Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề luật sư

“Để thành công, hãy chớp lấy cơ hội cũng nhanh như khi vội vã kết luận”.

- Benjamin Franklin, 1706-1790, chính trị gia, triết gia Mỹ

Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề luật sư

Luật sư thường giúp đỡ những người đang gặp phải những vấn đề pháp lý trong cuộc sống dẫn đến phải hầu tòa, nhưng hãy nhớ rằng, không phải ai là luật sư cũng đều phải ra sức cứu người trong những hoàn cảnh như vậy.

Luật sư có thể trình bày rất chi tiết các quy định của pháp luật từ luật, nghị định, thông tư, nghị quyết, công văn khi bàn về một chủ đề pháp lý có tính thời sự nào đó. Thế nhưng đừng ngộ nhận rằng, luật sư là người có trí óc siêu phàm, giỏi thuộc lòng các văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư thường phải ra tòa hay trung tâm trọng tài để bào chữa, bảo vệ cho khách hàng, cho nên luật sư còn được gọi là thầy cãi. Thế nhưng không phải luật sư thì sẽ đương nhiên cãi giỏi.

Liên hệ

I- LÀM LUẬT SƯ ĐỂ CỨU NGƯỜI

Có lẽ, bạn không còn xa lạ gì với hình ảnh người hành nghề luật sư trong những bộ phim trên truyền hình, họ luôn tìm cách giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội khi những người đó đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đúng là một trong những mục đích chính của nghề luật sư là cứu những người đang gặp phải những vấn đề pháp lý trong cuộc sống dẫn đến phải hầu tòa nhưng bạn nên nhớ rằng không phải ai trở thành luật sư cũng đều phải ra sức cứu người trong những hoàn cảnh như vậy.

Ví dụ, có những luật sư làm việc cho doanh nghiệp với vai trò là luật sư nội bộ với công việc hằng ngày của họ chỉ đơn thuần là tư vấn cho các chủ doanh nghiệp cách thức tuân thủ quy định của pháp luật. Hay có những luật sư, dù là một luật sư chuyên nghiệp, nhưng họ chỉ chuyên tư vấn pháp luật ví dụ như tham gia tư vấn cho khách hàng trong các giao dịch mua bán và sáp nhập chứ họ không ra tòa hay trung tâm trọng tài với tư cách là luật sư biện hộ cho khách hàng.

Cũng có một số luật sư lại không tư vấn pháp lý và tham gia tranh tụng mà dành hết thời gian của họ cho việc viết sách luật, dạy học hay làm trọng tài viên cho các trung tâm trọng tài. Do đó, bạn đừng lầm tưởng về điều này để rồi khi đã dày công cố gắng trở thành luật sư nhưng vì một hoàn cảnh thực tế nào đó bạn lại phải làm một công việc trái nghề khác như trên thì bạn có thể sẽ cảm thấy bị hụt hẫng, mất phương hướng và điều đó ít nhiều sẽ làm tổn hại đến niềm đam mê đối với nghề luật sư của bạn.

II- LÀM LUẬT SƯ PHẢI HỌC THUỘC LUẬT

Đôi khi bạn nhìn thấy những luật sư biện hộ ở tòa án, trên phim ảnh, trong các phỏng vấn trên truyền hình hay trả lời pháp luật trên báo thường trích dẫn một cách rất chi tiết các quy định của pháp luật từ luật, nghị định, thông tư, nghị quyết, công văn khi bàn về một chủ đề pháp lý có tính thời sự nào đó. Tuy nhiên, xin đừng ngộ nhận rằng luật sư là người có trí óc siêu phàm, giỏi thuộc lòng các văn bản quy phạm pháp luật. Bạn biết không, mỗi luật sư thường chỉ có thế mạnh trong một vài lĩnh vực pháp luật nào đó và họ thường dành nhiều thời gian cho việc đọc và nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật đó để phục vụ cho công việc hành nghề của họ. Vì thế, họ sẽ nhớ khá kỹ một số điều khoản quan trọng của các văn bản đó rồi từ đó suy ra các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, còn đối với các lĩnh vực pháp luật khác thì họ sẽ chỉ nhớ những quy định cơ bản chung chung mà thôi.

Bên cạnh đó, trước khi ra tòa hay trung tâm trọng tài, ghi hình phỏng vấn, viết báo, trả lời pháp luật, họ thường dành ra khá nhiều thời gian để tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để trích dẫn cho phù hợp khi cần cho nên khi bạn thấy họ trích dẫn một cách lưu loát các quy định của pháp luật thì bạn bị nhầm tưởng rằng họ đã thuộc lòng mọi tài liệu đó. Bạn biết không, luật sư là một trong những nghề cần tư duy và phải có óc phân tích, đánh giá vấn đề pháp lý, tìm hướng giải quyết hợp tình hợp lý, biết cách đọc và chọn lựa các quy định của pháp luật có liên quan, từ đó tìm ra các văn bản quy phạm pháp luật cần đọc, và chính điều này tạo nên sự thành công của nghề luật sư.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest.

III- LÀM LUẬT SƯ SẼ CÃI GIỎI

Có quan niệm cho rằng, ai làm nghề luật sư thì đều phải ra tòa hay trung tâm trọng tài để bào chữa cho khách hàng cho nên luật sư còn được gọi là thầy cãi. Do đó, người nào là luật sư thì đều được cho là có khả năng ăn nói hơn người. Về điểm này, bạn cần lưu ý rằng không phải ai là luật sư cũng đều ra tòa hay trung tâm trọng tài để tranh tụng bảo vệ cho khách hàng, bởi lẽ, cũng có người chỉ làm luật sư tư vấn cho các công ty luật hay làm luật sư nội bộ trong doanh nghiệp..., mà những công việc đó thì lại không cần họ phải tranh cãi giỏi.

Thêm vào đó, giả sử bạn là luật sư tranh tụng và phải ra tòa, trung tâm trọng tài thì bạn cũng cần nhớ rằng luật sư cãi ở đây là cãi lý với mục đích thuyết phục những người khác đồng ý với lập luận pháp lý chặt chẽ và logic của mình dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bằng chứng thu thập được và sự phân tích pháp lý rõ ràng cũng như cách trình bày mang tính thuyết phục chứ không phải là hùng hổ cố cãi cho bằng được mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Tóm lại, sự cãi của luật sư ở đây là cãi lý dựa trên những lập luận pháp lý chặt chẽ và logic chứ không phải làm sao để nói nhanh hơn, dài hơi hơn, giọng to, khỏe hơn so với luật sư của bên đối thủ của khách hàng để giành chiến thắng.

IV- LÀM LUẬT SƯ ĐƯƠNG NHIÊN ĐƯỢC XÃ HỘI TÔN TRỌNG

Đúng là nghề luật sư cũng giống như nghề bác sĩ là hai trong số các nghề cao quý mà từ xưa đến nay mọi người trong xã hội đặc biệt tôn trọng vì họ được xem là những người có học vấn cao trong lĩnh vực chuyên môn của họ khi so sánh với những người làm các công việc bình thường khác. Bên cạnh đó, họ thường là những người biết rõ về luật pháp cho nên họ luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, là tấm gương sáng cho những người bình thường khác noi theo cũng như một trong những mục tiêu nghề nghiệp chính yếu của họ là cứu giúp người khác khỏi những vấn đề pháp lý của họ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nghề luật sư cũng chỉ được xem là một nghề cung cấp dịch vụ có tính chất đặc thù và bạn chính là người cung cấp dịch vụ đó. Vì vậy, bạn đừng lầm tưởng rằng bạn đang ban phát ân huệ cho khách hàng và khách hàng phải tôn trọng bạn bởi vì khách hàng chính là đang tạo ra công việc và trả thù lao cho bạn.

Là người cung cấp dịch vụ tương tự như bao loại dịch vụ khác, bạn cũng vẫn phải biết cách chăm sóc khách hàng một cách chủ động, làm cho khách hàng hài lòng về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề và thái độ phục vụ của bạn thì mới mong họ sẽ trả phí dịch vụ pháp lý hậu hĩnh cho bạn cũng như tôn trọng và mong muốn trở thành khách hàng trung thành lâu dài của bạn.

Xem thêm: Nghĩ về Luật sư tử tế.

V- LÀM LUẬT SƯ ĐỂ LÀM GIÀU

Hiếm luật sư mà có thể trở thành tỷ phú đô la trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, hiếm có luật sư nào hành nghề luật sư mà được biết đến như là triệu phú đô la. Có thể bạn đã thấy, một số luật sư rất nổi tiếng trên báo chí, truyền hình qua các vụ án đình đám, họ có công ty luật riêng, có nhà to, được mời làm luật sư đại diện cho khách hàng là các công ty đại chúng hay tập đoàn lớn, được mời trình bày, diễn thuyết ở nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề pháp luật..., nhưng chung quy lại, luật sư vẫn chỉ được xem là người làm công việc chuyên môn và công ty luật của họ chỉ là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý. Dịch vụ pháp lý của luật sư nói chung dựa trên sự tin tưởng của khách hàng và phí dịch vụ pháp lý thường dựa trên số giờ làm việc thực tế mà luật sư phải bỏ ra cho công việc pháp lý của khách hàng.

Với tư cách là người làm công việc chuyên môn, theo yêu cầu của khách hàng, bạn thường sẽ phải là người trực tiếp thực hiện các công việc pháp lý đó cho khách hàng thay vì các đồng nghiệp của bạn trong khi bạn chỉ có 24 giờ mỗi ngày để làm tất cả các công việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ, giải trí, công việc gia đình, con cái và các công tác xã hội..., Nói tóm lại, bạn khó có thể gia tăng số giờ tính phí dịch vụ pháp lý của bạn cho nên bạn sẽ không thể nào gia tăng thu nhập của mình theo cấp số nhân trong một thời gian ngắn để trở nên giàu có như những người hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề khác.

Bạn cũng cẩn biết rằng số lượng luật sư chính thức ở Việt Nam hiện được cho là khá nhiều và trong số những luật sư chính thức đó có không ít người chỉ có mức thu nhập trung bình, thậm chí là thu nhập thấp và phải làm những công việc không đúng chuyên môn hoặc phải làm thêm một số công việc trái nghề khác để có thể có được mức thu nhập ổn định. Vì vậy, bạn đừng chỉ nhìn vào một nhóm nhỏ các luật sư thành đạt để kết luận rằng nghề luật sư luôn mang lại vinh quang, phú quý cho những người làm nghề này. Nếu bạn đã chọn nghề luật sư là nghề nghiệp của mình thì bạn cần cố gắng để chinh phục chính mình và vượt qua những đồng nghiệp khác để có thể thành công với nghề luật sư vì đây là một trong những nghề nghiệp có tính cạnh tranh rất cao.

VI- LÀM LUẬT SƯ ĐỂ THAY ĐỔI QUY ĐỊNH BẤT CÔNG CỦA PHÁP LUẬT

Đúng là khi hành nghề luật sư chuyên nghiệp, luật sư sẽ có nhiều cơ hội để đọc và phân tích các văn bản quy phạm pháp luật so với người làm ở những ngành nghề khác. Vì thế, luật sư sẽ có cơ hội tuyệt vời để đóng góp ý kiến của mình đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập hay các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới giúp hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và nhanh chóng ở Việt Nam hiện nay. Đây thực sự là cách thiết thực để hỗ trợ cho cộng đồng, xã hội.

Thế nhưng cần nhớ rằng không phải bất kỳ ý kiến nào của luật sư cũng đều được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lắng nghe và thực hiện theo, dù những ý kiến đó được xem là hợp tình, hợp lý đến đâu đi chăng nữa. Bởi lẽ, trong xã hội luôn có một số nhóm lợi ích nào đó và đôi khi các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành phải dung hòa lợi ích của các nhóm lợi ích hoặc vì một hoàn cảnh chính trị nào đó mà các nhà lập pháp và hành pháp buộc phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để quản lý một vài loại hình hoạt động nào đó cho dù các quy định mới như thế chưa thật sự phù hợp hay còn nhiều thiếu sót.

Do đó, công việc chính của bạn là đọc và nghiên cứu để nắm rõ tinh thẩn của các quy định của pháp luật mới để tư vấn cho các khách hàng của bạn và nếu có cơ hội bạn sẽ tham gia đóng góp ý kiến chuyên môn của mình tại các hội thảo, hội nghị chuyên đề pháp luật còn việc có sửa đổi, bổ sung hay ban hành các quy định của pháp luật mới hay không thì nên để cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà làm luật quan tâm và thực hiện theo những lộ trình phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại thời điểm đó.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

VII- LÀM LUẬT SƯ ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO

Ở nhiều nước trên thế giới, có khá nhiều nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị là luật sư hay là người đã từng học chuyên ngành luật tại trường đại học và cũng có khá nhiều nguyên thủ quốc gia có xuất thần từ nghề luật sư chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nguyên thủ tướng Anh Margaret Thatcher, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair, những người đã từng hành nghề luật sư chuyên nghiệp trước khi họ được bầu vào các chức vụ Tổng thống, Thủ tướng của nước họ.

Tại Việt Nam, một số nhà lãnh đạo cấp Nhà nước của chúng ta cũng có bằng đại học luật ví dụ như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Thế nhưng, đừng ngộ nhận rằng cứ làm luật sư thì bạn sẽ có nhiều khả năng trở thành người có chức vị cao trong bộ máy Nhà nước.

Hằng năm, ở Việt Nam có hàng ngàn cử nhân luật ra trường từ các trường đại học có uy tín và cũng có đến vài ngàn cử nhân luật được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để trở thành những luật sư chính thức và vi thế cơ hội để bạn trở thành nhà lãnh đạo của một trong các cơ quan quản lý Nhà nước nào đó là không cao ngoại trừ một số ngoại lệ nào đó.

Bạn cũng cần biết rằng nghề luật sư sẽ giúp bạn có được những kiến thức pháp luật quý báu cũng như các năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề ví dụ như kỹ năng phần tích vụ việc, kỹ năng trình bày, thuyết trình..., những thứ rất có ích cho công tác hành chính Nhà nước và do đó sẽ giúp gia tăng cơ hội của bạn được làm việc ở vị trí công chức, chuyên viên cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi bạn thi tuyển công chức hằng năm chứ chúng không mang tính quyết định cho việc bạn sẽ chắc chắn trở thành nhà lãnh đạo tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi lẽ, nhiều khi những tiêu chuẩn xét tuyển lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước còn đòi hỏi thêm những yêu cầu khác có liên quan đến việc tham gia đảng phái chính trị của bạn ví dụ như các ứng viên phải là đảng viên và được Đảng giới thiệu ứng cử chẳng hạn.

VIII- LÀM LUẬT SƯ ĐỂ BIẾT LUẬT, RỒI LÁCH LUẬT

Nhiều người cho rằng, làm nghề luật sư thì phải biết rất rõ các quy định của pháp luật và khi đã biết luật như vậy thì luật sư có xu hướng không chỉ tư vấn cho các khách hàng của họ cách làm thế nào để tuân thủ pháp luật mà còn tìm những khe hở của pháp luật hay còn gọi là vùng xám, nơi pháp luật chưa quy định tới hay nếu có quy định nhưng chưa thật sự rõ ràng và chi tiết. Từ đó, khách hàng của họ sẽ biết cách lách luật để thực hiện một số hành vi có lợi cho họ nhưng lại có rủi ro vi phạm pháp luật và trật tự xã hội để rồi làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, xã hội.

Về vấn đề này, bạn nên nhớ rằng, một trong những khả năng chuyên môn của luật sư là phân tích pháp luật, tìm hiểu ý định của nhà làm luật trong các văn bản quy phạm pháp luật khi có những quy định chưa thật sự rõ ràng với mục đích chính là tư vấn cho khách hàng của họ làm thế nào để tuân thủ quy định của pháp luật theo ý định ban đầu của nhà làm luật, tránh trường hợp khách hàng của họ vô tình hiểu sai rồi làm sai. Từ đó, khách hàng có thể sẽ bị xem là có hành vi vi phạm pháp luật khi bị các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.

Việc phân tích pháp luật cũng hỗ trợ luật sư trong việc gợi ý cho các nhà làm luật và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi các quy định của pháp luật sao cho phù hợp, rõ ràng và đầy đủ hơn. Mặc dù trong thực tế, có một số luật sư khi biết được những khe hở của pháp luật đã cố tình tư vẩn cho khách hàng của họ cách thức để lách luật nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của khách hàng, tuy nhiên những luật sư dạng này chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ và việc này cũng có thể gây ra những rủi ro pháp lý không đáng có cho khách hàng của họ. Trong trường hợp đó, những luật sư đó không phải vô can mà cũng gián tiếp bị liên lụy nếu có những hệ quả pháp lý xảy ra đối với khách hàng của họ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest.

Tham khảo: "Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư", tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phuoc & Partner.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề luật sư

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.66144 sec| 1136.406 kb