Quy định về tội loạn luân trong Bộ luật hình sự
1- Khái lược về hành vi loạn luân
Hành vi (tội phạm) loạn luân được quy định tại Điều 184 Bộ luật hình sư năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm". Quy định về tội loạn luân trong Bộ luật hình sự hiện hành (nêu trên) không có nhiều thay đổi so với các bộ luật hình sự trước đây. Trước đó, Điều 146 Bộ luật hình sự năm 1985 và Điều 150 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội loạn luân: ”Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm". Như vậy, Bộ luật hình sự hiện hành chỉ bổ sung thêm quy định "biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ" là và giới hạn: là anh chị em cùng cha mẹ..., đồng thời nâng hình phạt thấp nhất của tội này từ 06 tháng lên 01 năm tù.
Quan hệ về trực hệ là giữa hai đời liên tiếp với nhau có mối quan hệ cha con. Tại Việt Nam, cách hiểu dòng máu trực hệ: lấy đời mình là gốc thì trên đời mình có: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ; dưới đời mình có: con, cháu, chắt, chút - tất cả là chín đời (cửu tộc). Tuy nhiên, Điều 184 Bộ luật hình sự có giới hạn: những người cùng dòng máu về trực hệ mà có quan hệ giao cấu với nhau bị coi là tội phạm không bao gồm trong chín đời, mà chỉ giới hạn: "anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha".
Ngoài ra, có những người không cùng dòng máu mà vẫn có quan hệ trực hệ như: bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; nếu những người này đồng thuận giao cấu với nhau thì lại không bị coi là phạm tội loạn luân. Điều này không hợp lý về đạo đức trong xã hội Việt Nam, tuy hành vi này vẫn lên án mạnh mẽ, bị coi là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, nhưng không bị coi là phạm tội tội loạn luân.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Cấu thành tội phạm của tội loạn luân
[a] Chủ thể của tội loạn luân
Là người có quan hệ huyết thống với người cùng giao cấu, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
[b] Mặt chủ quan của tội loạn luân
Người phạm tội với lỗi cố ý, vì người phạm tội biết rõ người kia có quan hệ huyết thống với mình nhưng vẫn thực hiện hành vi giao cấu.
[c] Mặt khách quan của tội loạn luân
Hành vi giao cấu thuận tình với người cùng dòng máu về trực hệ: cha với con, mẹ với con, ông với cháu, bà với cháu, giữa anh chị em cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với nhau. Không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Lưu ý:
(i) Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điểm c khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
(ii) Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
(iii) Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 năm 2015) hoặc tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017);
(iv) Trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu TNHS về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
[d] Khách thể của tội loạn luân
Tội loạn luân xâm phạm đến thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, xâm phạm đến quan hệ gia đình, truyền thống.
[đ] Hình phạt đối với tội loạn luân
Điều luật quy định 01 khung hình phạt chính có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Tội loạn luân được coi là có mức độ nguy hiểm cao trong số các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình vì tính xấu xa, sự tác hại về nhiều mặt đến hạnh phúc gia đình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Quy định về tội loạn luân trong Bộ luật hình sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Quy định về tội loạn luân trong Bộ luật hình sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest. org.vn.


TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm