Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh từ sự kiện sinh con tự nhiên

15/02/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Quan hệ huyết thống giữa mẹ - con, cha - con tồn tại một cách tự nhiên trong quá trình phát triển của xã hội loài người không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đứa trẻ. Sự kiện sinh con của người phụ nữ chưa đủ để làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật.

1- Khái niệm sự kiện sinh con

Sự kiện sinh con của người phụ nữ là một sự kiện thực tế, làm phát sinh mối quan hệ mẹ - con tự nhiên về huyết thống. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học và y học, việc sinh con không chỉ được thực hiện bằng cách thụ thai tự nhiên qua quan hệ tình dục trực tiếp giữa hai bên nam, nữ mà còn được thực hiện bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Do đó, việc xác định cha, mẹ, con được pháp luật quy định trong hai trường hợp cơ bản là: sinh con tự nhiên và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Một trong những chức năng tự nhiên cơ bản của người phụ nữ là khả năng thụ thai, mang thai và sinh con trên cơ sở quan hệ sinh lý tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà. Chức năng sinh học tự nhiên đó gắn liền với người phụ nữ và không thể thay thế. Thông thường, khi người phụ nữ thụ thai, mang thai và sinh ra một đứa trẻ thì giữa người phụ nữ và đứa trẻ đó có mối quan hệ huyết thống, đứa trẻ mang gen di truyền của người phụ nữ đã sinh ra nó và giữa hai bên có mối quan hệ mẹ - con. Đó là mối quan hệ huyết thống tự nhiên tuân theo những quy luật sinh học trong quá trình duy trì nòi giống.

Quan hệ huyết thống giữa mẹ - con, cha - con tồn tại một cách tự nhiên trong quá trình phát triển của xã hội loài người không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đứa trẻ. Tuy nhiên, sự kiện sinh con của người phụ nữ chưa đủ để làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật. Chẳng hạn, khi đứa trẻ được sinh ra mà cha mẹ không làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì mối quan hệ cha mẹ và con chưa được thừa nhận về mặt pháp lý; đối với nhà nước, đứa trẻ chưa được thừa nhận là công dân của quốc gia. Để làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con về mặt pháp lý, bên cạnh sự kiện sinh con, cần phải thực hiện những hành vi pháp lý khác theo quy định của pháp luật, mà trước hết là đăng kỳ khai sinh cho con.

Trong trường hợp đứa trẻ sinh ra mà bị bỏ rơi thì cần thực hiện việc xác định cha, mẹ, con theo những căn cứ, thủ tục, trình tự nhất định. Việc xác định cha, mẹ, con có ý nghĩa quan trọng. Bằng các thủ tục pháp lý, việc xác định quan hệ cha - con, mẹ - con trên cơ sở sự kiện sinh đẻ được xác thực về mặt pháp lý, là cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa cha, mẹ và con, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp về việc xác định quan hệ cha - con, quan hệ mẹ - con.Theo quy định của pháp luật, việc xác định cha, mẹ, con được hiểu ở cả hai chiều: xác định cha, mẹ cho con và xác định con cho cha, mẹ.

Từ góc độ pháp lý, việc xác định cha, mẹ, con được điều chỉnh trong hai trường hợp: con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật (có hôn nhân hợp pháp - con trong giá thú) và con mà cha mẹ không phải là vợ chồng trước pháp luật (không có hôn nhân hợp pháp - con ngoài giá thú). Sự điều chỉnh của pháp luật trong việc xác định cha, mẹ, con dựa trên những căn cứ có tính phổ biến, thông thường, phù họp với thực tế đời sống.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

2- Xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật

Con do cha mẹ có hôn nhân hợp pháp sinh ra là con trong giá thú. Nói cách khác, con trong giá thú là con mà cha mẹ được công nhận là vợ chồng trước pháp luật. Trong trường hợp hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 không đăng ký kết hôn nhưng được công nhận là vợ chồng theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì con sinh ra cũng được coi là con trong giá thú. 

Việc xác định cha, mẹ cho con trong giá thú căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cha mẹ đứa trẻ. Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. Ngày chấm dứt hôn nhân được xác định là ngày mà một bên vợ hoặc chồng chết trước hoặc vợ, chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc là ngày mà bản án, quyết định của Tòa án giải quyết việc li hôn của vợ chồng có hiệu lực pháp luật.

Trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ sinh con hoặc có thai thì đứa con được xác định là con chung của vợ chồng, người chồng của mẹ đứa trẻ mặc nhiên được coi là người cha của đứa trẻ. Người vợ không cần phải chứng minh chồng mình là cha của đứa trẻ. Trong trường hợp người chồng nghi ngờ đứa trẻ do vợ mình sinh ra không phải là con mình thì người chồng có quyền và nghĩa vụ chứng minh.

Pháp luật của các quốc gia đều quy định nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ cho con. Ví dụ: Điều 312 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Nếu con được thụ thai trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng là cha đứa trẻ...”. Nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha mẹ cho con cũng đã được quy định trong pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Kế thừa các Luật Hôn nhân và gia đình trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha mẹ cho con tại Điều 88 như sau: “1- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ cỏ thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Theo quy định trên, việc xác định cha, mẹ cho con trong giá thú dựa trên các căn cứ sau:

- Người vợ sinh con trong thời kỳ hôn nhân. Con do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân tức là con được người vợ sinh ra ở bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ khi kết hôn đến khi hôn nhân chấm dứt, đều mặc nhiên được suy đoán là con chung của vợ chồng. Người chồng của người vợ được xác định là cha của đứa trẻ do người vợ sinh ra.

- Người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân: Người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng của mẹ đứa trẻ được xác định là cha của đứa trẻ. Sự phát triển của thai nhi trong thời kỳ hôn nhân tuân theo quy luật phát triển tự nhiên về mặt sinh học của thai nhi. Căn cứ vào sự phát triển tự nhiên về mặt sinh học của thai nhi, dưới góc độ y học, thời gian mang thai tối thiểu là 180 ngày và thời gian mang thai tối đa là 300 ngày tính từ ngày người vợ thụ thai. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, do người vợ đã có thai với người chồng đã chết hoặc đã ly hôn trong thời kỳ hôn nhân.

Pháp luật của nhiều quốc gia cũng quy định về trường hợp con sinh ra trong thời hạn 300 ngày sau khi chấm dứt hôn nhân được suy đoán là con của người chồng về nguyên tắc, con do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc có thai trong thời kỳ đó thì người chồng của mẹ đứa trẻ được xác định là cha của đứa trẻ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp “cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”. Quy định này nhằm đảm bảo quyền của người cha, người mẹ trong việc xác lập quan hệ cha - con, mẹ - con và là một nội dung không thể thiếu của nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con.

Về thủ tục xác định cha, mẹ cho con trong giá thú: Khi đứa trẻ được sinh ra mà người chồng im lặng, không có ý kiến gì thì người chồng mặc nhiên được xác định là cha của đứa trẻ đó. Việc xác định cha, mẹ cho con trong các trường hợp thông thường thuộc thẩm quyền của cơ quan hộ tịch (đó là ủy ban nhân dân cấp xã), qua việc đăng kỳ khai sinh cho đứa trẻ. ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào Giấy chứng sinh và Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng sẽ ghi họ tên của người chồng vào cột họ tên cha của đứa trẻ, họ tên người vợ vào cột họ tên mẹ trong Giấy khai sinh của trẻ. Bằng thủ tục đăng ký khai sinh, việc xác định cha, mẹ cho con được thực hiện. 

Trong trường hợp người chồng không thừa nhận con do người vợ có thai hoặc sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con mình thì người chồng có quyền yêu cầu xác định đứa trẻ không phải là con mình. Thẩm quyền xác định lại vấn đề này thuộc Tòa án. Người chồng có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình không thể là cha của đứa trẻ do người vợ sinh ra. Pháp luật không có quy định cụ thể về các chứng cứ mà người chồng phải chứng minh để phủ nhận quan hệ cha - con. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, những chứng cứ đó có thể là: người chồng bị vô sinh, người chồng không có quan hệ sinh lý với người vợ trong thời gian người vợ có thể thụ thai đứa trẻ do đi công tác xa, bị ốm đau, tai nạn; kết quả giám định gen...

Căn cứ vào các chứng cứ mà người chồng chứng minh, Tòa án sẽ quyết định đứa trẻ do người vợ sinh ra có phải là con của người chồng hay không. Trường họp người chồng chứng minh được người vợ có quan hệ sinh lý với người đàn ông khác trong thời gian có thể thụ thai đứa con, nhưng nếu người chồng cũng có quan hệ sinh lý với vợ trong khoảng thời gian đó thì con vẫn được xác định là con của người chồng, trừ trường họp có chứng cứ rõ ràng chứng minh đứa trẻ không phải là con của người chồng (qua kết quả giám định gen - ADN). 

Việc xác định cha, mẹ cho con trong giá thú dựa trên cơ sở nguyên tắc suy đoán pháp lý, tức là dựa vào sự kiện đăng ký kết hôn và thời kỳ hôn nhân của cha, mẹ đứa trẻ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

3- Xác định cha, mẹ cho con sinh ra khi cha, mẹ của trẻ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp

Cha, mẹ của trẻ không có hôn nhân hợp pháp thì con sinh ra là con ngoài giá thú. Vì cha, mẹ của trẻ không có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận nên việc xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú không căn cứ vào nguyên tắc suy đoán pháp lý mà căn cứ vào sự kiện thực tế xảy ra là thời gian quan hệ chung sống với nhau của cha, mẹ đứa trẻ. 

Về thủ tục, việc xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú được thực hiện thông qua thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp.

[a] Thủ tục hành chính

Theo quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch, việc đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con. Việc xác định cha, mẹ cho con thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã trong trường họp việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp. Điều 25 Luật Hộ tịch quy định: Nguời yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha - con hoặc mẹ - con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi muốn nhận con, người cha, người mẹ có thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh đứa trẻ là con mình và cả hai bên đều thừa nhận. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để thể hiện ý chí của mình đồng ý về việc đăng kỳ nhận cha, mẹ, con.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch thì “trích lục hộ tịch ỉà văn bản do cơ quan nhà nước cỏ thẩm quyền câp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích ỉục hộ tịch được cấp ngay sau khỉ sự kiện hộ tịch được đăng ký”. Tùy theo yêu cầu của các bên đương sự, Trích lục đăng ký nhận cha - con hoặc nhận mẹ - con được người có thẩm quyền ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc. 

Việc đăng ký nhận cha - con, nhận mẹ - con có hiệu lực kể từ ngày cấp Trích lục. Trên cơ sở đó, họ tên của người đàn ông sẽ được ghi ở cột họ tên cha của đứa trẻ, họ tên của người phụ nữ được ghi trong cột họ tên mẹ của đứa trẻ trong Giấy khai sinh của trẻ. Theo quy định của pháp luật hộ tịch, nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ, người cha hoặc người mẹ làm thủ tục nhận con thì ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp việc giải quyết nhận con và đăng ký khai sinh.

Pháp luật chưa có quy định rõ các chứng cứ mà người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền bao gồm những chứng cứ nào, do đó, người có yêu cầu có quyền cung cấp mọi bằng chứng liên quan đến việc sinh ra đứa trẻ. Thông thường, việc xác định con theo thủ tục hành chính dựa trên cơ sở tự nguyện, không có tranh chấp của cha, mẹ đứa trẻ, nên các chứng cứ, sự kiện nhằm xác định quan hệ sinh lý đã có giữa hai bên cha, mẹ của trẻ được hai bên tự nguyện thừa nhận, và đó là cơ sở để xác định cha, mẹ của đứa trẻ.

[b] Thủ tục tư pháp

Việc xác định cha, mẹ, con có tranh chấp hoặc không tự nguyện sẽ do Tòa án giải quyết. Người có yêu cầu xác định cha cho con hoặc mẹ cho con có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh. Trong thực tế xét xử, Tòa án có thể dựa trên các sự kiện sau để xác định quan hệ cha - con: 

(i) Trong thời gian có thể thụ thai, người mẹ của đứa trẻ và người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ đã chung sống với nhau như vợ chồng.

(ii) Người mẹ của đứa trẻ đã bị người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ hiếp dâm, cưỡng dâm trong thời kỳ có thể thụ thai.

(iii) Có kết quả giám định gen theo thủ tục tố tụng xác định quan hệ cha - con giữa người đàn ông với đứa trẻ hoặc quan hệ mẹ - con giữa người mẹ với đứa trẻ.

Trên cơ sở các chứng cứ được chứng minh, Tòa án sẽ ra bản án xác định mối quan hệ cha con, mẹ con. Họ tên của người được xác định là cha, là mẹ của đứa trẻ trong bản án là cơ sở pháp lý để ghi họ tên cha, họ tên mẹ của trẻ trong Giấy khai sinh và làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha và con, mẹ và con.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh từ sự kiện sinh con tự nhiên được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh từ sự kiện sinh con tự nhiên có sử dụng  những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết. 

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Quan hệ giữa cha mẹ và con phát sinh từ sự kiện sinh con tự nhiên

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.49113 sec| 997.555 kb