Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Luật pháp quá nhẹ nhàng ít khi được tuân theo. Luật pháp quá hà khắc, hiếm khi được thi hành".
Benjamin Franklin, 1706-1790, thành viên nhóm lập pháp, Mỹ
Doanh nghiệp có hoạt động tốt hay không, có thực hiện các mục tiêu chiến lược hay không, đó là nhờ vào việc quản lý doanh nghiệp. Quản lý như một sự định hướng, đảm bảo cho các quá trình được diễn ra theo đúng mục đích đã đặt ra. Tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp tốt sẽ đảm bảo cho các hoạt động được thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, tạo ra sự phân chia rành mạch các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn từng cá nhân, bộ phận.
Quản lý nội bộ doanh nghiệp là một hệ thống các cơ chế, thông qua đó doanh nghiệp được quản lý. Những cơ chế này giúp doanh nghiệp hoạt động theo đúng mong muốn, mục đích của mình. Một doanh nghiệp không có một chế quản lý tốt sẽ không thể hoạt động tốt, không đạt hiệu quả mong muốn.
Hai yếu tố cơ bản quyết định vấn đề sống còn của doanh nghiệp - là yếu tố vốn và yếu tố con người. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu thiếu một trong hai yếu tố này. Đây cũng là hai yếu tố đưa đến sự thành công trong kinh doanh. Luật sư cần nắm được mức độ ảnh hưởng của yếu tố vốn và yếu tố con người đến hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp để tư vấn về mặt pháp luật cho các hoạt động quản lý nội bộ doanh nghiệp từ việc hình thành mô hình quản trị điều hành cho đến việc quản trị điều hành hằng ngày của doanh nghiệp. Dưới đây là một vài ảnh hưởng của yếu tố vốn chủ sở hữu đến quản lý nội bộ doanh nghiệp
Cấu trúc vốn điều lệ xác định mô hình doanh nghiệp mà các Chủ sở hữu cần hướng đến. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn của các thành viên đóng góp được xác định theo tỷ lệ góp vốn của mỗi thành viên. Trong khi đó đối với công ty cổ phần vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Việc chỉa vốn thành nhiều phần bằng nhau tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mua cổ phần được dễ dàng hơn và công ty gọi vốn cũng dễ hơn. Bên cạnh cách thức góp vốn, việc chuyển nhượng phần vốn trong các mô hình công ty cũng khác nhau.
Nếu ở công ty trách nhiệm hữu hạn, việc chuyển nhượng vốn ra ngoài cho các nhà đầu tư không phải là thành viên trong công ty chỉ được thực hiện sau khi các thành viên của công ty đã từ chối không mua lại phần vốn này. Trong khi đó, ở công ty cổ phần, các cổ đông được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, trừ một số trường hợp hạn chế theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi tư vấn cho các nhà đầu tư ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, Luật sư cần nắm được đặc điểm và nhu cầu về vốn của các nhà đầu tư.
Nếu họ không cần gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài thì tư vấn cho các chủ sở hữu thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, nếu các nhà đầu tư cần gọi vốn từ bên ngoài, chia vốn thành các phần nhỏ gọi là cổ phần để bán cho các nhà đầu tư thì nên thành lập công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thì hành căn cứ vào tỷ lệ vốn của Nhà nước góp trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn để phân loại doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có nguồn khác không phải từ sở hữu nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước đầu tư vào thì doanh nghiệp đó được gọi là doanh nghiệp nhà nước. Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước" theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự thay đổi so với trước đây: Thay vì quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khái niệm này hiện nay đã gây một số những vướng mắc khi thực hiện các quy định pháp luật có định nghĩa về vốn nhà nước. Dưới đây là một phân tích về việc áp dụng quy định thế nào là doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở số vốn sở hữu của Nhà nước nắm giữ trong doanh nghiệp đối với hoạt động đấu thầu.
Theo quy định của pháp luật đấu thầu, về nguyên tắc, phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong trường hợp dự án sử dụng một mức nhất định vốn của doanh nghiệp nhà nước (vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất). Định nghĩa mới này sẽ có tác động như thế nào đến việc triển khai các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn điều lệ.
- Sẽ không áp dụng Luật Đấu thầu?
Theo Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này sẽ được áp dụng để lựa chọn nhà thầu nhằm triển khai dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước hoặc dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 nêu ra khái niệm mới về doanh nghiệp nhà nước, một số công ty liên doanh (bao gồm cả liên doanh với nước ngoài) hay ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chiếm dưới 100% đặt ra câu hỏi, liệu các dự án đầu tư của họ có chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013 hay không? Chẳng hạn, có áp dụng Luật Đấu thầu năm 2013 để lựa chọn nhà thầu trong trường hợp dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp mà Nhà nước năm giữ 70% vốn điều lệ hay dự án có sử dụng vốn của doanh nghiệp này từ 30% trở lên trong tổng mức vốn đầu tư vào dự án (phần vốn còn lại do một doanh nghiệp khác không có sự góp vốn của Nhà nước)? Một số người cho rằng, trong các trường hợp này sẽ không áp dụng Luật Đấu thầu năm 2013 vì hai lý do:
Thứ nhất, do khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là khái niệm của pháp luật chuyên ngành nên sẽ được áp dụng để giải thích khái niệm trong Luật Đấu thầu năm 2013 và do đó doanh nghiệp này không được coi là doanh nghiệp nhà nước nên không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu năm 2013.
Thứ hai, theo Luật Đấu thầu năm 2013, vốn nhà nước không bao gồm vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong đó Nhà nước có góp vốn.
- Tỷ lệ vốn nhà nước có phải yếu tố then chốt?
Tuy nhiên, theo một sổ chuyên gia về đấu thầu, cũng có thể có cách tiếp cận khác về vấn đề này dựa trên nguồn gốc vốn sử dụng trong dự án, tức là dùng tỷ lệ vốn nhà nước sử dụng trong dự án để xác định liệu có áp dụng Luật Đấu thầu năm 2013 hay không. Nói cách khác, nếu dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì sẽ áp dụng Luật Đấu thầu năm 2013 dù Nhà nước không nắm toàn bộ vốn điều lệ của doanh nghiệp liên quan.
Đối với những doanh nghiệp có sở hữu vốn của Nhà nước, mặc dù đã tham gia “sân chơi chung” của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước, hiện đang có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề quản lý nội bộ cho đối tượng này. Khi tư vấn cho doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, các Luật sư không những quy định của Luật Doanh nghiệp mà còn những quy định của các văn bản pháp luật trên để bảo đảm tư vấn đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest
Sự chuyển dịch vốn của chủ sở hữu làm chuyển dịch về cơ cấu cơ quan quản trị điều hành doanh nghiệp: những quyết định quan trọng nhất trong công ty đều được thông qua tại Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên của doanh nghiệp và các quyết định này của công ty đều dựa trên số phiếu biểu quyết cụ thể của các thành viên và cổ đông góp vốn. Rất nhiều các quy định của công ty lấy tỷ lệ vốn của những người tham gia ra quyết định làm cơ sở cho việc xác định quyết định đó có hợp lệ không.
Chúng ta thấy tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư tỷ lệ thuận với mức độ ảnh hưởng của nhà đầu tư đối với hoạt động của doanh nghiệp... Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ càng cao thì quyền lực của nhà đầu tư càng nhiều đối với doanh nghiệp. Sự chuyển dịch đồng vốn giữa các nhà đầu tư có thể là nguyên nhân gây ra sự bất ổn định trong cơ cấu quản trị điều hành doanh nghiệp. Trên thực tế, cơ cấu tổ chức quản trị điều hành của mô hình công ty trách nhiệm hữ hạn hai thành viên trở lên tạo cảm giác khá ổn định hơn so với cơ cấu tổ chức quản trị điều hành của công ty cổ phần. Việc chuyển dịch đồng vốn từ các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn trước hết phải thực hiện việc ưu tiên cho các thành viên khác trong nội bộ công ty. Ngược lại đối với công ty cổ phần việc một cổ đông muốn bán cổ phiếu ra ngoài cho những người không phải cổ đông không bị bất kỳ sự cản trở nào, trừ trường hợp chuyển nhượng phần vốn của các cổ đông sáng lập hoặc do Điều lệ công ty quy định.
Chính vì vậy, việc thâu tóm cổ phiếu để đạt được một tỷ lệ nhất định làm cho người sở hữu có ảnh hưởng đến hoạt động trong công ty cổ phần tương đối dễ hơn so với việc mua lại phần góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Các Luật sư cần nắm thật vững tỷ lệ sở hữu phần vốn góp/cổ phiếu, tỷ lệ số phiếu và các thẩm quyền tương đương của các thành viên/cổ đông trong công ty để tư vấn cho các chủ sở hữu nên nắm giữ một tỷ lệ nào để đạt được mong muốn của mình trong công ty.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
Bên cạnh yếu tố vốn, yếu tố con người là một trong những yéu tố quan trọng ảnh hưởng đến mô hình và chất lượng quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Luật sư cần nắm được các yêu cầu của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cơ cấu chủ sở hữu đối với từng loại hình doanh nghiệp để tư vấn cho các chủ sở hữu thành lập loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Số lượng chủ sở hữu quyết định mô hình công ty và đồng thời cũng là mô hình quản trị điều hành doanh nghiệp. Trong trường hợp có một chủ sở hữu duy nhất (có thể là pháp nhân, có thể là các nhân) Luật sư tư vấn cho chủ sở hữu thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp số lượng thành viên nâng lên đến haiu, Luật sư có thể tư vấn cho doanh nghiệp thành lập công ty trách nhiệm hữ hạn hai thành viên (pháp nhân hoặc cá nhân). Công ty cổ phần chỉ được thành lập khi tói thiểu có 3 cổ đông trở lên. Khi số lượng thành viên/cổ đông lớn trên 50 người thì công ty trách nhiệm hữu hạn phải chuyển đổi thành công ty cổ phần vì công ty trách nhiệm hữu hạn không được có số lượng thành viên quá 50 người, trong khi đó số lượng cổ đông trong công ty cổ phần không giới hạn.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rất rõ trường hợp nào công ty cần có Ban kiểm soát dựa trên số lượng thành viên/cổ đông của công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên; công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải thành lập Ban kiểm soát. Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn có ít hơn 11 thành viên có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức phải bổ nhiệm kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá 5 năm.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
Quy mô hoạt động của doanh nghiệp quyết định mô hình quản trị điều hành của doanh nghiệp. Các công ty có quy mô hoạt động lớn, hoạt động trên nhiều lãnh thổ, quốc gia khác nhau hay lựa chọn các mô hình tập đoàn kinh tế dựa trên mối quan hệ của các thành viên trong tập đoàn và sự liên kết giữa các thành viên và công ty mẹ. Lợi thế về quy mô giúp các tập đoàn có thể thực hiện được các kế hoạch mà các công ty nhỏ đơn lẻ không thể thực hiện được như đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, phân tán rủi ro, tận dụng tối đa và hiệu quả các năng lực sẵn có như vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý... Tập đoàn kinh tế có thể mở rộng quy mô, phát triển thông qua chiến lược liên kết mở rộng (có thể liên kết dọc, liên kết ngang, liên kết hỗn hợp hay tham gia liên minh chiến lược với một số tập đoàn hay công ty khác để mở rộng quy mô về thị trường, bổ sung năng lực kinh nghiệm). Nhờ lợi thế về quy mô các tập đoàn kinh tế có thể áp dụng chiến lược đa dạng hóa như đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Ở Việt Nam hiện nay có hai mô hình kinh tế tập đoàn là mô hình tập đoàn công ty nhà nước và mô hình tập đoàn công ty tư nhân. Theo Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ (nay được thay thế bằng Nghị định số 69/2014/NĐ-CP) về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tê nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập trong các ngành, nghề kinh doanh như: Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến than và khoáng sản; dệt may; trồng, khai thác và chế biến cao su...
Ngoài ra, một số tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp của Việt Nam như Tập đoàn Vincom - tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu của Việt Nam, lấy hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản làm trọng tâm chiến lược, hay Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ và trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đồ gỗ nội thất, trồng và chế biến cao su, kinh doanh đầu tư bất động sản, thể dục thể thao... Với quy mô tập đoàn lớn như vậy mô hình quản trị điều hành trong đó quản lý nội bộ là một phần cơ bản, phải xây dựng một mô hình quản trị và quản lý nội bộ đặc biệt, thể hiện được mối liên hệ giữa các công ty con và công ty mẹ, giữa các thành viên trong tập đoàn, bảo đảm sự tự chủ của các thành viên, công ty con và sự tập trung thống nhất của công ty mẹ đối với công ty con.
Đối với các công ty có quy mô hoạt động nhỏ hơn tại các công ty đơn lẻ, mô hình quản trị điều hành và quản lý nội bộ được xây dựng theo mô hình quản trị điều hành của từng loại doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Các quy định này của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tham khảo và áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được Hội đồng Bộ trưởng OECD phê chuẩn lần đầu vào năm 1999 và từ đó trở thành chuẩn mực quốc tế cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, công ty và các bên có quyền lợi liên quan khác trên toàn thế giới. Năm 2004, OECD ban hành tài liệu hướng dẫn về 06 nguyên tắc quản trị công ty như: Thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả của thị trường và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý, cưỡng chế thực thì; bảo vệ, tạo điều kiện thực hiện quyền của cổ đông, thành viên công ty, bảo đảm sự đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông thành viên công ty.
IV- CHUYÊN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
Ngoài các quy định nêu trên, các quy định về quản lý nội bộ đặc thù còn được quy định căn cứ theo lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp như: tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, công chứng, luật sư... Nhìn chung, các luật chuyên ngành thường quy định dân chiêu đế áp dụng khung pháp lý về quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời, có những quy định riêng về vấn đề này. Chẳng hạn, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, hoặc Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có ít nhất 5 kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có 2 thành viên góp vốn.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm