Phân loại đất theo Luật Đất đai mới nhất 2024
1- Phân loại đất và ý nghĩa của việc phân loại đất
[a] Phân loại đất là gì?
Phân loại đất là việc phân đất thành từng nhóm đất khác nhau, căn cứ vào mục đích sử dụng đất. Theo Điều 10 Luật đất đai 2024 hiện nay có 03 nhóm đất sau: Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.
[b] Ý nghĩa của việc phân loại đất
Đất đai là loại tài sản có những quy chế quản lý mang tính đặc thù. Vì vậy, việc phân loại đất có tầm quan trọng nhất định, vừa mang ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội.
Thứ nhất, về mặt kinh tế, việc phân loại đất giúp cho người sử dụng đất xác định đúng loại đất, từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng đất và thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất của mình đối với Nhà nước, góp phần tăng ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ hai, về mặt xã hội, việc phân loại đất giúp Nhà nước thuận tiện trong việc thống nhất và quản lý đất đai trên cả nước. Từ đó, Nhà nước có những chính sách đối với từng loại đất cụ thể, góp phần ổn định và phát triển xã hội.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest
2- Phân loại đất theo Luật Đất đai mới nhất năm 2024
Căn cứ vào mục đích sử dụng đất, Điều 10 Luật đất đai 2024 đã phân loại thành 03 nhóm đất như sau:
[a] Nhóm đất nông nghiệp
Theo Mục I, Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì nhóm đất nông nghiệp được hiểu là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và mục đích bảo vệ, phát triển rừng; bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác (kể cả đất làm bờ lô, bờ thửa nằm trong khu đất của một đối tượng sử dụng đất để phục vụ cho mục đích nông nghiệp của đối tượng đó).
Theo đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
– Đất trồng cây hàng năm:
Theo Mục 1.1.1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT quy định đất trồng cây hàng năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một (01) năm; kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá năm (05) năm và trường hợp trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ. Đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
– Đất trồng cây lâu năm:
Cũng theo Mục 1.1.2 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT có định nghĩa đây là loại đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT bao gồm:
+ Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa, v.v;
+ Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài, v.v;
+ Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm, v.v;
+ Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng, v.v); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
Trường hợp đất trồng cây lâu năm có kết hợp nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ thì ngoài việc thống kê theo mục đích trồng cây lâu năm còn phải thống kê thêm theo các mục đích khác là nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (trường hợp sử dụng đồng thời vào cả hai mục đích khác thì thống kê theo cả hai mục đích đó).
– Đất rừng sản xuất:
Tại Mục 1.2.1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đất rừng sản xuất là đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đất rừng sản xuất bao gồm đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất có rừng sản xuất là rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng sản xuất.
– Đất rừng phòng hộ:
Tại Mục 1.2.2 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT nêu rõ đất rừng phòng hộ là loại đất được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đất rừng phòng hộ bao gồm: đất có rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất có rừng phòng hộ là rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ.
– Đất rừng đặc dụng:
Dựa theo Mục 1.2.3 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đất rừng đặc dụng được hiểu là đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng với mục đích chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng (như vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài – sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh…).
Theo đó, đất rừng đặc dụng bao gồm: đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất có rừng đặc dụng là rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng.
– Đất nuôi trồng thủy sản:
Theo Mục 1.3 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT định nghĩa đây là loại đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt. Loại đất này bao gồm ao hồ, đầm, sông, ngòi, kênh, rạch, đất có mặt nước ven biển, bãi bồi ven sông, bãi cát, cồn biển, đất sử dụng cho kinh tế trang trại… Tóm lại, đất nuôi trồng thủy sản là đất có mặt nước nội địa.
– Đất làm muối:
Trước đây, loại đất này được xếp vào nhóm đất chuyên dùng nhưng do thực tế sử dụng đất làm muối cũng giống như việc sử dụng đất nông nghiệp và chủ thể sử dụng loại đất này phần lớn là các hộ gia đình, cá nhân làm nông nghiệp thuộc khu vực nông thôn ven biển. Vì vậy, trong Luật đất đai 2003 và hiện nay Luật đất đai 2013 quy định đất làm muối được đưa vào nhóm đất nông nghiệp. Tại Mục 1.4 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT định nghĩa đất làm muối là ruộng muối để sử dụng vào mục đích sản xuất muối.
Tại Điều 138 Luật đất đai 2013 quy định đất làm muối được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức giao đất tại địa phương để sản xuất muối. Trường hợp sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất. Ngoài ra, đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vẫn sẽ được Nhà nước cho thuê đất làm muối để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối.
– Đất nông nghiệp khác:
Theo Mục 1.5 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest
[b] Nhóm đất phi nông nghiệp
Mục 2 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT giải thích về nhóm đất này như sau: Nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại đất sử dụng vào mục đích không thuộc nhóm đất nông nghiệp, bao gồm đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác.
Theo đó, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
– Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị:
Mục 2.1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT cũng có giải thích về loại đất này: Đất ở là đất để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ cho đời sống và vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được công nhận là đất ở. Trường hợp thửa đất có vườn ao gắn liền với nhà ở mà chưa được công nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất ở được xác định tạm thời bằng hạn mức giao đất ở mới theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị. Cụ thể:
+ Đất ở tại nông thôn là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các xã, trừ đất ở tại khu đô thị mới đã thực hiện theo quy hoạch phát triển các quận, thành phố, thị xã, thị trấn nhưng hiện tại vẫn thuộc xã quản lý;
+ Đất ở tại đô thị là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn, kể cả đất ở tại các khu đô thị mới đã được thực hiện thuộc phạm vi quy hoạch phát triển của các quận, thành phố, thị xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến thời điểm thống kê, kiểm kê vẫn do xã quản lý.
– Đất xây dựng trụ sở cơ quan:
Đây là loại đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở hoặc văn phòng làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (Mục 2.2.1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT). Loại đất này không được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, công nghiệp hay các hình thức cá nhân nào khác. Thay vào đó, Nhà nước tiến hành quy hoạch và lưu trữ phục vụ những mục đích công.
– Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh:
Về nguyên tắc, khi các chủ thể được giao đất thì đất phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Theo Mục 2.2.2 và 2.2.3 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đất quốc phòng, an ninh có thể dùng làm những mục đích như:
+ Là địa điểm để quân đội trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
+ Nơi quân đội thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quốc phòng, an ninh;
+ Xây dựng các trung tâm đào tạo, huấn luyện; bệnh viện, nhà an dưỡng của quân đội, công an;
+ Xây dựng nhà công vụ của quân đội, công an;
+ Xây dựng các cơ sở giam giữ và giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
Vì loại đất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng. (khoản 2 Điều 50 Nghị định 43/NP-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).
– Đất xây dựng công trình sự nghiệp:
Theo điểm d khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định loại đất này bao gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác. Tại khoản 3 Điều 147 Luật đất đai 2013 nêu rõ việc sử dụng loại đất này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác.
– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp:
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 thì đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
– Đất sử dụng vào mục đích công cộng:
Đây là loại đất bao gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác (điểm e khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013).
– Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng:
+ Theo khoản 1 Điều 159 Luật đất đai 2013 thì: “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.
+ Còn theo khoản 1 Điều 160 Luật đất đai 2013 thì: “Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ”.
– Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng:
Mục 2.5 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đây là loại đất để làm nơi mai táng tập trung, đất có công trình làm nhà tang lễ và công trình để hỏa táng.
Tại Điều 162 Luật đất đai 2013 quy định đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải được quy hoạch, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được khuyến khích nhằm phục vụ cho nhiều địa phương, việc sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm góp phần tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.
– Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng:
Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối là loại đất có mặt nước của các đối tượng thủy văn dạng tuyến không có ranh giới khép kín để tạo thành thửa đất được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo phục vụ cho mục đích thoát nước, dẫn nước (Mục 2.6 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT). Việc khai thác, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định; phải tuân theo quy định về kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực có liên quan và các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường; không làm cản trở dòng chảy tự nhiên; không gây cản trở giao thông đường thủy (khoản 2 Điều 163 Luật đất đai 2013 ).
– Đất phi nông nghiệp khác:
Theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 thì loại đất này bao gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.
[c] Nhóm đất chưa sử dụng
Căn cứ theo Mục 3 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa được đưa vào sử dụng cho các mục đích theo quy định của Luật Đất đai, bao gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
Trong đó:
– Đất bằng chưa sử dụng là đất chưa sử dụng tại vùng bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên.
– Đất đồi núi chưa sử dụng là đất chưa sử dụng trên đất dốc thuộc vùng đồi, núi.
– Núi đá không có rừng cây là đất chưa sử dụng ở dạng núi đá mà trên đó không có rừng cây.
Như vậy, nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa có đủ điều kiện hoặc chưa được xác định để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chưa xác định là đất khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng và Nhà nước chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nào sử dụng ổn định lâu dài.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
3. Căn cứ để xác định loại đất theo Luật Đất đai mới nhất năm 2024
[a] Trường hợp có giấy tờ về đất
Theo quy định tại Điều 11 Luật đất đai 2013 việc xác định loại đất trong trường hợp này dựa theo một trong các căn cứ sau đây:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận nêu trên, để xác định loại đất thì Giấy tờ về quyền sử dụng đất phải là những loại giấy tờ sau đây:
+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
+ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
+ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
+ Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
+ Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ;
+ Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
– Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật đất đai 2013
[b] Trường hợp không có giấy tờ về đất và các trường hợp khác
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11Luật đất đai 2013, Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì:
– Trường hợp đang sử dụng đất mà không có giấy tờ được nêu tại mục 3.1 thì căn cứ để xác định loại đất được quy định như sau:
+ Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng;
+ Trường hợp đang sử dụng, đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
– Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xác định loại đất được căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và dự án đầu tư.
– Đối với thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất cho 02 trường hợp trên đây được thực hiện như sau:
+ Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích cho từng thửa đất đó;
+ Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất có mức giá cao nhất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành.
Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư được xác định là đất ở.
Như vậy, đất được phân thành 3 nhóm chính là đất nông nghiệp; phi nông nghiệp và đất chưa dụng. Việc phân loại này giúp Nhà nước quản trị đất đai một cách thuận tiện và hiệu quả, đồng thời bảo vệ hiệu suất cao khi sử dụng đất.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phân loại đất theo Luật Đất đai mới nhất 2024 được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Phân loại đất theo Luật Đất đai mới nhất 2024 có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm