Tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hiện nay
1-Cấu thành tội phạm của Tội nhận hối lộ
[a] Chủ thể của tội phạm
Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận…”. Như vậy, chủ thể của tội này được pháp luật quy định là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Những người này không chỉ làm việc trong lĩnh vực công (Nhà nước), mà có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (theo Khoản 6 Điều 354 BLHS). Tuy nhiên, người không có chức vụ, quyền hạn cũng có thể phạm tội này với vai trò là đồng phạm.
Ví dụ: Ông A là người có chức vụ, quyền hạn, nhờ vợ là bà B (nội trợ) nhận hối lộ từ người đưa hối lộ. Bà B biết rõ đó là hội lộ những vẫn nhận cho chồng, vì vậy, bà B là đồng phạm trong trường hợp này.
[b] Khách thể của tội phạm
Khách thể của Tội nhận hối lộ là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
[c] Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác (vật chất hoặc tinh thần) cho mình, cho người hoặc tổ chức khác.
+ Lợi ích vật chất trước hết bao gồm tiền và tài sản. Tiền bao gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ. Tài sản có thể bao gồm: Ô tô, xe máy…Lợi ích vật chất khác có thể là: Vé du lịch, chữa bệnh…
+ Lợi ích phi vật chất có thể là “quan hệ tình dục” hoặc “phần thưởng” về mặt tinh thần...
Thủ đoạn nhận hối lộ bao gồm: nhận trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc qua trung gian, có thể nhận trước hoặc nhận sau khi “làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận lợi ích bất kì được thực hiện là do chủ thể đã làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa (nhận sau) hoặc để sẽ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa (nhận trước). Việc làm hoặc không làm một việc có thể là trái pháp luật hoặc không trái pháp luật, có thể cấu thành một tội độc lập.
Trong trường hợp nhận lợi ích vật chất, hành vi được quy định cấu thành tội phạm trong các trường hợp:
+ Của hối lộ trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
+ Của hối lộ giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng chủ thể đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm quy định tại Mục 1 Chương XXIII BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
[d] Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp, cụ thể: “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi của mình và mong muốn hậu quả xảy ra”.
Mục đích của tội phạm là nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người phạm tội hoặc cho người hoặc tổ chức khác.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2-Hình phạt đối với Tội nhận hối lộ
Người phạm tội nhận hối lộ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trong các trường hợp sau:
+ Nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII BLHS;
+ Nhận lợi ích phi vật chất từ người đưa hối lộ.
Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai được quy định là hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung như: bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3-Khuyến nghị của công ty Luật Everest
[a] Bài viết Tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hiện nay được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hiện nay có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm