Các hình thức đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam

05/11/2024
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Khoa học hình sự căn cứ vào những đặc điểm của mối quan hệ giữa những người đồng phạm để phân loại các hình thức đồng phạm. Vậy có những hình thức đồng phạm nào? Căn cứ vào những đặc điểm nào để phân chia hình thức đồng phạm?

Căn cứ vào đặc điểm về mặt chủ quan có thể phân loại đồng phạm thành 2 hình thức đồng phạm là đồng phạm không có thông mưu trước và đồng phạm có thông mưu trước. Căn cứ vào đặc điểm về mặt khách quan có thể phân loại đồng phạm thành 2 hình thức đồng phạm là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp.

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam, căn cứ vào đặc điểm chung về mặt khách quan và về mặt chủ quan, đồng phạm được phân loại thành 2 hình thức đồng phạm là phạm tội có tổ chức và những trường hợp đồng phạm khác (đồng phạm bình thường).

1- Phân loại theo dấu hiệu chủ quan

Theo dấu hiệu này, đồng phạm gồm hai hình thức là đồng phạm không có thông mưu trước và đồng phạm có thông mưu trước.

[a] Đồng phạm không có thông mưu trước

Đồng phạm không có thông mưu trước là hình thức đồng phạm trong đó không có sự thỏa thuận, bàn bạc trước với nhau về tội phạm mà họ cùng thực hiện.

Thuộc hình thức đồng phạm này có thể là trường hợp những người đồng phạm đồng ý với nhau về tội phạm sẽ thực hiện tại nơi tội phạm sẽ xảy ra và thực hiện ngay tội phạm đó hoặc là trường hợp đồng phạm được hình thành khi có người đang thực hiện tội phạm. Trong cả hai trường hợp này, những người đồng phạm đều không có điều kiện để bàn bạc với nhau về tội phạm mà họ cùng nhau thực hiện.

[b] Đồng phạm có thông mưu trước

Đồng phạm có thông mưu trước là hình thức đồng phạm, trong đó những người đồng phạm đã có sự thoả thuận bàn bạc trước với nhau.

Do có việc thỏa thuận, bàn bạc như vậy nên giữa những người đồng phạm có mối quan hệ phạm tội chặt chẽ hơn, có điều kiện chuẩn bị hơn, có khả năng gây thiệt hại lớn hơn, v.v...

Hình thức đồng phạm này nhìn chung nguy hiểm hơn hình thức đồng phạm không có thông mưu trước.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Phân loại theo dấu hiệu khách quan

Theo dấu hiệu khách quan, đồng phạm được chia thành hai hình thức là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp.

[a] Đồng phạm giản đơn

Đồng phạm giản đơn là hình thức đồng phạm trong đó những người cùng tham gia vào vụ phạm tội đều giữ vai trò là người thực hành.

Đây là trường hợp đồng phạm trong đó tất cả những người đồng phạm đều thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Do đều là người thực hành nên những người đồng phạm trong đồng phạm giản đơn được gọi là những người đồng thực hành.

[b] Đồng phạm phức tạp

Đồng phạm phức tạp là hình thức đồng phạm trong đó những người đồng phạm giữ các vai trò khác nhau.

Đây là trường hợp đồng phạm trong đó không chỉ có người thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà còn có người thực hiện hành vi tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức việc thực hiện hành vì được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Phạm tội có tổ chức

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015).

Với quy định về phạm tội có tổ chức trên đây, luật hình sự Việt Nam xác định có 2 hình thức đồng phạm là phạm tội có tổ chức (đồng phạm có tổ chức) và đồng phạm bình thường (các trường hợp đồng phạm khác). Đặc điểm có sự cấu kết chặt chẽ của đồng phạm có tổ chức vừa thể hiện mức độ liên kết về mặt chủ quan vừa thể hiện mức độ phân chia vai trò, nhiệm vụ cụ thể về mặt khách quan của những người đồng phạm. Trong đồng phạm có tổ chức, giữa những người đồng phạm vừa có sự liên kết chặt chẽ với nhau vừa có sự phân chia vai trò, phân công nhiệm vụ tương đối rõ rệt, cụ thể. Với tính chất như vậy, đồng phạm có tổ chức thường có những đặc điểm:

- Nhóm phạm tội được hình thành với phương hướng hoạt động có tính lâu dài, bền vững. Trong nhóm tồn tại quan hệ chỉ huy - phục tùng. Mỗi người đồng phạm đều chịu sự điều khiển chung thống nhất, đều coi và sử dụng hình thức đồng phạm là công cụ sức mạnh trong hoạt động phạm tội của mình.

- Trong hoạt động, nhóm phạm tội có sự chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ cho việc thực hiện cũng như cho việc che giấu tội phạm với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt v.v..

Với đặc điểm như vậy, đồng phạm có tổ chức có nhiều khả năng cho phép phạm tội liên tục, nhiều lần, gây ra hậu quả lớn, rắt lớn hoặc đặc biệt lớn.

Phạm tội có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tình tiết này không những được quy định chung tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của nhiều tội phạm như ở tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015), tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015), tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325 Bộ luật hình sự năm 2015)...

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ ấn hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Các hình thức đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Các hình thức đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Các hình thức đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17010 sec| 967.18 kb