Sự ra đời của công ty và Luật Công ty
Nội dung bài viết
1- Sự ra đời của công ty
Cũng như các hiện tượng kinh tế khác, công ty ra đời, tồn tại và phát triển trong những điều kiện nhất định. Trong xã hội, khi nền sản xuất hàng hoá đã phát triển đến mức độ nhất định, để mở mang kinh doanh các nhà kinh doanh cần phải có nhiều vốn, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh doanh, buộc các nhà kinh doanh phải liên kết với nhau. Trên cơ sở vốn và sự tin tưởng lẫn nhau, họ đã liên kết theo những hình thức nhất định và tạo ra mô hình tổ chức kinh doanh mới - công ty kinh doanh.
Mặt khác, khi sản xuất hàng hoá phát triển thì sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn, những doanh nghiệp có vốn đầu tư thấp thường ở vào vị trí bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Vì vậy, các nhà kinh doanh phải liên kết với nhau thông qua hình thức góp vốn để thành lập một doanh nghiệp có vốn lớn, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường. Người xưa có câu “buôn tài không bằng dài vốn” chính là sự đúc kết kinh nghiệm kinh doanh từ thực tiễn cuộc sống. Hơn nữa, trong kinh doanh thường gặp rủi ro và để phân chia rủi ro cho nhiều người, các nhà kinh doanh cũng liên kết với nhau để nếu có rủi ro xảy ra thì nhiều người cùng gánh chịu, điều này có lợi hơn so với doanh nghiệp một chủ. Khi hai hay nhiều người cùng góp vốn để thành lập một doanh nghiệp, để tiến hành hoạt động kinh doanh kiếm lời chia nhau thì có nghĩa là họ đã thành lập một công ty. Mô hình liên kết này tỏ ra phù hợp với kinh tế thị trường và hấp dẫn cho những nhà đầu tư, dù họ biết kinh doanh hay không biết kinh doanh, người nhiều tiền cũng như người ít tiền đều có thể tham gia vào công ty. Vì vậy, mô hình công ty đã được các nhà đầu tư tiếp thu và áp dụng. Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của công ty là quy luật khách quan trong nền kinh tế thị trường. Công ty ra đời là kết quả của việc thực hiện nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do kết ước và tự do lập hội.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
2- Sự ra đời của Luật Công ty
Vào khoảng thế kỷ thứ XIII, ở các thành phố lớn của một số nước Châu Âu có điều kiện địa lý thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán, đã xuất hiện các công ty thương mại đối nhân đầu tiên; sang đầu thế kỉ XVII các công ty đối vốn ra đời. Sự ra đời của các công ty kinh doanh kéo theo đó là nhu cầu cần phải có luật lệ về công ty. Lịch sử Luật Công ty gắn liền với các quy định về liên kết, hợp đồng và các quan hệ nợ nần trong luật La Mã. Luật Công ty hiện đại ra đời cùng với Thời kỳ tự do hoá tư bản. Các công ty hoạt động theo luật tư và chịu rất ít sự giám sát của nhà nước. Luật Công ty là “Luật liên kết các cá nhân thông qua một sự kiện pháp lý theo luật tư nhằm đạt mục đích chung đã được xác định”.
Năm 1807, Pháp ban hành Bộ luật Thương mại, thể chế hoá qụan điểm tự do hoạt động kinh doanh, sau đó nhiều nước Châu Âu đã ban hành luật thương mại. Mặc dù vậy, việc thành lập công ty vẫn cần giấy phép của nhà nước.
Đến 1870, hầu hết các nước đều bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép thành lập công ty, nói chung công dân hoàn toàn có quyền tự do thành lập công ty và tự do kinh doanh. Nhà nước chỉ đưa ra các quy định bắt buộc là: các công ty có nghĩa vụ đăng ký theo các quy định của pháp luật, căn cứ vào kết quả thẩm định của các chuyên gia kiểm toán độc lập. Do sự tự do hoá kinh doanh nên đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo trong công chúng, đặc biệt là trong thời kỳ có chiến tranh, vì vậy Nhà nước đã phải hoàn thiện luật lệ về công ty. Đức là một trong những nước ban hành Luật Công ty sớm nhất: năm 1870, ban hành Luật Công ty cổ phần, sau đó được bổ sung, sửa đổi bởi Bộ luật Thương mại 1897, sau này thay thế bằng Luật Công ty cổ phần; từ năm 1937 đến năm 1965, ban hành Luật Công ty cổ phần mới và hiện vẫn có giá trị pháp lý; năm 1892, ban hành Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Hiện nay, trên thế giới về cơ bản tồn tại hai hệ thống pháp luật công ty, hệ thống luật công ty lục địa (Châu Âu) chịu ảnh hưởng luật công ty của Đức và hệ thống luật công ty Anh - Mỹ.
Tóm lại, Luật Công ty thuộc về luật tư, sự phát triển của nó gắn liền với lịch sử phát triển thương mại. Luật Công ty là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hay thừa nhận điều chỉnh những quan hệ phát sinh trực tiếp trong quá trình thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, phát triển và kết thúc hoạt động của công ty.
Năm 1990, tại Oxolo - Na Uy, ba giải Nobel về kinh tế đã được trao cho ba nhà nghiên cứu về công ty (Hary Markowitz, Trường Đại học tổng hợp New York; William Sharpe, Trường Đại học tổng hợp Sandford và Miller, Trường Đại học tổng hợp Chicago). Điều đó cho thấy, công ty và Luật Công ty có tầm quan trọng như thế nào trong đời sống kinh tế. Khi nói đến kinh tế thị trường hiện đại ngày nay không thể không nói đến công ty và theo đó là Luật Công ty.
Ở Việt Nam, Luật Công ty ra đời muộn và chậm phát triển. Mặc dù hoạt động thương mại đã có từ lâu và trong lịch sử hoạt động thương mại được diều chỉnh bằng thông lệ thương mại. Do Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên có thời kỳ luật thương mại của Pháp được áp dụng vào từng vùng lãnh thổ khác nhau trên đất nước. Luật lệ về công ty có thể được quy định lần đầu tại Việt Nam trong “Dân luật được thi hành tại các toà Nam án - Bắc kỳ” năm 1931, trong đó có nói về “hội buôn”. Đạo luật này chia các công ty (hội buôn) thành hai loại: “Hội người” và “Hội vốn”. Trong hội người chia thành hội hợp danh (công ty hợp danh); hội hợp tư (công ty hợp vốn đơn giản) và hội đồng lợi. Trong hội vốn chia thành hội vô danh (công ty cổ phần) và hội hợp cổ (công ty hợp vốn đơn giản cổ phần). Trong đạo luật này không có công ty trách nhiệm hữu hạn. Năm 1944, chính quyền Bảo Đại xây dựng Bộ luật Thương mại Trung phần. Năm 1972, chính quyền Sài Gòn ban hành Bộ luật Thương mại Việt Nam cộng hoà, trong đó có quy định về công ty. Ở Việt Nam thời Pháp thuộc xuất hiện nhiều loại công ty dưới hình thức hội. Luật Công ty ở Việt Nam gắn liền với Luật Dân sự và Luật Thương mại.
Từ sau 1954, đất nước chia làm hai miền, do đó có hai hệ thống pháp luật khác nhau. Ở miền Bắc tiến hành xây dựng nền kinh tế theo mô hình kế hoạch tập trung với hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể. Nhà nước thành lập các xí nghiệp quốc doanh (sau này gọi là doanh nghiệp nhà nước, thực chất là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước). Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, thuật ngữ công ty được sử dụng cho các đơn vị kinh tế chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp, dịch vụ để phân biệt với các đơn vị kinh tế chuyên sản xuất (gọi là nhà máy, xí nghiệp). Khái niệm công ty ở đây không được hiểu theo bản chất pháp lý mà được hiểu theo lĩnh vực kinh doanh, cứ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thì gọi là công ty, ví dụ: Công ty vận tải hành khách, công ty lương thực, công ty bách hoá, công ty xuất nhập khẩu... Trong bối cảnh đó, công ty hiểu theo bản chất pháp lý không tồn tại cả về phương diện tư duy lý luận cũng như trong thực tiễn và tất yếu cũng không có Luật Công ty.
Từ năm 1986, Việt Nam đề ra đường lối xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Với chính sách kinh tế đó đã tạo điều kiện về kinh tế, pháp lý cho các công ty ra đời. Ngày 21/12/1990, Quốc hội đã thông qua Luật Công ty. Qua hơn 8 năm áp dụng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Công ty dần dần bộc lộ nhiều thiếu sót về nội dung, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Ngày 12/6/1999, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp trên cơ sở “sáp nhập Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân” đe thay thế cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Luật này cũng đã được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp năm 2005 và ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp mới thay cho Luật Doanh nghiệp năm 2005. Như vậy, trong vòng 24 năm, Việt Nam đã 4 lần thay đổi Luật Công ty, qua đó cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của Luật Công ty đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Sự ra đời của công ty và Luật Công ty được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Sự ra đời của công ty và Luật Công ty có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm