Cách công ty luật phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên - Phần I

"Chỉ có hai lực lượng nối kết con người - sợ hãi và lợi ích" (There are only two forces that unite men - fear and interest). 

Napoleon Bonaparte, 1769 - 1821, chỉ huy quân sự và nhà lãnh đạo chính trị người Pháp

Cách công ty luật phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên - Phần I

Yêu cầu đặt ra đối với công ty luật là cách phân chia thu nhập phải hợp lý và công bằng cho tất cả các luật sư thành viên và có tính đến các yếu tố khác như kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, thâm niên, phần trăm vốn góp, tầm ảnh hưởng, mối quan hệ xã hội của từng luật sư thành viên.

Do kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề và bước khởi đầu của từng luật sư thành viên là không giống nhau, cho nên trong một chừng mực nào đó vẫn tồn tại xung đột lợi ích tiềm ẩn đâu đó giữa các luật sư thành viên.

Liên hệ

CÁC CÁCH PHÂN CHIA THU NHẬP

Luật sư làm việc độc lập
Luật sư làm việc độc lập
Hành nghề luật sư độc lập (văn phòng luật sư) không cần xem xét và lựa chọn một cách phân chia thu nhập, bởi doanh thu sau khi trừ đi chi phí hoạt động của văn phòng luật sư và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số tiền còn lại thuốc về luật sư.
Hợp tác chia sẻ chi phí
Hợp tác chia sẻ chi phí
Công ty luật được thành lập để có có tư cách pháp nhân, giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế. Chi phí hoạt động hằng tháng của công ty luật được chia đều cho tất cả các luật sư thành viên.
Các luật sư chia đều thu nhập
Các luật sư chia đều thu nhập
Cách chia đầu thu nhập phù hợp khi các luật sư thành viên trong công ty luật muốn hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn thông qua việc cùng nhau chấp nhận rủi ro và chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty luật.
Thu nhập dựa trên vốn góp
Thu nhập dựa trên vốn góp
Phân chia thu nhập dựa theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của từng luật sư thành viên - có phần tương đồng với cách phân chia lợi nhuận trong công ty trách nhiệm hữu hạn, thay vì đi theo cách công ty hợp danh (partnership).
Tiền lương cộng với lợi tức
Tiền lương cộng với lợi tức
Các luật sư thành viên có hai tư cách, vừa là thành viên góp vốn vừa là người lao động làm thuê cho công ty luật, cho nên họ được hưởng cả tiền lương và lợi tức. Đây là một biến thể của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp.
Thu nhập dựa trên doanh thu
Thu nhập dựa trên doanh thu
Công ty luật sẽ trích ra một tỷ lệ phần trăm nhất định doanh thu từ khách hàng mà luật sư thành viên mang về để trả cho luật sư thành viên đó. Phần doanh thu còn lại được dùng để trang trải chi phí hoạt động và chia lợi nhuận cho các luật sư thành viên.

I- CÁCH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ ĐỘC LẬP KHÔNG CẦN TÍNH ĐẾN THU NHẬP

Nếu bạn là luật sư quyết định sẽ hành nghề luật sư độc lập theo hình thức văn phòng luật sư, thì việc xem xét và lựa chọn một cách phân chia thu nhập phù hợp đối với bạn sẽ không cần thiết. Bởi lẽ, tất cả doanh thu nhận được từ khách hàng của văn phòng luật sư của bạn sau khi trừ đi chi phí hoạt động của văn phòng luật sư và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì số tiền còn lại chắc chắn sẽ thuộc về bạn. Bạn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân trên khoản thu nhập này, theo quy định về thuế thu nhập cá nhân cũng như không cần phải quan tâm nhiều đến những vấn đề mang tính chuyên môn về kinh tế chẳng như kế toán, thuế.

Thuận lợi chính của cách phân chia thu nhập này là bạn hoàn toàn có thể tự chủ trong điều hành hoạt động hành nghề luật sư của mình. Các yêu cầu về kế toán, thuế cũng khá đơn giản cũng như bạn không cần có sự giám sát của người thứ ba cho nên bạn có thể toàn tâm toàn ý cho công việc phát triển hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng của văn phòng luật sư của bạn.

Bất lợi chính của cách phân chia thu nhập này đó là nó không giúp cho văn phòng luật sư của bạn phát triển được, vì bạn không có người đồng hành. Nếu có bất kỳ chuyện gì bất trắc xảy ra với bạn như bệnh tật, tai nạn... thì hoạt động văn phòng luật sư của bạn cũng vì đó mà bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, văn phòng luật sư của bạn cũng không thể giải quyết nhiều vụ việc pháp lý của khách hàng cùng một lúc vì chỉ có một mình bạn hành nghề luật sư cho nên bạn không thể quán xuyến hết tất cả mọi việc cùng một lúc.

Bên cạnh đó, bạn cũng bị hạn chế trong việc phát triển năng lực chuyên môn do phải thực hiện nhiều loại công việc pháp lý khác nhau của khách hàng nhưng lại không có đủ kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề chuyên sâu ở một số lĩnh vực pháp luật nào đó mà không thuộc sở trường của bạn cũng như văn phòng luật sư của bạn sẽ không thể thu hút được nhân tài vì những người đó không thấy được sự phát triển tương lai nghề nghiệp của họ khi làm việc cho văn phòng luật sư của bạn... và còn nhiều thứ bất lợi khác nữa.

Xem thêm: Cách các công ty luật phân chia thu nhập cho các luật sư thành viên - Phần II

Cách hành nghề Luật sư độc lập không cần tính thu nhập

II- CÁCH CÁC LUẬT SƯ HỢP TÁC TRÊN CƠ SỞ CHIA SẺ CHI PHÍ

Cách phân chia thu nhập dựa trên cơ sở chia sẻ chi phí chung là cách phân chia thu nhập phổ biến của các công ty luật vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay. Theo cách phân chia thu nhập này, dù bạn vẫn sẽ thành lập công ty luật của bạn dưới dạng công ty luật trách nhiệm hữu hạn hay công ty luật hợp danh để có tư cách pháp nhân cho mục đích giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng và xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho họ theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí hoạt động hằng tháng của công ty luật của bạn sẽ được chia đều cho tất cả các luật sư thành viên trong công ty luật của bạn. Thuận lợi của cách phân chia thu nhập này là việc tính toán thu nhập giữa các luật sư thành viên sẽ đơn giản và dễ dàng.

Tuy nhiên, bất lợi chính của nó là việc tính bình quân chi phí cho từng luật sư thành viên, dù trên thực tế mỗi luật sư thành viên sẽ sử dụng các tài nguyên của công ty luật của bạn khác nhau cho nên về lâu về dài nó sẽ tạo hiềm khích, so sánh chi phí giữa các luật sư thành viên và từ đó có thể dễ dẫn đến những tranh chấp nội bộ không đáng có.

Một biến thể của cách phân chia thu nhập này là tất cả chi phí của công ty luật của bạn sẽ được phân chia theo tỷ lệ thuận dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu mà một luật sư thành viên mang về cho công ty luật của bạn. Theo đó, nếu một luật sư thành viên nào đó mang được doanh thu khách hàng về nhiều hơn so với các luật sư thành viên khác thì đồng nghĩa với việc người đó sẽ được xem là đã sử dụng nhiều tài nguyên của công ty luật hơn những luật sư thành viên khác và sẽ hợp lý nếu người đó phải chịu chi phí nhiều hơn những luật sư thành viên còn lại theo tỷ lệ doanh thu mà luật sư thành viên đó mang về cho công ty luật của bạn.

Ngoài ra, ngoài các vị trí nhân sự hỗ trợ cần có trong công ty luật của bạn mà các luật sư thành viên nhất trí tuyển dụng ví dụ như tiếp tân, kế toán, từng luật sư thành viên trong công ty luật của bạn cũng có thể tự thuê mướn thêm các nhân viên hỗ trợ để phụ giúp cho các công việc riêng của họ và tự trả chi phí tiền lương cho những người đó.

Để có cơ sở tính toán việc phân chia chi phí trong trường hợp này, từng luật sư thành viên buộc phải kê khai trung thực tổng số phí dịch vụ pháp lý mà họ thu được từ các khách hàng của họ để làm cơ sở tính toán tỷ lệ chi phí mà mỗi luật sư thành viên phải chịu hàng tháng. Hơn thế nữa, việc phân chia chi phí dựa trên số tiền doanh thu của từng luật sư thành viên cũng không phải luôn luôn là hợp lý mà vẫn có khả năng một số luật sư thành viên sẽ không hài lòng với cách tính như vậy và vẫn có thể xảy ra tranh chấp giữa các luật sư thành viên về vấn đề này.

Thuận lợi chính của cách phân chia thu nhập này chính là bạn không phải mất nhiều thời gian để tính toán và phân chia thu nhập cho từng luật sư thành viên vì theo cách này mỗi luật sư thành viên phải tự chịu trách nhiệm đối với các khách hàng của mình cũng như sẽ chủ động trong việc kiểm soát thu nhập của họ trên cơ sở “làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít”. Vì các khoản phải thu từ khách hàng là thu nhập của các luật sư thành viên cho nên họ luôn có động lực trong việc thu tiền khách hàng thay vì ỷ lại vào nhân viên kế toán của công ty luật của bạn. Các luật sư thành viên cũng sẽ có xu hướng sử dụng tiết kiệm các tài nguyên của văn phòng để không làm ảnh hưởng đến chi phí chung của công ty luật của bạn.

Ngoài ra, các luật sư thành viên cũng có thể nhượng lại cho nhau một số khách hàng nào đó của họ để lấy phí giới thiệu nếu họ quá bận rộn cho các công việc pháp lý của các khách hàng khác mà không thể đảm nhận công việc pháp lý mới của khách hàng của họ được, hay có thể vì lý do năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, xung đột lợi ích hoặc một lý do nào đó mà họ lại không muốn hoặc không thể đảm nhận các công việc pháp lý mới của các khách hàng của họ.

Tuy nhiên, bất lợi chính của cách phân chia thu nhập này chính là:

(i) Việc phân chia chi phí văn phòng sẽ vẫn dựa trên cơ sở phân bổ đồng đều, không có sự phân biệt hợp lý giữa những luật sư thành viên sử dụng nhiều và những luật sư thành viên sử dụng ít các tài nguyên của văn phòng, bao gồm nhân sự, điện, nước, văn phòng phẩm... do số lượng các công việc pháp lý của khách hàng và doanh thu của mỗi luật sư thành viên tại từng thời điểm là khác nhau;

(ii) Không ai trong số các luật sư thành viên quan tâm đến việc quản lý, điều hành và phát triển công ty luật của bạn, đặc biệt là những mục tiêu phát triển trung và dài hạn, họ thường thiếu gắn kết, mạnh ai nấy làm các công việc của văn phòng theo ý riêng của họ, không có biểu mẫu chung của các tài liệu văn phòng thống nhất nội bộ hay nếu có thì cũng chưa chắc là mọi người đểu sẽ đồng thuận sử dụng theo. Các vấn đề quan trọng trong quản trị công ty luật của bạn chẳng hạn như tuyển dụng nhân sự, huấn luyện nhân viên, phát triển kinh doanh chung sẽ không có ai chịu trách nhiệm chính và thường bị bỏ ngỏ dẫn đến hệ quả đó là công ty luật của bạn sẽ bị giậm chân tại chỗ, không có nhiều cơ hội phát triển, không ai trong các luật sư thành viên mặn mà đến việc tìm kiếm các công việc pháp lý mới của khách hàng mà không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Nói tóm lại, cách phân chia thu nhập này tiềm ẩn không ít rủi ro đó là các luật sư thành viên có thể chấm dứt hợp tác vào bất kỳ lúc nào vì mọi người không có nhiều thứ ràng buộc để giữ chân nhau trong công ty luật của bạn.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

Cách hợp tác trên cơ sở chia sẻ chi phí

III- CÁCH CÁC LUẬT SƯ THÀNH VIÊN CHIA THU NHẬP ĐỀU NHAU

Theo cách phân chia thu nhập này, nếu bạn và các luật sư thành viên khác trong công ty luật của bạn muốn hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn thông qua việc cùng nhau chấp nhận rủi ro và chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn thì việc thành lập công ty luật hợp danh hay công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ là sự chọn lựa thích hợp để các bên cân nhắc. Tuy nhiên, giữa hai hình thức hoạt động vừa nếu thì hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nên được xem xét lựa chọn vì tính chất hữu hạn và đối vốn của nó.

Việc áp dụng hình thức phân chia thu nhập nào cho hợp lý đối với loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà có thể giúp tạo sự bình đẳng, ghi nhận hợp lý công sức đóng góp của từng cá nhân luật sư thành viên sẽ luôn là bài toán không hề dễ dàng hay có thể nói là rất khó, đặc biệt là trong hoàn cảnh môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển như hiện nay và vấn đề này luôn gây đau đầu cho các luật sư thành viên trong các công ty luật. Trong hơn 20 năm qua, có khá nhiều công ty luật tại Việt Nam đã buộc phải chia tách để tồn tại cũng vì lý do chính là họ không thể giải quyết một cách triệt để bài toán khó này để có thể phân chia thu nhập cho các luật sư thành viên một cách hợp lý nhất.

Theo cách phân chia thu nhập đồng đểu thì toàn bộ doanh thu trong kỳ mà các luật sư thành viên mang về cho công ty luật của bạn sẽ được tổng kết lại và trừ đi toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ của công ty luật của bạn. Số tiền còn lại sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được chia đều cho các luật sư thành viên. Các luật sư thành viên sau đó sẽ để cho công ty luật của bạn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập mà họ nhận được từ công ty luật của bạn trên cơ sở của thu nhập từ đầu tư vốn.

Một biến thể của cách phân chia thu nhập này để có sự phân biệt trong việc phân chia thu nhập giữa các luật sư thành viên là sẽ tạo ra hai hoặc ba mức phân chia thu nhập giữa các luật sư thành viên, bao gồm các luật sư thành viên có kinh nghiệm và thâm niên và những luật sư thành viên còn trẻ, ít thâm niên và kinh nghiệm chuyên môn. Các luật sư thành viên trong cùng một mức phân chia thu nhập sẽ có mức thu nhập được chia bằng nhau.

Cách phân chia thu nhập này có thuận lợi đó là đơn giản và dễ tính toán cho tất cả mọi luật sư thành viên trong công ty luật của bạn. Thậm chí, ngay cả những luật sư thành viên không có nhiều kiến thức về kế toán, thuế cũng có thể hiểu rõ cách tính toán theo cách phân chia thu nhập này. Bên cạnh đó, cách phân chia thu nhập này chỉ tập trung đến việc làm thế nào để mọi luật sư thành viên có thể đạt được chỉ tiêu doanh thu chung của công ty luật của bạn hơn là việc đạt được chỉ tiêu doanh thu riêng của từng luật sư thành viên. Do đó, các luật sư thanh viên sẽ không phải chịu áp lực tìm kiếm công việc pháp lý của khách hàng để đạt được mức doanh thu mà công ty luật của bạn giao cho theo định kỳ tháng, quý, năm. Ngoài ra, cách phân chia thu nhập này cũng giúp các luật sư thành viên không phải cạnh tranh với nhau, yên tâm tập trung cho công việc, có thu nhập ổn định, có thể dành nhiều thời gian hơn cho các công việc nội bộ khác của công ty luật của bạn ví dụ như huấn luyện nhân viên, viết bài cho báo, tạp chí chuyên ngành, xuất bản sách, tham dự và nói chuyện tại hội thảo chuyên đề... ngoài việc trực tiếp tìm kiếm khách hàng để tạo ra doanh thu cho công ty luật của bạn.

Tuy nhiên, cách phân chia thu nhập này có một số bất lợi chính đó là nó hoạt động theo cơ chế chia đều thu nhập cho tất cả các luật sư thành viên mà không có ghi nhận công sức đóng góp của từng luật sư thành viên cho sự thành công chung của công ty luật của bạn, đặc biệt là những luật sư thành viên sáng lập chẳng hạn như bạn hay những luật sư thành viên làm nhiều công việc pháp lý của khách hàng hoặc có công mang được nhiều khách hàng mới vể cho công ty luật của bạn. Từ đó, cách phân chia thu nhập này có thể tạo sự ỷ lại, sức ỳ cho các luật sư thành viên, đặc biệt là đối với những luật sư thành viên nào không có khả năng tìm kiếm khách hàng hoặc năng lực chuyên môn bị hạn chế, và cũng từ đó, những luật sư thành viên giỏi, có năng lực sẽ cảm thấy bị thiệt thòi và có thể sẽ quyết định rời công ty luật của bạn để tự thành lập công ty luật riêng của họ hay tham gia vào các công ty luật khác.

Trên thực tế tại Việt Nam, cách phân chia thu nhập này ít khi được các công ty luật áp dụng hay nếu có đi chăng nữa thì họ cũng chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu khi công ty luật của họ mới được thành lập, vì ở vào thời điểm đó, đối với họ, việc duy trì sự tồn tại của công ty luật là quan trọng hơn so với việc làm sao để phân chia thu nhập một cách hợp lý giữa các luật sư thành viên. Trong giai đoạn đầu đó, lợi nhuận còn lại của công ty luật của họ thường sẽ không có nhiều hay thậm chí là bị lỗ cho nên tất cả các luật sư thành viên đều toàn tâm toàn ý trong việc thực hiện các công việc pháp lý của khách hàng để tạo doanh thu cho công ty luật của họ thay vì quan tâm xem mỗi người sẽ nhận được bao nhiêu từ thu nhập chung của công ty luật để rồi dành thời gian so đo tính toán thiệt hơn về thu nhập của minh so với những luật sư thành viên khác.

Tuy nhiên, sau một thời gian khi công ty luật của họ đã phát triển đến một mức độ quy mô lớn hơn nào đó thì cách phân chia thu nhập này sẽ cho thấy khá nhiều bất cập như được nếu ở trên và vì lẽ đó nó cần phải được thay thế bằng một trong số các cách phân chia thu nhập khác mà được cho là phù hợp hơn như được trình bày dưới đây để giúp cho công ty luật của bạn có thể phát triển lâu dài và ổn định hơn.

Nếu bạn không muốn thay đổi cách phân chia thu nhập này và vẫn muốn áp dụng nó trong một thời gian tương đối lâu dài vì những yếu tố thuận lợi của nó như trên, lời khuyên cho bạn là bạn cần bổ sung vào cách phân chia thu nhập này một số chế độ thưởng thành tích công việc cho những luật sư thành viên có thành tích tốt trong công việc chẳng hạn như mang được nhiều khách hàng mới về cho công ty luật của bạn, tạo được nhiều doanh thu hay được nhiều khách hàng khen ngợi về chất lượng cung cấp dịch vụ... Có được như vậy, cách phân chia thu nhập này mới được xem là tương đối hợp lý để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của công ty luật của bạn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Cách phân chia thu nhập đều nhau

IV- CÁCH CÔNG TY LUẬT PHÂN CHIA THU NHẬP CHO LUẬT SƯ THÀNH VIÊN DỰA TRÊN TỶ LỆ PHẦN TRĂM VỐN GÓP

Một cách các công ty luật phân chia thu nhập khác cũng khá phổ biến tại Việt Nam, đó là cách phân chia thu nhập dựa theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của từng luật sư thành viên. Cách này có phần tương đồng với cách phân chia lợi nhuận trong công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp thay vì đi theo cách công ty hợp danh (partnership) phổ biến của các công ty luật trên thế giới.

Theo cách phân chia thu nhập này, tùy vào năng lực chuyên môn, thâm niên hành nghề, kinh nghiệm làm việc trong công ty luật của bạn, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của từng luật sư thành viên mà các luật sư thành viên sẽ thỏa thuận với nhau vê' phần trăm vốn góp của từng luật sư thành viên. Theo đó, thu nhập của từng luật sư thành viên sẽ được tính bằng cách lấy tổng doanh thu trong kỳ trừ đi toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ của công ty luật của bạn, số tiền còn lại sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được chia cho các luật sư thành viên theo tỷ lệ phần trăm vốn góp của mỗi người vào vốn điều lệ của công ty luật của bạn.

Các luật sư thành viên sau đó sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân trên phần thu nhập mà mình nhận được (đây là thu nhập từ đầu tư vốn). Các luật sư thành viên mới tham gia vào công ty luật của bạn sau này sẽ được các luật sư thành viên cũ nhượng lại một tỷ lệ phần trăm vốn góp nào đó theo quyết định của hội đồng luật sư thành viên tại từng thời điểm.

Thuận lợi chính của cách phân chia thu nhập này là nó dễ tính toán và điều tiết được mức thu nhập của từng luật sư thành viên sao cho hợp lý nhất có thể tùy theo năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên trong thời gian đầu khi công ty luật của bạn mới thành lập và trải qua một giai đoạn hoạt động ngắn sau đó.
Tuy nhiên, cách phân chia thu nhập này cũng tồn tại một số bất lợi của nó mà sẽ có thể làm cản trở sự phát triển của công ty luật của bạn về lâu về dài như sau:

Thứ nhất, mặc dù việc phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm phần vốn góp thường được các luật sư thành viên đồng thuận một cách dễ dàng ngay từ thời điểm thành lập công ty luật của bạn, nhưng năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên không phải là điều bất biến mà nó sẽ thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào khả năng, năng lực, may mắn và sự thiết tha công việc của mỗi luật sư thành viên trong suốt quá trình hành nghề nhiều năm sau đó. Do đó, những thỏa thuận giữa các luật sư thành viên tại thời điểm thành lập công ty luật của bạn không chắc là sẽ còn hợp lý sau một thời gian chẳng hạn như từ 03 đến 04 năm sau ngày thành lập.

Thực tế cho thấy, ở những thời điểm sau này, việc thảo luận để tất cả các luật sư thành viên đồng thuận cho việc thay đổi tỷ lệ vốn góp ban đầu và quyết định thay đổi tỷ lệ góp vốn như thế nào để được xem là hợp lý nhất cho tất cả các bên luôn là vấn đề khó khăn cho các luật sư thành viên. Đôi khi giữa các luật sư thành viên có thể sẽ xảy ra tranh cãi gay gắt mà không thể đi đến thống nhất về vấn đề này vì ngay từ đầu các luật sư thành viên sáng lập đã không quy định bất kỳ tiêu chí nào một cách rõ ràng cho những thay đổi như thế.

Thứ hai, bất cập về tỷ lệ phân chia thu nhập cho các luật sư thành viên không những nảy sinh sau một thời gian hoạt động mà còn có thể nảy sinh khi có các luật sư thành viên mới được mời tham gia công ty luật của bạn hay khi công ty luật của bạn đề bạt một số luật sư thành viên mới từ những luật sư là nhân viên đang làm công ăn lương của công ty luật của bạn. Trong trường hợp này, bài toán được đặt ra là các luật sư thành viên hiện tại phải nhượng lại bao nhiêu phần trăm vốn góp của mình cho các luật sư thành viên mới và ai trong số các luật sư thành viên hiện tại sẽ là người phải nhượng lại cũng như tỷ lệ phần trăm chuyển nhượng là bao nhiêu và với mức giá chuyển nhượng là bao nhiêu thì được xem là hợp lý nhất cho các bên. Trong trường hợp như vậy, sẽ không có gì bảo đảm rằng tất cả các luật sư thành viên đều sẽ đồng thuận với nhau là người nào có nhiều vốn góp hơn sẽ nhượng lại tỷ lệ phần trăm vốn góp nhiều hơn tương ứng và ngược lại.

Thứ ba, một bất lợi khác của cách phân chia thu nhập này chính là nó không giúp cho các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp ít nhất và các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp nhiều nhất có động lực phấn đấu trong hoạt động hành nghề luật sư trong công ty luật của bạn. Một điều dễ dàng nhận thấy là cả hai nhóm đối tượng luật sư thành viên này thường không chịu tập trung làm việc bởi vì mỗi đối tượng đểu có những lý do riêng để dễ dàng mất đi mục đích và động lực phấn đấu cho sự phát triển chung của công ty luật của bạn. Theo đó, những luật sư thành viên nào có phần trăm vốn góp ít nhất sẽ luôn nghĩ rằng nếu họ có làm nhiều đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng được thêm bao nhiêu tiền trong khi các luật sư thành viên có phần trăm vốn góp nhiều nhất thì lại nghĩ rằng họ đâu cần phải làm nhiều như vậy, họ có làm ít thì cũng được hưởng nhiều cho nên họ có xu hướng thụ động trong công việc, cứ để cho các luật sư thành viên khác làm để rồi họ cũng được hưởng nhiều hơn.

Một bất lợi khác nữa xuất phát từ cách phân chia thu nhập này là nó có thể tạo ra tâm lý ly khai của một số luật sư thành viên, là những người có năng lực thực sự nhưng không thể thi thố tài năng của họ cũng như do họ không nhận được những thành quả tương xứng cho công sức lao động miệt mài mà họ đã phải bỏ ra cho công ty luật của bạn.

Xem thêm: Hướng dẫn về hợp đồng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest

V- CÁCH CÔNG TY LUẬT PHÂN CHIA THU NHẬP CHO LUẬT SƯ THÀNH VIÊN DỰA THEO TỶ LỆ VỐN GÓP CỘNG VỚI TIỀN LƯƠNG

Đây là một cách biến thể của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp và hiện vẫn khá phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, bạn và các luật sư thành viên khác sẽ cùng lúc đóng hai vai trò khác nhau trong công ty luật của bạn, một là với tư cách của thành viên góp vốn và hai là với tư cách của người lao động làm thuê cho công ty luật của bạn.

Với vai trò là thành viên góp vốn, các luật sư thành viên sẽ chia nhau đồng đều lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn để dễ dàng trong việc quản lý, tính toán cho các bên cũng như tránh những bất cập của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp như trên. Còn đối với vai trò là người lao động được công ty luật của bạn giao kết hợp đồng lao động để làm việc nhận lương, các luật sư thành viên sẽ được trả lương như những người lao động bình thường khác trong công ty luật của bạn. Mức lương của từng luật sư thành viên theo đó sẽ khác nhau dựa theo một số tiêu chí đánh giá chung của hội đồng luật sư thành viên, ví dụ như so sánh về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề, thâm niên làm việc và sẽ được hội đồng luật sư thành viên quyết định dựa trên cơ sở ý kiến đa số cho từng năm Dương lịch tùy vào đánh giá năng lực làm việc của mỗi người, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm đó, tỷ lệ tăng trưởng hoạt động kinh doanh của công ty luật của bạn trong kỳ.

Thuận lợi của cách phân chia thu nhập này là nó giải quyết được những bất cập của cách phân chia thu nhập theo tỷ lệ phần trăm vốn góp và điều tiết được phần nào thu nhập của từng luật sư thành viên sao cho hợp lý hơn. Việc phân chia thu nhập sẽ tùy vào kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, mức độ thâm niên, kinh nghiệm hành nghề, tầm ảnh hưởng, số lượng khách hàng của các luật sư thành viên vào lúc đầu khi công ty luật của bạn mới được thành lập và một giai đoạn phát triển từ 03 đến 04 năm sau đó.

Tuy nhiên, tương tự như các cách phân chia thu nhập khác, cách phần chia thu nhập này vẫn có một số nhược điểm mà làm cản trở sự phát triển của công ty luật của bạn về lâu về dài như sau:

Xác định mức tiền lương như thế nào cho hợp lý đối với từng luật sư thành viên là một việc không hề dễ dàng và đòi hỏi phải có các tiêu chí đánh giá rõ ràng và chi tiết được các luật sư thành viên đồng thuận ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong thực tế sẽ rất khó để có thể đạt được sự đồng thuận kiểu như vậy vì nó mang nhiều tính chủ quan, một số tiêu chí lại có tính chất định tính ví dụ như kinh nghiệm chuyên môn, tầm ảnh hưởng luôn rất khó để có thể xác định và đo lường một cách chính xác được. Một giải pháp tạm thời cho vấn đê' này là hội đồng luật sư thành viên của công ty luật của bạn sẽ chỉ xác định mức tiền lương của từng luật sư thành viên vào năm đầu tiên hoạt động của công ty luật của bạn. Đối với những năm tiếp theo, mức lương này sẽ được tăng lên hoặc giảm xuống tùy vào tỷ lệ lạm phát do Chính phủ Việt Nam công bố và mức độ mang doanh thu từ các khách hàng hiện hữu và khách hàng mới được mang về cho công ty luật của bạn.

Thu nhập từ tiền lương của các luật sư thành viên theo hợp đồng lao động ký với công ty luật của bạn sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế lũy tiến từng phần với mức thuế thấp nhất là 5% và cao nhất la 35%, hay nói theo cách khác, thu nhập của các luật sư thành viên càng cao thì mức thuế thu nhập cá nhân phải trả của họ sẽ tăng lên theo. Bên cạnh đó, công ty luật của bạn và chính các luật sư thành viên đó còn phải cùng nhau đóng các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm và cộng với 2% công đoàn phí theo quy định của pháp luật về công đoàn đối với tiền lương được nhận.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

VI- CÁCH CÔNG TY LUẬT PHÂN CHIA THU NHẬP CHO LUẬT SƯ THÀNH VIÊN DỰA VÀO NGUỒN DOANH THU TỪ KHÁCH HÀNG

Một cách phân chia thu nhập khác cũng khá phổ biến tại Việt Nam là phân chia thu nhập dựa vào nguồn doanh thu từ các khách hàng mà mỗi luật sư thành viên mang về cho công ty luật của bạn. Từ đó, công ty luật của bạn sẽ trích ra một tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó từ doanh thu của các khách hàng mà luật sư thành viên mang về để trả cho luật sư thành viên đó do công sức của họ đã bỏ ra để mang khách hàng về cho công ty luật của bạn. Phần doanh thu còn lại sẽ được dùng để trang trải chi phí hoạt động của công ty luật của bạn, nếu còn dư thi sẽ chia lợi nhuận cho các luật sư thành viên góp vốn theo tỷ lệ bằng nhau.

Thuận lợi của cách phân chia thu nhập này là nó giúp kích thích việc tăng trưởng doanh thu cho công ty luật của bạn vì các luật sư thành viên buộc phải chủ động quảng cáo, tiếp thị, phát triển kinh doanh ở bên ngoài để tìm kiếm các khách hàng cũng như tìm kiếm thêm các công việc pháp lý mới từ các khách hàng hiện hữu để tạo thêm doanh thu cho công ty luật của bạn càng nhiều càng tốt nhằm tăng thêm thu nhập của chính luật sư thành viên đó.

Tuy nhiên, bất lợi chính của cách phân chia thu nhập này đó là: (i) đối với những khách hàng nào mà không phải do các luật sư thành viên mang về mà là khách hàng tự tìm đến công ty luật của bạn thông qua các công cụ tìm kiếm trên mạng ví dụ như Google, Linkedln, Facebook, Instagram, Twitter hoặc đó là những khách hàng vãng lai thì cách phân chia thu nhập này lại chưa có thể phân định một cách rõ ràng ai trong số các luật sư thành viên sẽ được giao đảm nhận các khách hàng đó và việc trích một phần doanh thu từ các khách hàng đó chia cho các luật sư thành viên sẽ được xử lý như thế nào.

Hậu quả của việc đó chính là giữa các luật sư thành viên sẽ có thể ngấm ngầm phát sinh việc tranh giành khách hàng. Trong tình huống đo, có thể các luật sư thành viên sẽ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào họ có thể mang được các khách hàng mới về cho công ty luật của bạn nhưng lại không nhiệt tình thực hiện các công việc pháp lý cho những khách hàng đó mà muốn giao lại các công việc của khách hàng đó cho các luật sư thành viên khác thực hiện hoặc ngược lại là giành luôn những khách hàng đó để họ cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm gia tăng thu nhập cho họ và những cơ hội mà họ có được từ những công việc pháp lý mới từ những khách hàng đó trong tương lai.

Bên cạnh đó, do việc cạnh tranh khốc liệt giữa các luật sư thành viên như trên, các luật sư thành viên thường sẽ không có được chuyên môn sâu rộng đối với bất kỳ lĩnh vực pháp luật đặc thù nào cả mà thay vào đó họ sẽ biết tất cả các lĩnh vực pháp luật nhưng lại không chuyên sâu. Điều này vô hình trung làm cho chất lượng dịch vụ của công ty luật của bạn ngày một đi xuống và tất yếu của việc đó chính là công ty luật của bạn ngày càng đánh mất đi lòng tin của khách hàng vào các dịch vụ pháp lý mà mình cung cấp và có khả năng một số khách hàng sẽ không còn muốn sử dụng dịch vụ pháp lý của công ty luật của bạn nữa và quan trọng hơn hết là công ty luật của bạn sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường pháp lý.

Mặc dù vẫn tồn tại một số bất cập như trên, cách phân chia thu nhập này vẫn phù hợp với những công ty luật đã qua giai đoạn khó khăn ban đầu khi mới thành lập và muốn có tăng trưởng nhanh về doanh thu trong giai đoạn phát triển ngắn hạn thường là từ 03 đến 04 năm tiếp theo. Tuy nhiên, xét về chiến lược phát triển lâu dài cho công ty luật của bạn thì cách phân chia thu nhập này cho thấy là nó không những không thúc đẩy các luật sư thành viên duy trì chất lượng dịch vụ pháp lý tốt mà còn tạo rủi ro cho sự phát triển của công ty luật của bạn trong trung và dài hạn.

Xem thêm: Quy chế tài chính công ty Luật TNHH Everest

Phạm Nhật Thăng - điều phối marketing online của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (Tham khảo: Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư của Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Cách công ty luật phân chia thu nhập cho Luật sư thành viên - Phần I

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.78097 sec| 1215.727 kb