Phương pháp quản lý hành chính nhà nước
1- Phương pháp thuyết phục
Nội dung của phương pháp này là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện, thông qua phương pháp này giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước, động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội.
Phương pháp thuyết phục sử dụng những biện pháp khác nhau như: tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, phát triển các hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng,…
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest
2- Phương pháp cưỡng chế hành chính
Cưỡng chế hành chính là biện pháp cưỡng chế nhà nước do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính hoặc đối với cá nhân, tổ chức nhất định với mục đích ngăn chặn hay phòng ngừa vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nội dung của phương pháp này là những tác động mang tính chất bắt buộc, có thể gây thiệt hại về vật chất, tinh thần hay các quyền, lợi ích khác của đối tượng quản lý nhằm thực hiện các yêu cầu quản lý đặt ra.
Phương pháp cưỡng chế trong quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong việc áp dụng những quyết định đơn phương đối với đối tượng quản lý.
Phương pháp cưỡng chế trong quản lý hành chính nhà nước chỉ được áp dụng trong trường hợp đối tượng quản lý không tự giác thực hiện những nghĩa vụ, những yêu cầu của quản lý hành chính nhà nước hay vi phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Cưỡng chế hành chính nhà nước bao gồm: các hình thức xử phạt hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử ý vi phạm hành chính; các biện pháp khắc phục hậu quả của vi phạm hành chính; các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; các biện pháp xử lý hành chính khác; các biện pháp phòng ngừa vi phạm hành chính; các biện pháp được áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: hình thức phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền), hình phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính).
Hình thức trục xuất có thể được sử dụng như là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung để áp dụng đối với người ngước ngoài vi phạm hành chính.
Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính gồm: tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bảo lãnh hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính; truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong trường hợp bỏ trốn.
Các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;Các biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; Khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Các biện pháp xử ý hành chính khác gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trân; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa hành chính gồm: đóng cửa biên giới; kiểm tra giấy tờ (Căn cước công dân, giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe…).
Các biện pháp được áp dụng trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia gồm: trưng mua, trưng dụng tài sản; di dân, giải phòng mặt bằng….
Những lưu ý khi áp dụng biện pháp cưỡng chế:
- Chỉ sử dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết, khi phương pháp thuyết phục không mang lại hiệu quả hoặc không có khả năng đảm bảo thực hiện.
- Cần lựa chọn biện pháp cưỡng chế có hiệu quả nhất trong những biện pháp cưỡng chế được áp dụng.
- Không áp dụng biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp mục đích đề ra đã đạt được hoặc cả khi những mục tiêu đề ra là không thể thực hiện được.
- Khi áp dụng biện áp cưỡng chế cần cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, cũng như cho xã hội.
- Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể.
- Trong khi áp dụng biện pháp cưỡng chế cần chú ý đến đặc điểm của đối tượng bị cưỡng chế.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
3- Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là phương pháp quản lý bằng các ra chỉ thị từ trên xuống, nghĩa là ra những quyết định bắt buộc đối với đối tượng quản lý.
Đặc trưng của phương pháp hành chính là sự tác động trực tiếp lên đối tượng quản lý thông qua việc đơn phương xác định nhiệm vụ, những yêu cầu mà đối tượng quản lý cần thực hiện.
Phương pháp hành chính thể hiện tính chất quyền lực trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Cơ sở của phương pháp này là nguyên tắc tập trung dân chủ, sự phục tùng của cấp dưới đối với mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên.
Phương pháp hành chính cần thiết để bảo đảm hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước và bảo đảm kỷ luật nhà nước.
4- Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng đòn bảy kinh tế tác động đến lợi ích của con người, tổ chức.
Nội dung của phương pháp kinh tế là sự quản lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích.
Lợi ích là điểm trung tâm, là cơ sở của sự phát triển của phương pháp kinh tế.
Lợi ích cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa phương pháp kinh tế và phương pháp hành chính.
Phương pháp kinh tế sử dụng những đòn bẩy kinh tế như: quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; chế độ hạch toàn kinh tế; chế độ khen thưởng… nhằm tạo điều kiện vật chất thuận lợi động viên đối tượng quản lý phát huy năng lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, sử dụng hợp lý nguồn lực được giao, phát huy và khai thác có hiệu quả nhất khả năng sẵn có.
Trong quản lý hành chính nhà nước, phương pháp kinh tế và phương pháp hành chính không đối lập mà cần được kết hợp, bổ sung lẫn nhau trên cơ sở quy định của pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phương pháp quản lý hành chính nhà nước được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Phương pháp quản lý hành chính nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm