Xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại

04/06/2024
Mai Công Phú
Mai Công Phú
Vi phạm trong hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam có thể bị xử lý bằng các chế tài hành chính, dân sự và hình sự. Chế tài hành chính bao gồm phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả, trong khi chế tài dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại và hủy bỏ hợp đồng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này nhằm đảm bảo hoạt động nhượng quyền thương mại diễn ra lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

1- Chế tài hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 292 Luật Thương mại, các loại chế tài áp dụng đối với vi phạm hợp đồng nhượng quyền thương mại gồm có: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; Phạt vi phạm; Buộc bồi thường thiệt hại; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Hủy bỏ hợp đồng; Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái pháp luật.

Tuy nhiên, nếu xem xét quy định tại Điều 24, Nghị định 35/2006/NĐ-CP thì những vi phạm sau đây mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

(i) Kinh doanh nhượng quyền thương mại khi chưa đủ điều kiện quy định;

(ii) Nhượng quyền thương mại đối với những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;

(iii) Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại;

(iv) Thông tin bản giới thiệu nhượng quyền thương mại có nội dung không trung thực;

(v) Vi phạm về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;

(vi) Vi phạm quy định về thông báo trong hoạt động nhượng quyền thương mại;

(vii) Không nộp thuế theo quy định pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

(viii) Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Những loại vi phạm trên đều là những vi phạm có thể dẫn tới hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu toàn phần hoặc vô hiệu từng phần, hoặc là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền nhưng lại chỉ xếp chung vào nhóm “bị xử phạt vi phạm hành chính” tùy theo tính chất, mức độ vi phạm “là không hợp lý và chưa đầy đủ”.

Theo quy định tại Điều 75, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi vi phạm về kinh doanh nhượng quyền thương mại có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy vào hành vi vi phạm và có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Cũng theo Nghị định này, về thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động nhượng quyền thương mại thì thẩm quyền chung sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Ngoài ra, một số cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền có thể xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, như: Cơ quan thuế, Quản lý thị trường,… (Điều 88 Nghị định 98/2020/NĐ-CP). Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ do người thụ lý đầu tiên thực hiện. (Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, pháp luật chỉ quy định hình thức xử lý là phạt tiền, vì tiền hay lợi nhuận trong kinh doanh là mục đích chính của các bên khi tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại hướng đến. Tóm lại, pháp luật Việt Nam hiện nay cũng đã xây dựng được khuôn khổ, hành lang pháp lý cho hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

2- Chế tài dân sự

Theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của Luật Thương mại năm 2005, nguyên tắc áp dụng Luật Thương mại và các văn bản pháp luật có liên quan được quy định, điều đó có nghĩa là hoạt động thương mại phải tuân thủ theo Luật Thương mại và các quy định pháp luật liên quan. Nếu các hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại hoặc trong các văn bản pháp luật khác, thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, tùy thuộc vào luật áp dụng, các biện pháp dân sự được áp dụng tương ứng.

Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, chế tài dân sự liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại được nêu cụ thể tại các Điều 407, Điều 408, quy định về giao dịch dân sự vô hiệu, hợp đồng vô hiệu; Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm; Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng. Trường hợp thương nhân kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các biện pháp chế tài dân sự liên quan đến hoạt động Nhượng quyền thương mại vẫn chưa được thống nhất, vẫn tồn tại sự mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005. Ví dụ cụ thể là trong việc áp dụng chế tài phạt vi phạm: Khoản 2, Điều 418 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ luật liên quan có quy định khác"; trong khi Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005 nêu rõ: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

3- Chế tài hình sự

Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điểm b, Khoản 1, Điều 321, Luật Thương mại năm 2005).

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm khác nhau sẽ có những chế tài xử lý vi phạm khác nhau, việc quy định các chế tài trên nhằm khắc phục những sai phạm trong hoạt động nhượng quyền thương mại trên thực tế; giúp thúc đẩy hoạt động thương mại diễn ra lành mạnh, tạo thương hiệu bền vững, uy tín giữa các bên khi tham gia.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.82364 sec| 952.32 kb