Quy trình ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, ly hôn có yếu tố nước ngoài

28/10/2024
Phạm Huyền My
Phạm Huyền My
Ly hôn hay ly dị là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Cùng Everest điểm qua các dạng ly hôn và quy trình của chúng

1- Ly hôn là gì?

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Pháp luật quy định nghiêm cấm việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân; việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Ly hôn thuận tình hay thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng, xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được các vấn đề về chia tài sản, chăm sóc nuôi dưỡng, chu cấp và giáo dục con cái trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả vợ và con.

Ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên là việc các bên sau khi hòa giải không thành và Tòa án xét thấy có các căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì sẽ giải quyết cho ly hôn.

Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa các bên là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam; giữa người Việt Nam với nhau nhưng có căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Xem thêm: Dịch vụ ly hôn trọn gói của Công ty Luật TNHH Everest

2- Quy trình ly hôn thuận tình

Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện – nơi đăng ký thường trú/tạm trú hoặc nơi làm việc của vợ/chồng.

Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ:

Bước 1. Nộp hồ sơ

Vợ chồng ký tên vào Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn trong hồ sơ đã chuẩn bị, nộp cho Tòa án cấp huyện nơi cư trú của vợ/chồng. Có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Bước 2. Nộp lệ phí

Sau khi nhận hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày, Chánh án Tòa án sẽ phân công thẩm phán giải quyết. Xét thấy hồ sơ đủ điều kiện, Thẩm phán ra thông báo nộp lệ phí và vợ chồng hoàn thành nghĩa vụ này trong thời hạn 05 ngày.

Bước 3. Thụ lý hồ sơ

Sau khi thụ lý, vợ chồng sẽ nhận được thông báo của Tòa án về việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Bước 4. Giải quyết yêu cầu

Các bên (vợ và chồng) được Tòa án mời tham gia hòa giải nhằm mục đích tháo gỡ mâu thuẫn, hàn gắn mối quan hệ vợ chồng và khuyến khích hai bên gìn giữ tổ ấm gia đình;

Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định công nhận vợ chồng thuận tình ly hôn. Quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực tại thời điểm được Tòa án ban hành, hai bên không thể kháng cáo quyết định này.

Tổng thời gian thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình mất khoảng 25 ngày làm việc, trong đó:

  • Thời gian Tòa án thụ lý vụ việc: 10 ngày;

  • Thời gian Tòa án gửi giấy mời và tổ chức hòa giải: 7 ngày;

  • Thời gian ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn: 8 ngày.

Xem thêm: Dịch vụ ly hôn trọn gói của Công ty Luật TNHH Everest

3- Quy trình ly hôn đơn phương

Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện – nơi người bị yêu cầu ly hôn đơn phương cư trú hoặc làm việc.

Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ:

Bước 1. Nộp hồ sơ

Người làm đơn nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại Tòa án có thẩm quyền.

Trong trường hợp thông thường, thời gian giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương thường là ít nhất 04 tháng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp phức tạp, vì nhiều lý do bất khả kháng mà có thể kéo dài hơn.

Bước 2. Nộp án phí và thụ lý hồ sơ

Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.

Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí.

Bước 3. Hòa giải

Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

  • Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.

  • Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4. Phiên tòa sơ thẩm

Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên tòa sơ thẩm.

Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng...

Xem thêm: Dịch vụ ly hôn trọn gói của Công ty Luật TNHH Everest

4- Quy trình ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài

Tòa án cấp tỉnh nơi vợ/chồng người nước ngoài có hộ khẩu tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết ly hôn cho vợ/chồng người nước ngoài.

Bước 1. Nộp hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài. Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện, cũng có thể ủy quyền cho Luật sư nhận hồ sơ và nộp trực tiếp đến Tòa án.

Bước 2. Thụ lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tòa án xem xét về thẩm quyền và tính hợp lệ của hồ sơ ly hôn trong vòng 8 ngày làm việc. Nếu như hồ sơ hợp lệ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí/ lệ phí cho người yêu cầu với thời hạn đóng 05 ngày.

Sau khi người yêu cầu ly hôn hoàn thành việc đóng phí theo thông báo, vụ việc ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định.

Trường hợp đương sự không có thời gian thực hiện các thủ tục, thì có thể ủy quyền cho Luật sư để thực hiện việc đóng tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án; thực hiện các thủ tục tại Tòa án để giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.

Bước 3. Tòa án giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn

Tương tự với yêu cầu ly hôn thuận tình không có yếu tố nước ngoài, thủ tục hòa giải tại Tòa án khi ly hôn tại Việt Nam là bắt buộc. Tuy nhiên, nếu một trong hai hoặc cả hai không có mặt thì Tòa án sẽ không tổ chức hòa giải.

Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, quyết định sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành, khi ấy, vợ/chồng không thể kháng cáo quyết định này đến Tòa án.

5- Quy trình ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này cũng tương tự với thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài.

Bước 1. Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, vợ/chồng nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài tại Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố có thẩm quyền.

Lưu ý:

  • Nếu hai vợ chồng kết hôn ở Việt Nam, sau đó một trong 2 người xuất ngoại và không có địa chỉ cư trú cụ thể ở nước ngoài thì cần bổ sung thêm Giấy chứng nhận của chính quyền địa phương về việc xuất ngoại vào trong hồ sơ.
  • Nếu hai vợ chồng kết hôn ở nước ngoài thì phải làm thủ tục ghi chú kết hôn tại UBND cấp huyện có thẩm quyền căn cứ theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP để công nhận việc kết hôn ngoại quốc. Trường hợp không ghi chú phải nêu rõ lý do trong đơn.

Cần xác định địa chỉ người nước ngoài đang sinh sống cụ thể của người nước ngoài để tránh tình trạng khi khởi kiện đến tòa án không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, dẫn đến tòa án rất khó khăn trong việc tống đạt các thông báo.

  • Nếu bị đơn có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thẩm quyền giải quyết do Tòa án Nhân dân cấp Tỉnh/ thành phố nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết;

  • Nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án Nhân dân tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản để giải quyết.

  • Nếu bị đơn không có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyền do Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/ thành phố nơi nguyên đơn cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.

Bước 2. Thụ lý và giải quyết hồ sơ

Đối với thủ tục ly hôn đơn phương nói chung, thời gian Tòa án giải quyết cho ly hôn cấp sơ thẩm theo quy định pháp luật khoảng từ 4 - 6 tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu vụ án ly hôn của đương sự có xuất hiện các yếu tố như: ly hôn vắng mặt bị đơn, có tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền nuôi con... thì thời gian có thể kéo dài hơn.

Cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán để xem xét hồ sơ.

Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án và thu thập chứng cứ ở nước ngoài.

Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi chung là phiên họp hòa giải), mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.

Bước 3. Mở phiên họp hòa giải

Phiên họp hòa giải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án.

Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng.

Bước 4. Mở phiên tòa giải quyết ly hôn đơn phương

Phiên tòa được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án.

Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Nếu sau khi nhận bản án ly hôn cấp sơ thẩm của Tòa án, nguyên đơn hoặc bị đơn có kháng cáo, thời gian giải quyết thủ tục ly hôn có thể kéo dài thêm khoảng từ 3 - 4 tháng tính từ thời điểm Toà án tiếp nhận kháng cáo của đương sự (ly hôn cấp phúc thẩm).

Trường hợp ly hôn vắng mặt thì thời gian Tòa án giải quyết cho ly hôn khoảng từ 12 - 24 tháng (do phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định) 

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quy trình ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, ly hôn có yếu tố nước ngoài được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Quy trình ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, ly hôn có yếu tố nước ngoài có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Quy trình ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, ly hôn có yếu tố nước ngoài

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17282 sec| 995.414 kb