Các cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế

01/03/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Trong pháp luật thực định cũng như trong thực tiễn giải quyết tranh chấp ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết các tranh chấp, cho dù phát sinh trong đời sống dân sự hay thương mại, lao động hay hành chính... trước hết được các bên ưu tiên giải quyết bằng cơ chế tự thương lượng hoặc hoà giải. Nếu không thương lượng được, các bên mới sử dụng đến cơ chế khởi kiện tại toà án hoặc trọng tài. Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế cũng quy định các cơ chế giải quyết tranh chấp về thuế theo nguyên lý này.

1- Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế bằng thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính về thuế 

Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế bằng thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại, thực chất là việc giải quyết tranh chấp bằng con đường tự thương lượng giữa các bên. Tuy  nhiên, không hoàn toàn giống như cơ chế thương lượng trong quá trình giải quyết các loại tranh chấp khác về dân sự, thương mại hay lao động, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong tranh chấp về thuế giữa người nộp thuế và người thu thuế được thực hiện bằng các thủ tục mang tính chất hành chính, theo quy định của Luật khiếu nại.

Theo cơ chế này, các thủ tục lập và gửi đơn khiếu nại, thủ tục xét và trả lời đơn khiếu nại đều có giá trị bắt buộc phải tuân thủ đối với các bên tranh chấp và các bên không được phép tự thoả thuận để giảm bớt bất cứ thủ tục nào.

Theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam, quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại về thuế bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

[a] Đơn khiếu nại và nộp đơn khiếu nại

Đơn khiếu nại là bằng chứng thể hiện ý chí của người khiếu nại, do đó thường được lập bằng văn bản có chữ kí, con dấu (nếu có) của người khiếu nại. về nguyên tắc, đơn khiếu nại phải do chính người nộp thuế hoặc người được uỷ quyền hợp lệ của người nộp thuế lập phù hợp với hình thức và nội dung do pháp luật quy định thì mới được chấp nhận bởi người nhận đơn khiếu nại. Thông thường, đơn khiếu nại về thuế phải hội đủ các yếu tố pháp lí cơ bản như: tên gọi và nơi cư trú (hoặc noi đặt trụ sở) của người khiếu nại; cơ quan thuế bị khiếu nại; chỉ rõ quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại; lí do khiếu nại; các yêu cầu cụ thể của người khiếu nại cần được giải quyết bởi cơ quan nhận đơn khiếu nại; chữ kí và con dấu (nếu có) của người đứng đơn khiếu nại.

Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, trong thời hạn khiếu nại theo luật định (90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính), người nộp thuế phải đệ đơn khiếu nại cho cơ quan thuế đã ra thông báo thuế hoặc đã ban hành quyết định xử lí về thuế. Trong trường hợp vì các trở ngại khách quan khiến cho người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại của mình thì về nguyên tắc, khoảng thời gian đương sự gặp trở ngại khách quan không được tính vào thời hiệu khiếu nại.

Để có đầy đủ căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại, ngoài đơn khiếu nại, pháp luật đòi hỏi người nộp thuế phải gửi kèm theo các giấy tờ cần thiết như bản chính hoặc bản sao tờ thông báo thuế hoặc tờ quyết định xử lí về thuế đã nhận được từ cơ quan thuế mà đương sự cho là trái pháp luật. Nếu quá hạn trên mà đơn khiếu nại về thuế chưa được gửi cho cơ quan thuế có thẩm quyền nhận đơn thì người nộp thuế sẽ mất quyền khiếu nại.

[b] Thủ tục giải quyết đơn khiếu nại lần đầu

Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011, cơ quan thuế nhận được đơn khiếu nại về thuế phải thụ lí đơn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại (trừ các trường hợp đơn khiếu nại không được thụ lí) và giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lí hồ sơ khiếu nại. Đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn đó có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lí; ở các địa phương vùng sâu, vùng xa đi  lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lí; đối vối những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lí.

Trong quá trình thụ lí đơn và giải quyết khiếu nại, cơ quan thuế nhận khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại. Nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu thì cơ quan thuế nhận đơn có quyền từ chối xem xét giải quyết khiếu nại. Trong thời gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại, người nộp thuế vẫn phải chấp hành thông báo thuế hoặc quyết định xử lí về thuế đã nhận được. Việc giải quyết khiếu nại kết thúc khi cơ quan thuế thụ lí hồ sơ khiếu nại đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong trường hợp người nộp thuế lựa chọn giải pháp tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế đã giải quyết khiếu nại lần đầu thì họ phải gửi đơn khiếu nại tiếp lên cơ quan có thẩm quyền nhận đơn để giải quyết khiếu nại lần hai, kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu liên quan (nếu có), về nguyên tắc, việc giải quyết khiếu nại lần hai sẽ được thực hiện theo thủ tục như quy định đối với việc giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trong trường hợp người nộp thuế lựa chọn giải pháp khởi kiện vụ án hành chính về thuế ra toà án có thẩm quyền thì hành vi khởi kiện này sẽ bắt đầu một phương thức giải quyết mới đối với tranh chấp về thuế, đó là cơ chế tranh tụng tậi cơ quan tài phán hành chính (toà án).

