Quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Nội dung bài viết
- 1- Bản chất pháp lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- 2- Chế độ pháp lý về tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- 3- Quản trị nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- 4- Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận
- 5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
1- Bản chất pháp lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên là một loại hình doanh nghiệp, trong đó thành viên công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên ít nhất là 02 (hai) và nhiều nhất là 50 (năm mươi). Công ty TNHH hai thành viên trở lên, có một số đặc điểm cơ bản sau:
(i) Trách nhiệm hữu hạn: Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Riêng đối với các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, họ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
(ii) Chuyển nhượng vốn góp: Việc chuyển nhượng phần vốn góp bị hạn chế hơn so với công ty cổ phần. Thành viên công ty chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định tại Điều 51, 52 và 53 Luật Doanh nghiệp 2020.
(iii) Tư cách pháp nhân: Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng tài sản của công ty.
(iv) Phát hành cổ phần: Công ty không được quyền phát hành cổ phần trừ trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest
2- Chế độ pháp lý về tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty đối vốn không được phát hành cổ phiếu ra thị trường. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. Sau thời hạn này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:
(i) Thành viên chưa góp vốn: Đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
(ii) Thành viên chưa góp đủ vốn: Có các quyền tương ứng với phần vốn đã góp.
(iii) Phần vốn chưa góp: Được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Thành viên công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành nghị quyết của Hội đồng thành viên về sửa đổi Điều lệ, tổ chức lại công ty hoặc các trường hợp khác theo Điều lệ. Công ty phải mua lại phần vốn góp theo giá thị trường hoặc giá quy định tại Điều lệ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu công ty không mua lại, thành viên có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Trong quá trình hoạt động của công ty, thành viên có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác với điều kiện chào bán cho các thành viên còn lại trước. Nếu các thành viên không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, thành viên có quyền chuyển nhượng cho người khác không phải là thành viên. Trường hợp chuyển nhượng dẫn đến công ty chỉ còn một thành viên, công ty phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên trong vòng 15 ngày.
Công ty có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Công ty có thể giảm vốn điều lệ theo quyết định của Hội đồng thành viên theo các hình thức và thủ tục quy định tại Điều 68 Luật Doanh nghiệp. Công ty chỉ được chia lợi nhuận khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, và phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn phải trả sau khi chia lợi nhuận.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
3- Quản trị nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Bộ máy quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm:
Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty TNHH hai thành viên trở lên là Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 phải thành lập Ban kiểm soát, các trường hợp khác do công ty quyết định.
[a] Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty bao gồm tất cả các thành viên công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.
Hội đồng thành viên có thể được triệu tập họp bất cứ khi nào theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc của thành viên (hoặc nhóm thành viên) sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên (hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn do điều lệ công ty quy định), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020. Thủ tục triệu tập họp hội đồng thành viên, điều kiện, thể thức tiến hành họp và ra quyết định của hội đồng thành viên được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 57 đến Điều 62 Luật Doanh nghiệp 2020.
Với tư cách là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, Hội đồng thành viên có quyền xem xét và quyết định những vấn đề chủ yếu, quan trọng nhất của công ty như: sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty; phương hướng phát triển công ty; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, kế toán trưởng và người quản lý khác theo quy định tại Điều lệ; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty; tổ chức lại hoặc giải thể,phá sản công ty. Các quyền và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng thành viên được quy định trong Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
[b] Chủ tịch Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Chủ tịch hội đồng thành viên có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty nếu Điều lệ công ty quy định như vậy. Trong trường hợp này các giấy tờ giao dịch của công ty phải ghi rõ tư cách đại diện theo pháp luật cho công ty của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
[c] Giám đốc (Tổng giám đốc)
Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, do Hội đồng thành viên bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng và chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên khác hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty. Người đại diện theo pháp luật phải cư trú tại Việt Nam; trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt ở Việt Nam trên ba mươi ngày thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Giám đốc (Tổng giám đốc) có các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
[d] Ban kiểm soát, kiểm soát viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định .
Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 168 và Điều 169 của Luật doanh nghiệp 2020.
Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên được thực hiện tương ứng theo quy định tại các điều 106, 170, 171, 172, 173 và 174 của Luật doanh nghiệp năm 2020.
Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
4- Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận
Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng nhất định phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, bao gồm: thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty và người có liên quan của những người này; người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ và người có liên quan của những người này.
Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật doanh nghiệp 2020. Thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.
Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 67. Người ký kết hợp đồng, giao dịch, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó tham gia hợp đồng, giao dịch phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm