Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên (phần 2)

Nơi không có quyền lực cộng đồng thì không có pháp luật, nơi không có pháp luật thì không có gì gọi là công bằng

- Holmes (Mỹ)

Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên (phần 2)

Yêu cầu đặt ra đối với một cách phân chia thu nhập phù hợp là nó phải hợp lý và công bằng cho tất cả các luật sư thành viên và có tính đến các yếu tố khác chẳng hạn như kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, thâm niên, phần trăm vốn góp, tầm ảnh hưởng, mối quan hệ xã hội của từng luật sư thành viên.

Bởi vì kiến thức pháp luật, trinh độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề và bước khởi đầu của từng luật sư thành viên là không giống nhau cho nên trong một chừng mực nào đó vẫn tồn tại xung đột lợi ích tiềm ẩn đâu đó giữa các luật sư thành viên.

Liên hệ

1- Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên dựa theo tỷ lệ phần trăm vốn góp

Một cách phân chia thu nhập khác cũng khá phổ biến tại Việt Nam là cách phân chia thu nhập dựa theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của từng luật sư thành viên. Cách này có phần tương đồng với cách phân chia lợi nhuận trong công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp thay vì đi theo cách công ty hợp danh (partnership) phổ biến của các công ty luật trên thế giới.

Theo cách phân chia thu nhập này, tùy vào năng lực chuyên môn, thâm niên hành nghề, kinh nghiệm làm việc trong công ty luật của bạn, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của từng luật sư thành viên mà các luật sư thành viên sẽ thỏa thuận với nhau vê' phần trăm vốn góp của từng luật sư thành viên. Theo đó, thu nhập của từng luật sư thành viên sẽ được tính bằng cách lấy tổng doanh thu trong kỳ trừ đi toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ của công ty luật của bạn, số tiền còn lại sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được chia cho các luật sư thành viên theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của mỗi người vào vốn điều lệ của công ty luật của bạn. Các luật sư thành viên sau đó sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân trên phần thu nhập mà mình nhận được (đây là thu nhập từ đầu tư vốn). Các luật sư thành viên mới tham gia vào công ty luật của bạn sau này sẽ được các luật sư thành viên cũ nhượng lại một tỷ lệ phần trăm vốn góp nào đó theo quyết định của hội đồng luật sư thành viên tại từng thời điểm.

Thuận lợi chính của cách phân chia thu nhập này là nó dễ tính toán và điều tiết được mức thu nhập của từng luật sư thành viên sao cho hợp lý nhất có thể tùy theo năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên trong thời gian đầu khi công ty luật của bạn mới thành lập và trải qua một giai đoạn hoạt động ngắn sau đó.
Tuy nhiên, cách phân chia thu nhập này cũng tồn tại một số bất lợi của nó mà sẽ có thể làm cản trở sự phát triển của công ty luật của bạn về lâu về dài như sau:

Thứ nhất, mặc dù việc phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm phần vốn góp thường được các luật sư thành viên đồng thuận một cách dễ dàng ngay từ thời điểm thành lập công ty luật của bạn, nhưng năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên không phải là điều bất biến mà nó sẽ thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào khả năng, năng lực, may mắn và sự thiết tha công việc của mỗi luật sư thành viên trong suốt quá trình hành nghề nhiều năm sau đó. Do đó, những thỏa thuận giữa các luật sư thành viên tại thời điểm thành lập công ty luật của bạn không chắc là sẽ còn hợp lý sau một thời gian chẳng hạn như từ 03 đến 04 năm sau ngày thành lập. Thực tế cho thấy, ở những thời điểm sau này, việc thảo luận để tất cả các luật sư thành viên đồng thuận cho việc thay đổi tỷ lệ vốn góp ban đầu và quyết định thay đổi tỷ lệ góp vốn như thế nào để được xem là hợp lý nhất cho tất cả các bên luôn là vấn đề khó khăn cho các luật sư thành viên. Đôi khi giữa các luật sư thành viên có thể sẽ xảy ra tranh cãi gay gắt mà không thể đi đến thống nhất về vấn đề này vì ngay từ đầu các luật sư thành viên sáng lập đã không quy định bất kỳ tiêu chí nào một cách rõ ràng cho những thay đổi như thế.

Thứ hai, bất cập về tỷ lệ phân chia thu nhập cho các luật sư thành viên không những nảy sinh sau một thời gian hoạt động mà còn có thể nảy sinh khi có các luật sư thành viên mới được mời tham gia công ty luật của bạn hay khi công ty luật của bạn đề bạt một số luật sư thành viên mới từ những luật sư là nhân viên đang làm công ăn lương của công ty luật của bạn. Trong trường hợp này, bài toán được đặt ra là các luật sư thành viên hiện tại phải nhượng lại bao nhiêu phần trăm vốn góp của mình cho các luật sư thành viên mới và ai trong số các luật sư thành viên hiện tại sẽ là người phải nhượng lại cũng như tỷ lệ phần trăm chuyển nhượng là bao nhiêu và với mức giá chuyển nhượng là bao nhiêu thì được xem là hợp lý nhất cho các bên. Trong trường hợp như vậy, sẽ không có gì bảo đảm rằng tất cả các luật sư thành viên đều sẽ đồng thuận với nhau là người nào có nhiều vốn góp hơn sẽ nhượng lại tỷ lệ phần trăm vốn góp nhiều hơn tương ứng và ngược lại.

Thứ ba, một bất lợi khác của cách phân chia thu nhập này chính là nó không giúp cho các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp ít nhất và các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp nhiều nhất có động lực phấn đấu trong hoạt động hành nghề luật sư trong công ty luật của bạn. Một điều dễ dàng nhận thấy là cả hai nhóm đối tượng luật sư thành viên này thường không chịu tập trung làm việc bởi vì mỗi đối tượng đểu có những lý do riêng để dễ dàng mất đi mục đích và động lực phấn đấu cho sự phát triển chung của công ty luật của bạn. Theo đó, những luật sư thành viên nào có phần trăm vốn góp ít nhất sẽ luôn nghĩ rằng nếu họ có làm nhiều đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng được thêm bao nhiêu tiền trong khi các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp nhiều nhất thì lại nghĩ rằng họ đâu cần phải làm nhiều như vậy, họ có làm ít thì cũng được hưởng nhiều cho nên họ có xu hướng thụ động trong công việc, cứ để cho các luật sư thành viên khác làm để rồi họ cũng được hưởng nhiều hơn.

Một bất lợi khác nữa xuất phát từ cách phân chia thu nhập này là nó có thể tạo ra tâm lý ly khai của một số luật sư thành viên, là những người có năng lực thực sự nhưng không thể thi thố tài năng của họ cũng như do họ không nhận được những thành quả tương xứng cho công sức lao động miệt mài mà họ đã phải bỏ ra cho công ty luật của bạn.

2- Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên dựa theo tỷ lệ vốn góp cộng với tiền lương

Đây là một cách biến thể của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp và hiện vẫn khá phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, bạn và các luật sư thành viên khác sẽ cùng lúc đóng hai vai trò khác nhau trong công ty luật của bạn, một là với tư cách của thành viên góp vốn và hai là với tư cách của người lao động làm thuê cho công ty luật của bạn.

Với vai trò là thành viên góp vốn, các luật sư thành viên sẽ chia nhau đồng đều lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn để dễ dàng trong việc quản lý, tính toán cho các bên cũng như tránh những bất cập của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp như trên. Còn đối với vai trò là người lao động được công ty luật của bạn giao kết hợp đồng lao động để làm việc nhận lương, các luật sư thành viên sẽ được trả lương như những người lao động bình thường khác trong công ty luật của bạn. Mức lương của từng luật sư thành viên theo đó sẽ khác nhau dựa theo một số tiêu chí đánh giá chung của hội đồng luật sư thành viên, ví dụ như so sánh về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề, thâm niên làm việc và sẽ được hội đồng luật sư thành viên quyết định dựa trên cơ sở ý kiến đa số cho từng năm Dương lịch tùy vào đánh giá năng lực làm việc của mỗi người, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm đó, tỷ lệ tăng trưởng hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn trong kỳ.

Thuận lợi của cách phân chia thu nhập này là nó giải quyết được những bất cập của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp và điều tiết được phần nào thu nhập của từng luật sư thành viên sao cho hợp lý hơn. Việc phân chia thu nhập sẽ tùy vào kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên vào lúc đầu khi công ty luật của bạn mới được thành lập và một giai đoạn phát triển từ 03 đến 04 năm sau đó.

Tuy nhiên, tương tự như các cách phân chia thu nhập khác, cách phần chia thu nhập này vẫn có một số nhược điểm mà làm cản trở sự phát triển của công ty luật của bạn về lâu về dài như sau:

Xác định mức tiền lương như thế nào cho hợp lý đối với từng luật sư thành viên là một việc không hề dễ dàng và đòi hỏi phải có các tiêu chí đánh giá rõ ràng và chi tiết được các luật sư thành viên đồng thuận ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong thực tế sẽ rất khó để có thể đạt được sự đồng thuận kiểu như vậy vì nó mang nhiều tính chủ quan, một số tiêu chí lại có tính chất định tính ví dụ như kinh nghiệm chuyên môn, tầm ảnh hưởng luôn rất khó để có thể xác định và đo lường một cách chính xác được. Một giải pháp tạm thời cho vấn đê' này là hội đồng luật sư thành viên của công ty luật của bạn sẽ chỉ xác định mức tiền lương của từng luật sư thành viên vào năm đầu tiên hoạt động của công ty luật của bạn. Đối với những năm tiếp theo, mức lương này sẽ được tăng lên hoặc giảm xuống tùy vào tỷ lệ lạm phát do Chính phủ Việt Nam công bố và mức độ mang doanh thu từ các khách hàng hiện hữu và khách hàng mới được mang về cho công ty luật của bạn.

Thu nhập từ tiền lương của các luật sư thành viên theo hợp đồng lao động ký với công ty luật của bạn sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế lũy tiến từng phần với mức thuế thấp nhất là 5% và cao nhất la 35%, hay nói theo cách khác, thu nhập của các luật sư thành viên càng cao thì mức thuế thu nhập cá nhân phải trả của họ sẽ tăng lên theo. Bên cạnh đó, công ty luật của bạn và chính các luật sư thành viên đó còn phải cùng nhau đóng các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm và cộng với 2% công đoàn phí theo quy định của pháp luật về công đoàn đối với tiền lương được nhận.

3- Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên dựa vào nguồn doanh thu từ các khách hàng

Một cách phân chia thu nhập khác cũng khá phổ biến tại Việt Nam là phân chia thu nhập dựa vào nguồn doanh thu từ các khách hàng mà mỗi luật sư thành viên mang về cho công ty luật của bạn. Từ đó, công ty luật của bạn sẽ trích ra một tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó từ doanh thu của các khách hàng mà luật sư thành viên mang về để trả cho luật sư thành viên đó do công sức của họ đã bỏ ra để mang khách hàng về cho công ty luật của bạn. Phần doanh thu còn lại sẽ được dùng để trang trải chi phí hoạt động của công ty luật của bạn, nếu còn dư thi sẽ chia lợi nhuận cho các luật sư thành viên góp vốn theo tỷ lệ bằng nhau.

Thuận lợi của cách phân chia thu nhập này là nó giúp kích thích việc tăng trưởng doanh thu cho công ty luật của bạn vì các luật sư thành viên buộc phải chủ động quảng cáo, tiếp thị, phát triển kinh doanh ở bên ngoài để tìm kiếm các khách hàng cũng như tìm kiếm thêm các công việc pháp lý mới từ các khách hàng hiện hữu để tạo thêm doanh thu cho công ty luật của bạn càng nhiều càng tốt nhằm tăng thêm thu nhập của chính luật sư thành viên đó.

Tuy nhiên, bất lợi chính của cách phân chia thu nhập này đó là: (i) đối với những khách hàng nào mà không phải do các luật sư thành viên mang về mà là khách hàng tự tìm đến công ty luật của bạn thông qua các công cụ tìm kiếm trên mạng ví dụ như Google, Linkedln, Facebook, Instagram, Twitter hoặc đó là những khách hàng vãng lai thì cách phân chia thu nhập này lại chưa có thể phân định một cách rõ ràng ai trong số các luật sư thành viên sẽ được giao đảm nhận các khách hàng đó và việc trích một phần doanh thu từ các khách hàng đó chia cho các luật sư thành viên sẽ được xử lý như thế nào.

Hậu quả của việc đó chính là giữa các luật sư thành viên sẽ có thể ngấm ngầm phát sinh việc tranh giành khách hàng. Trong tình huống đo, có thể các luật sư thành viên sẽ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào họ có thể mang được các khách hàng mới về cho công ty luật của bạn nhưng lại không nhiệt tình thực hiện các công việc pháp lý cho những khách hàng đó mà muốn giao lại các công việc của khách hàng đó cho các luật sư thành viên khác thực hiện hoặc ngược lại là giành luôn những khách hàng đó để họ cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm gia tăng thu nhập cho họ và những cơ hội mà họ có được từ những công việc pháp lý mới từ những khách hàng đó trong tương lai.

Bên cạnh đó, do việc cạnh tranh khốc liệt giữa các luật sư thành viên như trên, các luật sư thành viên thường sẽ không có được chuyên môn sâu rộng đối với bất kỳ lĩnh vực pháp luật đặc thù nào cả mà thay vào đó họ sẽ biết tất cả các lĩnh vực pháp luật nhưng lại không chuyên sâu. Điều này vô hình trung làm cho chất lượng dịch vụ của công ty luật của bạn ngày một đi xuống và tất yếu của việc đó chính là công ty luật của bạn ngày càng đánh mất đi lòng tin của khách hàng vào các dịch vụ pháp lý mà mình cung cấp và có khả năng một số khách hàng sẽ không còn muốn sử dụng dịch vụ pháp lý của công ty luật của bạn nữa và quan trọng hơn hết là công ty luật của bạn sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường pháp lý.

Mặc dù vẫn tồn tại một số bất cập như trên, cách phân chia thu nhập này vẫn phù hợp với những công ty luật đã qua giai đoạn khó khăn ban đầu khi mới thành lập và muốn có tăng trưởng nhanh về doanh thu trong giai đoạn phát triển ngắn hạn thường là từ 03 đến 04 năm tiếp theo. Tuy nhiên, xét về chiến lược phát triển lâu dài cho công ty luật của bạn thì cách phân chia thu nhập này cho thấy là nó không những không thúc đẩy các luật sư thành viên duy trì chất lượng dịch vụ pháp lý tốt mà còn tạo rủi ro cho sự phát triển của công ty luật của bạn trong trung và dài hạn.

4- Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên dựa trên thâm niên

Đây là cách phân chia thu nhập truyền thống vốn rất phổ biến trước đây trong các công ty luật uy tín trên thế giới. Theo đó, việc phân chia thu nhập giữa các luật sư thành viên chủ yếu dựa vào mức độ thâm niên của các luật sư thành viên trong công ty luật của bạn. Theo đó, trong công ty luật của bạn sẽ có một vài mức độ thu nhập mà sẽ tùy thuộc vào mức độ thâm niên của từng luật sư thành viên, ví dụ: thâm niên từ 01 đến 04 năm sẽ thuộc cấp độ 1; thâm niên từ 05 đến 08 năm sẽ thuộc cấp độ 2; thâm niên từ 09 đến 12 năm sẽ thuộc cấp độ 3; và trên 12 năm sẽ thuộc cấp độ 4.

Thuận lợi chính của cách phân chia thu nhập này là nó giúp gây dựng lòng trung thành của các luật sư thành viên đối với công ty luật của bạn. Thời gian làm việc của các luật sư thành viên cho công ty luật của bạn càng lâu thì thu nhập của họ càng tăng. Do đó, các luật sư thành viên sẽ cảm thấy có sự bảo đảm chắc chắn về thu nhập và công việc cho họ, họ không phải chịu áp lực lớn trong việc thường xuyên tìm kiếm doanh thu từ khách hàng, không có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các luật sư thành viên trong việc tìm kiếm hay thực hiện các công việc pháp lý của khách hàng. Mọi người chia sẻ các công việc pháp lý của khách hàng dựa trên cơ sở cùng nhau làm việc để gia tăng thu nhập chung của công ty luật của bạn và từ đó mọi người sẽ cùng nhau được hưởng thu nhập theo mức độ thâm niên của mỗi người trong công ty luật của bạn như đã được thỏa thuận trước đó.

Bất lợi chính của cách phân chia thu nhập này cũng giống như cách phân chia thu nhập đồng đều là chưa ghi nhận được sự cố gắng của từng luật sư thành viên đối với thành công chung của công ty luật của bạn. Một số luật sư thành viên sẽ có khuynh hướng ỷ lại, không chịu cố gắng vì họ cho rằng, họ có làm nhiều đến đâu thì họ cũng chỉ nhận được mức thu nhập theo số năm thâm niên của họ trong công ty luật của bạn. Một giải pháp khả dĩ để giảm bớt tác động bất lợi của cách phân chia thu nhập này là quy định một mức giới hạn nào đó về độ tuổi mà một luật sư thành viên sẽ không còn được tăng thêm thâm niên nữa ví dụ như 60 tuổi đối với luật sư thành viên nam và 55 tuổi đối với luật sư thành viên nữ, đây cũng chính là tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động và thu nhập của họ sẽ từ từ bị giảm xuống khi tuổi của họ vượt qua độ tuổi tối đa này. Thậm chí có một số công ty luật còn buộc các luật sư thành viên của họ phải nghỉ hưu khi đến một độ tuổi nào đó theo quy định nội bộ của họ, nhưng sẽ không thấp hơn tuổi hưu theo quy định của luật lao động tại thời điểm đó.

Nguồn: Sách "Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư" của Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phuoc & Partner.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Cách phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên (phần 2)

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.48067 sec| 1140.891 kb