Quy định pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại
1- Khái niệm về hợp đồng thương mại
Hiện nay, Luật Thương mại 2005 mới chỉ đưa ra quy định về nhượng quyền thương mại mà chưa đưa ra được một định nghĩa chính thức về hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tại Điều 285 của Luật Thương mại năm 2005, với tiêu đề “hợp đồng nhượng quyền thương mại” cũng chỉ quy định về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại, theo đó: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Có thể hiểu rằng, hợp đồng nhượng quyền thương mại vẫn mang trong mình đặc điểm chung của hợp đồng được quy định ở Bộ luật Dân sự 2015, theo đó cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật dân sự đặt ra với mỗi giao dịch dân sự. Về cơ bản, định nghĩa hợp đồng nhượng quyền thương mại đã được phản ánh thông qua khái niệm về hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005.
Tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP) có đề cập đến định nghĩa về các dạng đặc biệt của hợp đồng nhượng quyền thương mại như “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” hay “Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp”. Hoàn toàn có thể hiểu được việc đưa ra định nghĩa về những dạng biến thể này là cần thiết. Tuy nhiên việc pháp luật thương mại không đưa ra định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa đảm bảo tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay. Việc không có một khái niệm chính thức, rõ ràng về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa bảo đảm tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, sẽ khiến cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn, thiếu minh bạch, dễ tùy tiện… bởi hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng có nhiều nét tương đồng, dễ gây nhầm lẫn với nhiều loại hợp đồng khác như li-xăng, chuyển giao công nghệ, đại lý…Ví dụ, khi bị từ chối đăng ký nhượng quyền thương mại, có tình trạng các doanh nghiệp lách luật bằng cách ký kết “hợp đồng đại lý” với đối tác, theo đó, trong hợp đồng sẽ có thỏa thuận cho phép đối tác sử dụng phương thức kinh doanh và thương hiệu của mình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
2- Phân loại hợp đồng nhượng quyền thương mại
Mặc dù không cung cấp định nghĩa cụ thể cho Hợp đồng nhượng quyền thương mại, pháp luật về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam vẫn điều chỉnh các dạng biến thể của hợp đồng này. Theo quy định của Nghị định 35/2006/NĐ - CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ, có hai loại hợp đồng được đề cập, bao gồm: (i) "Hợp đồng phát triển quyền thương mại" (Điều 3 Khoản 8) và (ii) "Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp" (Điều 3 Khoản 10). Theo đó, Hợp đồng phát triển quyền thương mại cho phép Bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền tạo ra nhiều cơ sở kinh doanh của mình trong một khu vực địa lý cụ thể. Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp là hợp đồng được ký kết giữa Bên nhượng quyền thứ cấp và Bên nhận quyền thứ cấp theo quyền thương mại chung. Quyền thương mại chung được Bên nhượng quyền giao cho Bên nhượng quyền thứ cấp, cho phép Bên nhượng quyền thứ cấp chuyển giao quyền thương mại cho các bên nhận quyền thứ cấp khác. Tuy nhiên, Bên nhận quyền thứ cấp không được phép chuyển giao lại quyền thương mại chung này.
Theo quy định của pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam, ngoài hợp đồng nhượng quyền thương mại thông thường, trong đó việc chuyển quyền được tiến hành trực tiếp từ bên nhượng quyền gốc đến từng bên nhận quyền riêng lẻ, còn tồn tại các dạng hợp đồng nhượng quyền thương mại khác. Trong các dạng này, quyền thương mại được chuyển giao và phát triển một cách gián tiếp thông qua một bên đóng vai trò là bên nhận quyền sơ cấp cũng là bên nhượng quyền thứ cấp. Bên này sau khi nhận quyền từ bên nhượng quyền gốc tiến hành chuyển giao quyền cho các bên nhận quyền khác. Dạng hợp đồng này kết hợp giữa hai hợp đồng: hợp đồng giữa bên nhượng quyền gốc - là chủ sở hữu của quyền thương mại với bên nhận quyền sơ cấp và hợp đồng giữa bên nhượng quyền thứ cấp (chính là bên nhận quyền sơ cấp trong hợp đồng thứ nhất) với các bên nhận quyền khác. Với loại hợp đồng nhượng quyền thương mại như vậy, mạng lưới nhượng quyền thương mại được phát triển và mở rộng thông qua một bên đóng vai trò trung gian giữa bên nhượng quyền gốc và các bên nhận quyền riêng lẻ, do đó có thể gọi là hợp đồng nhượng quyền thương mại gián tiếp.
Có thể thấy rằng, pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã bắt đầu phân loại các loại hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhưng sự phân loại này chưa được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ và trực tiếp. Với các điều khoản còn thiếu sót, việc giải thích các khái niệm còn mang tính viện dẫn, những quy định này dễ gây ra những khó khăn trong quá trình hiểu và áp dụng. Hơn nữa, việc thiếu khái niệm cơ bản như Hợp đồng nhượng quyền thương mại đã làm cho việc giải thích của hai khái niệm Hợp đồng phát triển quyền thương mại và Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trở nên mơ hồ và thiếu đi tính logic cần thiết, khi mà cả hai khái niệm này đều được giải thích thông qua khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại. Như vậy, sự hiện diện của một số điều luật dường như không thực sự mang ý nghĩa cho các thương nhân khi họ cần phải phân biệt và lựa chọn ký kết các loại hợp đồng nhượng quyền thương mại trong thực tiễn kinh doanh của mình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest
3- Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định thời hạn tối thiểu cho hợp đồng nhượng quyền thương mại. Việc xác định thời hạn hợp đồng phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa hai bên. Điều này khác biệt so với một số quốc gia khác như Mỹ (tối thiểu 3 năm) và Trung Quốc (tối thiểu 5 năm). Mục đích của việc quy định thời hạn tối thiểu trong những quốc gia này là để đảm bảo bên nhận quyền có đủ thời gian để thu hồi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, vốn thường đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và đồ ăn, vốn ít đòi hỏi thời gian hoàn vốn hơn so với các ngành nghề khác như sản xuất hay bán lẻ. Do đó, việc quy định thời hạn tối thiểu có thể hạn chế sự linh hoạt trong đàm phán hợp đồng và không phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam. Pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam không đưa ra một mức thời gian cụ thể cho việc đặt ra thời hạn của hợp đồng, mà thay vào đó, nó tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên. Quy định này cho phép các bên linh hoạt và chủ động trong việc đưa ra thời hạn cụ thể cho hợp đồng. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại, và việc thỏa thuận về thời hạn của hợp đồng thường không đơn giản.
Bên nhận quyền thường muốn kéo dài thời gian hợp đồng để tối đa hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư đã bỏ ra. Trái lại, bên nhượng quyền thường muốn rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng. Vì vậy, việc pháp luật xác định một khoảng thời gian hợp lý để các bên có thể khai thác và hưởng lợi từ việc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại là rất cần thiết.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Quy định pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Quy định pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm