Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Nếu không có người xấu thì chẳng thể có Luật sư"
Charles John Huffam Dickens, 1812 - 1870, tiểu thuyết gia, nhà phê bình xã hội, người Anh
Sửa đổi nội dung hợp đồng theo ý chí của các bên là việc các bên chủ thể đã tham gia giao kết hợp đồng, bằng ý chí tự nguyện của mình, thỏa thuận để thay đổi một số điều khoản trong nội dung của họp đồng đã giao kết. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí trong việc giao kết hợp đồng, các bên có thể tự do sửa đổi hợp đồng nếu như hợp đồng đã có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc mới được thực hiện một phần.
Khi thỏa thuận sửa đổi hợp đồng có hiệu lực, hợp đồng ban đầu vẫn tiếp tục có hiệu lực, chỉ các điều khoản đã được chỉnh sửa bằng thỏa thuận sửa đổi hợp đồng không còn hiệu lực. Như vậy, sau khi thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng có hiệu lực, luật sư tư vấn cho các bên thực hiện hợp đồng theo những nội dung của hợp đồng không bị sửa đổi và những nội dung được sửa đối mới.
Sửa đổi nội dung hợp đồng theo ý chí của các bên là việc các bên chủ thể đã tham gia giao kết hợp đồng, bằng ý chí tự nguyện của mình, thỏa thuận để thay đổi một số điều khoản trong nội dung của hợp đồng đã giao kết. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí trong việc giao kết hợp đồng, các bên có thể tự do sửa đổi hợp đồng nếu như hợp đồng đã có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc mới được thực hiện một phần. Khi thỏa thuận sửa đổi hợp đồng có hiệu lực, hợp đồng ban đầu vẫn tiếp tục có hiệu lực, chỉ các điều khoản đã được chỉnh sửa bằng thỏa thuận sửa đổi hợp đồng không còn hiệu lực. Như vậy, sau khi thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng có hiệu lực, luật sư tư vấn cho các bên thực hiện hợp đồng theo những nội dung của hợp đồng không bị sửa đổi và những nội dung được sửa đổi mới.
Có nhiều lý do dẫn đến các bên phải sửa đổi hợp đồng trong quá trình hợp đồng được thực hiện và các bên nhờ đến luật sư tư vấn. Có thể kể đến những lý do như: Hợp đồng có nhiều “lỗi” dẫn đến cần phải sửa đổi hợp đồng để thực hiện hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các bên hoặc có các tình huống phát sinh các bên không dự tính được và thỏa thuận sửa đổi hợp đồng để thực hiện hoặc chi đơn giản là một bên chủ thể muốn thay đổi thỏa thuận trong hợp đồng...
Về cơ bản, quy trình sửa đổi hợp đồng cũng giống như quy trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, vì bản chất kết quả của sửa đổi hợp đồng là hình thành một hợp đồng mới. Trong trường hợp này, đầu tiên các bên tiến hành đàm phán lại nội dung cần sửa đổi, sau đó đến dự thảo và ký kết. Trong hầu hết các trường hợp, một bên chủ thể không chịu sức ép pháp lý phải sửa đổi hợp đồng và chỉ đồng ý nhượng bộ khi được đền bù bằng lợi ích nào đó.
Ví dụ, công ty kinh doanh bất động sản (bên cho thuê) sẽ không đồng ý giảm giá trong hợp đồng thuê trụ sở dài hạn, kể cả khi giá thuê trên thị trường đã giảm, trừ khi bên cho thuê đạt được nhượng bộ có đi có lại từ phía bên thuê như giảm một phần diện tích bãi đỗ xe được dành cho bên thuê.
Về các điều kiện sửa đổi hợp đồng phải thỏa mãn để có hiệu lực:
Các hợp đồng thường có các điều khoản chi phối cách thức sửa đổi hợp đồng. Một thỏa thuận thường thấy trong các hợp đồng là: “Các sửa đổi đối với hợp đồng này và các phụ lục chỉ có hiệu lực khi được các bên ký vào hợp đồng bằng văn bản”. BLDS năm 2015 cũng quy định “Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu. Ngoài ra, với bản chất là một hợp đồng, do vậy, sửa đổi hợp đồng cùng phải thỏa mãn các điều kiện hợp đồng có hiệu lực theo quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015.
Như vậy, luật sư cần lưu ý các điều kiện để sửa đổi hợp đồng có hiệu lực như sau:
(i) Chủ thể hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Người ký sửa đổi hợp đồng phải là người đại diện hợp pháp của các bên. Trong một số trường hợp giao dịch có giá trị lớn hoặc giao dịch giữa công ty với người có liên quan thì còn phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
(ii) Nội dung và mục đích sửa đổi hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội.
(iii) Việc sửa đổi hợp đồng tuân theo hình thức của hợp đồng đã giao kết ban đầu. Nghĩa là, đối với hợp đồng thông thường thì việc ghi nhận hình thức sửa đổi như thế nào do các bên thỏa thuận trong hợp đồng được giao kết ban đầu. Đối với những hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng hoặc chứng thực hoặc đăng ký thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân thủ hình thức đó.
(iv) Việc sửa đổi hợp đồng phải tuân theo thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng trong hợp đồng đã giao kết ban đầu.
(v) Đảm bảo ý chí tự nguyện của các bên khi sửa đổi hợp đồng.
(vi) Việc sửa đổi hợp đồng không được gây thiệt hại cho người thứ ba, trường hợp người thứ ba có lợi ích liên quan từ hợp đồng thì việc sửa đổi hợp đồng phải được người thứ ba đông ý.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Cách sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng:
Luật sư lưu ý, có hai cách tiếp cận sửa đổi điều khoản trong hợp đồng. Có thể lên dự thảo các sửa đổi làm thay đổi các điều khoản hiện có để sửa lại ngôn từ hoặc thông cáo lại toàn bộ nội dung điều khoản này.
Ví dụ: hãy xem xét điều khoản sau:
“10.4. Bên thuê không được phép tham gia bất cứ giao dịch cho thuê lại tầng 32, ngoại trừ các công ty mà Bên cho thuê chấp thuận.”
Các bên muốn sửa lại điều khoản này để cho các bên liên kết của Bên thuê được thuê lại mà không cần phải có chấp thuận từ phía Bên cho thuê, có thể dự thảo việc sửa đổi này theo hai cách:
Cách thứ nhất, chỉ chỉnh sửa về ngôn từ: Mục 10.4 được sửa đổi bằng cách thêm cụm từ “cho các bên liên kết của Bên thuê” đằng sau từ “ngoại trừ” trong mục này.
Cách thứ hai là thông cáo lại toàn bộ nội dung điều khoản này:
“Mục 10.4 được sửa đổi lại toàn bộ như sau:
Bên thuê không được phép tham gia bất cứ giao dịch cho thuê lại tầng 32, ngoại trừ các bên liên kết của Bên thuê và các công ty mà Bên cho thuê chấp thuận”.
Ưu điểm của cách sửa đối đầu tiên là ngắn gọn hơn nhưng hạn chế là điều khoản khó đọc hơn. Người đọc sẽ không thể hiểu được nếu không tham khảo chéo hợp đồng được giao kết ban đầu. Cách sửa đối thứ hai mặc dù dài hơn nhưng là cách được ưa chuộng hơn vì dễ dàng hơn và thuận tiện, dễ thực hiện hơn cho các chủ thể thực hiện hợp đồng.
Sửa đổi bằng cách xóa hoặc thêm điều khoản:
(ii) Hình thức của việc sửa đổi:
Hình thức của việc sửa đổi hợp đồng trên thực tế là do các bên chủ thể tự lựa chọn hoặc theo thói quen. Thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng có thể tồn tại dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau như Phụ lục hợp đồng, Hợp đồng sửa đổi Hợp đồng XYZ (Hợp đồng XYZ là hợp đồng được giao kết ban đầu), Bản cam kết, hoặc trong những trường hợp sửa đổi đơn giản một bên gửi công văn cho phía bên kia và bên kia gửi công văn đồng ý... Dù ở hình thức nào thì luật sư cũng cần lưu ý rằng bản chất của thỏa thuận này là một hợp đồng.
Hình thức thông thường nhất của sửa đổi hợp đồng là dưới dạng Phụ lục hợp đồng hoặc Hợp đồng sửa đổi Hợp đồng XYZ. Luật sư sẽ thiết kế sửa đổi hợp đồng như một hợp đồng chính thức gồm có tiêu đề, căn cứ, tên điều khoản, đề mục, chữ ký các bên...
Luật sư cùng cần phân biệt sửa đổi hợp đồng với sửa đổi và trình bày lại hợp đồng và lựa chọn hình thức nào cho phù hợp. Một bản sửa đổi và trình bày lại hợp đồng là một dạng sửa đổi, chỉnh lại hợp đồng được giao kết ban đầu bằng cách trình bày lại toàn bộ hợp đồng đó, với những điểm sửa đổi được đưa vào phần nội dung của hợp đồng mới. Cách sửa đổi này được sử dụng khi có nhiều thay đổi được các bên thỏa thuận lại, trong trường hợp các nội dung được sửa đổi “giăng mắc” khắp cả hợp đồng hoặc trong hoàn cảnh các sửa đổi khó theo dõi để thực hiện.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
Thông thường, sau khi hợp đồng được ký kết, các bên chủ thể phải thực hiện đến cùng các quyền và nghĩa vụ của mình đối với phía bên kia. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện hợp đồng, vì nhiều lý do khác nhau mà bên có nghĩa vụ hoặc bên có quyền đã chuyển giao nghĩa vụ hoặc chuyển giao quyền yêu cầu cho chủ thể khác. Hậu quả pháp lý của việc chuyển giao quyền yêu cầu là người chuyển giao không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường họp các bên có thỏa thuận khác. Còn đối với chuyển giao nghĩa vụ, bên chuyển giao nghĩa vụ cũng không phải thực hiện phần nghĩa vụ đã được chuyển giao và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ.
Như vậy, trong những hợp đồng có sự chuyển giao quyền hoặc chuyển giao nghĩa vụ thì bên có quyền đã chuyển giao và bên có nghĩa vụ đã chuyển giao không chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền của bên thế quyền và thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ.
Tuy nhiên, luật sư cần lưu ý trong những trường hợp các bên sửa đổi hợp đồng ban đầu thì người được chuyển giao không chịu ràng buộc của thỏa thuận sửa đổi khi đã thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền. Tương tự như vậy, một bên trong hợp đồng đang được sửa đổi sẽ muốn tránh rủi ro khi quyền của bên kia đã được chuyển giao lại cho bên thứ ba có thề không chịu ràng buộc của thỏa thuận sửa đổi. Chính vì vậy, sửa đổi hợp đồng đã chuyển giao quyền phải được thông báo và đạt được sự chấp thuận của bên thế quyền và bên thế nghĩa vụ thì mới đàm bảo ràng buộc các điều khoản đã sửa đổi trong trường hợp những nghĩa vụ đó chưa được thực hiện hoàn tất.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) A và Công ty cổ phần B ký hợp đồng gia công cơ khí. Theo hợp đồng, Công ty A là bên nhận gia công. Do có khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng, Công ty A đã chuyển giao việc thực hiện nghĩa vụ gia công cho Công ty c để đảm bảo đúng tiến độ của hợp đồng. Đại diện của ba công ty là Công ty A, Công ty B và Công ty c đã ký kết Phụ lục hợp đồng để chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho Công ty c. Còn lại các điều khoản khác không thay đổi như việc thanh toán thì Công ty B vẫn phải thanh toán cho Công ty A theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty A và Công ty B sửa đổi điều khoản bảo hành thì việc sửa đổi này phải thông báo và đạt được sự chấp thuận của Công ty c để ràng buộc Công ty C đối với sửa đổi này.
Xem thêm: Kỹ năng của luật sư - giám sát hợp đồng
Một hợp đồng được giao kết hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực thì có giá trị ràng buộc các bên phải thực hiện. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, nguyên tắc này không phải là nguyên tắc tuyệt đối, khi có sự kiện bất ngờ xuất hiện dẫn đến thay đổi cơ bản làm ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa các nghĩa vụ trong hợp đồng thì có thế phát sinh ngoại lệ. Trong thực tiễn thực hiện hợp đồng, sau khi hợp đồng được giao kết, có thể xảy ra hoàn cảnh thay đổi so với thời điểm xác lập hợp đồng và sự thay đổi này tác động tiêu cực đến việc thực hiện hợp đồng. Với việc cập nhật điều khoản “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420 BLDS năm 2015, luật sư có thể tìm đến phương án tư vấn đàm phán lại nội dung hợp đồng cho khách hàng.
Có hai nội dung luật sư cần quan tâm khi tư vấn cho khách hàng đàm phán sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.
Điều 420 BLDS năm 2015 quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
(ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
Các sự kiện gây ra khó khăn trong thực hiện hợp đồng chỉ được bên bị bất lợi biết đến sau khi đã giao kết hợp đồng. Nếu bên bị bất lợi đã biết sự kiện đó khi giao kết hợp đồng thì phải tính đến hoàn cảnh đó một cách hợp lý khi giao kết và không thể viện dẫn sự kiện đó là hoàn cảnh khó khăn. Luật sư phải giúp khách hàng thu thập tài liệu chứng minh được khách hàng không thể lường trước việc xảy ra sự kiện này.
Ví dụ: Việc biến động về giá cả trong kinh doanh là rất phổ biến trong các hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà giá cả thị trường có sự biến động mạnh mẽ, bên bán không thể lường trước được giá mua nguyên liệu để sản xuất hàng hóa có thể bị đẩy lên cao trên 20% khiến cho chi phí để sản xuất hàng tăng cao so với giá thỏa thuận trong hợp đồng. Để chứng minh việc bên bán không thể lường trước được sự kiện tăng giá đột biến này, luật sư tư vấn cho bên bán đưa ra chứng cứ chứng minh như xảy ra sự kiện bất ngờ nào đó trên thị trường của Việt Nam hoặc thị trường thế giới có tác động đến thị trường Việt Nam mà các bên không thể lường trước được.
(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết với nội dung hoàn toàn khác;
Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết với nội dung hoàn toàn khác được hiểu là hoàn cảnh trong đó xảy ra sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng. Tham khảo từ bình luận chính thức của PICC năm 1994 (Principles of International Commercial Contract - Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế) cho rằng: Nếu việc thực hiện nghĩa vụ có thể quy đổi ra tiền, chi phí thực hiện nghĩa vụ hoặc giá trị của nghĩa vụ thay đổi từ 50% trở lên (tăng lên hoặc giảm xuống) có thể được coi là thay đổi cơ bản . Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn phụ thuộc vào thực tiễn của mỗi quốc gia.
Luật sư cần lưu ý sự thay đổi cơ bản về sự cân bằng của hợp đồng có thể được thể hiện dưới hai hình thức khác nhau:
Một là, sự gia tăng chi phí thực hiện của bên có nghĩa vụ.
Thông thường, đó là bên phải thực hiện nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ tính được bằng tiền. Sự tăng lên chi phí có thể là do giá nguyên vật liệu cần thiết cho việc sản xuất hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tăng mạnh hoặc do các quy định mới về an toàn được ban hành khiến cho bên thực hiện chịu nhiều chi phí hơn trong quá trình sản xuất.
Hai là, thiệt hại của bên có quyền (giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống).
Hình thức thể hiện thứ hai của hoàn cảnh thay đổi cơ bản là sự mất ý nghĩa của việc thực hiện hợp đồng đối với bên có quyền. Nghĩa là, khi việc thực hiện hợp đồng không còn giá trị gì đối với bên có quyền. Việc thực hiện nghĩa vụ của phía bên kia có thể là nghĩa vụ trả tiền hoặc nghĩa vụ không tính bằng tiền. Việc giảm mạnh giá trị hoặc mất toàn bộ hoặc một phần giá trị của việc thực hiện nghĩa vụ có thể là do sự thay đổi cơ bản các điều kiện thị trường (như hệ quả của việc tăng lạm phát đột ngột với giá thỏa thuận trong hợp đồng) hoặc do mục đích của việc thực hiện hợp đồng không còn nữa (như hệ quả của việc cấm xuất khẩu đối với mặt hàng mua để xuất khẩu). Việc giảm giá trị của việc thực hiện phải được đánh giá một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của bên có quyền và giá trị của việc thực hiện.
(iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Xem thêm: Kỹ năng của luật sư: kiểm tra tính hiệu lực để xử lý các vấn đề do không thực hiện đúng hợp đồng.
Về bản chất, nghĩa vụ trong hợp đồng phải chưa được thực hiện thì mới áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nếu một bên đã thực hiện nghĩa vụ thì không thể viện dẫn sự tăng lên cơ bản chi phí thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như sự giảm mạnh giá trị của nghĩa vụ đối trừ như một hậu quả của sự thay đổi của hoàn cảnh xảy ra sau khi đã thực hiện nghĩa vụ đó.
Trước hết, luật sư tư vấn cho khách hàng yêu cầu đối tác đàm phán lại hợp đồng. Luật sư tư vấn cho khách hàng yêu cầu đối tác đàm phán lại hợp đồng được sửa đổi các điều khoản ban đầu của hợp đồng nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. Yêu cầu này phải được đưa ra không chậm trễ và có đầy đủ căn cứ.
Lý do phải đưa ra yêu cầu đàm phán lại càng sớm càng tốt ngay sau khi xảy ra sự kiện dẫn đến hoàn cảnh thay đổi bởi vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại thực sự của hoàn cảnh thay đổi và khả năng thực hiện hợp đồng của khách hàng theo hợp đồng.
Luật sư phải nêu rõ lý do yêu cầu đàm phán lại hợp đồng để đối tác biết có căn cứ hay không và phải chuẩn bị cho khách hàng các căn cứ chứng minh hoàn cảnh thay đổi căn bản.
Luật sư cũng phải lưu ý, việc đàm phán lại hợp đồng phải dựa trên nguyên tắc thiện chí, trung thực và hợp tác. Khách hàng là bên bị bất lợi phải trung thực khi cho rằng thực sự đã xảy ra hoàn cảnh khó khăn và phải cung cấp tất cả các thông tin cần thiết.
Trong trường hợp việc đàm phán lại hợp đồng không đạt được kết quả, luật sư tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án giải quyết: chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Đồng thời với việc gửi đơn yêu cầu đến Tòa án, luật sư cần chuẩn bị đầy đủ và gửi tài liệu làm căn cứ chứng minh hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Một lưu ý đối với luật sư trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, khách hàng của luật sư không được tạm đình chỉ việc thực hiện nghĩa vụ khi có sự kiện khiến hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm