Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền dân sự

21/03/2024
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Quyền dân sự được hiểu là quyền được hành động theo ý muốn cá nhân trong phạm vi pháp luật cho phép trong các giao dịch dân sự, xuất phát từ lĩnh vực dân sự nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần của bản thân chủ thể. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về quyền dân sự, quyền dân sự bao gồm các loại quyền gì?

1- Khái niệm về quyền dân sự 

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp là đạo luật quan trọng giữ vai trò nền tảng trong việc ghi nhận quyền dân sự. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự đã làm rõ các quyền dân sự và các quy định liên quan. Theo Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". 

Có thể hiểu, quyền dân sự là cách xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể nhất định được hưởng. Dựa trên cơ sở các căn cứ xác lập quyền dân sự được quy định tại Điều 8 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, các quyền dân sự của chủ thể bao gồm: (i) Chủ thể có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Một ví dụ điển hình là chủ thể có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn cản việc tẩu tán tài sản, tránh việc né tránh nghĩa vụ pháp lý từ phía người xâm phạm quyền lợi. Chủ thể được quyền thực hiện các hành động cụ thể được pháp luật cho phép để thực hiện quyền của mình. Điều này có thể được thực hiện trực tiếp (ví dụ, chủ sở hữu tự mình chiếm hữu, sử dụng, và quyết định về tài sản) hoặc gián tiếp (ủy quyền cho người khác chiếm hữu, sử dụng và quyết định tài sản). Chủ thể có quyền không thực hiện một số hành động: Khi pháp luật công nhận quyền dân sự cho chủ thể, chủ thể đó có quyền chọn không thực hiện quyền đó. Ví dụ, mặc dù pháp luật cho phép việc lập di chúc để quyết định về di sản, người để lại di sản có thể chọn không lập di chúc. Chủ thể có quyền yêu cầu chủ thể khác thực hiện hoặc không thực hiện hành động cụ thể, phục vụ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người khác. Chẳng hạn, trong một hợp đồng mua bán, bên bán có thể yêu cầu bên mua thanh toán, và bên mua có quyền đòi hỏi bên bán phải giao tài sản; bên thiệt hại có quyền đề nghị bên gây thiệt hại bồi thường. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Các loại quyền dân sự 

Quyền dân sự bao gồm những quyền được pháp luật công nhận, cho phép chủ thể tự do hành động theo ý muốn của mình, chia thành hai loại: Quyền liên quan đến tài sản và quyền liên quan đến nhân thân. Quyền về tài sản đề cập đến những quyền mà việc thực hiện chúng mang lại lợi ích vật chất cho chủ thể, trong khi quyền liên quan đến nhân thân chỉ nhằm ghi nhận các giá trị tinh thần của chủ thể. Khi chủ thể thực hiện các quyền này, họ tập trung vào việc thể hiện và bảo vệ các giá trị tinh thần của bản thân.

[a] Quyền dân sự liên quan đến tài sản 

Quyền dân sự về tài sản là khái niệm chỉ quyền của chủ thể đối với tài sản cụ thể hoặc các lợi ích vật chất, bao gồm: Quyền sở hữu; quyền hưởng thừa kế, quyền di chúc, và các quyền khác liên quan đến tài sản; quyền tham gia vào giao dịch, quyền yêu cầu được cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; và quyền đòi lại tài sản. Cần phải nhận biết sự khác biệt giữa "quyền dân sự liên quan đến tài sản" và "quyền tài sản". Trong đó, "quyền dân sự liên quan đến tài sản" ám chỉ tất cả các quyền mà khi thực hiện mang lại lợi ích cho chủ thể, còn "quyền tài sản" được hiểu như là một loại tài sản. Ví dụ, quyền sở hữu được coi là quyền dân sự liên quan đến tài sản, trong khi đó, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi nợ lại được xem là các loại tài sản.

Quyền dân sự về tài sản có các đặc điểm như sau: (i) Tài sản hoặc lợi ích vật chất là đối tượng của quyền. (ii) Có giá trị trao đổi. (iii) Chủ thể quyền có khả năng đòi hỏi. Điều này có nghĩa là, nếu người nào có nghĩa vụ tài sản không thực hiện nghĩa vụ của mình, chủ thể quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ để bảo vệ quyền của mình. Hơn nữa, chủ thể quyền có khả năng yêu cầu đòi lại tài sản trước sự chiếm hữu của bất kỳ chủ thể nào khác.

Có thể phân chia quyền dân sự liên quan đến tài sản thành các loại sau đây: 

Thứ nhất, dựa vào đối tượng của quyền: Quyền liên quan đến tài sản được phân thành hai loại là quyền về tài sản gắn với nhân thân và quyền về tài sản không gắn với nhân thân. 

Quyền về tài sản gắn với nhân thân là quyền tài sản mà lợi ích vật chất phát sinh từ quyền đó chỉ thuộc về cá nhân cụ thể được xác định. Việc không chuyển giao quyền tài sản cho chủ thể khác do bản chất của quyền này chỉ thuộc về các cá nhân cụ thể. Chẳng hạn, quyền hưởng tiền cấp dưỡng, quyền nhận tiền hưu trí, quyền nhận tiền thưởng do được tặng các danh hiệu. Ngoài ra, có thể do các chủ thể thỏa thuận, quyền tài sản này không được phép chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ, các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền là quyền đòi nợ không được chuyển giao cho bất cứ chủ thể nào. 

Quyền về tài sản không gắn với nhân thân là quyền đối với tài sản có thể chuyển giao từ chủ thể này sang cho chủ thể khác. Chẳng hạn, quyền sở hữu tài sản có thể được chuyển giao từ chủ thể này sang chủ thể khác thông qua mua bán, tặng cho... 

Thứ hai, dựa vào cách thức thực hiện quyền: Quyền liên quan đến tài sản được phân thành hai loại là vật quyền và trái quyền. 

Vật quyền (quyền đối vật) là quyền mà chủ thể có thể thực hiện quyền của mình bằng cách tác động trực tiếp trên vật, không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ chủ thể nào khác. Vật quyền bao gồm: quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (bao gồm quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề). 

Trái quyền (quyền đối nhân) là quyền mà chủ thể có thể đạt được thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của người khác. Trái quyền có thể phát sinh do thoả thuận của các bên (ví dụ, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng) hoặc cũng có thể do quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm). 

[b] Quyền dân sự liên quan đến nhân thân (quyền nhân thân)

Quyền nhân thân là những quyền gắn liền với giá trị tinh thần của mỗi chủ thể, về cơ bản không thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp luật có quy định khác, bao gồm: Quyền đối với họ, tên (quyền có họ, tên, quyền thay đổi họ, tên); quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; quyền xác định lại giới tính; chuyển đổi giới tính; quyền về đời sống riêng tư; bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình. 

Quyền nhân thân có hai đặc điểm cơ bản:

  • Một là, luôn gắn liền với một cá nhân nhất định và mang tính chất là những yếu tố tỉnh thần của chủ thể đó.
  • Hai là, quyền nhân thân không trị giá được bằng tiền, không thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp luật khác có quy định khác. 

Quyền về nhân thân có thể được phân loại như sau: 

Nếu dựa vào tính chất thì có thể phân loại thành quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản. 

Quyền nhân thân gắn với tài sản là quyền mà chủ thể nắm giữ các giá trị nhân thân từ quyền đó có thể được hưởng thêm những lợi ích vật chất khi có những sự kiện pháp lý nhất định xảy ra. Ví dụ, quyền công bố, phổ biến tác phẩm là quyền nhân thân gắn với tài sản: khi tác phẩm được xuất bản, tác giả sẽ được hưởng một khoản thù lao; quyền đối với hình ảnh của cá nhân: khi ảnh của một người được dùng để quảng cáo thì người có hình ảnh sẽ được nhận một khoản tiền thù lao. 

Quyền nhân thân không gắn với tài sản là những quyền mà pháp luật quy định cho mỗi cá nhân, bản thân những quyền này không tạo ra các lợi ích vật chất, không mang nội dung kinh tế cho các chủ thể. Ví dụ, các quyền nhân thân quy định từ Điều 26 đến Điều 31 và từ Điều 33 đến Điều 39 BLDS năm 2015. 

Nếu dựa vào cơ sở hình thành thì có thể phân loại thành quyền nhân thân do pháp luật quy định và quyền nhân thân do cá nhân, pháp nhân tạo ra. 

Quyền nhân thân do pháp luật quy định là những quyền nhân thân được ghi nhận trong những văn bản là nguồn của luật dân sự như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, các luật chuyên ngành có liên quan hay các văn bản khác. Như vậy, cơ sở hình thành quyền nhân thân trong trường hợp này là phải có sự ban hành một văn bản pháp luật nhất định và khi văn bản đó có hiệu lực thì sẽ làm phát sinh các quyền nhân thân quy định trong văn bản đó. 

Quyền nhân thân do cá nhân tạo ra là những quyền nhân thân phát sinh từ hoạt động lao động sáng tạo tinh thần. Ví dụ, khi cá nhân sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thì được hưởng các quyền nhân thân đối với tác phẩm đó như quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. 

Nếu dựa vào đối tượng của quyền nhân thân, có thể phân loại quyền về nhân thân thành 5 nhóm như sau: 

Nhóm quyền cả biệt hóa cá nhân: Bao gồm các quyền đối với họ, tên (từ Điều 26 đến Điều 28), quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29), quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30), quyền đối với quốc tịch (Điều 31), quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32). Đây là nhóm quyền thể hiện rõ đặc trưng của luật dân sự khi tạo ra sự độc lập của một cá nhân với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Điều này có ý nghĩa trong việc xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể cũng như trách nhiệm pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu khi tham gia vào những quan hệ này. 

Nhóm quyền liên quan đến thân thể con người: Bao gồm quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33), quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35), quyền xác định lại giới tính (Điều 36). Riêng quy định tại Điều 37 “Chuyển đổi giới tính" vẫn còn gây tranh cãi khi luật không quy định đây được xem là một quyền hay không do mặc dù nằm trong phần các quyền nhân thân nhưng khác với các Điều khác trong phần này, tiêu đề của Điều 37 lại không ghi là quyền mà chỉ ghi nhận là “Chuyển đổi giới tính". 

Nhóm quyền liên quan đến tinh thần của con người: Bao gồm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34), quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38). 

Nhóm quyền trong các quan hệ hôn nhân và gia đình: Nhóm quyền này được quy định tại Điều 39, bao gồm các quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác phát sinh trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Các quyền này được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn. 

Nhóm quyền liên quan đến đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ: Nhóm quyền này được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền dân sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền dân sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17087 sec| 986.641 kb