Tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình đình
Nội dung bài viết
1- Tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình đình
Gia đình Việt Nam, như Luật hôn nhân và gia đình đã khẳng định là gia đình kiểu mới, trong đó mọi người phải có nghĩa vụ thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Hôn nhân ở Việt Nam là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; vợ chồng bình đẳng, cùng nhau nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội.
Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân và gia đình, trên cơ sở kế thừa và sửa đổi, bổ sung những quy định tại Chương XV BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 quy định "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" tại chương xvII. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Thực tiễn đấu tranh chống các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam cho thấy những hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình xảy ra một phần là do tàn dư tư tưởng hôn nhân và gia đình phong kiến đã ăn sâu trong tiềm thức của con người. Do đặc điểm như vậy mà đường lối xử lý những hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình là kiên trì giáo dục và thuyết phục tuân thủ pháp luật, kết hợp biện pháp giáo dục với biện pháp trừng trị đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Tinh thần này được thể hiện ở những đặc điểm chung của các tội phạm thuộc nhóm tội này như sau:
- Hành vi khách quan cấu thành tội phạm ở nhiều tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình khi có tình tiết nghiêm trọng liên quan đến thủ đoạn phạm tội, hậu quả của tội phạm hoặc liên quan đến đặc điểm nhân thân của chủ thể (đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm).
- Đối tượng được bảo vệ chủ yếu là phụ nữ và con cái mà quyền lợi của họ bị các hành vi ảnh hưởng của tàn dư tư tưởng phong kiến trọng nam, khinh nữ và gia trưởng xâm phạm.
- Chủ thể của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình có thể là chủ thể bình thường hoặc chủ thể có thêm dấu hiệu đặc biệt khác. Trong nội dung trình bày về dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể, dấu hiệu chủ thể của tội phạm chỉ được trình bày khi chủ thể được quy định thêm dấu hiệu đặc biệt.
2- Xử phạt
-Mức hình phạt được quy định cho các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình không cao. Cụ thể: Mức hình phạt tối đa 4/7 tội là không quá 3 năm tù và các tội còn lại cũng không quá 05 năm tù.
Căn cứ vào khách thể trực tiếp bị xâm phạm có thể chia các tội phạm trong Chương này thành 2 nhóm: Nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và nhóm các tội xâm phạm chế độ gia đình. Cụ thể:
- Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gồm 03 tội. Đó là: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện; tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng; và tội tổ chức tảo hôn. Trong nhóm tội phạm này, hành vi cưỡng ép ly hôn và hành vi cản trở ly hôn tự nguyện là hai hành vi mới được quy định trong BLHS năm 2015. Trong khi đó, tội tảo hôn và tội đăng ký kết hôn trái pháp luật đã được quy định trong BLHS năm 1999 nhưng không còn được quy định trong BLHS năm 2015.
- Các tội xâm phạm chế độ gia đình gồm 04 tội. Đó là: Tội loạn luân, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng và tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Trong đó, tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là tội mới được bổ sung trong BLHS năm 2015.
Xem thêm: Tội loạn luân
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm