Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Công lý là thứ nhất thời và cuối cùng cũng sẽ đi đến kết thúc; nhưng lương tâm là vĩnh cửu và sẽ không bao giờ lụi tàn".
- Martin Luther, 1483 - 1546, nhà thần học người Đức
Bà Nguyễn Thị Mùi khởi kiện, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam phải xin lỗi bà Nguyễn Mùi và vong hồn người chết (sát thủ Bùi Đức Lợi), bắt đầu từ tấm ảnh chân dung của bà Nguyễn Thị Mùi được đăng trên Báo Gia đình Việt Nam. Mặc dù mời phóng viên đến nhà, cung cấp tài liệu, cho phép chụp ảnh, nhưng sau đó bà Nguyễn Mùi lại kiện phóng viên chụp trộm và yêu cầu đền bù thiệt hại sức khỏe, tinh thần và kinh tế.
Báo Gia đình Việt Nam cho rằng, đứng sau bà Nguyễn Thị Mùi là một kẻ mù quáng chống đối chính quyền. Người này là cán bộ về hưu, từng có chức vụ ở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhưng bất mãn với chính quyền, chỉ thích kiện cáo. Người này có nhiều vụ kiện liên quan đến Công an tỉnh Quảng Ninh. Khi có thông tin bà Nguyễn Thị Mùi kiện Công an tỉnh Quảng Ninh giết Bùi Đức Lợi bán nội tạng, thì ông ta đã đạo diễn toàn bộ vụ kiện cáo nhảm nhí.
Thông tin do ông Hồ Minh Chiến, Tổng biên tập Báo Gia đình Việt Nam cung cấp cho các Luật sư: năm 2013, khi báo Gia đình Việt Nam đăng loạt bài về tử tù Bùi Đức Lợi, người này đã đến Tòa soạn Báo gia đình Việt Nam nhờ đăng bài tố cáo Công an tỉnh Quảng Ninh trong nhiều vụ việc, trong đó có vụ “giết người bán nội tạng”. Tuy nhiên, nhận thấy người này có dấu hiệu thần kinh không bình thường, cung cấp tài liệu toàn “vong hồn” nhảm nhí kể chuyện thông qua cô đồng, các chứng cứ hoàn toàn suy diễn, nên Báo Gia đình Việt Nam không chấp nhận yêu cầu. Ngay lập tức, ông ta kích động bà Nguyễn Thị Mùi kiện Báo Gia đình Việt Nam và đứng sau đạo diễn toàn bộ vụ việc.
Khi đang xúi giục kiện Báo Gia đình Việt Nam, thì ông này bị công an bắt, khởi tố tội “chống phá nhà nước”. Khi ông này đi tù, thì bà Nguyễn Thị Mùi cũng “mất tích”, không theo kiện nữa. Tuy nhiên, hai (02) năm sau, khi ông ta ra tù, thì lại tiếp tục kiện.
Vụ án xét xử nhiều lần. Lúc đầu, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy bác đơn kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, vì yêu cầu thiếu cơ sở. Tuy nhiên, khi bà Nguyễn Thị Mùi kiện cả Tòa án nhân dân Cầu Giấy đến Tòa án nhân dân Hà Nội, thì Tòa án nhân dân Cầu Giấy phải xử lại, và đã xử bà Nguyễn Thị Mùi thắng kiện.
Năm 2020, với sự trợ giúp của các Luật sư Công ty Luật TNHH Everest, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (cấp phúc thẩm) đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
II- TỬ TÙ NHẬP HỒN NHẢM NHÍ
Bà Nguyễn Thị Mùi (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) liên tiếp được người con (sát thủ Bùi Đức Lợi) là tử tù báo mộng, nên mang niềm tin con bị chết oan. Ngoài việc đi tìm chứng cứ, biện hộ, bà Nguyễn Thị Mùi tìm đến nhà ngoại cảm để “gọi hồn” con trai lên nói chuyện. Có người hướng dẫn bà Nguyễn Thị Mùi đến gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Sinh, thường gọi là cô đồng Sinh ở Hải Dương.
Chuyến xe khách đưa 03 người phụ nữ, gồm bà Nguyễn Thị Mùi và hai người em, đến thôn Ngọc Cục (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương). Ngay hôm đầu gặp cô đồng Sinh, “linh hồn” con trai bà, tức Bùi Đức Lợi, đã “nhập” vào cô đồng này kêu bị giết và bị Công an tỉnh Quảng Ninh bán nội tạng sang Trung Quốc. Mặc dù cuộc gọi hồn diễn ra chóng vánh, nhưng niềm tin con mình bị oan trong lòng bà Nguyễn Thị Mùi lớn thêm.
Ngoài “linh hồn” tử tù Bùi Đức Lợi nhập về, thì “linh hồn” bà nội của Bùi Đức Lợi cũng “nhập” vào cô đồng Sinh. Thời điểm đó, bà cụ mới mất được 73 ngày. Khi sống, bà già yếu, không biết gì về vụ án của Bùi Đức Lợi, nhưng khi chết, bà lại “kể” rành mạch những “oan khuất” của Bùi Đức Lợi. Những điều bà kể cũng có nội dung y hệt “linh hồn” Bùi Đức Lợi thông qua cô đồng Sinh kể với mọi người. Rồi tiếp tục đến em trai bà Nguyễn Thị Mùi, chết hồi 06 tuổi, cũng “nhập” vào cô đồng Sinh và nói những điều tương tự, về chuyện “oan khuất” của tử tù Bùi Đức Lợi.
Sau ngày “gọi hồn” con trai và những người thân đã mất, bà Nguyễn Thị Mùi càng củng cố quyết tâm… theo kiện. Bà lên Hà Nội gửi đơn thư khắp nơi. Một lần, ăn ngủ vật vờ ở nơi tiếp dân, bà gặp một người phụ nữ ở Lào Cai, là chỗ quen nhau vì cùng cảnh đi kiện cáo. Chị này là nhân vật trong một vụ án oan sai, sắp được bồi thường. Chị hẹn mọi người tụ tập buổi trưa để chị khao. Đang kể chuyện của mình, chị phụ nữ này bỗng quay sang phía bà Nguyễn Thị Mùi bảo: “20 âm lịch này có hội ngoại cảm tâm linh họp ở…”. Bà Nguyễn Thị Mùi sực “hiểu” rằng, con trai bà vừa “nhập” vào cô kia để thông báo một việc quan trọng, chính vì thế, cô này vừa nói khỏi miệng nhưng quên ngay.
Tin rằng “con trai mượn xác” cái cô ở Lào Cai nói, nên mấy ngày bà Nguyễn Thị Mùi không ngủ được, cứ bồn chồn đợi đến ngày 20 âm lịch. Từ tối hôm trước bà đã lên Hà Nội, rồi sáng sớm tìm đến hội trường diễn ra hội nghị tâm linh. Mọi người đến đó phải có giấy mời, riêng bà thì không có. Chẳng biết có vào được không nhưng bà cứ tìm đến.
Đến cổng, gặp anh bảo vệ, bà hỏi đã diễn ra hội nghị chưa, ông bảo vệ bảo diễn ra rồi. Anh bảo vệ không kiểm tra giấy tờ gì cả, mời bà vào luôn. Bà ngồi hàng ghế cuối, nghe hết ông nọ đến ông kia lên phát biểu, mà chẳng hiểu họ nói gì. Lúc sau, hỏi người ngồi bên cạnh, mới biết đây là đại hội của một công ty tàu biển.
Biết mình vào nhầm, nên bà bỏ ra. Bà hỏi bảo vệ là ở đây có mấy hội trường, anh ta bảo chỉ có một. Bà hỏi hội nghị tâm linh ngoại cảm diễn ra ở đâu, thì anh này à lên, cười ngặt nghẽo, bảo đó là hội nghị tổng kết của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Anh ta bảo bà cứ ra ghế ngồi đợi, khi hội nghị của công ty đóng tàu xong, đến 8h30 thì mới đến hội nghị của trung tâm nghiên cứu ngoại cảm.
Đến giờ ấy thì hội nghị tàu biển kết thúc, và những người ở tâm linh ngoại cảm kéo đến. Có mấy người kiểm tra giấy mời từng người mới cho vào. Anh bảo vệ lúc nãy gọi bà, bảo đã đến hội nghị tâm linh, mời bà vào. Bữa ấy, bà Nguyễn Thị Mùi nhét đầy đơn thư trong người. Bà lấy dây buộc vòng quanh người, rồi khoác áo rét che kín. Bà sợ mang đơn thư khiếu kiện người ta đuổi, nên phải giấu kỹ. Mục đích hàng đầu của bà khi đó chỉ là tìm đến đây xem có ông nào to không để gửi đơn kêu oan cho con. Bà ngồi cạnh một cô là phóng viên báo Hà Nội Mới. Bà hỏi có ông nào làm to không, cô ấy nhìn một lượt và bảo không thấy có ông to nào.
Mọi người ổn định chỗ ngồi, thì hội nghị tâm linh diễn ra. Ông Chu Phác, rồi các ông giáo sư, tiến sĩ, các nhà ngoại cảm lần lượt đứng lên phát biểu. Những gia đình tìm được mộ liệt sĩ cũng lên đọc lời cảm ơn nhanh gọn. Bà Nguyễn Thị Mùi đang say sưa nghe, thì bỗng có một người phụ nữ đi vào hội nghị kêu lớn: “Có bác nào tên là Mùi ở Vân Đồn không hả? Nếu có thì xin mời đứng lên, ra ngoài sân gặp đứa cháu”. Bà Mùi nghe thấy vậy thì đứng lên bảo: “Có tôi đây, tôi lên là Mùi, đúng là ở Vân Đồn”. Bà đứng lên, thì một người đến nơi, dắt bà ra ngoài sân.
Hóa ra là cô đồng Sinh, đang ngồi khật khừ ở ngoài sân. Có đến mấy chục người vây quanh cô Sinh. Lúc đó, “vong hồn” nhập vào cô đồng Sinh không phải Bùi Đức Lợi con bà, mà lại là cháu Lâm, con trai của bà Duân, là nạn nhân trong một vụ giết người do Bùi Đức Lợi gây ra. (Trong bản án, thì chính Bùi Đức Lợi, con trai bà Nguyễn Thị Mùi, là kẻ giết chết cháu Lâm, cùng chị gái tên Mai).
Cô đồng Sinh nói giọng như trẻ con. Linh hồn cháu Lâm bảo rằng không phải anh Bùi Đức Lợi giết cháu, mà là ông L., là tình nhân của mẹ cháu hãm hại. Chính vì sợ lộ chuyện mẹ ngoại tình, nên ông L. mới giết cả 2 chị em để bịt đầu mối. Linh hồn cháu Lâm còn bảo dắt cả Bùi Đức Lợi về, và Lợi đang đứng cạnh nhưng bị mù, không nhìn thấy gì cả.
Khi đó, bà Nguyễn Thị Mùi và mọi người xung quanh cùng xúm vào hỏi rằng, sao Bùi Đức Lợi không giết cháu mà người ta lại bắt Bùi Đức Lợi? “Linh hồn cháu Lâm” bảo cháu đã cố gắng nhập vào ông L. để bắt ông ấy tự thú, nhưng ông này là dạng đầu gấu, buôn bán ma túy, nên không nhập vào được.
Khi mọi người đang xúm vào hỏi han, thì ông Chu Phác (Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý – Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người - PV) đi ra. Trò chuyện một lát, thì cháu Lâm ra khỏi nhà ngoại cảm Sinh. Đúng lúc đó, thì “vong” Bùi Đức Lợi “về”. Ông Chu Phác dỗ dành bảo: “Cháu muốn gì?”. “Vong” Bùi Đức Lợi bảo: “Cháu muốn được minh oan cho cháu”. “Vong” Bùi Đức Lợi kể lại mọi chuyện như những lần nhập hồn trước. Ông Chu Phác bảo: “Cứ đi đi, có gì rồi lo sau”. Nhưng “vong” Bùi Đức Lợi không chịu đi, mà bảo: “Cháu không tin người trần đâu, toàn hứa rồi để đó. Ông phải hứa thì cháu mới đi. Cháu đến nhà ông mấy lần rồi đấy”. Khi đó, ông Chu Phác không hứa gì, mà chỉ bảo: “Thôi đi đi, ông mệt lắm rồi, để cho ông nghỉ chứ”. Tuy nhiên, “vong” Lợi nhất định không đi, cứ đòi ông Chu Phác hứa.
Khi đó, hội nghị đang diễn ra, hàng ngàn người có mặt. Mọi người đã bỏ hết hội trường ra ngoài sân xem “vong” Lợi nhập vào cô đồng Sinh. Ông Chu Phác bảo Lợi đi mãi không được, nên một bà chạy đến. Bà này cầm đèn pin, vạch mắt cô đồng Sinh, rọi thẳng đèn vào mắt, dùng tay đập mấy cái vào đầu, thế là “vong thăng”.
