Căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015, các căn cứ quyết định hình phạt bao gồm:
- Các quy định của Bộ luật hình sự
- Nhân thân người phạm tội
- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
1- Các quy định của Bộ luật hình sự
[a] Các quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015
Khi quyết định hình phạt, toà án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để lựa chọn loại và xác định mức hình phạt cụ thể áp dụng đối với người phạm tội. Các quy định này bao gồm:
- Các quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015:
+ Quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Quy định về nguyên tắc xử lí đối với người phạm tội (khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Các quy định về hình phạt đối với người phạm tội (Điều 30 đến Điều 45 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Các quy định về biện pháp tư pháp đối với người phạm tội (Điều 46 đến Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Các quy định về căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội (Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015), về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015), về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015), về tái phạm, tái phạm nguy hiểm (Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015);
+ Các quy định về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể (từ Điều 54 đến Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015).
[b] Các quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015
Đó là các quy định về khung hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung cho từng tội phạm.
Việc xác định "các quy định của Bộ luật này" là căn cứ đầu tiên của quyết định hình phạt được xem như sự đảm bảo để thực hiện nguyên tắc pháp chế trong quyết định hình phạt đối với người phạm tội đồng thời cũng để thực hiện các nguyên tắc khác của luật hình sự, vì trong các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 đã thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đó.
Từ căn cứ thứ nhất này, tòa án xác định được khung hình phạt cần áp dụng cho người phạm tội (trong trường hợp không được miễn hình phạt theo Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015).
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Các khung hình phạt được xây dựng chủ yếu dựa trên tính chất nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm nhưng khi quyết định hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt được xác định, tòa án vẫn phải cân nhắc tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quyết định hình phạt cho người phạm nhiều tội hoặc cho nhiều người phạm nhiều tội. Hình phạt cụ thể được quyết định mặc dù chỉ trong phạm vi khung hình phạt cho phép nhưng phải tương xứng với tính chất nguy hiểm của từng tội phạm trong sự so sánh với những tội phạm khác. Có như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất trong quyết định hình phạt đối với tất cả các hành vi phạm tội.
Cân nhắc mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt sẽ đảm bảo được tính thống nhất và sự công bằng trong quyết định hình phạt đổi với các trường hợp phạm tội khác nhau của cùng tội phạm. Vì quyết định hình phạt là quyết định trong phạm vi khung hình phạt cho phép nên có quan điểm cho rằng quyết định hình phạt chủ yếu căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Mức độ đó phụ thuộc trước hết vào những yếu tố sau:
- Tính chất của hành vi phạm tội như thủ đoạn, công cụ, phương tiện, hình thức thực hiện...;
- Tính chất và mức độ của hậu quả đã gây ra hoặc đe doạ gây ra;
- Mức độ lỗi như tính chất của động cơ, quyết tâm phạm tội...;
- Hoàn cảnh phạm tội;
- Những tình tiết về nhân thân có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Nhân thân người phạm tội
Đây cũng là căn cứ thể hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong luật hình sự Việt Nam. Nguyên tắc này đòi hỏi tòà án khi quyết định hình phạt phải xác định loại và mức hình phạt cụ thể không chỉ tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn phù hợp với những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội để đảm bảo hình phạt đã tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục người phạm tội.
Ngay trong các quy định của Bộ uật hình sự năm 2015 thuộc căn cứ thứ nhất, yêu cầu trên cũng đã được cụ thề hóa. Đặc biệt trong các quy định về mục đích của hình phạt, về điều kiện áp dụng các hình phạt và về quyết định hình phạt, nhiều đặc điểm nhân thân của người phạm tội được quy định là điều kiện cho phép hoặc giới hạn việc áp dụng hình phạt (như quy định của khoản 1 Điều 36; Điều 39, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015..) hoặc được quy định là những tình tiết cần phải được cân nhắc khi quyết định hình phạt (như quy định của các điều 51, 52 Bộ luật hình sự năm 2015...).
Do một số đặc điểm nhân thân của người phạm tội cũng ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên việc cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt cũng có nghĩa là cân nhắc những đặc điểm nhân thân đó của người phạm tội.
Như vậy, trong căn cứ thứ nhất và căn cứ thứ hai đã chứa đựng một phần nội dung của căn cứ thứ ba. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải xác định nhân thân người phạm tội là căn cứ độc lập để khi quyết định hình phạt, tòa án phải cân nhắc trong tổng thể các đặc điểm nhân thân của người phạm tội liên quan đến hành vi phạm tội cũng như khả năng đạt được mục đích của hình phạt. Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội cần cân nhắc trong tổng thể là những đặc điểm nhân thân sau:
- Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội có ảnh hướng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không, là người chưa đủ 18 tuổi hay đủ 18 tuổi..;
- Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh khả năng giáo dục họ như có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay có thái độ ngoan cố...;
- Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ như là người bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ hoặc là người có hoàn cảnh bản thân hay gia đình đặc biệt khó khăn...
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lình vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
4- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự
Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự được nêu trong căn cứ này là những tình tiết đã được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể được phân loại thành ba nhóm khác nhau:
- Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (làm mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống hoặc tăng lên đáng kể);
- Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục người phạm tội;
- Các tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội.
Như vậy, các tình tiết này đã thuộc về nội dung của căn cứ thứ hai và thứ ba. Mặc dù vậy, luật hình sự Việt Nam vẫn coi các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là căn cứ quyết định hình phạt độc lập để khi quyết định hình phạt, tòa án phải cân nhắc riêng các tình tiết này (nếu có) trong mỗi liên hệ với toàn bộ vụ án để quyết định giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự trong phạm vi khung hình phạt cho phép.
Về tính chất pháp lý của các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, cần lưu ý như sau:
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không chỉ là những tình tiết được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn có thể là tình tiết khác được tòa án xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để cân nhắc khi quyết định hình phạt.
- Trái lại, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ có thể là những tình tiết được xác định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.
- Các tình tiết giảm nhẹ, tăng năng trách nhiệm hình sự được xác định tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 là có tính chất chung và chỉ được phép áp dụng đối với tội phạm cụ thể khi tình tiết đó chưa được quy định là dấu hiệu định tội cũng như là dấu hiệu định khung hình phạt của tội phạm đó.
- Hầu hết các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự mới chỉ được liệt kê mà chưa được mô tả cụ thể, trừ tình tiết tăng nặng tái phạm và tái phạm nguy hiểm được quy định cụ thể tại Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015. Việc xác định nội dung của một số tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể dựa vào nội dung quy định của một số điều luật trong Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015 như tình tiết phạm tội có tổ chức, phạm tội trong trưởng hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và phạm tội trong trưởng hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội v.v.. Các tình tiết này được giải thích qua các qui định về đồng phạm (Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015), về phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015), về tình thế cấp thiết (Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015), về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015)... Đối với các tình tiết khác, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì tòa án phải tự xác định khi áp dụng.
Dựa vào quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và thực tiễn áp dụng luật hình sự, có thể phân loại, khái quát nội dung cũng như ý nghĩa của các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm