Phân loại và pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử
1- Phân loại hoạt động thương mại điện tử
Các hoạt động thương mại điện tử có thể được thực hiện thông qua nhiều phương tiện điện tử. Dựa vào loại phương tiện điện tử được thực hiện, có thể phân hoạt động thương mại điện tử thành hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, hoạt động thương mại điện tử có kết nối với mạng viễn thông di động, hoạt động thương mại điện tử có kết nối với các mạng mở khác.
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của các trang mạng trên internet, đa phần các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua các trang mạng được thiết lập dưới các hình thức sau:
- Website thương mại điện tử (đưới đây gọi tắt là website): Đây là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
- Sàn giao dịch thương mại điện tử: Đây là một dạng website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hoá, dịch vụ trên đó.
- Website khuyến mại trực tuyến: Đây cũng là một dạng website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
- Website đầu giá trực tuyến: Đây là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
Với các hình thức trên, về cơ bản, có thể phân hoạt động thương mại điện tử thành hoạt động thương mại được thực hiện trên website thương mại điện tử, hoạt động thương mại được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động thương mại được thực hiện trên website khuyến mại trực tuyến, hoạt động thương mại được thực hiện trên website đấu giá trực tuyến.
Việc phân loại các hoạt động thương mại điện tử như trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào từng loại hoạt động thương mại điện tử. Mỗi loại hoạt động thương mại điện tử này có những đặc điểm riêng về chủ thể tham gia hoạt động và về loại hoạt động thương mại được thực hiện. Ví dụ, đối với hoạt động thương mại điện tử trên website thương mại điện tử, chủ thể thực hiện hoạt động thương mại cũng là chủ thể thiết lập website thương mại điện tử. Còn đối với hoạt động thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử, thì chủ thể thiết lập sàn giao dịch không phải là chủ thể trực tiếp tham gia và thực hiện giao dịch. Đối với hoạt động trên website khuyến mại trực tuyến, hoạt động được thực hiện là hoạt động khuyến mại hàng hóa, dịch vụ cho các thương nhân, tố chức, cá nhân có nhu cầu trên cơ sở của hợp đồng địch vụ khuyến mại giữa các chủ thể này với thương nhân, tố chức thiết lập website.
Còn đối với hoạt động trên website đấu giá trực tuyến thì hoạt động được thực hiện ở trên thông tin này là hoạt động đấu giá.
Xem thêm: Dịch vụ trợ lý pháp lý thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest
2- Pháp luật điều chỉnh thương mại điện tử
Thương mại điện tử phát triển và làm thay đổi cách thức kinh doanh, giao dịch truyền thống đồng thời đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử cũng kéo theo nhu cầu cấp thiết phải có một khung pháp lý cho các hoạt động giao dịch bằng phương tiện điện tử này. Để thương mại điện tử thực sự là công cụ kinh doanh hiệu quả và an toàn, cần phải có các giải pháp không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn cần có một cơ sở pháp lý dầy đủ của quốc gia cũng như quốc tế.
[a] Pháp luật quốc tế
Hiểu được tầm quan trọng của thương mại điện tử, cũng như những tác động to lớn của nó đổi với nền kinh tế thế giới và sự phát triển thương mại của mỗi quốc gia, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, các thiết chế quốc tế về thương mại đã quan tâm và soạn thảo khung pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử. Ở phạm vi toàn cầu, Ủy ban Luật thương mại của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đã ban hành Đạo luật mẫu về thương mại điện tử nhằm xây dựng khung pháp lý thống nhất điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thương mại điện tử. Đây cũng là nỗ lực nhằm hài hòa pháp luật về thương mại điện tử của các quốc gia trên thế giới, đồng thời hướng dẫn các nước đưa ra được những đạo luật phù hợp với khả năng và thực tế kinh doanh của nước mình. UNCITRAL đã ban hành và cho công bố Công ước của Liên hợp quốc về việc sử dụng giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế (UN Convention on the use of electronic communication in international contracts). Việc ban hành Công ước này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của thương mại điện tử trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong việc ký kết các hợp đồng quốc tế. Bên cạnh đó, UNCITRAL cũng cho ra đời một loạt các văn bản cốt lõi của hệ thống luật quốc tế về thương mại điện tử, trong đó có Luật mẫu về chữ ký điện tử năm 2001. Những văn bản này đã đặt nền tảng chuyên môn cho việc xây dựng một hệ thống pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam và giúp Việt Nam hòa nhập và theo kịp các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
[b] Pháp luật quốc gia
Hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam bao gồm: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, quy định một cách khái quát các hoạt động giao dịch điện tử; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử (sau đây viết tắt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP); Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 sửa đổi, bổ sung một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ Công Thương; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây viết tắt là Nghị định số 130/2018/NĐ-CP)...
Nhìn chung, Việt Nam đã ban hành tương đối đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch điện tử. Đối với những lĩnh vực chuyên ngành, có Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra còn phải kể đến các văn bản của các Bộ, ngành về áp dụng thương mại điện tử trong các hoạt động chuyên ngành khác. Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật được ban hành kèm theo, cùng với Luật thương mại năm 2019, Bộ luật dân sự năm 2015 đã tạo nên một hệ thống các văn bản pháp luật về thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc chính thức công nhận về mặt pháp lý hoạt động thương mại điện tử, khuyến khích thương mại điện tử phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam.
Nội dung chủ yếu của các văn bản pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam ghi nhận giá trị pháp lý của các hình thức thông tin điện tử, vấn đề pháp lý trong đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử, cơ chế xử lý vi phạm, tranh chấp trong thương mại điện tử. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có rất nhiều giao dịch thương mại phải được thực hiện dưới hình thức văn bản, đặc biệt là đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Hiện nay, chúng ta chưa có một khái niệm cụ thể, rõ ràng về văn bản. Theo cách hiểu truyền thống, văn bản được đồng nghĩa với giấy tờ (dưới hình thức viết). Trong khi đó, thương mại điện tử có đặc trưng là thương mại không giấy tờ. Nếu các hình thức thông tin điện tử không được ghi nhận về mặt pháp lý như là một hình thức của văn bản, hoặc có giá trị tương đương như văn bản, các giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử, chủ yếu là các hợp đồng giao kết trên mạng internet, sẽ vô hiệu vì không đáp ứng được yêu cầu về mặt hình thức của hợp đồng. Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng thương mại bằng phương tiện điện tử cũng dẫn đến việc phải thừa nhận một hình thức thay thế cho chữ ký tay trong hợp đồng thương mại truyền thống.
Chính vì vậy, để thương mại điện tử được thừa nhận hợp pháp ở nước ta, phải công nhận giá trị pháp lý của các thông tin điện tử cũng như các giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Các giao dịch này thường được thực hiện thông qua hình thức thư điện tử (email) hoặc bằng việc trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange - EDI). Các thông tin điện tử trong giao dịch thương mại điện tử có thể được thế hiện dưới hình thức như: (ii) thông điệp dữ liệu, (ii) chữ kí số, (iii) giao dịch điện tử. Do vậy, đây là những nội dung pháp lý cơ bản của pháp luật về thương mại điện tử.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phân loại và pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Phân loại và pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm