác đã cho thấy rằng, tỷ lệ biến dị nhiễm sắc thể giữa những người phạm tội được nghiên cứu cao hơn so với nhóm người được khảo sát.

Khoa học tâm lý và pháp lý Nga đã phê phán nghiêm khắc ý định sinh học hóa hành vi phạm tội và các nguyên nhân của hành vi phạm tội. Thực chất vấn đề là ở chỗ, nói chung không thể tách các đặc điểm riêng về sinh học ở con người ra một dạng thuần túy nào đó và cũng không thể đặt ra vấn đề về mặt "xã hội" tách rời mặt "sinh học" được. Tất cả mọi đặc tính, không loại trừ đặc tính nào đều chịu ảnh hưởng của quá trình xã hội hóa cá nhân.

Viện sĩ N.P.Đubinin đã nhận xét: "Đối với con người ngày nay, chương trình xã hội đó không phải là sự tác động bên ngoài của hoàn cảnh, mà là các điều kiện bên trong hình thành nên nhân cách của con người. Con người khi sinh ra không hề có sẵn một chương trình xã hội đã được chuẩn bị, mà chương trình này được hình thành ở con người bởi thực tiễn xã hội, trong quá trình phát triển cá thể của họ các đặc tính tâm lý của con người được hình thành nhờ hoạt động thực tiễn, xã hội của con người".

Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên bang Nga A.N.Lêônchev đã nhận xét rằng: Nhân cách không phải là một chỉnh thể tạo ra do di truyền, nhân cách không phải bẩm sinh, mà nó được hình thành dần dần. Nhân cách đó là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử xã hội và quá trình phát triển gen di truyền của con người.

Khi nghiên cứu tội phạm học, việc phân tích nhân cách trong mối tác động qua lại với môi trường xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì hành vi phạm tội phát sinh không phải từ chính môi trường hoặc do chính cá nhân, mà nó phát sinh do mối tác động qua lại giữa môi trường và cá nhân.

Tóm lại, nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội là tổ hợp những phẩm chất tâm lý tiêu cực của cá nhân nảy sinh do hậu quả của những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa con người. Những phẩm chất tâm lý tiêu cực này trong những điều kiện nhất định sẽ dẫn cá nhân đến chỗ thực hiện hành vi phạm tội.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa (Luật sư hình sự) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa cá nhân

Từ khi sinh ra con người dần dần hòa nhập vào môi trường xã hội thông qua những hoạt động sống và sự tiếp xúc với xung quanh. Trong quá trình đó nhân cách con người được hình thành và phát triển. Nhân cách con người là chủ thể của hoạt động xã hội của mình. Nhưng đồng thời môi trường xã hội cũng có tác động trở lại nhất định đến nhân cách, đó là quá trình xã hội hóa con người.

Xã hội hóa cá nhân là quá trình một con người cụ thể chuyển biến thành một thành viên của xã hội hiện tại, tiếp nhận, kế tục và phát triển các giá trị văn hóa xã hội, các quy phạm đạo đức xã hội cũng như lĩnh hội ngôn ngữ và các kỹ năng thiết yếu trong sự tác động giữa cá nhân và xã hội. Nghĩa là quá trình thích nghi thường xuyên của con người với điều kiện xã hội.

Quá trình xã hội hóa cá nhân được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật. Quá trình này rất phức tạp, kéo dài trong cả đời người và được biểu hiện qua các mặt cơ bản sau:

- Thực hiện vai trò xã hội;

- Tiếp thu kinh nghiệm xã hội;

- Thực hiện hệ thống giao tiếp;

- Kiểm tra xã hội;

- Thích nghi xã hội.

Quá trình xã hội hóa cá nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm, dự đoán, điều chỉnh và kiểm tra. Tuy nhiên vẫn tồn tại những thiếu sót, lệch lạc nhất định trong quá trình này. Những thiếu sót đó theo các nhà tâm lý học và xã hội học là nguyên nhân nảy sinh tổ hợp các phẩm chất tâm lý tiêu cực của cá nhân và là nguyên nhân dẫn cá nhân đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

[a] Những thiếu sót khi thực hiện vai trò xã hội

Vai trò xã hội là chức năng và địa vị xã hội của con người. Trong cuộc sống, một con người thường có đồng thời nhiều vai trò xã hội khác nhau: vai trò ở cơ quan, tập thế nơi làm việc, vai trò ở các tổ chức xã hội V.V.. Thực tế cho thấy con người thực hiện tốt vai trò xã hội của bản thân, khi người đó ý thức được rằng: vai trò của mình không những quan trọng đối với xã hội, mà còn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật chất, và tinh thần của bản thân.

(i) Trong quá trĩnh thực hiện vai trò xã hội có thể xuất hiện những thiếu sót do những nguyên nhân:

- Cá nhân không có đủ những phẩm chất tâm lý cần thiết mà vai trò xã hội đòi hỏi ở họ. Ví dụ: có một số ngành nghề, đòi hỏi cá nhân phải có quyết tâm cao, phản ứng nhanh nhạy và dứt khoát, nhưng cá nhân lại không có những đặc điểm này. Do đó trong hoạt động ngành nghề của mình cá nhân hay gặp thất bại, khó khăn trở lại, là nguyên nhân gây ra tâm trạng hoang mang, thiếu tự tin, chán chường, từ đó dễ dẫn cá nhân đến chỗ tiêu cực.

- Cá nhân không có đầy đủ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết để hoàn thành vai trò xã hội.

- Cá nhân không ý thức được đầy đủ hoặc có thái độ tiêu cực đối với vai trò xã hội của bản thân như:

+ Phủ nhận vai trò xã hội của mình, cho rằng vai trò của mình là không quan trọng dẫn đến có thái độ thờ ơ, trông chờ.

+ Chưa hiểu hết ý nghĩa vai trò xã hội của mình dẫn đến có những quan niệm sai về danh dự, nghề nghiệp. Cho rằng nghề này cao sang hơn, nhiều bổng lộc hơn, được nhiều người quý trọng hơn, còn nghề kia thì thấp hèn...

(ii) Hậu quả tâm lý của những thiếu sót khi thực hiện vai trò xã hội:

- Làm giảm tính tích cực của cá nhân khi thực hiện vai trò xã hội, như không quan tâm, không chú ý đến công việc của mình, không sáng tạo, cẩu thả, thờ ơ, chán nản trong công việc.

- Coi nhẹ trách nhiệm của bản thân, làm nảy sinh tính vô kỷ luật, thiếu ý thức lao động, lường biếng.

- Làm nảy sinh các phẩm chất tâm lý tiêu cực khác như thô lỗ, cục cằn, dễ bị kích động, hay cáu gắt, ra rời tập thể V.V..

- Làm thay đổi cấu trúc nhân cách, như hạn chế hứng thủ, nhu cầu, thiếu ý chí.

[b] Những thiếu sót trong hệ thống giao tiếp

Giao tiếp là yếu tố rất quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Giao tiếp ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách, bởi vì thông qua giao tiếp con người tiếp thu được kiến thức hiểu biết, kinh nghiệm xã hội, các giá trị đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ...

Trong hệ thống giao tiếp có hai loại thiếu sót: thiếu sót về hình thức giao tiếp (ví dụ: giao tiếp trong gia đình mà bố mẹ ly hôn, gia đình không có bố hoặc mẹ...) và thiếu sót về nội dung giao tiếp.

(i) Nguyên nhân của những thiếu sót trong giao tiếp:

- Do hệ thống giao tiếp không thực hiện đầy đủ chức năng của mình. Ví dụ: trong tập thể thiếu sự phê bình, tự phê bình.

- Giao tiếp trong nhóm có mục đích chống đối xã hội nhàm thoả mãn những nhu cầu không lành mạnh, không phù họp với các chuẩn mực xã hội.

(ii) Hậu quả tâm lý của những thiếu sót trong hệ thong giao tiếp:

Những thiếu sót trong hệ thống giao tiếp làm phá vỡ những quan hệ giao tiếp tốt đẹp sẵn có, củng cố thêm những phẩm chất tâm lý tiêu cực như chủ nghĩa cá nhân, bất mãn với xã hội, đưa con người đến chỗ phủ nhận các chuẩn mực xã hội, làm tích cực hóa hành vi phạm tội.

[c] Những thiếu sót trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội

Kinh nghiệm xã hội là toàn bộ vốn tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết của loài người, mà cá nhân tiếp thu, lĩnh hội được.

Kinh nghiệm xã hội được cá nhân tiếp thu thông qua nhiều con đường khác nhau: thông qua giao tiếp, học tập, hoạt động thực tiễn của bản thân; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, phim ảnh, vô tuyến...

(i) Những nguyên nhân của thiếu sót trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm:

- Cá nhân không tự giác tiếp thu kinh nghiệm xã hội.

- Thiếu sót trong kinh nghiệm xã hội của nhóm, tập thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kinh nghiệm của cá nhân.

- Do cá nhân chỉ quan tâm tiếp thu những kinh nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân. Điều này dẫn đến hệ thống kinh nghiệm của cá nhân không đầy đủ, phiến diện.

(ii) Hậu quả tâm lý của những thiếu sót trong quá trình tiếp thu kỉnh nghiệm xã hội:

- Cá nhân không thực hiện được vai trò xã hội của mình.

- Không thể tham gia tích cực vào đời sống xã hội làm hạn chế các mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, làm nảy sinh tính ích kỷ hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân.

[d] Những thiếu sót trong kiểm tra xã hội

Kiểm tra xã hội là tổng hợp những quy định, những biện pháp của Nhà nước nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của cá nhân sao cho phù hợp với lợi ích của tập thể, của xã hội.

(i) Nguyên nhân của những thiếu sót trong quá trình kiểm tra xã hội:

Mức độ kiểm tra của xã hội đối với cá nhân có thể bị giảm sút do nguyên nhân chủ quan hoặc do nguyên nhân khách quan.

- Giảm mức độ kiểm tra do nguyên nhân khách quan xuất hiện trong trường hợp cá nhân rời khỏi sự kiểm tra xã hội trong một khoảng thời gian nhất định.

- Giảm mức độ kiểm tra do nguyên nhân chủ quan xuất hiện trong trường hợp cá nhân thấy có những kẽ hở nhất định trong chế độ kiểm tra và lợi dụng kẽ hở này.

(ii) Hậu quả tâm lý của những thiếu sót trong kiểm tra xã hội:

Làm giảm khả năng tự ý thức của bản thân, giảm vai trò định hướng, điều chỉnh của tập thể đối với cá nhân dẫn đến việc cá nhân buông lỏng bản thân, coi thường pháp luật và các chuẩn mực xã hội, dẫn đến vi phạm pháp luật.

[đ] Những thiếu sót trong quá trình thích nghi xã hội

Thích nghi xã hội là quá trình cá nhân thay đổi những đặc điểm tâm lý của mình cho phù hợp với sự thay đổi của điều kiện xã hội, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của cá nhân.

Quá trình thích nghi xã hội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Mức độ và tốc độ biến đổi của xã hội.

- Đặc điểm tâm lý của cá nhân như khí chất, tính cách, xu hướng, năng lực.

- Ý chí, kiến thức, hiểu biết của cá nhân.

 Hậu quả tâm lý của những thiếu sót trong quá trình thích nghi xã hội:

Làm cho cá nhân không thể thích nghi với điều kiện mới, làm xuất hiện thêm những bất đồng và mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội. Dần đến tích cực hóa hành vi chống đối xã hội của cá nhân.

Trên đây là những thiếu sót trong quá trình xã hội hóa cá nhân. Hậu quả của những thiếu sót này chính là nguyên nhân tâm lý xã hội dẫn cá nhân đến chỗ thực hiện hành vi phạm tội.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác)

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư bào chữa, luật sư hình sự, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.26353 sec| 1015.023 kb