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

2- Giải quyết tranh chấp về thuế bằng thủ tục tranh tụng tại toà hành chính

Khác với cơ chế giải quyết tranh chấp về thuế bằng thủ tục hành chính (thủ tục giải quyết khiếu nại), việc giải quyết tranh chấp về thuế bằng thủ tục tố tụng tại toà án bắt buộc phải được thực hiện theo một quy trinh riêng mang tính chất tranh tụng giữa các bên tranh chấp, gọi là tố tụng hành chính.

ở Việt Nam hiện nay, quy trình tố tụng hành chính được quy định bởi Luật tố tụng hành chính năm 2015. Theo Luật này, việc giải quyết tranh chấp về thuế tại toà hành chính cần lưu ý những vấn đề cơ bản sau đây:

[a] Thẩm quyền xét xử các tranh chấp về thuế của toà án

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015, việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế thuộc thẩm quyền của toà án. Quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thuế có thể bị khiếu kiện bởi người nộp thuế được hiểu là quyết định bằng văn bản hoặc hành vi của cơ quan có thẩm quyền thu thuế hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan thu thuế, được ban hành hay thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hoặc cá nhân công chức đó theo quy định của pháp luật.

[b] Các chủ thể tham gia vào quan hệ tranh chấp trong lĩnh vực thuế

Theo quy định của pháp luật, các chủ thể này bao gồm người khởi kiện (nguyên đơn), người bị kiện (bị đơn) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong quan hệ tranh chấp về thuế, người có quyền khỏi kiện vụ tranh chấp về thuế tại toà án là người nộp thuế, về nguyên tắc, bất kì cá nhân hay tổ chức nào có tư cách là người nộp thuế, nếu cho rằng quyền và lợi ích họp pháp của mình đã bị xâm hại bởi quyết định hành chính và (hoặc) hành vi hành chính của cơ quan thu thuế hoặc của công chức có thẩm quyền trong cơ quan thu thuế thì đều có quyền khởi kiện vụ án hành chính về thuế tại toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước pháp luật.

Người bị kiện trong vụ tranh chấp về thuế là cơ quan thu thuế hoặc công chức có thẩm quyền trong cơ quan thu thuế đã ban hành quyết định hành chính hoặc đã thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại. Khi bị đối kháng bởi người nộp thuế tại toà án, người bị kiện có quyền và nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ xác thực để bác bỏ các lập luận của đối phương (người khởi kiện) đồng thời cũng để chứng minh các quyết định hành chính và hành vi hành chính của mình là đúng pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ tranh chấp về thuế là các tổ chức, cá nhân được yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách độc lập hoặc cùng với bên nguyên đơn hoặc bị đơn, khi vụ tranh chấp về thuế được khởi kiện, do họ là người có quyền lợi hay nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện hành chính về thuế.

[c] Quy trình xét xử vụ án hành chính về thuế tại toà hành chính

Giống như quy trình xét xử các vụ án hình sự, dân sự hay thương mại, việc giải quyết các vụ án hành chính về thuế cũng được thực hiện qua hai cấp xét xử, bao gồm cấp sơ thẩm và  cấp phúc thẩm. Việc khởi kiện, thụ lí vụ án, chuẩn bị xét xử, tổ chức phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Ngoài việc quy định thủ tục xét xử sơ thẩm và thủ tục phúc thẩm theo tinh thần của nguyên tắc hai cấp xét xử, pháp luật hiện hành cũng quy định các thủ tục đặc biệt cần áp dụng để giải quyết vụ án hành chính về thuế, bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.

Thủ tục giám đốc thẩm được áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính về thuế khi có một trong các căn cứ: a) Phát hiện có sự vi phạm về thủ tục tố tụng; b) Phần quyết định trong bản án và quyết định xét xử của toà án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; c) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Thủ tục tái thẩm được áp dụng khi có một trong các căn cứ như: a) Phát hiện có tình tiết mới mà đương sự đã không thể biết khi giải quyết vụ án; b) Đã xác định được lời khai của người làm chứng, lời dịch của người phiên dịch rõ ràng không đúng sự thật hay có giả mạo bằng chứng; c) Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư kí toà án cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án; d) Bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.

[d] Thủ tục giám đốc thẩm và tái thấm

Trong các phiên toà giám đốc thẩm và tái thẩm, toà án có thể phải triệu tập các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị nhằm đảm bảo quyền tham gia tố tụng của đương sự. Phán quyết cuối cùng tại phiên toà giám  đốc thẩm hoặc tái thẩm có thể được hội đồng xét xử đưa ra theo hướng:

(i) Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

(ii) Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị;

(iii)Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại;

(iv) Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trong khoa học pháp lí cũng như trong thực tiễn giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp về thuế nói riêng, thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm tuy không được xem là các “cấp xét xử” như sơ thẩm và phúc thẩm nhưng việc quy định và áp dụng các thủ tục này trong thực tiễn đã đem lại nhiều tác dụng thiết thực, góp phần nâng cao tính khách quan, chính xác và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp về thuế, trên cơ sở đó đảm bảo thoả mãn tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp và lợi ích chung của toàn xã hội.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thuế - kế toán của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Các cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Các cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66  527 527, E-mail: info@everest. org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Các cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thuế

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.34483 sec| 991.398 kb