Thụ lí, phạm vi và hình thức, việc gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự

07/03/2023
Việc toà án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lí vụ án dân sự để giải quyết. Thụ lí vụ án là công việc đầu tiên của toà án trong quá trình tố tụng. Nếu không có việc thụ lí vụ án của toà án sẽ không có các bước tiếp theo của quá trình tố tụng. Thụ lí vụ án dân sự bao gồm hai hoạt động cơ bản là nhận đơn khởi kiện xem xét và vào sổ thụ lí vụ án dân sự để giải quyết.

1- Thụ lí vụ án dân sự

a) Khái niệm, ý nghĩa của thụ lí vụ án dân sự

Theo các điều 191, 192 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, sau khi nhận được đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo thì toà án phải ghi vào sổ nhận đơn và chánh án toà án phải phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn do pháp luật quy định. Trong trường hợp thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì toà án phải báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi người khởi kiện nộp cho toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì toà án quyết định nhận giải quyết và vào sổ thụ lí vụ án dân sự. Các hoạt động đó của toà án được gọi là thụ lí vụ án dân sự.

Thụ lí vụ án là việc toà án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lí vụ án dân sự để giải quyết. Thụ lí vụ án là công việc đầu tiên của toà án trong quá trình tố tụng. Nếu không có việc thụ lí vụ án của toà án sẽ không có các bước tiếp theo của quá trình tố tụng. Thụ lí vụ án dân sự bao gồm hai hoạt động cơ bản là nhận đơn khởi kiện xem xét và vào sổ thụ lí vụ án dân sự để giải quyết. Việc thụ lí vụ án dân sự có ý nghĩa pháp lí quan trọng vì nó đặt trách nhiệm cho toà án phải giải quyết vụ án trong thời gian luật định. Sau khi thụ lí vụ án, thẩm phán phải triệu tập các đương sự đến toà án để xác minh và hoà giải; đổi với những việc pháp luật quy định không được hoà giải thì phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử tại phiên toà.

Thụ lí vụ án dân sự còn có ý nghĩa thiết thực bảo đảm việc bảo vệ kịp thời những quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động và hôn nhân gia đình; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tạo niềm tin của dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó toà án là cơ quan trực tiếp thụ lí giải quyết.
Ngoài ra, việc toà án thụ lí vụ án sẽ là một trong những căn cứ để xác định các thời hạn tố tụng như quy định tại Điều 182 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

b) Thủ tục thụ lí vụ án dân sự

- Nhận đơn khởi kiện và xử lí đơn khởi kiện
Theo quy định tại Điều 191 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại toà án hoặc gửi qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện theo các hình thức pháp luật quy định thì toà án phải cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn hoặc thông báo cho người khởi kiện biết. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, thẩm phán được phân công phải xem xet đơnvà có một trong các quyết định sau đây:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lí vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
Theo quy định tại Điều 193 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung trong một thời hạn do thẩm phán ấn định nhưng không quá 1 tháng; trong trường hợp đặc biệt, thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Trong trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm phán tiếp tục làm thủ tục thụ lí vụ án; nểu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của thẩm phán thì thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

- Xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo cho người khởi kiện
Điều 195 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án thì thẩm phán phải xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.

- Vào sổ thụ lí vụ án dân sự và thông báo việc thụ lí vụ án
Khi người khởi kiện nộp cho toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán thụ lí vụ án và vào sổ thụ lí vụ án dân sự.

Trong trường họp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lí vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụlí vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bịđơn, cơ quan, tổ chức, cá nhằn có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cho viện kiểm sát cùng cấp về việc toà án đã thụ lí vụ án (Điều 196 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015).

2- Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự

Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự là giới hạn những vấn đề khởi kiện trong một vụ án dân sự.
Để bảo đảm việc giải quyết các vụ án dân sự của toà án được nhanh chóng và đúng đắn, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định phạm vi khởi kiện vụ án dân sự. Theo Điều 188 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phạm vi khởi kiện được xác định như sau:
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau trong cùng một vụ án;
- Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện đối với một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau trong cùng một vụ án.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định tại Điều 187 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

3- Hình thức khởi kiện và việc gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự

a) Hình thức khởi kiện vụ án dân sự

Vụ án dân sự phát sinh chủ yếu là do cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền khởi kiện của mình bằng việc nộp khởi đơn kiện tại toà án. Theo Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết vụ án phải rõ ràng, đầy đủ. Nội dung đơn khởi kiện phải trình bày được những vấn đề cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tuỳ theo từng loại vụ việc cụ thể, người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện các chứng cứ, tài liệu cần thiết sau:

- Đối với tranh chấp về hợp đồng:
+ Bản hợp đồng do các bên kí kết hoặc giấy tờ xác nhận các bên đã giao kết hợp đồng;
+ Các chứng cứ, tài liệu phản ánh quá trình thực hiện hợp đồng của các bên;
+ Các chứng cử, tài liệu có liên quan khác.

- Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình:
+ Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn;
+ Giấy khai sinh của các con;
+ Giấy tờ chứng nhận sở hữu tài sản chung của vợ chồng hoặc sở hữu riêng của từng người;
+ Các chứng cứ, tài liệu khác có liên quan.

- Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
+ Các chứng cứ, tài liệu xác định có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, lỗi của người bị hại;
+ Bản kê những thiệt hại thực tế xảy ra kèm theo các hoá đơn, chứng từ chi sửa chữa, khắc phục thiệt hại;
+ Các giấy tờ tài liệu khác.

- Đối với tranh chấp về thừa kế:
+ Di chúc nếu có;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
+ Bản kê khai các di sản và các giấy tờ sở hữu của người để lại di sản;
+ Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi đế xác định điện và hàng thừa kế.

b) Việc gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cú kèm theo đến toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bàng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại toà án;
- Gửi đến toà án qua bưu điện;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của toà án.
Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Nếu gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn. Trường hợp chuyển vụ án cho toà án khác theo quy định tại Điều 41 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến toà án trước đó đã thụ lí.

 

0 bình luận, đánh giá về Thụ lí, phạm vi và hình thức, việc gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.63920 sec| 967.281 kb