Bản chất và đặc điểm của thuế thu nhập

01/03/2023
Thuế thu nhập là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập của các tổ chức kinh doanh và các cá nhân có thu nhập phát sinh từng lần hoặc trong một khoảng thời gian xác định từ một số nguồn nhất định.

Thuế thu nhập phân biệt với các loại thuế khác ở một số đặc điểm sau:

I- THUẾ THU NHẬP CÓ ĐỐI TƯỢNG ĐÁNH THUẾ LÀ THU NHẬP

Trong hệ thống thuế của các nước, bất kì loại thuế nào suy cho cùng cũng đều lấy từ thu nhập của dân cư trong xã hội để tập trung vào quỹ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không phải loại thuế nào cũng là thuế thu nhập. Thuế thu nhập khác với thuế tiêu dùng, thuế tài sản ở chỗ: Thuế thu nhập là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của các tổ chức, cá nhân khi có thu nhập chịu thuế phát sinh. Đối với thuế tiêu dùng là loại thuế gián thu đánh vào việc sử dụng thu nhập của người dân, thông qua việc người dân sử dụng thu nhập để mua hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, phần thu nhập mà Nhà nước lấy đi của họ được cộng vào trong giá bán hàng hoá, dịch vụ. Vì thế, người chịu thuế, người nộp thuế là không đồng nhất (người tiêu dùng là người chịu thuế, người kinh doanh bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là người nộp thuế). Đối với thuế tài sản là loại thuế đánh vào thu nhập tích lũy đã được vật hoá dưới dạng tài sản của tổ chức, cá nhân trong xã hội. về bản chất, thuế tài sản cũng là thuế‘trực thu nhưng có đối tượng đánh thuế là tài sản. Mặc dù, tài sản và thu nhập đều là của cải của một chủ thể có được nhờ những nguồn lợi thu được từ các hoạt động kinh tế. 

Tuy nhiên, giữa chúng cũng có sự khác nhau, cụ thể: Tài sản là khối lượng của cải của một chủ thể ở một thời điểm nào đó, còn thu nhập là số của cải thu được của một chủ thể trong khoảng thời gian nhất định (một tháng hoặc một năm). Như vậy, thu nhập của một thời kì sẽ không bao gồm tài sản ở thời kì trước, còn tài sản lúc cuối kì thì bao gồm tất cả các thu nhập của các kì trước đó cộng lại. Vì vậy, khái niệm tài sản phải gắn với yếu tố thời điểm, còn khái niệm thu nhập gắn với yếu tố khoảng thời gian nhất định. 

Trên phương diện lí thuyết thì Nhà nước chỉ cần đánh thuế thu nhập là đủ nhưng nếu chỉ đánh thuế thu nhập thì mức thuế suất sẽ rất cao, dẫn đến việc cản trở các hoạt động tạo ra thu nhập, tạo ra cảm giác bề ngoài về việc đánh thuế cao vào thu nhập sẽ là sự thiếu công bằng. Hơn nữa, nếu chỉ đánh thuế vào thu nhập thì khả năng rủi ro về thất thu thuế sẽ cao, đặc biệt là ở những quốc gia mà diện đánh thuế thu nhập còn hạn hẹp, trình độ quản lí thuế còn hạn chế. Việc đánh thuế dưới các dạng khác nhau trong quá trình sử dụng, tích lũy thu nhập của người dân sẽ tạo điều kiện giảm bớt mức thuế đánh trực tiếp vào thu nhập. Ngoài ra, việc đánh các loại thuế khác cho phép động viên thêm phần thu nhập chưa bị đánh thuế và cả phần thu nhập đã trốn hoặc tránh thuế, hạn chế được tác động tiêu cực của thuế thu nhập gây ra. 

Thực tế cho thấy không có một loại thuế đơn lẻ nào có khả năng đồng thời đáp ứng được các mục tiêu công bằng, hiệu quả và không có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế. Chính vì vậy, các quốc gia đều sử dụng một hệ thống thuế gồm nhiều loại thuế khác nhau để bổ sung, hỗ trợ nhau trong việc đáp ứng các mục tiêu chung của cả hệ thống chính sách thuế là điều chỉnh họp lí mối quan hệ giữa thu nhập, tiêu dùng, đầu tư và khả năng mua sắm, tích lũy tài sản của các tầng lớp dân cư. Do thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập phát sinh, vì thế, một trong nội dung quan trọng trong chính sách thuế thu nhập là phải xác định được thu nhập chịu thuế. 

Xem thêm: Cơ sở ra đời và các loại thuế thu nhập.

Khái niệm “thu nhập” hiện nay chưa được định nghĩa một cách chính thức và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Thông thường các nhà nghiên cứu kinh tế, pháp lí không đưa định nghĩa tồng quát mà họ thường chỉ liệt kê các khoản được gọi là thu nhập của các tổ chức, cá nhân.

Trong nền kinh tế thị trường, các khoản thu nhập của tổ chức, cá nhân rất đa dạng. Nếu căn cứ vào hoạt động hoặc giao dịch làm phát sinh thu nhập thì thu nhập sẽ gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu nhập từ lao động; thu nhập từ tài sản, tiền vốn; thu nhập từ thừa kế, biếu, tặng, cho; thu nhập từ bản quyền, nhuận bút; thu nhập từ chuyển giao công nghệ, sáng kiến cải tiến kĩ thuật, nhãn hiệu hàng hoá; thu nhập do được bồi thường; thu nhập do trúng xổ số, khuyến mại; thu nhập do xã hội dành cho như: học bổng, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp cho các đối tượng chính sách, ưu đãi xã hội và các khoản thu nhập khác.

Nếu căn cứ vào tiêu chí khác nhau của thu nhập thì thu nhập được phân chia thành thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên; thu nhập hợp pháp và thu nhập bất họp pháp; thu nhập thực tế đã phát sinh và thu nhập tiềm năng; thu nhập có tính phổ biến và thu nhập không có tính phổ biến; thu nhập mà Nhà nước kiểm soát được và thu nhập mà Nhà nước chưa kiểm soát được; thu nhập của tổ chức và thu nhập cá nhân; thu nhập trong nước (thu nhập phát sinh trong phạm vi lãnh thồ quốc gia) và thu nhập ở nước ngoài (thu nhập ngoài phạm vi lãnh thổ)...

Các loại thu nhập kể trên không phải khoản thu nhập nào cũng là thu nhập chịu thuế mà chỉ có một số khoản thu nhập đáp ứng những điều kiện nhất định mới là thu nhập chịu thuế.

Pháp luật thuế thu nhập ở các nước nói chung đều quy định các khoản thu nhập chịu thuế làm cơ sở cho việc đánh thuế thu nhập. Thông thường thu nhập chịu thuế phải là những khoản thu nhập hợp pháp, đã thực tế phát sinh, có tính phổ biến và Nhà nước có thể kiểm soát được. Có như vậy, pháp luật thuế thu nhập mới bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính công bằng cho các đối tượng nộp thuế, bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, các khoản thu nhập chịu thuế được pháp luật quy định không hoàn toàn giống nhau ở các nước. Điều này được giải thích bởi các lí do sau:

(i) Mỗi quốc gia có thể khẳng định quyền đánh thuế của mình dựa trên nguyên tắc đánh thuế thu nhập nhất định. Hiện nay, trên thế giới có ba nguyên tắc đánh thuế thu nhập chủ yếu đó là: đánh thuế theo quốc tịch; đánh thuế theo phạm vi lãnh thổ (đánh thuế dựa vào nguồn phát sinh thu nhập); đánh thuế theo yếu tố cư trú của đối tượng nộp thuế. Mỗi quốc gia có thể sử dụng một hoặc hai hoặc cả ba nguyên tắc đánh thuế thu nhập nêu trên. Chính vì có nguyên tắc đánh thuế thu nhập khác nhau nên việc quy định các khoản thu nhập chịu thuế có mức độ rộng hẹp khác nhau.

(ii) Do thuế thu nhập được tính trên cơ sở thu nhập phát sinh. Đe thu được thuế thu nhập thì Nhà nước phải quản lí và kiểm soát được các khoản thu nhập phát sinh của đối tượng nộp thuế. Như vậy, do trình độ, năng lực kiểm soát, quản lí thu thuế của mỗi nhà nước là khác nhau dẫn đến việc quy định các khoản thu nhập chịu thuế ở mỗi nước là khác nhau.

(iii) Xuất phát từ thực trạng kinh tế xã hội và những chính sách phát triển kinh tế xã hội mà quốc gia đó theo đuổi.

(iv) Mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia cũng ảnh hưởng đến việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập của quốc gia đó...

II- THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN LÀ THUẾ TRỰC THU

Ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hoà thu nhập xã hội nên thường gắn liền với chính sách kinh tế xã hội của nhà nước. Bỏi vậy, pháp luật thuế thu nhập ở các nước thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn, giảm thuế để bảo đảm chức năng khuyến khích của thuế thu nhập hoặc thực hiện việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế để thực hiện các mục tiêu điều tiết.

III- THUẾ THU NHẬP LÀ LOẠI THUẾ PHỨC TẠP

Thuế thu nhập có tính ổn định không cao, việc quản lí thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lí thuế thường lớn hơn so với các loại thuế khác. Đối vói thuế thu nhập, ngoài việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế còn phải xác định nguồn gốc thu nhập, địa điểm phát sinh thu nhập, thời hạn cư trú của chủ sở hữu thu nhập, tính ổn định của thu nhập... Trong phần xác định thu nhập chịu thuế, phải xác định được các khoản khấu trừ hợp lí để tiến hành khấu trừ khi tính thuế nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng và khuyến khích đối với đối tượng nộp thuế.

IV- NGUỒN LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THUẾ THU NHẬP

Nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia và cả luật quốc tế. Bởi thuế thu nhập là thuế trực thu nên nó là đối tượng được điều chỉnh bởi hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thuế Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Bản chất và đặc điểm của thuế thu nhập

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.41271 sec| 969.336 kb