Nguyên tắc Ngân sách Nhà nước: nội dung, ý nghĩa và những ngoại lệ
1- Nguyên tắc ngân sách nhất niên
[a] Nội dung cơ bản của nguyên tắc ngân sách nhất niên
Nguyên tắc ngân sách nhất niên gồm hai khía cạnh cơ bản sau đây:
Một là mỗi năm Quốc hội (cơ quan nắm quyền lập pháp) sẽ biểu quyết ngân sách một lần theo kỳ hạn do luật định.
Hai là bản dự toán Ngân sách nhà nước sau khi Quốc hội quyết định chỉ có giá trị hiệu lực thi hành trong một năm và chính phủ (cơ quan nắm quyền hành pháp) cũng chỉ được phép thi hành trong năm đó.
[b] Ý nghĩa của nguyên tắc ngân sách nhất niên
Thứ nhất, nguyên tắc nhất niên đề cao vai trò làm chủ của Quốc hội – cơ quan đại diện của nhân dân và là quyền lực nhà nước cao nhất. Việc biểu quyết và thông qua ngân sách mỗi năm của Quốc hội vừa thể hiện tính công khai minh bạch trong thực hiện Ngân sách nhà nước vừa tạo cơ hội để nhìn lại một năm thực hiện và đánh giá tính hiệu quả của ngân sách. Từ đó, Nhà nước tổng kết và rút kinh nghiệm để xây dựng bản dự toán ngân sách cho các năm tiếp theo hiệu quả, phù hợp với thực tế.
Thứ hai, nguyên tắc này cho thấy sự giới hạn về thời gian thực hiện ngân sách. Chính sự giới hạn này đòi hỏi trong một năm đó phải cân đối giữa thu và chi như thế nào cho hợp lý, như vậy không có sự mất cân bằng giữa thu và chi. Thêm vào đó, vì Chính phủ chỉ được thực hiện trong một năm nên việc gắn trách nhiệm và quyền hạn của Chính phủ trong quỹ thời gian thực hiện ngân sách nhà nước là rất cao, chỉ với ngân sách đó Chính phủ phải phân bổ, điều tiết cho cả nước như thế nào cho hợp lý, tránh trường hợp ngân sách các cấp lợi dụng, trông chờ vào ngân sách trung ương.
Thứ ba, nguyên tắc này còn tránh được trường hợp tham ô, lợi dụng ngân sách vì mỗi năm sẽ có tổng kết và biểu quyết ngân sách mới nên việc thu và chi sẽ cụ thể chi tiết và rõ ràng.
[c] Ngoại lệ của nguyên tắc ngân sách nhất niên
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan khiến nguyên tắc này có một số ngoại lệ. Ngoại lệ này được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước như sau:
Một là, thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau.
Hai là các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, đến hết năm ngân sách, kể cả thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều này chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ một số khoản chi được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán quyết toán vào ngân sách năm sau:
(i) Chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật đầu tư công;
(ii) Chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31 tháng 12 năm thực hiện dự toán;
(iii) Nguồn thực hiện chính sách tiền lương;
(iv) Kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước;
(v) Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán;
(vi) Kinh phí nghiên cứu khoa học.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
2- Nguyên tắc ngân sách đơn nhất
[a] Nội dung cơ bản của nguyên tắc ngân sách đơn nhất
Nguyên tắc ngân sách đơn nhất theo cách hiểu thông thường đó là mọi khoản thu và chi tiền tệ của một Quốc gia trong một năm chỉ được phép trình bày trong một văn kiện duy nhất, đó là bản dự toán Ngân sách nhà nước sẽ được chính phủ trình Quốc hội quyết định để thực hiện.