Sau lần ấy, bà Nguyễn Thị Mùi liên tục đến nhà cô đồng Sinh. “Vong” Bùi Đức Lợi, “vong” Lâm (nạn nhân bị Bùi Đức Lợi giết) thay nhau nhập vào cô đồng Sinh kêu oan.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest
Để hiểu về hiện tượng lạ lùng “hồn ma tử tù” nhập vào nhà ngoại cảm lên tiếng kêu oan, các phóng viên Báo VTCNews đã mang những video, ghi âm về chuyện này đến gặp các nhà khoa học thần kinh. Xem xét tất cả các video “vong hồn” nhập vào bà Sinh, thì đây là hiện tượng lên đồng, là hiện tượng ám thị, là trò lừa đảo nhảm nhí của những kẻ thần kinh không bình thường.
Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Everest, nhận định: trong quá trình các cơ quan điều tra, tố tụng xử án, có một số tình tiết chưa rõ ràng, chưa hoàn toàn chính xác, bị đem ra suy diễn… khiến bà Nguyễn Thị Mùi có niềm tin con mình vô tội. Bà Nguyễn Thị Mùi cứ tin vào những dấu hiệu nhỏ đó, mà vô tình hoặc cố ý bỏ qua những chi tiết quan trọng nhất, khái quát nhất, khiến bà bị lạc hướng.
Đặc biệt, khi đào mộ con, thấy một mẩu xương cánh tay bị gãy, bà lập tức nghi ngờ con mình bị sát hại, thủ tiêu… Rồi có thể những lời đồn bà Nguyễn Thị Duân (nạn nhân bị Bùi Đức Lợi giết hụt) có quan hệ với ai đó ngoài chồng, khiến bà, hoặc ai đó nảy sinh nghi ngờ tình địch sát hại hai đứa con của bà Duân, chứ không phải con của bà.
Tất cả những chi tiết đó được bà tổng hợp lại, nhào nặn lại và nó in đậm trong suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Mùi, khiến bà càng có đức tin lớn là con mình vô tội, bị chết oan. Bằng một cách nào đó, những thông tin này đến tai nhà ngoại cảm là bà Sinh, có thể qua bà Mùi kể, có thể người khác kể, hoặc chỉ là câu chuyện vu vơ, hoặc thông tin cứ tiết lộ dần dần qua những lần gọi hồn. Khi gọi hồn, cô đồng Sinh chỉ cần nghĩ đến nạn nhân là cháu Lâm, mong muốn cháu Lâm “về” và cùng mang suy nghĩ Bùi Đức Lợi bị oan như suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Mùi, thì lập tức “cháu Lâm” sẽ nói “anh Lợi bị oan”.
Những thông tin oan sai mà “cháu Lâm” đưa ra cũng rất ít ỏi và đơn giản như suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Mùi. Đó thực ra chỉ là những thông tin ám thị mà bà Nguyễn Thị Mùi hoặc những người xung quanh đưa vào bộ não của cô đồng Sinh.
Khi cô đồng Sinh nghĩ đến Bùi Đức Lợi, bà nội của Bùi Đức Lợi, hay người em mất khi 06 tuổi của bà Nguyễn Thị Mùi, thì cô đồng Sinh cũng chỉ nói được vài thông tin như suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Mùi mà thôi, không có thông tin gì mang tính đột phá.
Theo một số chuyên gia tâm linh, nếu linh hồn Bùi Đức Lợi và cháu Lâm là có thật, thì sẽ dễ dàng dẫn mọi người đi tìm con dao giết chết Nguyễn Thị Duân, chém chết cháu Lâm, cháu Mai. Hoặc nếu có đồng phạm trong vụ giết ông Hùng ở thành phố Hạ Long trong vụ giết người cướp của như lời khai của Bùi Đức Lợi, thì “linh hồn” của Bùi Đức Lợi, cháu Lâm và những người khác sẽ dễ dàng tìm ra chúng, chỉ cho mọi người đi tìm chúng…
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA tuy đặt ra một số nghi vấn, song cũng bác bỏ chuyện “hồn ma tử tù” kêu oan như trong những video mà ông được xem tràn lan trên mạng. Ông Khanh cho biết: “Bà Nguyễn Thị Sinh ở Hải Dương chỉ là một cô đồng bình thường, không thể được coi là nhà ngoại cảm. Việc cô đồng Sinh gọi hồn lung tung bừa bãi, phán này nọ là đáng lên án. Hành động đó làm rối loạn thêm cho vụ án đã khép lại, và đặc biệt là gây hoang mang, hiểu lầm thêm cho gia đình nạn nhân, gia đình tử tội. Qua xem xét những ghi âm, ghi hình, tôi bác bỏ tính chính xác của việc tử tù kêu oan. Tôi khẳng định đây là hiện tượng ma giả ma, hoặc người giả ma. Cứ cho đó là linh hồn thật của tử tù, thì cũng không có nghĩa tử tù này bị xử oan. Bản thân Liên hiệp UIA cũng nghiên cứu, thực nghiệm nhiều vụ kiểu này. Ngay ở Quảng Ninh cũng từng có một vụ tử tù nhập vào nhà ngoại cảm, rồi nhập cả vào người nhà kêu oan. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, thì chúng tôi nhận thấy cơ quan công quyền xử đúng người, đúng tội, không oan sai gì cả”.
Theo các tài liệu từ cơ quan điều tra: khoảng 08h00 ngày 11/8/2006, sát thủ Bùi Đức Lợi (27 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) cầm khẩu súng thể thao tự chế, cuộn dây thừng nhỏ, chiếc khăn bông, cái cuốc và túi bánh từ xã Hạ Long lên đồi Máy Bay (Vân Đồn) chặt cây giống về trồng. Đến khu vực lưng chừng đồi nghe có tiếng chặt củi và bóng người, hắn nảy sinh ý định cướp tài sản nên lần theo tiếng động đến gần.
Nép sau một gốc cây quan sát, thấy chị Nguyễn Thị Duân (37 tuổi, ở xã Hạ Long) cùng hai con là Nguyễn Thị Mai (13 tuổi) và Nguyễn Văn Lâm (11 tuổi) đang chặt củi. Để thực hiện ý định đen tối, Bùi Đức Lợi lấy khăn bịt mặt, chỉ để hở hai mắt, súng đạn sẵn sàng. Đúng lúc này, ba mẹ con cũng chuẩn bị về. Buộc hai bó tre nhỏ chất lên vai cho các cháu Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Thị Mai đi trước, chị Duân mang bó to hơn nên đi sau đó vài phút.
Hai đứa trẻ đang ríu rít trò chuyện thì bất ngờ "ninja" Bùi Đức Lợi từ trong lùm cây nhảy bổ ra chặn đường, gí súng uy hiếp: "Chạy tao bắn" rồi lấy sợi dây thừng buộc trâu đã chuẩn bị sẵn ra trói cháu Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Thị Mai. Chị Nguyễn Thị Duân đi tới, Bùi Đức Lợi bắn chỉ thiên để thị uy và chĩa súng vào người chị yêu cầu nộp một triệu đồng chuộc con. Chị bảo không có tiền, liền bị Bùi Đức Lợi kéo thốc lại trói tay cùng với hai con và bắt họ đi trước, hắn cầm một đầu dây thừng, tay lăm lăm khẩu súng đi sau.
Khoảng 05 phút tới khu vực giếng Cô Tiên, Bùi Đức Lợi dừng lại quấn dây quanh người hai cháu nhỏ rồi trói chặt vào gốc cây, cởi trói cho chị Nguyễn Thị Duân và tiếp tục dùng súng uy hiếp đòi tiền. Do không có tiền nên chị Nguyễn Thị Duân quỳ xuống van xin nhưng Bùi Đức Lợi vẫn không tha, bắt chị xuống đồi và định hãm hiếp nhưng chị không đồng ý.
Bùi Đức Lợi vật ngã chị xuống đất lấy 30.000 đồng trong áo. Chị Nguyễn Thị Duân vùng vẫy, chống cự liền bị Bùi Đức Lợi lấy dao rựa trong bó củi chém nhiều nhát. Nghĩ chị Nguyễn Thị Duân đã chết, Bùi Đức Lợi đạp xác chị xuống vực. Do mắc vào một cành cây nên chị tỉnh lại. Thấy vậy, Bùi Đức Lợi trượt xuống chém tiếp và đạp chị xuống vực sâu.
Còn cháu Nguyễn Văn Lâm, khi được Bùi Đức Lợi cởi trói để bắt quay về lấy tiền, cháu xông vào giật khăn bịt mặt của Bùi Đức Lợi rồi bỏ chạy nhưng bị hắn đuổi theo dùng rựa chém. Bùi Đức Lợi lại vác xác cháu Nguyễn Văn Lâm vứt xuống vực và quay lại cởi trói cho cháu Nguyễn Thị Mai. Thấy nạn nhân sợ hãi vùng chạy, hắn đuổi theo dùng dao đập làm cháu gục xuống. Bùi Đức Lợi vác cháu Nguyễn Thị Mai lên vai đi về phía xã Đoàn Kết.
Đang đi, hắn nổi tà dâm và trong lúc đang giở trò thì cháu Nguyễn Thị Mai tắt thở nên Bùi Đức Lợi vội vã vác xác cháu Nguyễn Thị Mai ném xuống một khe suối cạn thuộc thung lũng Cô Tiên. Xong việc, hắn vứt con dao tang vật ở bìa rừng rồi bỏ về nhà đốt hết tiền và bộ quần áo vấy máu trên người.
Thấy ba mẹ con chị Nguyễn Thị Duân không về, hôm sau anh Nguyễn Văn Vương (em trai chị Nguyễn Thị Duân) cùng mọi người đi tìm, theo hướng đồi lên giếng Cô Tiên thì thấy một vết trượt dài bên cạnh ta luy. Anh Vương theo vết trượt xuống khoảng 20 mét thì gặp chị Duân trong trạng thái bất tỉnh, đầu, mũi có nhiều vết thương, mắt dính máu đọng đã khô, liền đưa về bệnh viện huyện cấp cứu và báo công an.
Theo chỉ dẫn của chị Nguyễn Thị Duân sau khi tỉnh lại, anh Vương và công an đã tìm kiếm nhưng đến ngày 13/08 mới tìm thấy xác cháu Nguyễn Văn Lâm cách đường mòn trong rừng khoảng 10 mét (cùng phía với địa điểm tìm thấy chị Nguyễn Thị Duân). Riêng cháu Nguyễn Thị Mai được phát hiện vào ngày 13/11 khi một người dân xuống khe cạn ở khu vực giếng Cô Tiên để lấy củi, bắt gặp một xác người đã phân hủy, chỉ còn lại xương.
Cuối tháng 10/2012, những điều tra viên trực tiếp tham gia phá án cho biết, tuổi thơ "không bình thường" đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và lối sống của Bùi Đức Lợi sau này. Có lẽ cũng từ đó hắn trở thành kẻ bệnh hoạn, máu lạnh, có thủ đoạn gây án sặc mùi xã hội đen. Không chỉ riêng vụ cướp giết hiếp ba mẹ con chị Nguyễn Thị Duân mà trong hàng loạt án mạng nghiêm trọng gây ra sau đó, Bùi Đức Lợi đều sử dụng chung phương thức gây án: dùng súng uy hiếp, bắn chỉ thiên để cướp tiền. Nếu nạn nhân kháng cự, Bùi Đức Lợi đều lạnh lùng nổ súng giết ngay để dằn mặt những người còn lại.
Trong trại tạm giam, khi tường thuật lại những vụ án man rợ này, nét mặt sát thủ Bùi Đức Lợi lạnh như băng, không hề biến sắc. Hắn kể lại một cách tỉ mỉ, rõ ràng, rành mạch từng chi tiết khiến các điều tra viên cũng phải lắc đầu trước tên sát thủ máu lạnh.
Bùi Đức Lợi là con trai duy nhất trong gia đình có "nhiều vấn đề". Bố Bùi Đức Lợi nghiện rượu, trong những cơn say, ông thường xuyên "dạy dỗ" hai mẹ con bằng... nắm đấm. Mỗi lần như vậy, Bùi Đức Lợi thường nhốt mình trong phòng để "luyện" phim xã hội đen, sex... Điều này xảy ra hàng ngày khiến Bùi Đức Lợi trở nên chai lỳ, vô cảm trước nỗi đau của gia đình. Càng ngày Bùi Đức Lợi càng lầm lỳ ít nói và có khuynh hướng bạo lực.
Hết lớp 12, Bùi Đức Lợi bỏ học ở nhà. Hằng ngày hắn đều lên rừng săn bắt chim chóc về để tập bắn cho hả giận. Năm 2002, trong một lần lên rừng chơi, phát hiện khẩu súng thể thao dài 80cm cùng một túi đạn 100 viên của nhóm thợ săn hoẵng treo trên cây, hắn mừng như bắt được vàng, hí hửng mang về nhà hỳ hục "luyện công". Từ đó khẩu súng bị Bùi Đức Lợi cưa bớt nòng đã trở thành vật bất ly thân của hắn.
Khoảng 19h30 ngày 29/01/2007, Bùi Đức Lợi đội mũ len trùm kín mặt chỉ để hở hai mắt, cầm khẩu súng săn trèo tường đột nhập nhà ông Phan Đình Hùng ở khu Đồn Điền (Hà Khẩu, Hạ Long). Anh Phan Đình Tường (con trai ông Phan Đình Hùng) cho biết, lúc xảy ra vụ án anh đang tán gẫu cùng em gái thì nghe kêu cướp và tiếng súng nổ. Anh đi ra, thấy một người đội mũ len bịt kín mặt tay lăm lăm súng, lúc đầu gí vào ngực bác Thu (chị gái ông Phan Đình Hùng), sau đó chĩa sang ông và đòi 01 triệu đồng.
Anh Phan Đình Tường lẻn ra ngoài gọi điện sang nhà ông Toại hàng xóm cầu cứu rồi vào bếp lấy dao và quay lại hiện trường. Phát hiện anh Phan Đình Tường cầm dao, Bùi Đức Lợi quay súng về phía anh uy hiếp. Ngay sau đó, hắn lại chĩa súng vào người ông Hùng bắt đưa tiền, nếu không sẽ bắn chết từng người. Ông Hùng lấy 700.000 đồng đưa cho, Bùi Đức Lợi yêu cầu ông đưa thêm. Nhìn thấy chiếc điện thoại di động Sam Sung T400, Bùi Đức Lợi bảo ông Hùng đưa đồng thời bắt ông mở tủ lấy tiền. Ông Hùng dùng tay hất khẩu súng, Bùi Đức Lợi bắn ngay khiến ông gục xuống nền nhà.
Thấy vậy, anh Phan Đình Tường dùng dao xông đến đập vào gáy và ôm chặt Bùi Đức Lợi. Mẹ anh Phan Đình Tường cũng lao vào ghì khẩu súng trên tay hắn chĩa sang hướng khác. Lúc này Bùi Đức Lợi bảo trong người hắn có lựu đạn, nhưng anh Tường vẫn quyết không buông. Đúng lúc đó ông Toại và các con cháu đến giúp sức bắt giữ Bùi Đức Lợi, thu nhiều vật chứng.
Trước đó, 19h30 ngày 07/01/2007, Bùi Đức Lợi cầm khẩu súng nói trên, đội mũ len bịt mặt đột nhập nhà ông Nguyễn Sỹ Điều. Lúc này, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Điều đang xem tivi ở phòng khách, cửa chỉ khép hờ. Vừa vào nhà, Bùi Đức Lợi dùng súng đe dọa hai vợ chồng đòi nộp tiền. ÔngNguyễn Sỹ Điều bảo không có thì hắn bắn vào tường uy hiếp và bắt dẫn đi tìm. Sau khi lục soát lấy được vài chục ngàn, Bùi Đức Lợi lấy đoạn dây đưa cho bà Lân bắt bà trói chồng lại. Xong việc, hắn lục soát lấy 30 triệu đồng rồi khóa cửa nhốt vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Điều lại, bỏ trốn.
Khoảng 20h ngày 15/1/2007, Bùi Đức Lợi tiếp tục đội mũ len bịt kín mặt cầm súng đột nhập nhà anh Trần Văn Hậu ở khu 2, phường Cửa Ông cướp tài sản. Chị Nhung (vợ anh Hậu) đang lau nhà thì bị Bùi Đức Lợi gí súng vào đầu bắt dẫn lên tầng nhà hai. Tới nơi thấy anh Hậu và con trai là Trần Minh Thắng đang xem tivi, Bùi Đức Lợi bắn vào tường để đe dọa và khống chế rồi bắt nộp tiền. Thắng lấy một triệu đồng đưa cho Bùi Đức Lợi. Hắn tiếp tục lục soát lấy thêm 200.000 đồng, một đôi hoa tai và 3 nhẫn vàng, một đồng hồ Rado rồi trói mọi người lại và biến mất.
Trước những tội ác man rợ của Bùi Đức Lợi, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử tử hình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm