Toà án trong giai đoạn cải cách tư pháp 1950 đến 1958

18/09/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Như vậy, sau gần 05 năm kể từ ngày giành được chính quyền, đến năm 1950, Việt Nam đã bãi bỏ bộ máy tư pháp của chế độ chính quyền, thực dân, phong kiến, thiết lập những Toà án mới, trong đó có Toà án Quân sự và Toà án binh. Tuy nhiên, các Toà án thường còn mang nặng những ảnh hưởng của nền tư pháp cũ. 

1- Tòa án tổ chức theo Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946

Thực hiện một cách máy móc “Toà án tư pháp sẽ độc lập với các Cơ quan hành chính” (Điều 42 Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946). 

“Vậy các Toà án trong thời kỳ kháng chiến vẫn độc lập với Uỷ ban hành chính. Uỷ ban này không có quyền kiểm soát, điều khiển các Toà án. Các Thẩm phán không phải báo cáo với Uỷ ban hành chính” (Thông tư số 693 ngày 25/9-1947 của Bộ Tư pháp). 

Mặc dầu Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời các luật lệ cũ đã chỉ rõ ràng “những điều khoản trong luật lệ cũ được tạm giữ lại do Sắc lệnh này chỉ thi hành khi nào không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà”. Và Thông tư số 34-NV-TP/CT ngày 7/01/1947 của liên Bộ Nội vụ - Tư pháp cũng đã chỉ rõ: “Các Thẩm phán phải làm việc với tinh thần chiến đấu, nêu cao gương hy sinh và xung phong cho dân chúng theo, nên hết sức gần dân, săn sóc đến dân, đi đến dân chứ không đợi dân đi đến mình”.

Nhưng nhiều Thẩm phán trong các Toà án thường lúc đó đã không chú ý vận dụng các chính sách của Chính phủ vào công tác xét xử và đã hiểu “độc lập” là “biệt lập”, tức là Toà án không chịu sự lãnh đạo của Đảng, không cần phải phối hợp với Uỷ ban hành chính, cơ quan công an và đoàn thể nhân dân trong việc bảo vệ chế độ. Tình hình này đã là một trở ngại cho việc phát huy sức mạnh của Nhà nước, cho nên Đảng ta đã lần lượt tiến hành một cuộc đấu tranh về tư tưởng và sau đó là cải cách bộ máy của Toà án.

2- Tòa án được tổ chức theo Sắc lệnh số 85

- Về tổ chức:

Bộ máy tư pháp được dân chủ hoá các Toà án sơ cấp, đệ nhị cấp nay gọi là Toà án nhân dân huyện, Toà án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Toà Phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân. 

Thành phần nhân dân được đa số trong việc xét xử: Để xét xử việc hình và hộ, Toà án nhân dân huyện và tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Toà Phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết. 

Thành lập hội đồng hòa giải tại mỗi huyện nhằm mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hòa giải tất cả các việc hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Toà án tỉnh mới có thẩm quyền. Biên bản hoà giải thành có chấp hành lực; đây là một điểm tiến bộ so với thể lệ cũ. Khi các đương sự đã thoả thuận trước hội đồng hòa giải thì việc hoà giải được đem thi hành ngay.

Áo chùng đen của Thẩm phán và luật sư nay bỏ đi.

- Về thẩm quyền: 

Tăng thẩm quyền cho ban tư pháp xã về việc phạt vi cảnh để làm cho một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã.

Giao cho các Toà án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân huyện để tránh cho đương sự khỏi phải tốn phí đi lên Toà án tỉnh và những việc cấp bách có thể được giải quyết mau chóng hơn.

- Về tố tụng:

Thủ tục tố tụng được hợp lý và giản dị hơn.

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp (Luật sư nội bộ doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Tòa án được tổ chức theo Sắc lệnh số 103-SL , Sắc lệnh số 156-SL, Sắc lệnh số 157-SL Sắc lệnh số 158-SL 

Cùng trong năm 1950, ngày 5/6 Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 103-SL quy định “Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp có nhiệm vụ lãnh đạo và điều khiển các ngành chuyên môn cấp tương đương trong đó có ngành Tư pháp bao gồm cả Công tố và Toà án” (Điều 1). 

Với yêu cầu là dân chủ hoá và tăng cường các Toà án, Sắc lệnh số 158-SL ngày 17/11/1950 đã quy định đưa cán bộ công nông có thành tích và có kinh nghiệm vào làm Thẩm phán mà không đòi hỏi phải có bằng cấp về luật học. Sắc luật này đã tạo điều kiện cho việc nhanh chóng tăng cường cho các Toà án nhân dân một đội ngũ cán bộ có quan điểm lập trường cách mạng trong công tác, làm nòng cốt để xây dựng các Toà án trở thành những Toà án thực sự của nhân dân. 

Trên cơ sở các Toà án được tăng cường cán bộ cách mạng, Sắc lệnh số 156-SL ngày 22/11/1950 đã quy định việc thành lập Toà án nhân dân liên khu và giao cho các Toà án đó quyền xử cả những tội phản cách mạng. Từ đó, các Toà án Quân sự đã được nhập vào hệ thống Toà án thường và các cán bộ của Toà án Quân sự lại được tăng cường cho Toà án nhân dân liên khu.

Để “tranh chấp chính quyền với địch trong vùng bị chiếm, thi hành luật pháp chính quyền nhân dân trong vùng bị chiếm để bảo vệ nhân dân và trừng trị nguỵ quyền”, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 157-SL ngày 17/11-1950 tổ chức Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm đóng, mà theo đó trong những vùng tạm bị địch chiếm đóng có thể thiết lập một Toà án gọi là Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm. Quản hạt Toà án này có thể là một tỉnh, một số huyện trong một tỉnh, hay một số xã trong một huyện hay trong nhiều huyện (Điều 1).

Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm có thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, Toà án nhân dân tỉnh và Toà án quân sự. Các bản án đều được thi hành ngay. Về việc binh và hộ, Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Toà án nhân dân tỉnh. Nếu quản hạt của Toà án nhân dân vùng bị tạm chiếm là một tỉnh thì trực thuộc quyền điều khiển của Toà án nhân dân liên khu hoặc Toà phúc thẩm. Về việc xét xử các việc thuộc thẩm quyền Toà án quân sự, Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Toà án quân sự liên khu và Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu. Nếu có Toà án nhân dân liên khu thì thuộc quyền điều khiển của Toà án này.

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Tòa án tổ chức theo Sắc lệnh số 149, Sắc lệnh số 149

Thực hiện nhiệm vụ phản phong của cách mạng dân tộc dân chủ, Sắc lệnh số 149 ngày 12/4/1953 đã quy định về chính sách ruộng đất để tiến hành việc phát động quân chủng cải cách ruộng đất. Để bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, đẩy kháng chiến đến thắng lợi. Sắc lệnh số 150 ngày 12/4/1953 đã thành lập các Toà án nhân dân đặc biệt ở những vùng phát động quần chúng để cải cách ruộng đất. Nhiệm vụ của các Toà án nhân dân đặc biệt là: Trừng trị những kẻ phản cách mạng, cường hào gian ác, những kẻ chống lại hoặc phá hoại chính sách cải cách ruộng đất; xét xử những vụ tranh chấp về tài sản, ruộng đất có liên quan đến các vụ án trên; xét xử những vụ tranh cãi về phân định thành phần giai cấp.

Các Toà án nhân dân đặc biệt không xử những vụ hình và hộ thuộc Toà án nhân dân thường.

Những vụ án phản cách mạng phức tạp và phải xét xử lâu dài thì do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu quyết định chuyển sang Toà án nhân dân thường xét xử.

Các Thẩm phán của các Toà án nhân dân đặc biệt chủ yếu là trung, bần, cố nông trong đó có cán bộ chính trị làm chủ chốt. Một nửa số Thẩm phán do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh lựa chọn, một nửa nữa do Nông hội huyện cử ra. Khi làm xong nhiệm vụ thì các Toà án nhân dân đặc biệt giải tán Tòa án.

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ Luật sư ly hôn tại Công ty Luật TNHH Everest.

 

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Toà án trong giai đoạn cải cách tư pháp 1950 đến 1958 được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Toà án trong giai đoạn cải cách tư pháp 1950 đến 1958 có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Toà án trong giai đoạn cải cách tư pháp 1950 đến 1958

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18585 sec| 975.086 kb