[b] Ý nghĩa của nguyên tắc ngân sách đơn nhất
Thứ nhất, khi mọi khoản thu và chi được trình bày trong một văn kiện duy nhất, bản dự toán Ngân sách nhà nước, không những tạo những thuận lợi cho việc thiết lập một ngân sách thăng bằng và hiệu quả mà còn khiến cho Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất dễ dàng kiểm soát, lựa chọn được những khoản thu, chi nào là cần thiết hay quan trọng để phê chuẩn cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của nền kinh tế, xã hội.
Thứ hai, mọi khoản thu, chi của một Quốc gia tập trung trong một tài liệu duy nhất, chứ không tản mạn các kết quả ấy ở nhiều tài liệu thì người ta sẽ dễ dàng theo dõi kết quả thực sự của các nghiệp vụ tài chính.
[c] Ngoại lệ của nguyên tắc ngân sách đơn nhất
Ngoại lệ của nguyên tắc ngân sách đơn nhất thể hiện ở Điểm d Khoản 4 Điều 46 và Khoản 4 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước.
Tại Điểm d Khoản 4 Điều 46 quy định thì việc thảo luận và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách hằng năm sẽ được thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán Ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương, cụ thể: Quốc hội thảo luận, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau. Trong quá trình thảo luận, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, trường hợp quyết định điều chỉnh thu, chi ngân sách, Quốc hội quyết định các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 52 quy định Chính phủ yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh dự toán ngân sách nếu việc bố trí ngân sách địa phương không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
3- Nguyên tắc ngân sách toàn diện
[a] Nội dung cơ bản của nguyên tắc ngân sách toàn diện
Nguyên tắc ngân sách toàn diện được diễn tả bằng hai nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, mọi khoản thu và mọi khoản chi đều phải ghi và thể hiện rõ ràng trong văn bản dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm đã được Quốc hội quyết định, không được phép để ngoài dự toán ngân sách bất kỳ khoản thu, chi nào dù là nhỏ nhất.
Thứ hai, các khoản thu và các khoản chi không được phép bù trừ cho nhau mà phải thể hiện rõ ràng từng khoản thu và mỗi khoản chi trong mục lục Ngân sách nhà nước được duyệt, không được phép dùng riêng một khoản thu cho một khoản chi cụ thể nào mà mọi khoản thu đều được dùng để tài trợ cho mọi khoản chi. Tất nhiên, khi áp dụng nguyên tắc này cần tính đến việc phải tuân thủ nguyên tắc: “Các khoản đi vay để bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước không được sử dụng để chi tiêu dùng mà chỉ được sử dụng để chi cho đầu tư phát triển”.
[b] Ý nghĩa của nguyên tắc ngân sách toàn diện
Từ nguồn gốc hình thành, cơ sở và nội dung đã đề cập trên đây, có thể nói nguyên tắc ngân sách toàn diện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc tổ chức và thực hiện Ngân sách nhà nước bởi lẽ một mặt nó thể hiện tính minh bạch rất cao và mặt khác nó còn góp phần mở rộng thêm chức năng xã hội của nhà nước.
Trước hết, nguyên tắc này được ghi nhận trong luật, tức là Nhà nước đã thấy được tầm quan trọng của nó trong việc làm ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, việc thực hiện nguyên tắc toàn diện rất tốt cho việc quản trị tài chính công, bởi lẽ nó không cho phép bất cứ khoản thu, chi nào được để ngoài ngân sách nhà nước. Với hai nội dung cơ bản của nguyên tắc ngân sách toàn diện, việc thực hiện sẽ đảm bảo cho bản dự toán ngân sách nhà nước được thiết lập một cách rõ ràng.
Mặt khác, khi nội dung của nguyên tắc ngân sách ngân sách toàn diện được luật hóa cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã tăng tính cụ thể, minh bạch, đầy đủ và dễ kiểm soát, tránh gian lận hay biển thủ công quỹ trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Việc thừa nhận nguyên tắc ngân sách toàn diện trong luật và áp dụng nó vào thực tiễn cuộc sống còn bởi chúng ta nhận thấy được rằng nó có ý nghĩa trong việc phân bổ, sử dụng và điều chỉnh nguồn lực tài chính có hiệu quả. Đồng thời việc thực hiện nguyên tắc toàn diện góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân sách nhà nước hàng năm.
[c] Ngoại lệ của nguyên tắc ngân sách toàn diện
Trong quá trình thực hiện nguyên tắc này, trên thực tiễn đã phát sinh những ngoại lệ nhất định. Cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, theo đó quỹ xã hội, quỹ từ thiện sẽ được Nhà nước cấp kinh phí đối với hoạt động gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao. Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu tại Nghị Định 16/2015/NĐ-CP.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý giải thể doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
4- Nguyên tắc ngân sách thăng bằng
[a] Nội dung cơ bản của nguyên tắc ngân sách thăng bằng
Tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển, trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách.
[b] Ý nghĩa của nguyên tắc ngân sách thăng bằng
Thứ nhất, nguyên tắc này được ghị nhận trong cụ thể tại Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy Nhà nước biết được tầm quan trọng của nó trong việc làm ổn định kinh tế vĩ mô. Tác dụng của nguyên tắc này khi góp phần ổn định việc thực hiện các mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, việc thừa nhận nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc phân bổ, sử dụng và điều chỉnh nguồn lực tài chính có hiệu quả. nhờ ý nghĩa định hướng đó của nguyên tắc này mà nhà nước chủ động thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra.
Thứ ba, nguyên tắc này còn góp phần vào việc tạo được nguồn dự trữ ngân sách nhà nước, từ đó không phải hoãn lại những kế hoạch để chờ nguồn thu cụ thể mà sẽ thực hiện ngay do nguồn dự trữ tài chính sẵn có, điều này làm cho những công việc được hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả góp phần làm cho kinh tế – xã hội được ổn định lâu dài.
[c] Ngoại lệ của nguyên tắc ngân sách thăng bằng
Nguyên tắc này có ngoại lệ là trường hợp cho phép vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 4 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, ngoại lệ này còn thể hiện trong Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước lần lượt như sau:
(i) Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước;
(ii) Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật;
(iii) Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
5- Nguyên tắc công khai minh bạch
[a] Nội dung cơ bản của nguyên tắc công khai minh bạch
Nguyên tắc công khai trong hoạt động Ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư 343/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện công khai Ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách. Theo đó, Công khai ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được Ngân sách nhà nước hỗ trợ phải đầy đủ, kịp thời, chính xác và đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước. Quy định công khai Ngân sách nhà nước bao gồm:
Thứ nhất, về nội dung công khai: Thực hiện công khai dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo tình hình thực hiện Ngân sách nhà nước, quyết toán Ngân sách nhà nước của các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được Ngân sách nhà nước hỗ trợ, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Ngân sách nhà nước, cụ thể là về số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán Ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định (quý, 6 tháng, năm), công khai quyết toán ngân sách nhà nước; về tình hình thực hiện Ngân sách nhà nước và quyết toán Ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Thứ hai, về hình thức: các cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước thực hiện công khai ngân sách bằng các hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, về thời điểm công khai: Nhà nước đã ban hành các quy định cụ thể để các đơn vị tổ chức thực hiện báo cáo dự toán Ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện dự toán Ngân sách nhà nước hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng; Báo cáo tình hình thực hiện Ngân sách nhà nước hàng năm được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp; Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.
[b] Ý nghĩa của nguyên tắc công khai minh bạch
Thứ nhất, Ngân sách nhà nước được xem là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của mỗi Quốc gia như: Huy động nguồn tài chính để bảo đảm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước; Kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế; Điều tiết giá cả, ổn định thị trường; Hạn chế lạm phát và giảm phát; Điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội;... Chính vì tầm quan trọng của Ngân sách nhà nước, để việc quản lý Ngân sách nhà nước có hiệu quả thì hoạt động giám sát trong lĩnh vực tài chính- ngân sách Nhà nước càng cần phải được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt việc thực hiện công khai ngân sách là không thể thiếu và cần được chú trọng.
Thứ hai, công khai Ngân sách nhà nước là một việc cần thiết để công dân thực hiện quyền dân chủ. Nhà nước ta vốn luôn đề cao quyền dân chủ của nhân dân với các nhóm quyền được quy định xuyên suốt trong Hiến pháp cũng như các đạo luật khác với các nguyên tắc cơ bản là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mà bước đầu tiên, thì dân cần phải được “biết” mới có thể “bàn” và “kiểm tra” được. Như vậy, nguyên tắc công khai ngân sách là điều kiện tiên quyết để người dân có thể tiếp cận với các khoản thu và chi của Nhà nước. Thêm vào đó, không thể phủ nhận rằng thuế và các loại phí vốn là nguồn thu chính của Ngân sách nhà nước là các khoản đóng góp của nhân dân, chính vì vậy như một nhu cầu tất yếu phần lớn người dân đều có nguyện vọng mong muốn được biết những khoản tiền đóng góp đó của mình được sử dụng vào những công việc gì.
Thứ ba, công khai Ngân sách nhà nước tạo nên sự minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng. Ngân sách nhà nước là những khoản thu và chi của nhà nước, vì vậy, công khai là một điều kiện quan trọng để tránh tình trạng một số cán bộ công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, tham ô, tiêu cực. Những lợi ích về mặt vật chất chính là nguyên nhân chính, trực tiếp nhất dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức kể trên. Vì vậy, quản lý thật tốt Ngân sách nhà nước là một yêu cầu quan trọng nhằm hạn chế những tệ nạn này. Khi các khoản thu và chi của nhà nước được công khai rõ ràng, sẽ tạo thêm những rào cản, khó khăn cho các đối tượng. Công khai ngân sách giúp các các khoản chi của nhà nước được sử dụng đúng mục đích hơn, từ đó đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách.
Thứ tư, công khai Ngân sách nhà nước góp phần làm nên uy tín của nhà nước, củng cố niềm tin của người dân. Trong bối cảnh các vụ việc tham nhũng ngày càng được phát hiện nhiều hơn với quy mô, mức độ cũng như số tiền ngày càng lớn, “củi” được “đưa vào lò” ngày càng bén thì lòng tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền của chúng ta đang ngày một lung lay dữ dội. Công khai ngân sách để nhân dân có thể tiếp cận tạo dựng và củng cố niềm tin vào một Chính phủ minh bạch, kiên quyết và mạnh mẽ đẩy lùi tệ nạn, nghiêm khắc kỷ luật đối với các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật trong việc sử dụng, quản lý Ngân sách nhà nước.
Thứ năm, công khai Ngân sách nhà nước giúp tăng cường trách nhiệm của các cấp sử dụng ngân sách. Các cấp sử dụng ngân sách phải có tính toán kĩ trước khi thực hiện các khoản thu chi, đảm bảo thu chi hợp lí, đúng mục đích, tránh tình trạng mập mờ, không minh bạch.
Thứ sáu, công khai Ngân sách nhà nước giúp cho các cơ quan chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền nhận thấy những thiếu sót, nhược điểm còn tồn tại trong hoạt động thu chi ngân sách ở trung ương cũng như địa phương để từ đó có giải pháp kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo ngân sách được sử dụng hợp lí, đúng yêu cầu, mục đích.
[c] Ngoại lệ của nguyên tắc công khai minh bạch
Phương châm của Nhà nước về nguyên tắc công khai minh bạch trong Ngân sách nhà nước: “Công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ”, thì ngoại lệ của nguyên tắc công khai minh bạch chính là bí mật Quốc gia
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thuế - kế toán của Công ty Luật TNHH Everest
6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Nội dung, ý nghĩa và ngoại lệ của nguyên tắc Ngân sách Nhà nước được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Nội dung, ý nghĩa và ngoại lệ của nguyên tắc Ngân sách Nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm